Jean Luc Douin khen ngợi một cuốn phim tài liệu hay, vinh danh Việt Nam, và nêu lại những nỗi khổ đau của dân Việt từ thời thuộc địa Pháp đến ngày nay, nhưng cách tiếp cận lại không có gì là truyền thống. Phim được xây dựng như một bài thơ với những hình ảnh lạ thường thu góp từ nhiều nước, từ Nhật Bản, Cuba, Thụy Điển, Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc, cho đến Ba Lan, Hungary, Úc, không kể đến các kho tư liệu của Pháp và Việt Nam.
Theo Le Monde, tác giả cuốn phim đã gợi lên tâm hồn Việt Nam, một dân tộc quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, tâm hồn một đất nước nằm trong vòng bao phủ của nước, đất, trời và lửa.
Jean Luc Douin nhắc lại là cuốn phim chiếu hôm nay, là thành quả 10 năm tìm tòi, thu góp tài liệu về Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, là thành quả nghiên cứu đối chiếu tài liệu, và của một sự dàn dựng ngoạn mục. Trong cuốn phim, Jacques Perrin đã sử dụng không chỉ hình ảnh mà còn trích đọc cả thơ văn Việt Nam, như trích bài Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, hoặc những bài viết của các nhà văn Pháp như Malraux, Duras, của nhà làm phim Schoendoerffer, của nhà văn Mỹ, hoặc những bức thư của các người lính vv..
Bài phê bình kết luận là từ những người viết về vùng đất này, những người ký tên trên cuốn phim này, có một thái độ trân trọng đối với những người từng một thời là kẻ thù của họ.
Còn trên tờ Libération, Arnaud Vaulerin như nói trên, tập trung nhiều hơn trên hình ảnh chiến tranh, ghi nhớ những đoạn mà Perrin trích dẫn nhà văn Bảo Ninh. Libération cũng nhìn cuốn phim như một bài thơ, nhưng là bài thơ nặng trĩu những nỗi niềm.
Libération cũng trở lại nguồn tài liệu cuốn phim, cho biết riêng tại Pháp, các tác giả đã được bộ Quốc phòng hỗ trợ, cho phép họ tiếp cận với kho tư liệu gồm 4 triệu bức hình và 23.500 cuốn phim. Jacques Perrin đã không muốn lấy lại những hình ảnh sói mòn, thường thấy. Như ông giải thích, đó cũng là lý do tại sao trong cuốn phim của ông không có ảnh cô bé Kim Phúc chạy trên đường sau đợt dội bom napalm.