Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước là Tổng giám đốc một doanh nghiệp có
cái tên rất dài là “Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Tư vấn - Đầu
tư Doanh thương Mỹ Á”, Trụ sở đóng tại 399B - Đường Trường Chinh -
Phường 14, Quận Tân Bình. Ông có một slogan rất ấn tượng là “Đưa Việt Nam hội nhập vào Thế giới và đưa Thế giới đến với Việt Nam”.
Có lẽ vì thế mà ông mong muốn doanh nghiệp của ông giữ vai trò quan
trọng ở khu vực Đông Dương (?) và khối ASEAN trong việc trở thành nhà
dịch vụ cao cấp độc đáo cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá
nhân quan tâm đến chất lượng thượng hạng, với quyết tâm tất cả vì lợi
ích và sự hài lòng của cộng đồng. Khẩu hiệu (lại khẩu hiệu?) của chúng
tôi (Doanh nghiệp Mỹ Á) là: “Việt Nam hôm nay, ASEAN ngày mai và Châu Á tiếp nối ngày mai”.
Sau
khi tốt nghịêp khoa tiếng Anh Trường đại học Tổng hợp TPHCM năm 1981
với mức điểm trung bình kém (vì thi trượt môn văn học Anh) ông vẫn trở
thành một giáo viên dạy tiếng Anh từ năm 1982. Tuy nhiên, ông vẫn tự
đánh giá mình là “chuyên gia” về các bộ môn như từ vựng học, văn chương
Anh, văn minh Anh, luận văn Anh, văn phạm, biên phiên dịch, Anh văn
thương mại, hợp đồng thương mại… Ông cũng có hai mươi năm đảm nhận chức
vụ lãnh đạo tại các công ty nhà nước và công ty nước ngoài trong nhiều
lĩnh vực đa dạng, chẳng hạn như xuất nhập khẩu, dịch vụ cao cấp doanh
nghiệp, phát triển đào tạo… Ông tự hào từ năm 1989 đến năm 1996, ông
điều hành việc phát triển kinh doanh của Công ty CIMMCO của Tập đoàn kỹ
nghệ Birla - Ấn Độ nhập khẩu hàng vào Việt Nam, ông đã “tổ chức thành
công chuyến xuất khẩu lô gạo đầu tiên kể từ ngày giải phóng miền Nam” và
tổ chức tập huấn lần đầu tiên cho lãnh đạo và chuyên viên Vinacontrol
phương pháp giám định gạo.
Ông là người của
công chúng từ lâu, được nhiều người biết đến qua “các bài viết về tư vấn
và phê bình độc đáo” trên các tờ báo lớn của cả nước????
Ông
thích viết, viết khá nhiều bài và về những lĩnh vực khác nhau. Đại từ
nhân xưng “tôi” – tức là ông Phước – luôn gắn liền với tên của các nhân
vật “nổi cộm”. Ví dụ, “Tôi và Lê Công Định”, “Tôi và Cù Huy Hà Vũ”… Lẽ
dĩ nhiên, một người yêu Việt Nam, yêu quê hương như ông, những cái tên
ấy đều bị một “Thạc sĩ kinh doanh quốc tế” Hoàng Hữu Phước ghét cay ghét
đắng vì dám chống lại chính quyền.
Không chỉ vì
yêu Việt Nam đến phát cuồng, ông còn yêu các “danh nhân” ở các quốc gia
xa tít mù khơi như… Iraq! Ông cảm thấy thương xót chế độ của Saddam
Hussein khi bị Mỹ, Anh và mấy chục quốc gia khác đem máy bay, tàu chiến,
binh lính đến đánh trong chiến dịch “bão táp sa mạc” năm 1990 – 1991,
sau đó, vào năm 1998, lại mở chiến dịch “Cáo sa mạc” không kích các
trung tâm đầu não của chính phủ Iraq.
Là người
“uyên bác”, muốn trổ tài kinh bang tế thế, ông thầy giáo dạy tiếng Anh
ra tay nghĩa hiệp cứu vị Tổng thống mà ông hằng ngưỡng mộ đồng thời góp
sức tiêu diệt lũ đế quốc sài lang nhằm mang lại hòa bình cho Thế giới.
Mặc dù đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam còn nghèo, thông tin
liên lạc khó khăn, đắt đỏ và chậm chạp nhưng vì tinh thần quốc tế cao
cả, ông Phước liên tục gửi điện tín cho Saddam Hussein ở thủ đô Baghdad
và đồng gửi cho Đại sứ Iraq tại thủ đô Hà Nội. Mỗi bức điện đánh đi hồi
ấy dài dằng dặc nên tốn mỗi bức vài chỉ vàng (theo thời giá bây giờ, mỗi
bức mươi, mười lăm triệu đồng!). Bà vợ của ông luôn than thở mỗi khi
ông lấy tiền thanh toán “điện phí” vì ông viết dài và “theo phong thái formal không viết tắt”.
Nhằm
mục địch “tư vấn danh nhân” giúp vị Tổng thống đang bị vây đánh, đang
bị cô lập, ông đeo đuổi công tác tư vấn cho Saddam ròng rã hơn mười năm
trời. Thật đáng nể và chúng ta hãy xem ông tiếp tục giúp Iraq như thế
nào?
Ông suy nghĩ nhiều đêm viết ra giải pháp
“Kế sách liên hoành” tuyệt diệu! Kế sách này dựa vào lời tuyên bố của
Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush ngày 29 - 01 - 2002 liệt Iran, Iraq và
Bắc Triều Tiên là trục “liên minh ma quỷ” (axis of evil). Theo ông Phước
“đây là cơ hội bằng vàng để thực hiện một khối trục mới Neo-axis của
sức mạnh liên kết phòng thủ tự vệ, bảo vệ sự bình an cho nhân dân các
nước Neo-axis, duy trì thăng bằng cán cân quân sự cần thiết cho thế giới”.
Ông sợ người ta hiểu lầm sự trong sáng của “khối trục mới” nên phải thanh minh ngay: “Neo-axis khác với khối trục Đức-Ý-Nhật gây chiến tàn khốc cho nhân loại”.
Việc triển khai kế sách ra sao?
Điều đầu tiên, cực kỳ quan trọng và cấp bách là Tổng thống Saddam Hussein phải khẩn trương bổ nhiệm ông làm Đặc sứ toàn quyền của Iraq
(Extraordinary and Plenipotentiary) để ông có đủ uy thế và quyền hạn
như một sứ thần bay sang Iran gặp Tổng thống Mohamad Khatami –
một cựu thù của Iraq. Ông sẽ nói với Tổng thống Iran là Iraq chỉ là “kẻ
thù giai đoạn” nên hai nước phải bắt tay nhau chống lại “kẻ thù không
đội trời chung”. Sau đó, ông bay sang Bắc Triều Tiên gặp chủ tịch Kim
Jong Il. Với tài năng và sự uyên bác, lịch lãm có sẵn, với trình độ
tiếng Anh điêu luyện, vị sứ thần Hoàng Hữu Phước “sẽ trổ tài hùng biện để đảm bảo đạt được sự đồng thuận của các vị này!”.
Ba
nước Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên sẽ lập thành Neo-axis để giúp nhau
tồn tại dài lâu, duy trì an ninh các khu vực khác nhờ thế chân vạc được
tạo lập.
“Đặc sứ toàn quyền” Hoàng Hữu Phước còn
vạch ra một kế hoạch quân sự không tiền khoáng hậu đề phòng Mỹ trực
tiếp hoặc gián tiếp xâm lược Iraq hay Iran. Đó là, Iraq (hoặc Iran) phải
lập tức tấn công Israel ở Trung Đông, còn Bắc Triều Tiên mở cuộc tấn
công đại quy mô, tràn qua vĩ tuyến 38 đánh Hàn Quốc! “Đó là cơ hội Triều Tiên tấn công tổng lực tràn ngập giải phóng Nam Hàn, thống nhất đất nước!”.
Nhà
chiến lược vĩ đại Hoàng Hữu Phước còn dự phòng phương án tác chiến thứ 2
là, nếu Mỹ trừng phạt Bắc Triều Tiên thì Iraq và Iran tấn công tổng lực
triệt hạ Israel với sự ủng hộ của Palestine và các quốc gia Trung Đông
khác là cựu thù của Israel.
Khi ấy, đồng thời
với các cuộc chiến trên khắp mặt trận, vị Đặc sứ Hoàng Hữu Phước sẽ tiếp
cận với Washington để du thuyết nhằm “giúp Mỹ nhận thức sự tai hại
đối với toàn cầu nếu Mỹ trở nên suy yếu do dấn sâu vào những cuộc xung
đột vũ trang, bỏ quên mối nguy cơ tiềm tàng từ Bắc Kinh!”.
Thật
là một kế hoạch hoành tráng, hoàn hảo và đầy tính “nhân văn” từ “Lăng
Tần Hoàng Hữu Phước” vạch cho Saddam Hussein. Điện đi hàng chục bản, ông
sứ thần tương lai ngồi ở Sài Gòn chờ mòn mỏi chẳng thấy một dòng hồi âm
từ Baghdad nên ông Phước càng lo cho vị Tổng thống Iraq đang tìm cách
chống đỡ sức ép của một cuộc chiến thật sự đang đến gần. Chiến lược ông
viết ra hay như thế chẳng ai chịu nghe nên ông vội vàng tới Bưu điện Sài
Gòn, đánh điện khẩn sang Iraq. Ông viết rằng Thủ tướng Anh (Blair) và
Tổng thống Mỹ là những kẻ mưu mô, xảo quyệt sẽ đánh Iraq nay mai nên ông
khuyên Saddam phải giữ lại mấy trăm công dân người Mỹ, người Anh… đưa
họ vào dinh Tổng thống để làm con tin, làm “lá chắn sống” ngăn không lực
Hoa Kỳ oanh kích tàn phá Baghdad! Vậy mà một lần nữa, Saddam “không
nghe” lời Lăng Tần Việt Nam Hoàng Hữu Phước! Ông ta vẫn cho phép người
nước ngoài rời khỏi thủ đô.
Quá buồn chán, “Đặc
sứ toàn quyền” lại đánh đi bức điện cuối cùng với lời mong cầu Trời phù
hộ cho Saddam. Điện gửi đi rồi, chiến lược gia Hoàng Hữu Phước thấp thỏm
lo âu, có lẽ bức điện không bao giờ đến tay ngài Tổng thống vì vài hôm
sau, chiến dịch “Tự do Iraq” mở màn ngày 20 - 03 - 2003 và 20 ngày sau,
09 - 04 - 2003 Baghdad thất thủ!
Trong nuối
tiếc, tan mộng làm sứ thần đầy trọng trách vì nhân loại, ông “Thạc sỹ
kinh doanh quốc tế” ấm ức, nếu Saddam nghe ông, chịu tấn phong cho ông
thì thế giới đã đổi khác và ông Saddam không bị treo cổ ngày 30 - 12 -
2006. Không những thế, Mỹ vẫn mạnh, Trung Quốc vẫn chỉ là “cường quốc
trung bình”. Cũng vì không nghe lời khuyên, không chấp nhận kế sách của
Lăng Tần Việt Nam, ba nước Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên không “liên
hoành” với nhau nên từng chiếc đũa đã bị Mỹ bẻ – “chiếc gãy (Iraq)
chiếc cong (Iran và Triều Tiên) dù chiếc nào cũng khiến Hoa Kỳ trầy sướt
và nhiễm độc sốt nặng triền miên vô phương cứu chữa”.
Ông
Hoàng Hữu Phước đau đớn nhìn “kế sách liên hoành”, nhìn “thế chân vạc”
của mình đã lao tâm khổ tứ viết ra giờ thành kỷ niệm khó phai. Ông than
thở “vì Việt Nam, vì Hoa Kỳ, vì thế giới, tôi đã dồn tiền bạc và công
sức tư vấn nhằm cứu Saddam Hussein. Tiếc là thế chân vạc phải gãy vì sự
cực kỳ tự tin của Saddam”.
Rồi ông buông câu kết buồn thảm: “Âu cũng là thiên định”. Vĩnh biệt Tổng thống Saddam Hussein Abd al-Majid al-Tikriti.”
***
Câu
chuyện tôi vừa kể cho các bạn nghe là sự thật một trăm phần trăm, không
bịa một chi tiết nào! Những dòng chữ nghiêng là trích nguyên văn lời ông Phước viết.
Vậy
các bạn nghĩ thế nào về những lời phát biểu của ông nghị Hoàng Hữu
Phước trên diễn đàn Quốc hội khi thảo luận về Luật biểu tình và Luật lập
hội?
L.T.T.