"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 29. Dezember 2010

Tiếng Cú

Tưởng Năng Tiến

Nghĩ cho cùng họ vẫn đáng tha thứ hơn là trừng phạt. Hơn nữa, hơn nửa thế kỷ qua, có người dân Việt nào dám tự hào nói rằng mình hoàn toàn (và tuyệt đối) không bị ảnh hưởng, hay lây nhiễm tính vô cảm và thói bạc ác của chế độ hiện hành?
Trong biên bản hội thảo “Góp ý với Văn kiện đại hội Đảng CSVN”, đọc được trên Đàn Chim Việt Online – vào ngày 11 tháng 11 năm 2010 – TS Lưu Bích Hồ đã nêu lên mấy câu hỏi, cùng với câu trả lời, dễ ợt:

“Nền tảng của xã hội ta là gì? Tôi xin hỏi ý kiến các anh? Đảng có dựa vào công nhân không? Có dựa vào nông dân không? Tôi nghĩ không? Vậy dựa vào cơ sở nào? Có dựa vào trí thức không? Cũng không nốt!”

- Ủa, nói vậy thì Đảng dựa vào cái gì cà?

Tui cũng làm bộ hỏi (theo) cho vui vậy thôi, chớ ở Việt Nam thì ngay cả trẻ em cũng biết là Đảng dựa vô “cái gì” rồi? Không tin hỏi thử em Dương Đình Hiếu học sinh lớp 8A, Trường THCS Xuân Phương, huyện Phú Bình là biết liền hà.

Theo báo Lao Động: “Chiều 24.11, em cùng các bạn trong lớp lao động dọn dẹp vệ sinh sân trường. Trong quá trình dọn dẹp em và các bạn có đùa nghịch, té nước vào nhau. Khi đó ông T. là Trưởng CA xã có mặt tại đó quát nhưng em vẫn té nước. Không ngờ, ông T. đã lao đến tát và bóp cổ em. Vừa nói, Hiếu vừa chỉ cho chúng tôi vết xước dài còn hằn trên cổ. Tức giận vì bị tấn công bất ngờ, Hiếu vùng thoát rồi có lời lẽ không hay với ông T...“


“Ông T. đuổi theo nhưng không bắt được Hiếu, người đàn ông tự xưng là trưởng CA xã đã gọi thêm người dùng xe máy đuổi theo Hiếu đến tận ruộng ngô. Khi bắt được, Hiếu đã bị trói quặt cánh gà rồi dẫn về trụ sở CA xã.”


“Theo tường trình của Hiếu, tại CA xã ông T. tiếp tục đấm, đá rồi lấy dùi cui nện liên tục vào lưng. Đến khi tỉnh lại, Hiếu thấy mình nằm trên giường trong trụ sở CA xã.”


“Đến khoảng 17h00 cùng ngày, ông Dương Văn Viễn là ông của Hiếu nhận được thông báo đã ra trụ sở CA xã nhận cháu về. Nhưng trước đó, Hiếu bị buộc phải viết tường trình nhận lỗi.”


“Ông Viễn cho biết: “Đến ngày hôm sau (25.11) Hiếu kêu đau đầu, đau lưng, có biểu hiện hoảng loạn nên gia đình đã đưa đi bệnh viện.”

Trong suốt cuộc đời còn lại, em Hiếu e sẽ còn nhiều lần bị “hoảng loạn” và được đưa đi “bệnh viện” (nữa) vì ngoài công an xã, công an khu vực, công an phường, công an huyện, công an tỉnh, công an thành phố, công an thủ đô – mai hậu – em sẽ phải đối mặt với đủ kiểu, đủ cỡ, và đủ loại công an khác nữa: công an văn hoá, công an giao thông, công an mạng, công an vũ trang, công an kinh tế, công an tôn giáo, công an biên phòng, công an phòng chống tội phạm, công an môi trường, công an an ninh, công an hình sự, công an tư pháp, công an hải quan, công an phi trường, công an bến cảng, công an nhà văn, công an nhà báo…

Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có một ông Bộ Trưởng Công An cùng với mười ông thứ trưởng, và hàng trăm ông sĩ quan cấp tướng, lãnh đạo đủ mọi ban ngành liên hệ. Họ được nhà văn Dương Thu Hương gọi (chung) là “bầy chó berger của chế độ.”

Cái “bầy” này chỉ là phần nổi, và chắc là phần nhỏ, của tảng băng sơn. Còn lực lượng công an chìm, và công an tự phát thì (ôi thôi) không biết bao nhiêu mà kể. Nói tóm lại ở nước ta nơi đâu có ruồi là ở đó có công an – kể cả chùa chiền, giáo đường, miếu đền, hay thánh thất!

Chính sách công an trị không chỉ hiện hành tại Việt Nam. Những nước XHCN anh em khác – Bắc Hàn, Cu Ba, Trung Cộng… – cũng áp dụng thể chế tương tự và đều (có vẻ) thành công tốt đẹp!

Chưa ai nghe nói đến một cuộc đình công hay biểu tình nào ráo (trọi) ở Cu Ba, hay Bắc Hàn. Ở Trung Cộng thì những vụ “khiếu kiện đông người” tuy có xẩy ra nhưng vô cùng hạn hữu, và đều được giải quyết (đẹp) trong một thời gian kỷ lục. Những nhân vật đối lập hay bất đồng chính kiến, tất nhiên, đều hiếm hoi như… lá mùa thu!

Lực lượng công an ở Việt Nam – tiếc thay – không (còn) có khả năng trị an một cách hữu hiệu tương tự. Ở xứ sở này, chuyện đình công cũng như khiếu kiện xẩy ra như cơm bữa. Còn những nhân vật bất đồng chính kiến thì lại xuất hiện hơi nhiều – dù giới người này vẫn bị bắt bớ, giam cầm, hay sách nhiễu đều đều.

Vụ án mới nhất mới diễn ra ngày ngày 26 tháng 10 năm 2010. Sáng hôm đó, toà án tỉnh Trà Vinh đã kết án ba nhà sáng lập Công Đoàn Tự Do – Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh – tổng cộng 23 năm tù với tội danh là “lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động và tiền lương của công nhân để tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình.” (Chúng tôi xin trở lại vấn đề này, trong một bài viết khác, cũng trên diễn đàn này.)

Và người bị bắt giữ mới nhất (vào ngày 4 tháng 11 năm 2010) là luật sư Cù Huy Hà Vũ. Về sự kiện này, bỉnh bút Ngô Nhân Dụng của nhật báo Người Việt – phát hành từ California, hôm 9 tháng 11 năm 2010 – đã bình luận như sau:

“Ðảng ra tay bắt Cù Huy Hà Vũ, nhưng vụ bắt bớ này lại được đạo diễn rất vụng về, ngớ ngẩn, có thể gọi là lố bịch!”

“Nhiều người Việt Nam thấy thế rất buồn. Ðây là một bằng cớ cho thấy ngay cả bộ máy công an cũng bất lực thê thảm! Ðáng buồn, vì xưa nay công an là guồng máy chạy tốt nhất ở trong đảng Cộng Sản Việt Nam. Kỹ sư công chánh có thể xây cầu chưa xong đã sập. Bộ Giáo Dục có thể bất lực để cho trẻ em ở thôn quê thất học; đào tạo sinh viên ra trường đến hãng ngoại quốc nào người ta cũng phải huấn luyện lại. Hải quân có thể bất lực không bảo vệ được ngư phủ Việt Nam, để cho ‘tàu lạ’ cướp thuyền, cướp máy móc và tôm cá, bắt cóc, đòi tiền chuộc! Cả guồng máy cai trị có thể bất lực để cho nước cống phềnh lên tràn ngập các thành phố Sài Gòn, Hà Nội; đêm đêm dân nằm ngủ nghe tiếng nước chảy dạt dào dưới gậm giường, người này lại đổ cho người kia! Tất cả các cơ quan cai trị có thể làm ăn bết bát, không đâu vào đâu cả; nhưng công an xưa nay vẫn là bộ máy chạy tốt nhất, không ai chê được... Bây giờ chính guồng máy có công suất tốt nhất đó lại làm ăn loạng choạng! Nhiều người rất thất vọng!”

...

“Một cách giải thích giản dị, là thực sự công an nó như vậy, khả năng của nó không hơn gì các kỹ sư làm cột xi măng cốt tre cả! Xưa nay người ta cứ sợ công an, không phải vì họ giỏi, mà chỉ vì họ đông quá, lấy thịt đè người.”

Xin được thưa trước, và nói liền rằng trong số “nhiều người Việt Nam thấy thế rất buồn” và “rất thất vọng” (về cách làm ăn “loạng choạng” của lực lượng công an) không có em đâu đó nha. Tôi chưa bao giờ có chút kỳ vọng nào vào qúi ông qúi bà công an nên không có lý do gì để thất vọng, và cũng không cớ chi để buồn phiền về sự “bất lực thê thảm” của họ hiện nay.

Buồn bã không, thất vọng cũng không (luôn) nhưng lo âu thì… có! Loạng choạng là tư thế suýt ngã hay sắp đổ. Coi: lỡ sáng mai, chiều mốt, tuần sau, hay tháng tới mà cái giàn “xi măng cốt tre” đang chống đỡ chế độ gẫy cái rụp là chết (mẹ) cả đám. Mà ngó bộ thì nó muốn đổ thiệt (và đổ tới nơi) rồi, chớ đâu phải chuyên giỡn – mấy cha?

Cái lực lượng “xi măng cốt tre” này, được một nhà báo khác, ông Bùi Tín – người sống gần hết đời mình trong lòng cách mạng – mô tả một cách rất… đơn sơ và ngắn gọn:

“Dưới danh hiệu Công an Nhân dân, dưới khẩu hiệu Công an là bạn dân, trong con mắt của đông đảo người dân lương thiện, công an bị đánh giá là bọn kiêu binh tệ hại nhất, dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược, bị nhân dân xa lánh, khinh bỉ nhất.”

Sau hơn nửa thế kỷ “dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược,” chuyện gì sẽ xẩy ra cho “bọn kiêu binh tệ hại nhất” này – khi họ không còn súng đạn trong tay?

Câu hỏi được đặt ra (e) hơi bị muộn nhưng muộn còn hơn không. Bên cạnh những vấn đề cấp thiết khác trước mắt (đạo đức xã hội suy vi, tình trạng sắc tộc căng thẳng, an ninh lãnh thổ bị đe dọa, tài nguyên và ngân sách quốc gia bị thao túng, môi trường bị hủy hoại…) tưởng chúng ta cũng cần phải quan tâm và chuẩn bị để giảm thiểu (tối đa) cảnh bạo loạn – trong tương lai gần – khi mà những cô chú công an (bỗng chốc) biến thành đích nhắm cho mọi người trút sự thù hằn, oán hận, và phẫn uất đã chất chứa hơn nửa thế kỷ qua!

Tôi tin rằng đã đến lúc mà lòng bao dung, đức nhân ái, và tính độ lượng (vốn) tiềm tàng trong tâm hồn dân tộc Việt cần phải được khơi dậy và đề cao hết mức. Trong tinh thần này, giữa lúc làn sóng phẫn nộ dâng cao – ngay sau khi một đoạn video được cho là của lực lượng công an phòng chống tệ nạn mại dâm, vừa được tung lên YouTube – những lời lẽ cảnh cáo nhẹ nhàng, và ôn tồn của blogger Mai Xuân Dũng thật đáng trân trọng:

“Cũng là một lũ bần cùng khố dây khố rợ cả, nên thương nhau thì hơn. Bức tranh tôi có post lên đấy, các chú xem nhé: bão cát thì ngập đến đầu gối các chú rồi, bão đang to lên lắm, liệu mà nương nhờ nhau cho khỏi cát vùi bão dập thì hơn chứ đừng làm cái chuyện bẩn thỉu như vậy. Nếu các chú là con người, cũng có vợ và con cái như những người khác thì hối đi kẻo không kịp.”

Trước viễn cảnh “cát vùi bão dập” sắp tới, nhà văn Dương Thu Hương cũng vừa ân cần nhắc nhở mọi người đừng quên rằng giữa “bầy chó berger của chế độ” không thiếu những người trung thực và tử tế:

“Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng toàn thể các sĩ quan công an đều là bọn mafia, đều là quân cướp. Bởi, nói như vậy là vu khống, là hàm hồ... Trong đám công an, không thiếu những người trung thực, theo ngôn ngữ bình dân, người tử tế. Chỉ có điều họ đã trở thành thiểu số và họ gần như vô năng.”

Những kẻ “thiểu số vô năng” này, tất nhiên, đều vô tội. Còn cái đám đa số còn lại (cũng) chỉ là nạn nhân của một thể chế bạo ngược, và bất nhân thôi. Nói rộng hơn, theo nhà văn Uyên Thao: ”Mọi con dân Việt Nam, vì thế, đều trở thành nạn nhân bi thảm vì bị tước đoạt mọi quyền sống, bao gồm trong đó không ít nạn nhân đã và đang còn đóng vai thủ phạm gieo rắc tội ác không chỉ cho đồng loại mà cho ngay cả bản thân.”

Nghĩ cho cùng họ vẫn đáng tha thứ hơn là trừng phạt. Hơn nữa, hơn nửa thế kỷ qua, có người dân Việt nào dám tự hào nói rằng mình hoàn toàn (và tuyệt đối) không bị ảnh hưởng, hay lây nhiễm tính vô cảm và thói bạc ác của chế độ hiện hành?

Nói thế (e) bao dung và độ lượng quá chăng? Biết thế nhưng với hiện cảnh, và với lịch sử của một dân tộc đã triền miên sống giữa cảnh bom đạn máu lửa, giữa oán hận chất chồng, và nghi kỵ phân hoá – kéo dài hết từ đời này sang đời khác – liệu có lựa chọn nào khác (thế) không?