"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 24. November 2011

Một vị ĐBQH bác dự luật biểu tình

Thanh Quang, phóng viên RFA, 2011-11-22
 
Hồi tháng tư vừa rồi, khi viết bài tựa đề “Về Sự Sợ Hãi”, GS Ngô Bảo Châu có nhận xét liên quan giới cầm quyền VN, khẳng định rằng “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”.
Vì thiếu kiến thức...
 
Hôm thứ Hai đầu tuần này (21/11/11), bài thơ “Nhân Dân” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được nhiều mạng nhật ký, kể cả Quê Choa phổ biến kết luận rằng “sự sợ hãi không cứu được chúng ta, mà chính là sự can đảm đi tới dân chủ”. Những vầng thơ ấy đã đề cập tới người dân Việt từng gian lao “cúi mình trên đồng lúa”, từng anh dũng trong chiến tranh, từng “lăn mình trong các cuộc xuống đường”, rồi “cặm cụi với sách vở”. Cho nên “họ là nhân dân thứ thiệt”. Thế nhưng:


…Trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân không đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!

Và “lời phán” đó khiến tác giả “suy nghĩ mãi” rồi nêu lên câu hỏi rằng:

Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?


Và nhà thơ khẳng định:


Không!
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ.

Theo luật gia Trần Đình Thu qua bài “Đại biểu Quốc Hội không thể phát biểu vi hiến”, được nhiều mạng nhật ký phổ biến, thì đại biểu Quốc Hội Hoàng Hữu Phước “đã làm nóng dư luận” khi lên tiếng vừa rồi tại diễn đàn Quốc Hội về 2 dự luật biểu tình và lập hội, cho rằng cần phải loại bỏ 2 dự luật này ra khỏi chương trình nghị sự Quốc Hội trong suốt khoá 13, thậm chí ám chỉ loại bỏ vĩnh viễn những luật như vậy khỏi sinh hoạt chính trị VN. Luật gia Trần Đình Thu nhận xét:
"Việc diễn đạt để đi đến các kết luận như trên của ông Hoàng Hữu Phước khá băm bổ, đọc lên không thấy một chút nào là lập luận của một nhà lập pháp. Chẳng hạn về Luật biểu tình ông viết: Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân. Quyền tự do lập hội, tự do biểu tình là 2 trong 5 quyền cơ bản của công dân được ghi rõ trong các văn bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, thế mà ông Phước gọi là " cái gọi là", một cách gọi hết sức miệt thị. Cách gọi này của ông Phước chẳng những vô nguyên tắc mà thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường hiến pháp, coi thường quốc hội các khóa trước."
Blogger Hà Văn Thịnh nhân vấn đề này có viết bài “Xót đau cho nghị sĩ nước mình!”, bày tỏ tâm trạng “đau và chán tận cổ”. GS Hà Văn Thịnh không khỏi nêu lên câu hỏi rằng “Làm sao có thể có một nghị sĩ vừa kém cỏi về kiến thức lại vừa ngông nghênh khinh dân, thậm chí đã vi hiến khi ngang nhiên chống lại Hiến pháp?”. Theo GS Hà Văn Thịnh:
"Chẳng hiểu ông Nghị Phước học từ đâu mà nói rằng cuộc biểu tình đầu tiên của loài người là ở Ấn Độ, năm 1913? Nói như thế có nghĩa là ông chả biết cái quái gì về hai từ cách mạng. Mọi cuộc cách mạng trên thế giới đều bắt đầu từ bạo lực vũ trang hoặc biểu tình. Những cuộc biểu tình sớm nhất  đã xảy ra từ thời La Mã cổ đại khi những người bình dân đấu tranh chống lại quý tộc, kết quả là giai cấp quý tộc phải nhượng bộ…
Một người không nắm được kiến thức cơ bản về chính trị thì không thể đủ tư cách để bàn về chuyện lớn nhất quan trọng nhất là lập pháp.
GS Hà Văn Thịnh
Chuyện thứ hai chứng tỏ ông nghị Phước đã ngộ nhận về kiến thức sơ đẳng là ở chỗ ông cho rằng cuộc biểu tình đầu tiên ở Mỹ là những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhân dân Mỹ chống lại chính phủ Kennedy…Và, căn cứ vào đâu để nghị Phước khẳng định rằng đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn."
GS Hà Văn Thịnh nhân tiện nêu lên câu hỏi rằng Nhà nước ta là của dân, vì dân sao lại sợ dân biểu tình yêu nước? Và ông lưu ý rằng chính không phải nhà nước của dân mới sợ chứ đã là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì làm sao phải sợ? 

GS Hà Văn Thịnh nhận xét tiếp:
"Một người không nắm được kiến thức cơ bản về chính trị thì không thể đủ tư cách để bàn về chuyện lớn nhất quan trọng nhất là lập pháp. Thiết nghĩ rằng sau chuyện ông Nghị Hồng với Luật nhà văn chẳng biết đưa ra để làm chi, ông nghị Phước vi hiến ngang nhiên như thế, Quốc hội cần phải có chế tài nghiêm khắc với nghị sĩ nước ta kẻo đa số dân chúng bây giờ đều có tri thức hơn ông sẽ coi thường Quốc hội chúng ta, lại còn xấu mặt với thế giới. Hơn nữa, nếu cứ ưa chi nói nấy thì người dân bình thường ít hiểu biết ở vùng sâu vùng xa sẽ trở nên hoang mang và đau xót lắm. Càng đau đớn hơn khi chợt nhận ra rằng nếu nghị sĩ mà cứ như hai ông này thì dân tộc ta không lầm than, không tụt hậu mới thật là chuyện lạ!"

... và sợ hãi!

Blogger Trương Duy Nhất lưu ý rằng “Không thể nhân danh nhân dân để phản bác dự luật biểu tình”. Theo blogger Trương Duy Nhất, “Nhân danh nhân dân để nói rằng nếu lấy ý kiến dân thì đa số sẽ không ủng hộ, đó là cách nói hồ đồ của một anh trọc phú ít học, chứ không phải là của một đại biểu quốc hội, đại diện cho tiếng nói, cho quyền lợi và quyền lực nhân dân. Nói như vậy, chẳng khác gì anh đang ném lựu đạn về phía nhân dân!”. 
000_Hkg5148961-250.jpg
Tác giả không quên trích dẫn lời Đại biểu Dương Trung Quốc rằng quyền biểu tình là một đòi hỏi thực tiễn, thậm chí bức xúc trong giai đoạn hiện nay, là một chuẩn mực của thế giới về quyền tự do. Vì thế VN không thể không có luật biểu tình đúng nghiã. Và nói không với luật biểu tình chẳng khác nào “biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường” trong thế giới hiện nay.



Bác sĩ Phạm Hồng Sơn xem chừng như bất an hơn, lưu ý rằng ngay cả VN có luật biểu tình, luật lập hội hay một bản hiến pháp mang tinh thần dân chủ, bao gồm những điều khoản rất dân chủ nhưng “không gian trao đổi vẫn bị giới hạn, luồng thông tin và sự phản biện vẫn bị theo dõi và bóp nghẹt thì đó vẫn chỉ là điềm báo của sự lừa gạt, tai ương hơn là thiện ý, hạnh phúc”. 

Nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn cảnh báo:
"Loài người đã phải trả giá nhiều cho những âm mưu, vấp váp, ngộ nhận như thế. Luật thành văn hay hiến pháp dân chủ chưa phải là phương thuốc thiết yếu để ngăn chặn hay chữa trị độc tài mà có thể chính chúng còn tạo ra những chỗ núp đẹp và kín hơn cho những ý đồ thâm độc, những hành động tàn ác với con người. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh những năm 1953-1959 và chính thể Third Reich của Adolf Hitler những năm 1933-1939 là những minh họa rõ ràng cho những bài học đau đớn đó của nhân loại."
Qua bài “Từ nghị Phước đến ‘Luật biểu tình’: Rau nào sâu nấy”, tác giả Việt Hoàng “không biết nên buồn hay nên vui” trước lời tuyên bố của một ông nghị này, khiến tác giả nhận thấy :

“Nhân loại đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, thế mà văn minh nhân loại vẫn chưa chiếu đến được mảnh đất hình chữ S có tên là Việt Nam!”. Cũng giống như nỗi âu lo của nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn, tác gia Việt Hoàng bày tỏ nghi ngại là “ đừng bao giờ trông chờ vào cái luật biểu tình, kể cả khi nó được thông qua: Rồi có thể đa số của Quốc hội sẽ đưa vào nghị trình và thông qua các luật đó trong nay mai? Nhưng rồi thực tế sẽ cho thấy chính những Luật Biểu tình hay Luật Hội đó sẽ trói, bắt tất cả những ai muốn lập hội hay biểu tình thực sự ?”.  

Theo tác giả, “Khi cái gốc toàn trị vẫn còn đó thì hoa, lá, cành, mầm, chồi cũng phải mang cái gen toàn trị, không thể khác được”.
Chính sự cảm nhận rõ nguyên tắc tương tác giữa cá nhân và cộng đồng, tôi luôn có quan điểm đề cao cá nhân và chú trọng cộng đồng.
Blogger Huỳnh Thục Vy
“Biến cố nghị Phước” vừa nói khiến blogger Hồ Bất Khuất đặt nghi vấn rằng “Dân trí thấp hay quan trí thấp ?”, qua đó lưu ý chữ “dân trí” hiện nay được sử dụng khá thường xuyên, đặc biệt là trong những trường hợp các quan chức, kể cả đại biểu Quốc Hội, cho rằng “dân trí của nước ta đang thấp”. Nhưng tác giả dựa trên thực tế nhận thấy “quan trí của chúng ta đang có vấn đề”, và khẳng định:
"Lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của dân tộc ta chỉ ra rằng, nhờ có sự hiểu biết và ủng hộ của nhân dân mà chúng ta giành được những chiến thắng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nay là thời bình nhưng đang có nhiều vấn đề xẩy ra khiến đại bộ phận quần chúng nhân dân cảm thấy cần phải có một hình thức nào đó để lên tiếng, để bày tỏ thái độ, tình cảm, nhận thức của mình. Đó chính là biểu tình."

Cá nhân và cộng đồng

Nhân dịp Lễ Tạ Ơn Thanksgiving ở Bắc Mỹ, blogger Huỳnh Thục Vy bày tỏ “Tâm tư nhân Ngày Lễ Tạ Ơn”, ý thức sâu đậm về mối tương quan tối quan trọng của chủ thể là cá nhân và cộng đồng. 

Theo blogger Huỳnh thục Vy:
huynhthucvy21-250.jpg
"Là một Phật tử, tôi cho rằng mình có thể cảm nhận phần nào, dù ít ỏi, về thuyết Vô Ngã của Phật lý trên bình diện nhân sinh quan đơn giản; rằng trong vũ trụ này, không có một bản thể tồn tại độc lập với các bản thể khác. Chính sự cảm nhận rõ nguyên tắc tương tác giữa cá nhân và cộng đồng, tôi luôn có quan điểm đề cao cá nhân và chú trọng cộng đồng."

 

Chính mối tương tác đó, hay nói cách khác, chính sự quan tâm, vận động, hỗ trợ của cộng đồng, đặc biệt về mặt ngoại giao và công luận – theo blogger Huỳnh Thục Vy – đã giúp cho gia đình Thục Vy được “an toàn phần nào trong  hoàn cảnh khó khăn và cấp bách này”. Blogger Huỳnh Thục Vy tâm sự tiếp:
"Người ta có thể bóp chết một tiếng nói nhỏ bé vừa cất lên, nhưng người ta không chặn được sức mạnh của cộng đồng và những tiếng nói đồng loạt cất lên trên khắp Thế giới để bảo vệ nhân quyền và công lý, đặc biệt là để bênh vực và bảo vệ gia đình tôi. Cái sức mạnh cộng đồng to lớn ấy bất chấp biên giới quốc gia và gông cùm có thể phát huy khắp mọi nơi, hướng về những người đang phải chịu khổ đau và khốn khó dưới quyền lực thế tục độc đoán. Nếu không có sự vận động nhiệt thành ấy, mọi tiếng nói từ trong nước sẽ bị dập tắt. Và cho đến hôm nay, tôi có thể tự tin minh xác một điều rằng những hành động chung và sự đoàn kết của chúng ta sẽ mở ra một sinh lộ cho dân tộc chúng ta."
Và nhân dịp Lễ Tạ Ơn, blogger Huỳnh Thục Vy bày tỏ tri ân:
"Người Việt chúng ta không có một ngày lễ Tạ ơn của riêng mình. Cũng đã gần đến ngày Lễ Tạ ơn theo truyền thống Cơ đốc phương Tây, cho tôi được nhân dịp Lễ này bày tỏ lòng tri ân quý đồng bào, thân hữu hải ngoại cũng như trong nước về những sự nâng đỡ và cổ vũ mà quý vị đã dành cho gia đình tôi."
Và cũng nhân Dịp Lễ Tạ Ơn Thanksgiving này, Thanh Quang kính chúc quý vị cùng người thân, bằng hữu được mọi điều an lành.