"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 21. November 2011

Sợ biểu tình – Căn bệnh lệch lạc về tư duy chính trị!

Lê Nguyên Hồng (CTM)

 Tại nghị trường Quốc hội Việt Nam hôm 17/11/2011 vừa qua đã nổ ra một cuộc đấu lý khá căng thẳng giữa một mình ông Dương Trung Quốc và rất đông các ông bà nghị là đảng viên Đảng Cộng Sản (ĐCS) đương chức đương quyền khác, về vấn đề có nên xây dựng Luật biểu tình hay không.

Đáng kể phải kể đến phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước – đại biểu thuộc khu vực Sài Gòn – nêu ý kiến rằng: “đề nghị Quốc hội loại bỏ luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”. Đây chính là những phát biểu xuất phát từ căn bệnh “Sợ biểu tình”. Vậy biểu tình có đáng sợ cho nhà cầm quyền hay không? Nhân dân có cần nó hay không? Người đấu tranh có nhờ nó mà lật đổ được một thể chế chính trị hay không? Chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần cuối bài viết này…


Vẫn biết nghị trường Quốc hội từ mấy chục năm nay chỉ là nơi để cho các đảng viên ĐCS tự nhận về chuyện họ “đại diện cho nhân dân” diễn trò. Nhưng dù sao, một vài khóa Quốc hội gần đây, trong số họ - dù là vô cùng ít - cũng còn có một vài người dám nhìn vào sự thật, như các ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc vv…

Nhắc đến ông Phước, chúng ta cũng nên điểm sơ qua về tiểu sử cá nhân của ông nghị mới toanh này: Ông Hoàng Hữu Phước quê Nam Định, là tổng giám đốc công ty thương nghiệp Mỹ Á ở Sài Gòn, cựu giảng viên tiếng Anh tại Trường cao Đẳng Sư phạm Sài Gòn. Hèn gì mà ông Phước đã lấy câu tiếng Anh “demonstration” để diễn giải thuật ngữ “biểu tình” của tiếng Việt…

Tuy chỉ biết vài câu xã giao tiếng Anh, nhưng người viết bài này đã xin ý kiến của một chuyên gia tiếng Anh, và được trả lời là, chuyện chuyển ngữ giữa các ngôn ngữ rất ước lệ. Bản thân từ “demonstration” có nhiều nghĩa, như “sự thể hiện, sự biểu hiện”, “sự chứng minh, thuyết minh”, “cuộc biểu tình, cuộc biểu tình tuần hành, cuộc biểu dương lực lượng”, “cuộc thao diễn” (quân sự). Vậy là người Việt, tốt nhất ta cứ hiểu theo nghĩa tiếng Việt, “biểu tình” nghĩa là công khai biểu lộ, cùng thể hiện tình cảm (yêu, ghét - ủng hộ, chống đối) về một việc, một điều gì đó, do một nhóm người không hạn chế về số lượng, tham gia tự phát hoặc có tổ chức. Vậy là đủ! Dùng tiếng Anh trong trường hợp này là hành vi cố tình bóp méo tiếng Việt…

Theo ông Phước, điều mà nước ta (tức VN) đang cần là “những quy định về đức tin, về tuần hành đông người”. Đây lại thể hiện một tư duy phi chính trị của ông Phước. “Những quy định về đức tin” là thuật ngữ chỉ dành cho các tôn giáo hoặc vấn đề tâm linh nói chung. Nói đến chính trị người ta nói đến lý tưởng hoặc niềm tin, chứ không bao giờ dùng chữ “đức tin”. “Tuần hành đông người” chỉ là một cuộc di chuyển của một lượng đông, hoặc rất đông người tham gia. Trong một phạm vi nào đó thì “tuần hành” chỉ là một hình thức của biểu tình mà thôi. Nhưng trên thực tế có rất nhiều cuộc tuần hành không hề mang tính chất biểu tình.

Tiếp theo, ông Phước khẳng định: “Nếu lấy ý kiến người dân, đa số sẽ không ủng hộ Luật biểu tình, vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ gây ra biến loạn”. Câu này cũng lại phi chính trị nốt, và còn có thể là căn bệnh Duy ý chí nữa, vì chưa hề có một cuộc “lấy ý kiến người dân” nào, mà ông nghị Hoàng Hữu Phước đã dám nói chắc như… cục gạch, rằng “đa số sẽ không ủng hộ”. Ông cũng không giải thích được “bản chất dễ bị tổn thương” là gì, và “dễ gây ra biến loạn” vì lý do gì? Nếu trong một cuộc biểu tình nội dung nhằm ủng hộ chính sách của nhà nước cầm quyền chẳng hạn, thì có thể “dễ bị tổn thương” và “dễ gây ra biến loạn” hay không?

Cuối cùng ông Phước kết luận là: “biểu tình hầu hết đều biến thành bạo loạn và làm ô danh đất nước”, sau những bằng chứng được ông coi là “hùng hồn” về các cuộc biểu tình ở Anh và Mỹ gần đây. Xin được phản biện một câu rằng: Pháp luật của bất kỳ một nước nào cũng không thể loại trừ được mọi hành động phạm pháp, nó chỉ xuất hiện để điều chỉnh hành vi, sau khi hoặc trong khi tội ác diễn ra mà thôi. Trên thực tế, các hành vi phạm tội ngoài xã hội còn có quy mô lớn hơn những hành động manh động của một vài người biểu tình qúa khích mất tự chủ rất nhiều. Đó là còn chưa kể đến bàn tay phá họai của những kẻ giấu mặt trà trộn vào đoàn biểu tình để thủ tiêu không khí ôn hòa trước đó…

Để chốt lại vấn đề, ông Phước cho rằng “ Việt Nam chưa phải là một cường quốc để đài thọ cho sự ô danh”. Câu này ông ám chỉ Hoa Kỳ và Anh Quốc, thì đó là quyền của ông. Nhưng nếu biểu tình là ô danh thì hàng ngàn những cuộc biểu tình từ ngày 2/9/ năm 45 đến nay trên khắp cả nước, do nhà nước cầm quyền tổ chức, mà đại diện là các cơ quan đoàn thể của ĐCS, đều là sự ô danh hết cả hay sao? Ấy là chưa kể đến hàng chục cuộc xuống đường của phật tử, học sinh sinh viên, tiểu thương Miền Nam trước năm 1975 đòi chế độ Việt Nam Cộng Hòa phải thực hiện nhiều yêu sách, mà đứng đằng sau những cuộc biểu tình đó toàn là các cán binh Miền Bắc . Vậy theo cách hiểu (cũng lại phi chính trị ) của ông Phước, thì đó đều là những sự ô danh hay sao?!