Hồng Lạc
Người ta thường nói: “sai một ly, đi một dặm”. Cái sai về cơ bản của CNCS là cái sai về quan điểm tư tưởng trong nhận định về mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn xã hội thông qua con đường bạo lực cách mạng. Xã hội loài người tuân theo quy luật tiến hoá chung tương tự quy luật tiến hoá của mọi sinh vật, quy luật tiến hoá của vạn vật trong vũ trụ và quy luật tiến hoá của tâm thức từ dạng thô đến vi tế của con người.
Từ cái sai cơ bản đó nên CNCS không thể tiệm cận được cái đúng mặc dù có lúc nó nhận thức được cái sai. Từ cái sai nhỏ sẽ tạo nên cái sai lớn hơn và tuần tự như vậy, CNCS sẽ tự nó phản lại nó và tự nó sụp đổ như đã từng xảy ra ở Đông Âu và LX. Khi đó vai trò của các tổ chức xã hội và phong trào công nhân (công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan) có ý nghĩa hỗ trợ, giống như cái cây mục phải nhờ một trận gió để nó gãy đổ.
Ở Việt Nam hiện nay, đời sống của đại đa số tầng lớp công nhân rất cực khổ. Những đồng lương chết đói của họ không đủ nuôi mỗi mình họ chứ chưa nói đến gia đình, con cái, họ hàng. Vấn đề đặt ra là ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ nếu đó không phải là các tổ chức công đoàn (2).
Trong chế độ CS, công đoàn thường là người được giới chủ trả lương (các công ty nhà nước thì giám đốc trả lương cho công đoàn và chủ tịch công đoàn thường nằm trong BCH đảng uỷ công ty). Vì vậy tiếng nói của công đoàn với giới chủ (hoặc lãnh đạo công ty nhà nước) là tiếng nói không thể hiện hết hoặc chỉ thể hiện một phần ý nguyện của công nhân vì một lẽ là người làm công đoàn được trả lương cao và khá an nhàn. Nếu họ nói trái ý của giới chủ (hoặc lãnh đạo công ty nhà nước) thì họ sẽ bị mất hết các quyền lợi hậu hĩnh mà họ đang có (tại công ty tôi đang làm việc, lương của chủ tịch công đoàn ngang bằng với lương phó tổng giám đốc).
Vì vậy, điều hiển nhiên là cái công đoàn đó thực chất là tay chân của giới chủ, của lãnh đạo các công ty mà các vị lãnh đạo công ty nhà nước đó không ai khác, đại đa số là những đảng viên cộng sản. Tổ chức công đoàn trong các công ty nói chung, chính là cái cớ để Đảng CSVN nói rằng, quyền lợi của người lao động đã được bảo đảm thông qua các tổ chức công đoàn. Đây chỉ một hình thức ngụỵ trang, là hình thức trá hình nhằm kiểm soát mọi hoạt động của công dân nhằm loại bỏ sự manh nha hình thành và phát triển của các tổ chức dân sự chính hiệu, điều mà các nhà nghiên cứu chính trị, xã hội đã từng cho rằng, công đoàn chính là một tổ chức dân sự giả hiệu (3), là cánh tay nối dài của Đảng (4).
Vụ bắt và kết án ba nhà hoạt động công đoàn vừa qua gồm Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh với những mức án rất nặng là bằng chứng cho thấy, Đảng CSVN không muốn có tiếng nói của các công đoàn độc lập, tổ chức mà hoạt động của nó gắn liền với quyền lợi của công nhân. Một điều dễ hiểu là Đảng CSVN lo sợ sự ra đời các tổ chức công đoàn giống như công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan, nên họ đã dùng những biện pháp rất cứng rắn nhằm răn đe những ai có ý định ủng hộ cuộc đấu tranh cầu sinh của công nhân thông qua việc thành lập các tổ chức công đoàn độc lập.
Vì vậy, những người công nhân không được bảo vệ bởi các tổ chức công đoàn chính hiệu, sẽ bị bóc lột thậm tệ trong điều kiện bị khống chế bởi mức lương tối thiểu của nhà nước ở mức rất thấp (nhằm tạo môi trường thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài của chính phủ). Đây chính là mâu thuẫn cơ bản được phát triển một cách từ từ. Khi lực lượng công nhân đã nhận thức được bản chất của vấn đề thì họ sẽ tham gia các tổ chức để bảo vệ cho họ (nếu có) như trường hợp Hiệp hội đoàn kết công nông của Đoàn Huy Chương ở Trà Vinh.
Với việc Đảng CSVN ra tay đàn áp các tổ chức công đoàn chính hiệu, thực chất chính là sự tước đoạt đi cái quyền được đòi hỏi giữa những người làm thuê (công nhân) và người đi thuê lao động (giới chủ và lãnh đạo các công ty nhà nước) thông qua một tổ chức mà họ làm việc hoàn toàn không vụ lợi và được nuôi bởi tiền đóng góp của công nhân, đó là các công đoàn độc lập, một tổ chức dân sự chính hiệu. Và điều gì đến sẽ phải đến, dù sớm hay muộn, những người công nhân vốn ít được tiếp cận các nguồn thông tin giúp họ nhận diện được ai là kẻ đã bóc lột họ thậm tệ và ai chính là kẻ đang dung dưỡng cho kẻ đã bóc lột mà không cho họ được đòi hỏi quyền được thương thuyết với giới chủ (hoặc lãnh đạo công ty nhà nước) một cách chính đáng và sòng phẳng sẽ dần nhận ra chân tướng những ai đang cướp đi miếng cơm manh áo của bản thân họ. Điều này làm cho mâu thuẫn giữa tầng lớp công nhân và Đảng CSVN ngày càng lên cao và cũng chính là động lực cho một cuộc hạ bệ CNCS trong tương lai như đã từng xảy ra ở một số nước Đông Âu những năm 89-90 của thế kỷ trước.
Ở đây, bạn sẽ thấy một điều trái ngược hoàn toàn với ý kiến của Marx là tầng lớp công nhân (tôi không dùng từ giai cấp vì thực tế như vậy) là một trong những động lực làm sụp đổ CNCS chứ không phải làm sụp đổ CNTB vì CNTB thực chất không phải là một thứ chủ nghĩa, nó ra đời một cách tự nhiên đi cùng với cuộc cách mạng trong công nghệ và quản lý kinh doanh. Ngay trong chế độ phong kiến đã có những người sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ và sử dụng công nhân trong các công xưởng. Sự phát triển của tư bản thị trường cạnh tranh phát triển mạnh từ khi James Watt sáng tạo ra máy hơi nước. Như vậy, CNTB không như Marx nói, nó không là một thứ chủ nghĩa (theo giáo điều, theo hệ tư tưởng, theo hệ thống quan điểm…), mà nó chính là một giai đoạn có tính phức hợp trong quá trình tiến hoá của xã hội loài người đi từ sơ khai đến hiện đại và đi đôi với nó, xã hội được điều chỉnh từ đời sống thấp kém, lên bình diện cao và dàn đều hơn trong vai trò quản lý và điều tiết của nhà nước dân chủ xã hội.
Và đây chính là một minh chứng thuyết phục những sai lầm cơ bản của Marx và hệ luỵ sai lầm của phe XHCN trong nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI khi lấy chủ nghĩa Marx làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho hành động thống trị độc quyền, xa rời dân chủ của các đảng cộng sản trên thế giới.
Những người sẽ xô đổ miếng domino cuối cùng còn lại trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ có lẽ không phải ai khác mà chính là tầng lớp công nhân và những người ủng hộ và giác ngộ họ.
Nếu Marx sống lại thì có lẽ ông cũng sẽ không ngạc nhiên vì thực tế những người đang có vẻ đi theo cái chủ nghĩa của ông đã hoá thân thành giai cấp tư sản đỏ hết thảy. Điều này Marx có tiên liệu trước nhưng đã không chép ra cho hậu thế hay không? Nếu ông tiên liệu và chép ra thì hẳn hàng chục triệu người trên thế giới đã không bị chết một cách oan uổng và nền văn minh của một nửa nhân loại đã không bị chậm lại, bao nhiêu con người không còn chìm trong đau khổ, nước mắt và sự hận thù.
Sài Gòn 20-11-2010
Người từng đi theo Marx một quảng đường dài
___________________
Chú thích
(1) Mọi thành phần trong xã hội thực tế không được phân chia giai cấp một cách rõ ràng vì sự thay đổi, sự phân hoá và sự kết hợp xảy ra thường xuyên. Chữ giai cấp ở đây nói theo những tài liệu và giáo trình ở Việt Nam.
(2) Các tổ chức công đoàn đầu tiên ra đời trong các phong trào công nhân ở các nước tư bản Tây Âu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Từ chỗ đấu tranh tự phát, điển hình là “phong trào phá máy” (1811-1812) ở Anh. Đến giữa thế kỷ 19 vào khoảng thập niên 30-40, một phong trào rộng lớn ra đời, phong trào “hiến chương” ở Anh. Công nhân tổ chức mít tinh kêu gọi “phổ thông đầu phiếu”, “tăng lương, giảm giờ làm”… đây chính là tiền đề hình thành các tổ chức công đoàn về sau.
Tại Việt Nam, phong trào công đoàn ra đời gắn liền với phong trào công nhân trong các đồn điền và các nhà máy, hầm mỏ của Pháp trong chính sách khai thác thuộc địa. Ban đầu phong trào mang tính tự phát sau dần chuyển sang tự giác có tổ chức. So với công đoàn từ thời Pháp thuộc thì hiện nay thực tế là phong trào công đoàn tại VN đang đi xuống.
(3) Từ giả hiệu để chỉ sự sao chép của các chính thể cộng hoà đi theo con đường phát triển cộng sản chủ nghĩa từ thể chế dân chủ. Các tổ chức dân sự có ở các thể chế dân chủ đều có ở các quốc gia theo thể chế cộng sản. Đây chính là một bước tiến dài trên con đường độc tài hơn các thể chế độc tài khác vì các thể chế độc tài thường nằm dưới quyền một kẻ độc tài. Kẻ độc tài này thường xoá bỏ các tổ chức dân sự tồn tại trước đó. Khi kẻ độc tài chết hoặc bị thay thế thì thể chế độc tài đó chuyển sang thể chế dân chủ hoặc bán dân chủ. Trong thể chế cộng sản, các tổ chức dân sự không bị xoá bỏ mà bị kiểm soát, bị biến dị trở thành những công cụ của đảng cộng sản. Đây chính là các tổ chức nguỵ trang cho sự độc tài của các đảng cộng sản vì người dân thực chất đã bị đánh lừa, họ đã tưởng rằng họ có đại diện của mình thông qua các tổ chức dân sự như Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Các tổ chức công đoàn… nhưng thực chất họ nằm dưới quyền kiểm soát và điều khiển của Đảng. Điều này làm cho sự nhận diện đối tượng đang đi ngược lại quyền lợi của chính mình từ những người dân thiếu hiểu biết trở nên khó khăn và làm cho nền độc tài toàn trị ở các nước theo thể chế cộng sản tồn tại dai dẳng trong điều kiện dân trí chưa cao (trích và bổ sung từ “Chủ nghĩa toàn trị giữa ngã ba đường”).
(4) Từ Đảng được viết hoa để chỉ ĐCSVN.