"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 25. November 2010

Tại sao đảng kiên trì CNXH?

Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông-Xuân và nhóm sinh viên

Một bạn đã viết xong “bài thu hoạch” sau khi thi xong môn CNXH “khoa học” (để phân biệt với CNXH “không tưởng” do một số nhà nhân văn thực hiện trước Mác. Các bạn trong nhóm đã bổ sung với ý định chia sẻ nhận thức với các bạn sinh viên đã, đang hay sẽ phải học môn này. 

Nay, xin các bạn đọc tiếp một bản thu hoạch nữa, có một số ý mới, chúng tôi nghĩ là có lợi cho quan điểm và cách ứng xử với cái từ ngữ CNXH cứ ra rả suốt ngày đêm để nói lên sự “kiên định”. Sao lại có sự kiên định đến mức “lỳ” như vậy?

Không còn vị lãnh đạo hay nhà lý luận nào của đảng ta dám lên gân ca ngợi cái CNXH hiện thực (thiết lập từ thời Stalin cho đến khi nó sụp đổ). Những người liều lĩnh và thật tâm yêu cái loại CNXH này (ví dụ, cụ Nguyễn Đức Bình và các học trò của cụ - như một số thầy Chính trị của bọn tôi) cũng chỉ dám nói rằng CNXH đó đã thu được những thành quả lớn lao, ví dụ “ngang ngửa với Mỹ về quân sự, khoa học”, đồng thời đem lại cuộc sống ngày càng tăng tiến (so với thời Nga Hoàng) cho dân Liên Xô (gồm dân Nga và 16 nước phụ thuộc). Sở dĩ nó sụp đổ - theo các vị này - chủ yếu là do sự phá hoại của “các thế lực thù địch” đứng đầu là đế quốc Mỹ và sự phản bội của Gorbachov và Eltsin. Thật là cách giải thích đầy mâu thuẫn, nhưng chúng tôi có phương châm là chỉ hỏi (căn vặn) thầy ở mức chưa đủ làm thầy phát cáu. 
Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc!

Về nhà hỏi cha mẹ, ông bà, tất cả đều bật cười, nói (đại ý): Nếu một chế độ đã có vũ khí nguyên tử, lại được mấy trăm triệu dân ủng hộ, thì... “bố thằng Mỹ” cũng không phá hoại nổi. Vài cá nhân đã có địa vị cao vòi vọi trong đảng thì còn “phản bội” để làm gì và làm sao “phản bội” nổi. Dẫu sao, thầy chúng tôi cũng dứt khoát nói rằng CNXH ở Liên Xô là mô hình đầy khuyết tật, VN không bao giờ làm theo nữa. Bọn tôi xếp loại ông thầy này là “ăn lương thì phải nói theo sách”. Điều chúng tôi không thể hiểu nổi là mấy trăm triệu người yêu chế độ mà sao cứ dửng dưng nhìn nó đổ “tự nhiên”, hàng chục triệu đảng viên đã thề thốt dưới cờ đảng hầu như không phản ứng, điều 6 hiến pháp đa minh định vai trò lãnh đạo vĩnh viện của đảng hoá ra là trò cười, các nước phụ thuộc Nga lập tức ù té. Qua mấy lần bầu cử dân chủ mà số dân ủng hộ ứng cử viên của đảng CS Nga cứ giảm dần, đến nay không còn ai dám cam đoan “sẽ có ngày đảng lại được dân bầu lên lãnh đạo đất nước”. Chính thầy tôi (cố tỏ ra) buồn bã (và cố ý) nói với chúng tôi rằng “số người muốn đưa Lenin ra khỏi lăng cứ ngày càng tăng lên, sắp đạt quá bán rồi”.

Lenin là lãnh tụ của cách mạng vô sản Nga - nước rất lạc hậu (thầy tôi bảo chế độ Nga Hoàng là phong kiến chưa xoá hết tàn dư chế độ nô lệ) vậy mà “vận dụng” lý luận của Lenin đã khiến ĐCS cướp được chính quyền để “bỏ qua” chế độ TBCN “tiến thẳng” lên chế độ XHCN. Thầy dùng thành ngữ của ngày nay, nói “đó là đi tắt, đón đầu” để vượt tư bản. Lý thuyết của Lênin do vậy được các lãnh tụ CS ở VN, Trung Quốc, Triều Tiên, Lào... vồ ngay lấy vì nó rất thích hợp với các nước phong kiến này - mà xét về mức tiến triển còn lạc hậu hơn Nga nhiều. Thoạt đầu Lenin cũng cưỡng bức dân Nga “tiến nhanh” lên CNXH, nhưng ĐCS chưa đủ mạnh, chính quyền chưa đủ vững, mà dân thì phản ứng quyết liệt. Lenin phải thay đổi sách lược mà thầy tôi ca ngợi: đó là “chính sách kinh tế mới”, tức NEP. Thầy nói: chính sách Đổi Mới” của đảng ta chính là sự vận dụng sáng tạo NEP của Lenin. 

Về lý thuyết Lenin đã đề ra cách cai trị dân trong thời kỳ xây dựng CNXH, để chuẩn bị lên CNCS, gọi là “chuyên chính vô sản”. Nay thì đảng ta không nhắc lại từ ngữ này nữa, do vậy thầy tôi cũng không đề cập. Nhưng ông bà chúng tôi lại xui chúng tôi thử hỏi thầy. Vậy CCVS là gì? Xin nói luôn: thoạt nghe thì rất tốt đẹp, đẹp như những lời văn của mọi chính sách “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH” vậy. Chuyên chính vô sản là giai cấp vô sản (đại diện cho họ là đảng, và chính quyền do đảng lập ra) thi hành sự chuyên chính với thiểu số bóc lột cũ (nay đã mất quyền cai trị) và nói chung là tất cả những kẻ thù của vô sản (ngoan cố và chỉ là thiểu số); đồng thời thi hành dân chủ (gấp triệu lần) với nhân dân. Nhưng đến khi thực thi CCVS thì thảm hoạ xảy ra ngay. Cách cưỡng bức dân chúng đi vào hợp tác hoá đã gây phản ứng rộng rãi. Và... bất cứ ai phản ứng đều bị gọi là “kẻ thù của nhân dân” và bị đàn áp. Nguồn gốc của đau khổ là ở đấy. 

Trong thời kỳ đảng ta - học trò của đảng Liên Xô – làm theo thầy cũng gây thảm hoạ, phải hỏi ông bà mới thấy khủng khiếp chớ thầy tôi (lớp người 50 tuổi trở xuống) cũng không biết hết. Đó là cải cách ruộng đất (tiêu diệt địa chủ, phú nông), trấn áp văn nghệ sĩ và trí thức trọng “vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, cải tạo (tiêu diệt) giai cấp tư sản ở miền Bắc và miền Nam, vụ án vu cáo “chống đảng”... Sự kinh hoàng, thảm khốc đến mức từ khi có Đổi Mới (1986) đến nay đảng ta không dám nói lại cái từ “chuyên chính vô sản” nữa. Thầy tôi buộc phải nói lại vì ông bà tôi xui chúng tôi giả vờ thắc mắc. Đây là sự tẩy chay, cự tuyệt giáo lý của chính vị thầy cách mạng thế giới mà đảng ta cứ ca ngợi không biết mỏi miệng. Cũng trong Đổi Mới I (không rõ đảng ta có định Đổi Mới II hay không), đảng ta có những cố gắng xoá bỏ mọi lực ngáng cản sự phát triển kinh tế và giải phóng sức sản xuất. 
Tham nhũng? Có gì mà ầm ĩ?

Kết quả ban đầu quả là ngoạn mục (tuy thầy tôi ca ngợi hơi quá lời), nhưng hậu quả về lý luận thì rất nặng nề: ông tôi nói rằng quá trình giải phóng sức sản xuất cũng là quá trình từ bỏ (làm ngược) với lý luận cơ bản Mac-Lenin. Và “càng từ bỏ thì dân càng được nhờ”. Nào là không nói CCVS, không nói đấu tranh giai cấp, bỏ công hữu hoá, bỏ hợp tác hoá, gây dựng lại hai giai cấp bóc lột (doanh nhân và chủ trang trại), công nhận quyền sở hữu tư liệu sản xuất (mà Mác coi là công cụ bóc lột), công nhận kinh tế nhiều thành phần, nới thêm một số quyền tự do, dân chủ... Và nay đã “tiến tới” chỗ cho đảng viên làm kinh tế tư nhân – nghĩa là cứ bóc lột, lại cứ là đồng chí đứng dưới cờ một cái đảng lấy xoá bóc lột làm tôn chỉ tối cao. Nói cho đúng: thực tiễn đã bác bỏ thẳng thừng những gì trái thực tiễn. Đảng vừa cố chạy cho kịp thực tiễn cuộc sống, lại vừa cố “câu giờ” để khỏi bị rời vũ đài chính trị sớm quá.

Chúng tôi thống nhất: cái gọi là XHCN ở nước ta đến nay chỉ còn:
1 Đảng tự ý thay mặt toàn dân sở hữu đất đai.
2 Đảng vẫn nhấn mạnh theo đuổi kinh tế thị trương “định hướng XHCN” đặc trưng bằng coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo (thành phần kinh tế này hễ không được độc quyền hoặc không được ưu ái là y như rằng... thua lỗ).

Về CCVS và đấu tranh giai cấp, trên bề mặt đã giảm rất nhiều (so với thời trẻ của ông bà chúng tôi) nhưng cái cốt lõi vẫn còn rất nặng nề: Đó là sự độc quyền chính trị và tư tưởng. Ví dụ, mọi vị trí nếu có chút quyền lực đều được đảng ta cài cắm đảng viên vào; quốc hội gồm tới trên 90% đảng viên; chính phủ, toà án gồm 100% đảng viên. Ai nói khác đảng, dù chỉ là phân tích học thuật, rất dễ bị vu là “phản động”...

Về tư tưởng, dân chúng chẳng mấy ai còn mặn mà với lý luận Mac-Lenin, kể cả với những “thành quả” nghiên cứu của cái Hội Đồng do cụ Trọng đứng đầu. Có lẽ báo Nhân Dân và tạp chí Cộng Sản là hiếm độc giả nhất. Nhưng có một đối tượng “không học, không xong với đảng”: đó là chúng tôi và các bạn - hiện đang là sinh viên, buộc phải học các môn lý luận Mác-Lê (hai thứ vũ khí thô sơ thời còn man rợ (!). Sao hai vị lãnh tụ khéo kết hợp thế?).

Vậy mà chúng ta vẫn nghe ra rả về sự kiên định con đường XHCN. Thực chất, sự kiên định đến mức ngoan cố này là gì? Sau khi “lên gân” để học nghiêm túc một giáo trình khô khan và chán phè, chúng tôi rút ra một (vâng, chỉ một thôi) ý cơ bản, xuyên suốt. Từ nay, bất cứ ai ca ngợi XHCN thì cái ý này lại hiện ngay trong đầu chúng tôi.

Đó là: con đường XHCN đồng nghĩa với “thừa nhận sự lãnh đạo độc quyền và vĩnh viễn của đảng ta”. Dân ta chỉ còn duy nhất một con đường này, mà con đường này chỉ có đảng mới lãnh đạo nổi (nếu có đảng đối lập thì dân ta bị “chệch hướng” ngay). Đảng dự đoán con đường này còn dài lắm, hàng trăm năm nữa cơ. 

Trần Hiền Thảo, Hà thị Đông-Xuân và nhóm sinh viên