Thanh Trúc, phóng viên RFA, 2011-11-19
Bảy tổ chức quốc tế chuyên tranh đấu và bảo vệ nhân quyền hôm
ngày 9 tháng 11 gởi một bản tuyên bố chung đến Bộ Ngoại Giao Việt Nam.
Bản tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại trước tình trạng thiếu tự do
ngôn luận và thông tin, nhắc nhở chính quyền trong nước về sự việc các
phóng viên, blogger hay những nhà bất đồng chính kiến vẫn bị sách nhiễu
và bị giam giữ lâu nay.
Thanh Trúc có bài chi tiết.
Bức thư ngỏ ngày 9 tháng Mười Một, còn gọi là bản tuyên bố chung của
bảy tổ chức quốc tế, gởi đến ông Hoàng Chí Trung, vụ trưởng Vụ Các Tổ
Chức Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam, đồng thời gởi cho trợ lý
ngoại trưởng Mỹ Michael Postner và thứ trưởng ngoại giao Mỹ Bill Burns.
Trong bảy tổ chức soạn thảo bản tuyên bố chung gởi đến Bộ Ngoại Giao
Việt Nam có những tổ chức lâu nay được nhiều người biết đến như Phóng
Viên Không Biên Giới - Reporteurs Sans Frontières, Tổ chức Quốc Tế Về
Quyền tự do Ngôn luận, Công Giáo Hành Động Chống Sự Hành Hạ - Actions
Des Chrétiens Pour L’ Abolition De La Torture, vân vân…
Thiếu tự do ngôn luận
Mở đầu, bản tuyên bố chung nhắc chuyện ông vụ trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế Hoàng Chí Trung cùng phái đoàn Việt Nam đến Washington để đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ, trong lúc ở Việt Nam đang có khoảng hai mươi người gồm nhà báo, bloggers và những người bất đồng chính kiến đang bị tù tội vì dám lên tiếng về những quyền căn bản của con người.
Bức thư có đoạn nhấn mạnh với ông Hoàng Chí Trung rằng: “Trong lần
thảo luận vừa qua với giới chức Hoa Kỳ, ngài đã đồng ý và ghi nhận rằng
nếu truyền thông không được tự do và độc lập, nếu không có một xã hội
dân sự thì sẽ rất khó cho Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề mà đất nước
của ngài đang phải đối mặt. Chúng tôi lấy làm tiếc về việc chính phủ
nước ngài gia tăng kiểm soát báo chí và hạn chế Internet từ tháng Giêng
năm 2011, điều này có thể làm quý ngài thiếu tin tức về tình hình đất
nước của mình, vì thế sẽ thiếu sự trang bị để điều hành đất nước”.
Bà Christine Laroque, chuyên trách phân ban Châu Á của Action Des
Chrétiens Pour L’Abolition De La Torture, tức Công Giáo Hành Động Chống
Sự Hành Hạ, một trong bảy tổ chức ký tên vào bức thư gởi cho Việt Nam,
phát biểu:
Chúng tôi muốn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trước những hành động ngược đãi điển hình của chính phủ Việt Nam đối với người dân qua việc thiếu tự do ngôn luận, ngược đãi và hành hạ người bị bắt giữ tại quốc gia đó.
Bà Christine Laroque
“Quyết định ký tên vào bản tuyên bố chung cùng sáu tổ chức bạn đến
từ sự kiện phái đoàn Việt Nam qua Hoa Kỳ dự cuộc đối thoại về nhân
quyền với phía Mỹ. Chúng tôi muốn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trước
những hành động ngược đãi điển hình của chính phủ Việt Nam đối với người
dân qua việc thiếu tự do ngôn luận, ngược đãi và hành hạ người bị bắt
giữ tại quốc gia đó.
Tính đến lúc này khoảng hai chục người gồm nhà báo, bloggers,
người bất đồng chính kiến, hầu hết đã ở trong tù chỉ vì dám nói hoặc dám
viết rằng chính phủ Việt Nam phủ nhận những quyền căn bản của con
người.
Trong tất cả những trường hợp tù tội thì linh mục Nguyễn Văn Lý
được chúng tôi quan tâm nhất bởi tính cách vi phạm nhân quyền cao độ.
Ông bị sách nhiễu bị giam giữ liên tục, thậm chí bị đưa trở lại trại tù
trong tình trạng sức khỏe suy yếu nghiêm trọng. Đó là lý do chúng tôi
yêu cầu chính quyền Việt Nam nên tôn trọng nhân quyền, nên trả tự do cho
linh mục Nguyễn Văn Lý cũng như những người đối kháng đang bị giam
giữ.”
Nhân quyền chưa được tôn trọng
Cũng từ Paris, ông Benjamin Ismail phụ trách Châu Á của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới Reporteurs Sans Frontières, giải thích ý nghĩa của bản tuyên bố chung mà Phóng Viên Không Biên Giới cùng soạn thảo và cùng ký với các tổ chức khác:
“Việc hưởng ứng sự khởi xướng và ký tên vào bản tuyên bố chung với
các tổ chức khác, để kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền cũng như
phóng thích người bất đồng chính kiến, diễn ra sau cuộc đối thoại nhân
quyền Mỹ Việt ở Hoa Kỳ, đã chứng tỏ một điều là dù như chúng tôi ở trong
những tổ chức mang tên khác nhau, có tiêu chí và đường lối hoạt động ít
nhiều có khác nhau, nhưng quan điểm chung và đồng nhất vẫn là phải bảo
vệ quyền con người cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Trong trường hợp như vậy, chúng tôi đồng ý ký tên cùng với nhau vì
đều nhận thấy mặc dù trong cuộc đối thoại nhân quyền với Hoa Kỳ vừa qua
Việt Nam đã công nhận những quyền căn bản của con người, nói rằng hiến
pháp Việt Nam ưu tiên bảo vệ nhân quyền, nhưng trên thực tế ở Việt Nam
nhân quyền không được tôn trọng, Việt Nam không có tự do báo chí, tự do
phát biểu và tự do thông tin.
Các tổ chức chúng tôi đã nhân cơ hội cùng ra bản tuyên bố chung để
nêu lên hoàn cảnh tù tội bất công đối với trí thức hay bloggers ở Việt
Nam, thí dụ Nguyễn Tiến Trung, Phạm Minh Hoàng, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày
Nguyễn Văn Hải, vân vân. Ông Phạm Minh Hoàng bị bắt và bị kết án tù từ
năm ngoái chỉ vì viết blog dưới một bút danh khác để truyền bá những tư
tưởng tự do dân chủ. Chẳng những thế , ông còn dám viết về Hoàng Sa và
Trường Sa đang là những vấn đề nhạy cảm mà nhà nước Việt Nam cố tránh.
Việt Nam đã công nhận những quyền căn bản của con người, nói rằng hiến pháp Việt Nam ưu tiên bảo vệ nhân quyền, nhưng trên thực tế ở Việt Nam nhân quyền không được tôn trọng, Việt Nam không có tự do báo chí, tự do phát biểu và tự do thông tin.
Ông Benjamin Ismail
Theo đúng tôn chỉ bênh vực và bảo vệ quyền làm người, chúng tôi
mong Việt Nam suy xét lại, cải thiện và đối xử với những người có ý kiến
khác biệt, những người muốn xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh và tốt
đẹp, đúng theo các điều khoản đã được qui định trong hiến pháp Việt
Nam.”
Trong bản tuyên bố chung, bảy tổ chức quốc tế đồng ký tên nhấn mạnh “Việt
Nam chưa có một nền truyền thông độc lập, nhà báo hay người viết blog
phải chấp nhận rủi ro khi đưa tin hay viết về những thực trạng tiêu cực
trong xã hội dân sự. Trước khi gia nhập WTO Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới,
Việt Nam đã thừa nhận hồ sơ nhân quyền của một quốc gia liên quan mật
thiết đến sự phát triển kinh tế của quốc gia đó”.
Những điều khoản trong hiến pháp Việt Nam được bản tuyên bố chung của
bảy tổ chức quốc tế nhắc đến trong thư gồm Điều 53 qui định những quyền
căn bản của công dân Việt Nam như tham gia, thảo luận, kiến nghị về các
vấn đề chung của đất nước; Điều 69 qui định công dân Việt Nam có quyền
tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp và
biểu tình theo qui định pháp luật; Điều 71 qui định quyền bất khả xâm
phạm về thân thể đối với công dân Việt Nam, được pháp luật bảo vệ sức
khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm, không bị bắt nếu không có quyết
định của Toà Án Nhân Dân hay Viện Kiểm Sát Nhân Dân.
Từ những qui định này trong hiến pháp Việt Nam, bức thư chung của bảy
tổ chức quốc tế kết luận là có quá nhiều bằng chứng mâu thuẩn với hiến
pháp về tình trạng sách nhiễu hành hạ, bắt bớ, giam cầm ở Việt Nam,
nghĩa là đi ngược hoàn toàn với điều khoản 71 qua những hành động tra
tấn, khủng bố thể xác cũng như tinh thần trên những người bất đồng chính
kiến chẳng may lâm vào vòng lao lý trong các trại tù khắp nước.