- " Phẩm giá con người bất khả xâm
phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm
đó" ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
-
" Nền Công Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con
người, con người như cá nhân hay con người trong các tổ chức xã hội, nơi con
người phát triển nhân phẩm của mình và đòi buộc chu toàn các bổn phận liên đới
không thể thiếu về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội " ( Điều 2, Hiến
Pháp 1947 Ý Quốc).
Chúng tôi vừa trích
dẫn một trong những điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang
Đức ( CHLBD) và Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.
Cả hai Hiến Pháp đều
được sinh ra gần như đồng thời với nhau, 1947-1949, sau những kinh nghiệm độc
tài hãi hùng của Đức Quốc Xã Hitler và Phát Xít Mussolini mà cả hai dân tộc Ý,
Đức Quốc và nhiều dân tộc khác phải trả,
nhứt là Do Thái, với hàng bao nhiêu
triệu người chết trong các lò sát sinh và mồ chôn tập thể, sau khi bị đánh đập,
hành hạ như súc vật.
Hiểu được điều đó,
chúng ta hiểu được tại sao hai Hiến Pháp vừa kể đặt phẩm giá và các quyền bất
khả xâm phạm của con người ngay vào những điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp, để
nói lên tầm quan trọng trung tâm điểm, địa vị tối thượng của nhân phẩm và các
quyền bất khả xâm phạm của con người.
Nói như vậy, không có
nghĩa là các Hiến Pháp khác không đặt nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm
của con người ở phần quan trọng khiến cho ai cũng phải chú ý.
Tuyên Ngôn Độc Lập
Hoa Kỳ 1776, Hiến Pháp Philadelphia 1787, Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công
Dân Cách Mạng Pháp Quốc 1789 đều đề cập đến các quyền bất khả xâm phạm của con
người ở phần Tiền Đề.
Gần chúng ta hơn Hiến
Pháp Weimar 1919 Đức Quốc cũng đề cập đến, nhưng Đức Quốc Xã của Hitler xem
mạng sống con người có gì khá hơn súc vật không, kinh nghiệm đã trả lời cho
chúng ta.
Gần chúng ta hơn nữa,
Hiến Pháp 1946 và 1958 hiện hành Pháp Quốc cũng đề cập đến các quyền bất khả
xâm phạm của con người ở phần Tiền Đề.
Tại sao?
Tại vì dân chúng Pháp
đã từng có kinh nghiệm dân chủ lâu dài, từ Cuộc Cách Mạng 1789 đến nay, và chưa
trải qua những kinh nghiệm khủng khiếp máu và nước mắt mà dân Đức và dân Ý đã
phải trả.
1 - Thực định hoá
Qua những ý niệm đơn
sơ về lịch sử vừa kể, chúng ta hiểu được tại sao ông Aldo Moro, thành viên Dân
Chủ Thiên Chúa Giáo của Quốc Hội Lập Hiến đòi buộc Hiến Pháp không tuyên bố
thuyết lý về nhân phẩm và các quyền bất
khả xâm phạm của con người ở phần Tiền Đề, mà phải đặt vào chính thân bài của
Hiến Pháp, tuyên bố thành đạo luật thực định ( leggi positive, lois positives), có tính cách bắt buộc
phải thi hành:
- " Chúng ta không cần đưa ra lý
chứng ( tại sao phải tôn trọng, bất khả xâm phạm), mà cần những đạo luật có tính cách bắt buộc và
là mục đích cần phải đạt tới. Chúng ta cần có tiêu chuẩn chắc chắn để định
hướng cho cuộc tranh đấu. Cuộc tranh đấu đó hiện nay chưa kết thúc và cũng
không thể kết thúc cho tự do và công bình xã hội " ( Aldo Moro,
Intervento, in Atti dell'Assemblea Costituente, seduta generale, I, 368s).
Ý kiến của nghị sĩ
Aldo Moro được các thành viên Quốc Hội Lập Hiến lúc đó, năm 1946, xem là phần
đúc kết, nhân nhượng và hợp tác của nhiều khuynh hướng trái ngược nhau giữa các
thành viên soạn thảo Hiến Pháp:
- phía Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng Tự Do
và đảng Cộng Hoà muốn đưa ra lý chứng cho việc tôn trọng nhân phẩm và các quyền
bất khả xâm phạm, dựa trên đó là quyền " thiên nhiên" (
giusnaturalismo ) của bản tính con người, với các từ ngữ " bất
khả nhượng và thiêng liêng".
- phía đảng Cộng Sản và đảng Xã Hội cho rằng
quyền của con người là quyền để phục vụ đảng, phục vụ xã hội, xây dựng lý tưởng
Cộng Sản đại đồng, trong đó mọi người đều bình đẳng.
Tư tưởng của Aldo
Moro được đa số Quốc Hội Lập Hiến 1946 tán đồng và như vậy Hiến Pháp 1947 Ý
Quốc được cấu trúc như sau:
- Trong thân bài của Hiến Pháp, tức là phần
gồm toàn những điều khoản luật thực định ( leggi positive), các điều
khoản của Hiến Pháp là những đạo luật có tính cách bắt buộc phải thi hành, chớ
không phải chỉ là những lời tuyên bố nguyên tắc để tuyên bố.
Ý nghĩa vừa kể, chúng
ta có thể gặp được Hiến Pháp 1949 CHLBD tuyên bố với cùng một ý nghĩa, ngay ở
điều khoản đầu tiên:
- " Các quyền căn bản sẽ được kể sau
đây, là những quyền có giá trị bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp,
như là quyền bắt buộc trực tiếp" ( Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Trong tinh thần đó,
tinh thần thiết định " những đạo luật có tính cách bắt buộc và là mục
đích cần đạt tới" ( Aldo Moro, it., id.),
- liền sau phần tiên bố để xác định thể
chế " Ý Quốc là một Quốc Gia
Cộng Hoà Dân Chủ" ( điều 1),
- các quyền bất khả xâm phạm của con người
là nền tảng của thể chế Quốc Gia được xác nhận ở điều 2. và là một trong
những nguyên tắc căn bản để bảo đảm cho các quyền bất khả xâm phạm đó,
- quyền
bình đẳng, được tuyên bố ở điều 3, và tuyên bố với tính cách bắt buộc
Quốc Gia có bổn phận phải thực hiện, bởi vì đó là lý do chính đáng Quốc Gia
được thiết lập và tồn tại:
* " Mọi công dân đều có địa vị xã hội
ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc,
ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, các điều
kiện cá nhân hay xã hội".
" Bổn phận của Nền Công Hoà là dẹp bỏ
đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại
trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi
người triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự thiết thực vào tổ chức
chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở" ( Điều 3, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp
1947 Ý Quốc).
Qua những gì được đề
cập, chúng ta thấy được trong Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, 1949 CHLBD và hầu hết các
Hiến Pháp Tây Âu khác, chúng ta có thể rút ra được kết luận:
- nguyên tắc các quyền bất khả xâm phạm
của con người trổi thượng hơn, có trước quyền lực Quốc Gia, nên Quốc Gia
phải " nhìn nhận và bảo vệ" ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc)
- hay " bổn phận của mọi quyền lực
Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó" ( Điều 1, đoạn 1b Hiến Pháp
1949 CHLBD).
- nguyên tắc vừa kể, được đặt trên " luật
tự nhiên" ( giusnaturalismo) do bản tính con người đòi buộc, hay được
đặt trên nền tảng cao cả hơn trong tôn giáo, " được Chúa mạc khải "
hay " được Thánh Kinh chỉ dạy ", các Hiến Pháp không xác định
rõ, mà dành cho tôn giáo quyền huấn dạy đức tin.
Bổn phận của Hiến
Pháp là " thực định hoá" ( positivation) nguyên tắc các
quyền bất khả xâm phạm của con người thành những " đạo luật thực định
" ( lois positives), có tính cách bắt buộc, trong tổ chức cuộc sống tổ
chức Quốc Gia.
Cách hành xử vừa kể
của thành phần Công Giáo trong các chính đảng Tự Do, Cộng Hoà và Dân Chủ Thiên
Chúa Giáo trong Quốc Hội Lập Hiến 1946 là cách hành xử của người Công Giáo, là
người Ki Tô giáo trong chính trị.
Đó là phương cách
" trung gian điều giải " ( mediation) trong chính trị.
Từ niềm tin tôn giáo, người dấn thân vào chính trị không thể trực tiếp rút ra
các đường lối, phương thức, khuôn mẫu và chương trình có sẵn để áp dụng thực tế vào chính trị, mà phải qua
tiến trình " trung gian điều giải " : lấy các chân lý, nguyên
tắc, nền tảng của đức tin, giải thích thành những giá trị cần được tôn trọng,
mục đích cần phải thực hiện và phát huy, thăng tiến trong đời sống xã hội, kèm theo các phương
thức để bảo vệ, chống vi phạm, điều kiện và chương trình thực tế để thực thi và
phát triển.
Đó là những gì hàm
chứa trong câu nói của nghị sĩ Aldo Moro, nói lên tư tưởng của ông và của những
thành viên Quốc Hội Lập Hiến 1946 Ý Quốc cùng niềm tin tôn giáo với ông:
- " Chúng ta không cần đưa ra lý
chứng, mà cần những đạo luật có tính cách bắt buộc và mục đích cần phải đạt
tới..." ( A. Moro, cit.).
2 - Con người chớ
không cá nhân
Cũng trong chiều
hướng đó, chúng ta thấy rằng điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, cũng như điều 1 Hiến
Pháp 1949 CHLBD, khi nêu lên điều khoản
luật thực định, không dùng từ ngữ " cá nhân", mà là " con
người ":
- " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo
đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người,..." ( Điều 2,
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
- " Nhân phẩm con người bất
khả xâm phạm..." ( Điều 1, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Khi đề cập đến "
cá nhân " là chúng ta nói đến một chủ thể biệt lập, tốt hay xấu,
hoàn hảo hay tỳ vết, tròn trịa như trái banh billard hay có nhiều khuyết tật,
không quan hệ gì đến ai.
Nhưng khi nói đến
" con người " ( persona umana ), là chúng
ta nói đến tư tưởng hay " hình ảnh con người " ( Menschenbild), ngôn
từ của Viện Bảo Hiến CHLBD ( Bundesverfassungsgericht, BVG), có những quyền bất khả xâm phạm của mình,
- " được đặt vào mối tương quan với
những con người khác, cũng có cùng các quyền bất khả xâm phạm như mình ,
từ đó tạo ra các mối liên hệ tương quan, nhiều lúc có thể trở nên " áp
xuất đối nghịch" ( Spannung) giữa con người như cá nhân với cá nhân và con
người như cá nhân đối với tổ chức xã hội ( Gemeinschaftsgebundenheit)" .
Nói cách khác, các
quyền bất khả xâm phạm của con người trong cuộc sống tổ chức thành xã hội, được
tương đối hoá ( relativativisation)
- đối với quyền của các con người khác,
- cũng như đối với lợi ích chung xã hội,
được sắp xếp theo bậc
thang giá trị, từ thiết yếu đến những gì ít thiết yếu hơn, từ lợi ít chung so
với những gì chỉ liên hệ đến cá nhân:
- " Mỗi người có quyền tự do diễn tả
và truyền bá tư tưởng của mình bằng lời nói, chữ viết và hình ảnh, và có quyền
được thông tin, không ai được cấm cản, từ những nguồn tin mà ai cũng có thể đạt
đến được. Quyền tự do báo chí và quyền tự do thông tin đài phát thanh và điện
ảnh được bảo đảm. Không thể chấp nhận bất cứ một sự kiểm duyệt nào.
" Các quyền nầy có những giới hạn trong
các điều khoản luật tổng quát và các chỉ thị luật định liên quan đến việc
bảo vệ tuổi thơ và con người trong quyền bảo toàn danh dự của mình" (
Điều 5, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
- " Sáng kiến cá nhân trong kinh tế
là quyền tự do.
" Không thể hành xử quyền tự do nầy ngược
lại với lợi ích xã hội hoặc gây ra phương hại đến an ninh, tự do và phẩm giá
con người" ( Điều 41, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Hiểu như vậy, con
người với các quyền bất khả xâm phạm của mình, trong các Hiến Pháp
Tây Âu không phải chỉ là cá nhân đơn độc, trơ trọi, là một hòn đảo biệt
lập dù cho với các kho tàng giá trị của
mình, mà là con người với tất cả các chiều hướng liên hệ và liên đới của
mình với đồng bào mình và với các người đồng loại của mình.
Hay nói theo ngôn ngữ
của tư tưởng gia người Pháp Jacques Maritain, con người trong xã hội văn
minh là con người toàn vẹn ( homme intégral) gồm cả ba chiều
hướng ,
-
hướng thiện vào thâm sâu của nội tâm;
- hướng thiên, đặt mình tương quan liên hệ
với Đấng Tối Cao
- và hướng tha, liên hệ với đồng bào và
người đồng loại mình) ( J. Maritain, Umanesimo integrale, V. ed.. EDB,
Brescia 1970, 129).
Trong chiều hướng đó,
từ sau ngày tuyên bố Hiến Pháp 1949 CHLBD, Viện Bảo Hiến Liên Bang đứng
ra
thiết lập hệ thống theo các bậc thang giá trị của con người, phải được
tương đối hoá trong hoàn cảnh sống Cộng Đồng Xã Hội, với
kết quả thiết lập nên bậc thang giá trị,
a) các quyền bất khả xâm phạm căn bản của
con người, dựa theo các nội dung thiết yếu:
- quyền tự do
cá nhân,
- quyền được triển nở hoàn
hảo con người của mình,
- quyền được đối xử bình đẳng
với mọi người khác,
- quyền tự do ngôn luận,
- quyền tư hữu...
b) các giá trị công cộng hay
giá trị chính trị, với các nguyên tắc :
- dân chủ thượng đẳng,
- phân quyền,
- đa đảng,
- chính quyền có trách nhiệm,
- nền tư pháp độc lập,
- nền hành chánh pháp định
- và các nguyên tắc căn bản
Quốc Gia pháp định và xã hội ( BVG 4, 15, 8, 329, 20, 12).
Với những tư tưởng vừa kể, chúng ta thấy được quan niệm về quyền bất khả
xâm phạm được chuyển đổi từ thể chế " Quốc Gia Tự Do" ( État
libéral) của thế kỷ 18, đến thể chế "Quốc Gia Dân Chủ" ( État
démocratique).
Tiến trình tương đối hoá có liên hệ chặc chẻ với sự công nhận các quyền
bất khả xâm phạm trong tổ chức " Quốc Gia Dân Chủ Đa Nguyên"
và xã hội được cấu trúc phức tạp.
Nếu các quyền căn bản bất khả xâm phạm trong một thể chế dân chủ là
những phương tiện vận chuyển ý muốn và lựa chọn của mỗi con người cũng như
của cộng đồng xã hội, do dân chúng hợp nhau tạo thành, quan niệm trừu tượng
và không giới mức, vô hạn định của các quyền đó chắc chắn sẽ phải gặp những
giới hạn không thể tránh khỏi trong bậc thang giá trị, nếu không các quyền vừa
kể sẽ không thể được thực hiện trong cuộc sống chung.
Nhưng các giá trị công cộng và xã hội không thể chối bỏ một cách tuyệt
đối tự do và quyền lựa chọn, hành động của cá nhân ( như trong thể chế Công
Sản), nên giữa giá trị cộng đồng và giá trị cá nhân con người cần phải có thiết
lập một mức quân bình và nhân nhượng hay tương đối hoá, như những gì
chúng ta vừa trích dẫn từ Hiến Pháp 1949 CHLBD và 1947 Ý Quốc,
- " sáng kiến cá nhân
trong kinh tế là quyền tự do..., nhưng không thể hành xử ngược lại lợi ích xã
hội, an ninh, tự do và nhân phẩm của người khác".
Tiến trình " tương đối hoá" ( relativizzazione) không
hề chối cải giá trị tối thượng, bất khả xâm phạm của nhân phẩm và các quyền tự
do của con người như cá nhân,
- bởi vì đó là nền tảng và lý
do hiện hữu của nền dân chủ, nền tảng và lý do vô điều kiện,
* " ...Như vậy dân
tộc Đức nhận biết các quyền căn bàn của con người là nền tảng của mọi cộng đồng
nhân loại, của cuộc sống hoà bình và thân hữu trên thế giới " ( Điều 1,
đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức ).
- có chăng chỉ tương đối hoá ở
lãnh vực nội dung đối với quyền và tự do của người khác hay lợi ích chung của
cộng đồng,
mà trong đó cùng chung sống với các cá nhân khác cũng có cùng những quyền lợi liên hệ đang bàn ( Antonio
Baldassare, Diritto della persona e valori costituzionali, G. Giappichelli Ed.,
Torino 1997, 35-41).
Trong quan niệm " Quốc Gia Tự Do" của thế kỷ 18, nhãn
quang căn bản của thể chế là " cá nhân đơn độc, biệt lập",
" một con người trừu tượng".
Bởi đó để bảo vệ " cá nhân, đơn độc, biệt lập, trừu tượng" như
vừa kể, khỏi các áp chế của quyền lực chính trị và quyền lực công công độc
tài, " toàn trị "
( thâm nhập vào hết mọi lảnh vực của cuộc sống cá nhân), các Hiến Pháp tạo ra
khuôn mẫu tối thiểu để quy chiếu, đó là " quyền tự do tiêu cực
" ( liberté négative), để xác định
- khoản không gian tác động của
mỗi cá nhân, " khỏi bị chính quyền can thiệp",
- những điều kiện tiên quyết phải có, chống lại hay
không thể chấp nhận đối với công quyền.
Đó là
- quyền được bảo toàn mạng
sống, " an ninh cá nhân" ( Hobbs),
- " chủ nhân tuyệt đối
đối với bản thân và của cải mình có" ( Locker).
Các kỳ vọng " giới hạn đối với công quyền", " chính
quyền không được", " bất khả xâm phạm" hay tự do
tiêu cực đó của quan niệm "Quốc Gia Tự Do" được đặt trên chính cá nhân con người,
" theo luật thiên nhiên" ( giusnaturalismo).
Quan niệm dân chủ đầy đủ của các xã hội tân tiến Tây Âu hiện nay, ngoài
ra quan niệm tự do tiêu cực như vừa kể, còn được đặt nền tảng trên cả " tự
do tích cực", " quyền tự quyết của cá nhân và của cộng đồng xã
hội":
- " Quyền tự do tiêu
cực có ý nghĩa trong nguyên tắc căn bản, nếu đàng sau tự do đó còn có khả năng
thực sự để tự quyết định lấy, mà nhằm cho mục đích đó, quyền tự do tiêu cực mới có lý do hiện
hữu" ( N. Harmann, Ethik, 790).
Mặc dầu chủ thể các quyền bất khả xâm phạm cũng là đối tượng cho việc
các quyền đó bảo vệ, vẫn là con người ( persona umana), con người
đó không phải là một chủ thể hay đối tượng đóng kín, mà là một nhân vị (
persona) trong cuộc sống đang hướng về những gì đang hiện hữu chung
quanh mình,
- " nhân vị là một thực
thể xã hội phóng mình liên quan với các chủ thể khác trong cộng đồng và nhờ đó
triển nở mình trong một thế giới với những bậc thang giá trị" ( N. Harmann, id., 791).
Nhu vậy con người trong chủ thuyết nhân vị xã hội và theo
các quan niệm hợp lý hơn với nguyên tắc dân chủ là nhân vị được đặt nền tảng
trên mối tương giao giữa " Tôi " và " Anh", trong một
thế giới bậc thang giá trị và thế giới gồm các chủ thể đồng sống chung trong
một xã hội với nhau, cùng mang giá trị
đồng đẳng như nhau ( J. Maritain, Umanesimo integrale, id., 5).
Nếu quan niệm nhân vị ( persona) đòi buộc phải có mối tương quan
giữa các chủ thể với nhau ( N. Harmann) hay nhân vị trước tiên là một
đơn vị xã hội ( J. Maritain),
- " thì nền dân chủ đa
nguyên, đa dạng không có gì khác hơn là cuộc sống hiện thực hợp lý của hình
thức " tổ chức thị xã nhân vị đó",
hay nền dân chủ đa nguyên đa dạng không có gì khác hơn là một thực thể
trong đó mỗi nhân vị nhận ra được hình ảnh của mình ( J. Maritain, id.).
Và đó cũng là những gì nghị viên Aldo Moro thốt lên trong Quốc Hội Lập
Hiến 1946 Ý Quốc:
- " Con người không
phải chỉ là một cá nhân..., mà là một thành phần xã hội với các hình thức khác
nhau của mình, và rồi xã hội đó không
phải tất cả chỉ có mục đích thu tóm vào tổ chức Quốc Gia " ( như chủ
trương của CS hay XHCN) ( Aldo Moro, Atti Costituenti, id., 594).
Tư tưởng vừa kể của ông Aldo Moro được các nhà soạn thảo Hiến Pháp 1947
Ý Quốc diễn tả ra ở điều 2 của Hiến Pháp, như chúng ta đã có dịp đề cập đến ở
những dòng đầu:
- " Nền Cộng Hoà nhận
biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người,
* con người như cá nhân,
* hay con người như thành
phần các tổ chức xã hội, nơi con người phát triển nhân cách ( personalità) của
mình..." ( Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
3 - Con người như thành phần xã hội, nơi con người phát triển nhân cách
của mình.
Như trên đã nói, ý nghĩa " con người" ( persona) được
tuyên bố trong điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc không trùng hợp với tư tưởng con
người chỉ là một chủ thể cá nhân ( individuo) đơn độc và tách biệt, mà
là một đơn vị xã hội có tương quan động tác với các đơn vị xã hội khác,
là một trung tâm quy chiếu các mối liên hệ xã hội, thì việc bảo vệ " con
người như cá nhân" và " con người như thành phần xã hội "
nói lên mối bảo vệ đươn kết liên hệ đối với giá trị thượng đẳng của con người.
Hiểu được ý nghĩa vừa kể,
- " Nền Cộng Hoà nhận
biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá
nhân...",
là câu tiên quyết bảo vệ các chủ thể cá nhân khỏi mọi việc can thiệp,
đột nhập của công quyền, cũng như của các cá nhân thành viên khác trong các tổ
chức xã hội, vào lãnh vực các quyền bất khả xâm phạm của cá nhân.
a) Nói cách khác, " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ "
cá nhân con người, chống lại bất cứ hình thức quyền lực nào, bất cứ từ đâu
đến ( erga omnes),
" ...giới hạn tự do và
bình đẳng của người dân, không cho phép mỗi cá nhân triển nở hoàn hảo con người
của mình" ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
mà con người gặp phải trong cuộc sống tương giao cộng đồng, xã hội của
mình ( G. Lombardi, Potere privato e diritti fondamentali, Utet, Torino
19700, 100s).Ví dụ: một cá nhân trong một cộng đồng trị liệu ( say rượu,
nghiện thuốc phiện chẳng hạn), trong nhà tù, trại giam, cả trong công đoàn,
chính đảng..., mà một quyền căn bản cá nhân của mình bị vi phạm, có thể dựa
trên đạo luật của điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nhờ cơ quan tư pháp bênh vực cho
mình.
Câu văn " Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm
phạm của con người, ...con người như thành phần xã hội " của điều 2
Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, có thể được hiểu
- bảo vệ khỏi những vi phạm của
các tổ chức xã hội đối với các quyền bất khả xâm phạm của con người,
- hay bảo vệ con người, cả đang
khi con người ở trong nội bộ của tổ chức
xã hội, chống lại đàn áp của cơ quan quyền lực Quốc Gia hay chống lại cá nhân
hoặc các tổ chức xã hội khác vi phạm.
b) Đàng khác, sự bảo vệ mà Hiến Pháp quy trách cho Nền Cộng Hoà phải
đứng ra đảm đang để bênh vực con người, không phải hiểu theo nguyên tắc " bảo
vệ, để tránh mọi vi phạm" ( tự do tiêu cực), mà là bảo vệ, nhờ
đó
- "... mỗi con người
được triển nở hoàn hảo con người của mình..." ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp
1947 Ý Quốc).
Điều đó có nghĩa là không những bảo vệ để giữ gìn nguyên vẹn các quyền
bất khả xâm phạm của con người khỏi bị vi phạm, mà còn việc bảo vệ đó còn có
tầm liên quan đến " con người như thành phần xã hội ", như là
bảo đảm cho những con người trong mối tương quan của họ với những con người
khác, con người như đơn vị xã hội, nói theo ngôn từ của ông Aldo Moro ( A.
Barbera, Commento della Costituzione, art.3. a cura di G. Branca, Zanichelli,
Bologna 1975, 105s).
Theo ý nghĩa vừa kể, Hiến Pháp không chỉ đứng ra bảo vệ con người như cá
nhân, mà còn bảo vệ các tổ chức xã hội trung gian ( gia đình, học đường, tổ
chức công đoàn, hiệp hội nghề nghiêp, chính đảng, tổ chức tôn giáo..., như là
bảo vệ cá nhân, cũng có tư cách pháp nhân như cá nhân con người, và được
hưởng các quyền bất khả xâm phạm của con người trong khi hành xử nhân danh cộng
đồng của mình.
Nói cách khác, dưới khía cạnh vừa kể, các tổ chức xã hội trung gian có
tư cách pháp nhân và được hưởng đầy đủ các quyền bất khả xâm phạm của mình,
được hiểu như là phương tiện hay dụng cụ nhờ đó
- " mỗi cá nhân triển
nở hoàn hảo con người của mình" ( Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) (
Paolo Barile, Il soggetto privato nelle Costituzione italiana, Cedam, Padova
1953, 14),
mặc dầu các tổ chức xã hội đó không phải là chủ nhân nguyên thủy của các
quyền bất khả xâm phạm, và do đó cũng không có lý do để các tổ chức xã hội
trung gian đó hành xử quyền lực của mình đối chọi lại các quyền căn bản của con
người như cá nhân (Temistocles Martines, Diritto costituzionale, IV ed.
Giuffré, Milano 1986, 698s).
Hai phương diện vừa kể,
- con người là thành phần của
tổ chức xã hội trung gian vẫn giữ nguyên vẹn các quyền bất khả xâm phạm của
mình
- và xã hội trung gian là
phương tiện hay dụng cụ, có đủ tư các pháp lý như cá nhân con người, hành xử, để con người được triển nở hoàn hảo, là nền tảng để Hiến Pháp bảo đảm
cho đặc tính đa nguyên, đa dạng của tổ chức Quốc Gia Dân Chủ.
Ước gì những tư tưởng chúng ta vừa duyêt qua sẽ không thể thiếu trong
Hiến Pháp Nhân Bản của Việt Nam trong tương lai, sau khi những gì bất hạnh bị
dân chúng Việt Nam đào thải đi.