Đỗ Mạnh Tri
Tóm:
Tóm:
Ước mơ dân chủ xưa như con người, nhưng chế độ dân chủ là một hiện tượng rất mới trong lịch sử. Nó nhen nhóm từ thế kỷ 17 và chỉ thực sự thành hình cuối thế kỷ 18 với cách mạng Pháp. Chế độ dân chủ dựa trên một số nguyên tắc thoạt tiên chỉ có trong đầu trước khi được thể chế hóa trong nếp sống xã hội.
Những nguyên tắc này lại dựa trên một nguyên lý nền tảng bao hàm một quan niệm rất đặc thù về con người: tự do. Người là một con vật tự do, và vì thế có quyền làm chủ đời mình. Mình phải là chuẩn mực cho chính mình. Ý thức dân chủ đã hình thành với ý thức chủ quyền của con người tự do. Tranh đấu cho dân chủ là tranh đấu cho tự do con người.
Nhưng đâu là bến bờ của tự do? Con người làm chủ đời mình liệu có tìm ra được con đường đúng đắn để thực hiện chính mình không? Tự do rất có thể dẫn tới tự diệt. Những cuộc chiến khủng khiếp của thế kỷ 20 nhắc nhở ta điều đó. Dân chủ không phải một trạng thái đoạn mại. Nhưng là một phong trào đầy bấp bênh, mạo hiểm, nguy hiểm hướng tới một tương lai không tất yếu.
Vì thế, đấu tranh cho dân chủ, tức cho tự do con người là tin vào con người. Và đánh cuộc rằng, dù sao đi nữa, con người tự do cũng tự do chọn lựa một cuộc sống xứng đáng cho mình và cho đồng loại.
*
Thông thường, dân chủ có nghĩa là dân làm chủ. Nhưng dân nào? Làm chủ cái gì ? Hàng ngàn, hàng triệu người trốn vào những nước như Mỹ, Đức, Pháp, Anh... cách bất hợp pháp kiếm ăn và làm giàu cho những nước này, có phải dân không ? Điều chắc chắn là họ không có quyền công dân. Còn những người bản xứ có quyền công dân, quyền này có đồng đều nơi mỗi người hay còn phải chia ra nhiều cấp bậc công dân? Lên làm tổng thống một nước như nước Mỹ cần rất nhiều mỹ kim, vậy những người hay những tầng lớp tài trợ cho cuộc bầu cử có ảnh hưởng gì đến đường lối của chính quyền Mỹ không ? Thị trường chứng khoán, và nói chung, đời sống kinh tế tại những nước dân chủ, lệ thuộc chủ quyền của dân hay những tính toán và đầu tư của những lực lượng kinh tế xuyên quốc gia ? Những câu hỏi loại này và nhiều loại khác, cho thấy ngay tại các nước được coi là dân chủ vẫn thiếu dân chủ.
Vậy khi nói dân chủ, cần phân biệt: dân chủ hiện thực, chế độ dân chủ và nguyên lý dân chủ.
Dân chủ hiện thực là dân chủ như nó được thực hiện trong nếp sống văn hóa, kinh tế, chính trị của một xã hội, một quốc gia. Chế độ dân chủ chỉ những nguyên tắc dân chủ đã được thể chế hóa trong xã hội. Chẳng hạn, dưới chế độ dân chủ, chính quyền phải dựa trên một thứ kết ước giữa những thành phần xã hội : một hiến pháp được dân chấp thuận, chính phủ có trách nhiệm bảo vệ những quyền lợi của người dân, dân có quyền bất tuân phục và chống lại chính quyền khi chính quyền có những hành động ngược lại những nguyên tắc đã được hiến pháp ấn định... Đặc điểm của chế độ dân chủ là lấy những nguyên tắc dân chủ đã được ký kết thành văn bản, làm nền tảng. Giữa dân chủ hiện thực và những nguyên tắc dân chủ đã được thể chế hóa luôn có khoảng cách. Vì thế có chống đối. Tới đây, đòi hỏi dân chủ là đòi hỏi thực hiện những gì đã được thể hiện trên giấy tờ, trong hiến pháp, luật pháp[1].
Nhưng chính những nguyên tắc dân chủ đã được thể chế hóa cũng có thể là đối tượng của phê bình và chống đối. Một nguyên tắc như quyền tư hữu đã bị phê phán chống đối nhiều từ khi có bản Tuyên ngôn nhân quyền và công dân quyền của nước Pháp năm 1789. Thực tế, chính quyền tại các nước dân chủ phải luôn luôn cải tiến, làm ra những luật mới, có khi sửa đổi, thậm chí thay đổi hiến pháp để phù hợp với những đòi hỏi của dân. Rồi những đòi hỏi càng được thỏa mãn, càng tăng lên với thời gian và hoàn cảnh văn hóa, kinh tế, kỹ thuật. Như vậy, những nguyên tắc dân chủ không đoạn mại, bất biến. Chúng cũng thay đổi.
Câu hỏi được đặt ra ở đây : dựa trên nền tảng nào để thiết lập những nguyên tắc làm nền cho dân chủ? Có không một (nhất nguyên) hay nhiều (đa nguyên) nguyên lý làm gốc rễ phát sinh những nguyên tắc ấy? Hay dân chủ là một con đường mở ra phía trước nhưng không có sẵn ; mở ra như một hứa hẹn xưa như con người nhưng đang vẫy gọi từ tương lai? Vô nguyên, theo nghĩa vô định: rõ ràng đấy nhưng không thể định hình, bức thiết nhưng vẫn bấp bênh. Như kiếp người?
Ước mơ dân chủ.
Ngày nay ai cũng nói dân chủ, ngay những tên độc tài cũng vỗ ngực xưng mình một ngàn lần dân chủ : điều đó chứng tỏ mô hình dân chủ với những ý tưởng liên hệ như tự do, nhân phẩm, nhân quyền gợi lên một cái gì phù hợp với sự mong đợi của lòng người và tiềm ẩn trong mọi nền văn hóa đông tây kim cổ. Ta hãy tạm gọi nó là ước mơ dân chủ. Ngôn ngữ dân chủ kiểu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" dễ hiểu. Người dân chất phác dù không phân tách chi li và ý thức rõ ràng, vẫn cảm nhận ngay một điều gì thiết thân. Của dân, do dân. Y như cái lều của tôi do tôi dựng lên, chiếc thuyền của tôi do tôi đóng lấy, nhạc phẩm của tôi do tôi sáng tác. Nhà nước cũng thế. Nếu là của dân, do dân thì không phải của vua, do vua, dù là vua hiền hay vua dữ. Không phải của đảng, do đảng, dù là đảng tốt hay đảng xấu, đảng độc tài hay đảng dân chủ. Của dân là... của dân. Nếu nhà nước là của dân thì dân làm chủ nhà nước. Vua không phải chủ. Dân không phải tôi. Dân là chủ. Mà con người ta, ai không thích làm chủ đời mình ? Cụ thể, ai không thích được rảnh rang sinh sống. An cư, lạc nghiệp. Chẳng ai thích bị ràng buộc, ai cũng thích được thảnh thơi. Không ai thích khổ, ai cũng mong được sung sướng ; nói cách văn hoa : ai cũng thích được tự do, hạnh phúc. Tự do định đoạt đời mình. Tự do mưu cầu hạnh phúc. Đó là nội dung đơn giản nhưng chính xác của ý tưởng dân chủ. Hiểu như vậy thì ước mơ dân chủ đâu đâu cũng có, thời nào cũng có[1].
Ngày nay ai cũng nói dân chủ, ngay những tên độc tài cũng vỗ ngực xưng mình một ngàn lần dân chủ : điều đó chứng tỏ mô hình dân chủ với những ý tưởng liên hệ như tự do, nhân phẩm, nhân quyền gợi lên một cái gì phù hợp với sự mong đợi của lòng người và tiềm ẩn trong mọi nền văn hóa đông tây kim cổ. Ta hãy tạm gọi nó là ước mơ dân chủ. Ngôn ngữ dân chủ kiểu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" dễ hiểu. Người dân chất phác dù không phân tách chi li và ý thức rõ ràng, vẫn cảm nhận ngay một điều gì thiết thân. Của dân, do dân. Y như cái lều của tôi do tôi dựng lên, chiếc thuyền của tôi do tôi đóng lấy, nhạc phẩm của tôi do tôi sáng tác. Nhà nước cũng thế. Nếu là của dân, do dân thì không phải của vua, do vua, dù là vua hiền hay vua dữ. Không phải của đảng, do đảng, dù là đảng tốt hay đảng xấu, đảng độc tài hay đảng dân chủ. Của dân là... của dân. Nếu nhà nước là của dân thì dân làm chủ nhà nước. Vua không phải chủ. Dân không phải tôi. Dân là chủ. Mà con người ta, ai không thích làm chủ đời mình ? Cụ thể, ai không thích được rảnh rang sinh sống. An cư, lạc nghiệp. Chẳng ai thích bị ràng buộc, ai cũng thích được thảnh thơi. Không ai thích khổ, ai cũng mong được sung sướng ; nói cách văn hoa : ai cũng thích được tự do, hạnh phúc. Tự do định đoạt đời mình. Tự do mưu cầu hạnh phúc. Đó là nội dung đơn giản nhưng chính xác của ý tưởng dân chủ. Hiểu như vậy thì ước mơ dân chủ đâu đâu cũng có, thời nào cũng có[1].
Trong khẩu hiệu "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc " của nước CHXHCNVN, quan trọng, xét cho cùng, không phải độc lập. Trước Cách mạng Dân chủ 1789 nước Pháp độc lập. Nhưng là nước của vua, của các công, các tước. Không phải của dân. Dĩ nhiên, nước không độc lập, dân khó lòng tự do, vì trong trường hợp này, dân vừa phải làm tôi cho vua quan, vừa phải làm tôi cho ngoại bang.
Vậy nước phải độc lập. Nhưng độc lập không đủ. Độc lập như miền Bắc Việt Nam sau 1954 hay cả nước Việt Nam sau 1975 thì dân còn khốn khổ hơn cả dưới thời Pháp thuộc hay thời vua chúa ! Đọc Bảy Trấn. So sánh tình trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới thời "Mỹ – Ngụy" và dưới chế độ CHXHCNVN. Bao lâu nước thuộc quyền sở hữu của một người, một dòng tộc, một tập đoàn hay một tầng lớp xã hội ; bao lâu quyền lực được áp đặt từ trên xuống, thì độc lập không nhất thiết đi đôi với tự do hạnh phúc. Nói cách khác, độc lập không tất yếu đem lại dân chủ. Lịch sử Việt Nam đủ chứng minh điều đó. Suốt 4000 năm văn hiến, nước nhà có nhiều thời kỳ độc lập, nhưng chưa thời nào có dân chủ. Số là tinh thần dân chủ không có trong truyền thống văn hóa chính trị á đông. Ngay lúc này đây, đầu thiên niên kỷ thứ ba, khi đấu tranh cho dân chủ, chưa chắc ta đã thực bụng nghĩ dân chủ. Có khi ta tiếp tục đi tìm minh chủ như Nguyễn Trãi tìm Lê Lợi. Và khi nghĩ dân chủ, chưa chắc ta đã thoát khỏi những nét phản dân chủ của một truyền thống cổ kính. Một thí dụ : hiện nay, từ 'dựng nước' được dùng nhiều. Nhưng nước là gì ? Là sông núi, lãnh thổ, đất đai và dân cư. Ai dám xưng mình 'dựng' nên dân Việt Nam ? Lãnh thổ Việt Nam cũng thế, ta không thể dựng nó như dựng lều. Đó là thành quả của một tiến trình khai thác, lấn chiếm lâu dài. Một triều đại qua đi, một triều đại khác được thiết lập. Nhưng dân vẫn còn đó, nước vẫn có đó. Nếu nước mất chủ quyền, bị ngoại bang chiếm đóng, lấy lại nước là lấy lại chủ quyền, không phải dựng nước ; nếu nước bị chiến tranh tàn phá, ta cũng không dựng nước, ta xây dựng lại đất nước. Thật ra, khi nói 'dựng nước', người ta hiểu 'dựng quyền'. Lý Thương Kiệt : Nam quốc sơn hà, Nam đế cư. Lê Lợi không làm ra sơn hà nước Nam, không đẻ ra Nam dân. Lê Lợi trị vì ở nước Nam sau khi đánh đuổi quân xâm lăng. Trước khi có Lê Lợi đã có Nam dân, Nam quốc. Lê Lợi có dựng là dựng cơ đồ cho một gia đình, một dòng tộc. Gia đình ấy, dòng tộc ấy, từ đây làm chủ đất nước, sai khiến nhân dân. Đã hẳn : dân vi quý, nhưng dân vi quý vẫn là một bầy tôi. Nguyễn Trãi, vị đại công thần của nhà Lê, vẫn chỉ là thần (Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần), làm tôi cho nhà Lê. Một nhà nước như thế, có thể vì dân nhưng không phải của dân, do dân. Nếu nhà nước ấy có vì dân cũng chỉ là thương dân chứ không trọng dân. Nhà nước ấy là nhà nước quân quyền, không có chỗ cho dân quyền. Số phận Nguyễn Trãi bị giết oan là một bài học cho mọi thứ công thần. Có người nói : giết Nguyễn Trãi, nhà đại văn hóa của dân tộc là giết văn hóa dân tộc. Có thế. Nhưng cũng chính thứ văn hóa dân tộc đó đã giết Nguyễn Trãi. Thứ văn hóa thần thánh hóa quyền hành của nhà vua, của triều đình. Quân vi khinh, nhưng quân có quyền lực trong tay. Quyền lực làm hư hỏng, quyền lực càng nhiều càng dễ bị hư hỏng. Kẻ có chút quyền lực trong tay, dễ bị cám dỗ sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Bố dễ bắt nạt con, chồng dễ bắt nạt vợ. Huống hồ một ông vua, một hoàng đế đã được thần thánh hóa lại có toàn quyền sinh sát trong một xã hội tôn ti, trong đó từ trên xuống dưới vừa có quyền, vừa có bổn phận, nhưng từ dưới lên trên chỉ có bổn phận. Trên làm tròn bổn phận của mình thì dưới được nhờ. Nhưng trên lạm quyền thì dưới cắn răng mà chịu. Bất công và áp bức là thuộc tính của một xã hội được tổ chức như thế.
Ở ẩn, làm loạn.
Người xưa cũng biết vậy. Nhưng thời thế thế, thế thời phải thế... Không ai nghĩ tới việc thay đổi khung văn hóa chính trị của xã hội. Anh hùng có tạo thời thế cũng vẫn không ra ngoài những quy chế được coi như khuôn vàng thước ngọc. Ở ẩn, đi tu là cách trốn thoát phần nào những ràng buộc của xã hội tôn ti. Phần nào thôi, vì cơ cấu tôn ti bao trùm toàn thể xã hội. Tuy nhiên, những người ở ẩn hay đi tu còn may. Có khi con người không còn đường xuất xử. Ra với đời không được, lánh đời không xong. Chỉ còn một lối thoát cũng là lối bí: tự vẫn hay làm loạn.
Trong truyền thống Việt Nam đầy những nét cuồng loạn, nói lên sự oan ức của con người bị dồn nén vì áp bức bất công, trong một tình trạng hoàn toàn bế tắc. "Được làm vua, thua làm giặc" gọi tên một không gian văn hóa và xã hội không có chỗ đứng cho con người không chịu làm tôi. Nếu được làm vua, thua làm giặc, thì vua chỉ là một tên giặc thành công, và giặc là một ông vua thất bại. Từ Hải làm giặc, gây cuộc binh đao, chẳng tốt đẹp gì. Nhưng Từ Hải làm vua ngồi ngắm cảnh vào luồn ra cúi của bầy tôi, không còn là Từ Hải nữa. Trong một xã hội chỉ có vua, tôi và giặc, không có chỗ đứng cho những người dân không muốn làm vua, không muốn làm giặc cũng không muốn làm tôi, chỉ muốn làm người. Chỉ muốn sống như một con người. Tự do, giữa những con người tự do. Xã hội truyền thống không dành chỗ đứng cho một Từ Hải. Nên Từ Hải phải chết đứng. Chết đứng, nghĩa là không chết nổi. Không có nơi sống, làm sao có chỗ chết[1]! Để Từ Hải chết được, Nguyễn Du phải cho vào ngoặc không gian văn hóa chính trị của xã hội truyền thống. Phải có bàn tay Thúy Kiều để người anh hùng nằm xuống, trở về với cát bụi : như một con người. Tình ái, một cõi sống chết ngoài vòng cương tỏa của mọi trật tự, mọi thể chế, mọi tính toán hơn thua; nó ám chỉ một xã hội người gặp người với tư cách duy nhất là người. Người trần trụi, không còn vua, không còn tôi. Không có chủ, không có nô. Không có anh hùng liệt nữ. Chỉ có người với người.
Có điều, trong xã hội truyền thống, kẻ cam phận làm tôi nhiều khi cũng không an phận tôi đòi được. Không phải ai ai cũng có khả năng và phương tiện về vườn, ở ẩn hay làm giặc. Tiếng cười dân gian trong truyện cổ tích, trong ca dao tục ngữ giúp người dưới chịu đựng sự lạm quyền của người trên. Tính phong phú của rừng cười (tiếu lâm) Việt Nam là dấu chỉ một dân tộc phải chịu đựng quá nhiều áp bức.
Khi tiếng cười không đủ, khi bị dồn nén quá mức thì chỉ còn cách phản kháng bằng chính cái chết của mình. Truyện xưa kể rằng anh chàng nọ có cô vợ tuyệt đẹp, anh thương vợ nhưng mê cờ bạc ; một hôm thua hết sạch, ký hết cửa nhà, vẫn thua. Cuối cùng, anh ta ký giấy đánh luôn cả vợ. Thua nốt. Đành phải cho gọi vợ tới. Người vợ tới, nghe ra chuyện, niềm nở : "Bỏ nghèo theo giàu, ai chẳng ưa. Xin cho thiếp về nhà sửa soạn, rồi sẽ trở lại theo hầu chồng mới". Lâu sau không thấy nàng trở lại. Người chồng về tìm thì nàng đã thắt cổ tự vẫn.
Luân lý truyền thống khả kính nhưng cũng có mặt tiêu cực của nó. Luân lý này chỉ nhìn nhận con người qua vị trí xã hội của mỗi người, không màng tới con người cá nhân. Mà xã hội truyền thống là một trật tự tôn ti, càng ở vị trí thấp, càng bị đè nén.
Dĩ nhiên cũng không phải vì thế mà con người bị dồn nén, không mơ ước một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Nhưng mơ ước ấy vẫn chỉ là ước mơ trong khung văn hóa cổ truyền. Để ước mơ có thể thực hiện, phải phá vỡ cái khung vua – tôi – giặc và thay thế nó bằng một khuôn khổ xã hội, chính trị có chỗ đứng cho cái tôi của cá nhân.
Nhìn sang Tây phương, ta thấy Tây phương khi xưa cũng chẳng hơn. Khỏi nhắc tới thời Trung cổ là thời kỳ thường bị mang tiếng u mê và đầy áp bức. Hãy coi thời thượng cổ, chế độ dân chủ của Athènes. Dân thành Athènes từng sống dưới chế độ dân chủ (thời Socrate, Platon chẳng hạn), nhưng là dân chủ giữa một số người (chừng 30 ngàn người trên số 150 ngàn). Những người này bàn luận, hội thảo, bỏ phiếu, bầu cử. Nhưng chỉ giữa họ với nhau, giữa những con người tự do, tức những con người không phải làm nô lệ. Chế độ dân chủ Athènes được xây trên chế độ nô lệ, và phủ định phẩm giá con người của người nô lệ. Đã phủ định phẩm giá con người nơi tha nhân, thì còn coi phẩm giá của mình ra chi ? Kỳ thực, con người tự do của thành Athènes cũng không phải là con người cá nhân. Đó chủ yếu là một con người xã hội, làm tôi tớ cho thành-nhà nước Athènes. Hãy xét chính trường hợp Socrates ! Socrate bị vu khống và bị án tử hình một cách bất công. Bạn hữu và đồ đệ muốn ông vượt ngục. Có lẽ chính những kẻ đã lên án ông vì ghen tương, vì bị ông phê phán, cũng mong ông vượt ngục để khỏi bị mang tiếng xử oan một con người công chính. Bọn cai ngục được đút lót cũng đã đồng ý. Nhưng Socrate từ chối. Ông dẫn giải cho Criton, bạn ông, tại sao ông không muốn vượt ngục. Vụ án bất công. Nhưng đó là lỗi của người áp dụng luật pháp, không phải lỗi của luật pháp. Mà theo pháp luật, một tù nhân, dù có tội hay vô tội không có quyền vượt ngục. Rồi ông hỏi Criton phải trả lời thế nào, nếu Luật Pháp hiện nguyên hình chất vấn ông : "Này, Socrate, ông định làm gì vậy ? Ông có thấy không : điều ông toan tính (vượt ngục), không hàm ẩn mục đích nào khác là, trong phạm vi của ông, ông hủy diệt chúng tôi, Luật Pháp, và với chúng tôi, ông hủy diệt toàn thể Nhà nước ? Hay ông tưởng rằng Nhà nước này có thể tiếp tục tồn tại và không bị lật đổ tan tành, nếu những bản án đã được tuyên bố trong Nhà nước này không có hiệu lực gì hết, nếu do ý muốn của tư nhân những bản án ấy mất hết thẩm quyền và bị hủy hoại ?" (Criton 49 b). Socrate đã bị xử bất công, nhưng nếu Socrate trốn đi, ông sẽ bất công với luật pháp. Tới đó, ta hiểu được và cảm phục Socrate : thà làm nạn nhân của bất công còn hơn là làm thủ phạm gây ra bất công. Nhưng ta khó chấp nhận vai trò Socrate gán cho Luật pháp và Nhà nước. Hãy nghe tiếp lời lẽ của Luật Pháp được nhân cách hóa : "Nào, chúng tôi và Nhà nước đã làm gì để ông có thể khiển trách, mà ông mưu toan hủy diệt chúng tôi như thế ? Trước hết, có phải chính chúng tôi đã sinh ra ông không ? Có phải nhờ chúng tôi mà cha mẹ ông lấy nhau và sinh ra ông không ? (...) Và sau khi sinh ra, được nuôi dưỡng đầy đủ, giáo huấn trọn vẹn. Vậy ông dám tưởng rằng ông cũng như ông bà cha mẹ ông, không thuộc về chúng tôi, là con cháu, là tôi tớ của chúng tôi chăng ?" (Criton, 50 d). Trên nguyên tắc, luật pháp là phương tiện ổn định đời sống xã hội. Vậy phải tôn trọng luật pháp. Nhưng luật pháp chỉ là phương tiện. Cứu cánh của luật pháp là con người. Khi con người bị luật pháp biến thành sở hữu của nhà nước, thì luật pháp chống lại công lý ! Dân không phải là con cái, càng không phải là tôi tớ của luật pháp hay của nhà nước.
Cá nhân chủ nghĩa.
Tục ngữ Việt Nam có câu : Bé con mẹ con cha, cả con vua con chúa. Thật là một ý tưởng phi dân chủ và, thời nay, phản dân chủ. Mỗi chúng ta, bé cũng như lớn đều là con mẹ con cha. Nhưng ngoài cha mẹ của chúng ta ra, chúng ta không có cha mẹ nào khác. Áp dụng mô hình gia đình vào xã hội không phải không có tác dụng tốt : nó khuyến khích người ta đối xử với nhau cho có tình có nghĩa. Nhưng xã hội không phải là một đại gia đình. Vua quan không phải dân chi phụ mẫu. Những chức sắc của một tôn giáo không phải cha mẹ của tín đồ. Ta thường nói danh chính ngôn thuận, nhưng danh nào là danh chính ? Nếu chính cái chính của danh lại được rút ra từ những quy chế sai lạc hay lỗi thời đã được hợp thức hóa và được bảo tồn trong ngôn ngữ và vì thế trong suy tư, trong thái độ thì sao ? Ngôn ngữ Việt Nam về phương diện này không thuận lợi cho dân chủ. Ngôn ngữ ta không có chủ thể. Chủ thể ngữ pháp chỉ là những vị trí, không phải những cá nhân. Những vị trí ấy lại rập khuôn theo mô hình gia đình. Nhiều khi nói tiếng Việt là đã vô tình tự phủ định mình và cúi đầu trước quyền hành, quyền lực rồi. Xưng 'con' trước một ông quan, dù ông ấy có bằng tuổi bố mình đi nữa, là bắt đầu chấp nhận quyền lực của kẻ có thể coi mình như rơm rác nhưng mình lại phải kính yêu như cha mẹ. Kẻ có quyền, đã có quyền lại còn đòi làm cha thiên hạ tức là đòi người ta chẳng những tuân lệnh mà còn phải yêu mến cái lệnh đó. Thế rồi quan hệ quyền lực trong xã hội được cải trang bằng quan hệ gia đình lại ảnh hưởng nếp sống gia đình và biến quan hệ gia đình thành quan hệ quyền lực. Tề gia, trị quốc hoán chuyển thành tề quốc trị gia. Gia đình hợp lực với xã hội để đè bẹp con người cá nhân. Vì thế, sự nổi dậy của cá nhân là khởi đầu của dân chủ. Ở đâu cá nhân chưa được tôn trọng ở đấy chưa có dân chủ.
Tục ngữ Việt Nam có câu : Bé con mẹ con cha, cả con vua con chúa. Thật là một ý tưởng phi dân chủ và, thời nay, phản dân chủ. Mỗi chúng ta, bé cũng như lớn đều là con mẹ con cha. Nhưng ngoài cha mẹ của chúng ta ra, chúng ta không có cha mẹ nào khác. Áp dụng mô hình gia đình vào xã hội không phải không có tác dụng tốt : nó khuyến khích người ta đối xử với nhau cho có tình có nghĩa. Nhưng xã hội không phải là một đại gia đình. Vua quan không phải dân chi phụ mẫu. Những chức sắc của một tôn giáo không phải cha mẹ của tín đồ. Ta thường nói danh chính ngôn thuận, nhưng danh nào là danh chính ? Nếu chính cái chính của danh lại được rút ra từ những quy chế sai lạc hay lỗi thời đã được hợp thức hóa và được bảo tồn trong ngôn ngữ và vì thế trong suy tư, trong thái độ thì sao ? Ngôn ngữ Việt Nam về phương diện này không thuận lợi cho dân chủ. Ngôn ngữ ta không có chủ thể. Chủ thể ngữ pháp chỉ là những vị trí, không phải những cá nhân. Những vị trí ấy lại rập khuôn theo mô hình gia đình. Nhiều khi nói tiếng Việt là đã vô tình tự phủ định mình và cúi đầu trước quyền hành, quyền lực rồi. Xưng 'con' trước một ông quan, dù ông ấy có bằng tuổi bố mình đi nữa, là bắt đầu chấp nhận quyền lực của kẻ có thể coi mình như rơm rác nhưng mình lại phải kính yêu như cha mẹ. Kẻ có quyền, đã có quyền lại còn đòi làm cha thiên hạ tức là đòi người ta chẳng những tuân lệnh mà còn phải yêu mến cái lệnh đó. Thế rồi quan hệ quyền lực trong xã hội được cải trang bằng quan hệ gia đình lại ảnh hưởng nếp sống gia đình và biến quan hệ gia đình thành quan hệ quyền lực. Tề gia, trị quốc hoán chuyển thành tề quốc trị gia. Gia đình hợp lực với xã hội để đè bẹp con người cá nhân. Vì thế, sự nổi dậy của cá nhân là khởi đầu của dân chủ. Ở đâu cá nhân chưa được tôn trọng ở đấy chưa có dân chủ.
Từ 'chủ nghĩa cá nhân' thường bị hiểu cách tiêu cực. Có lẽ do ảnh hưởng ngôn ngữ tây phương. Tiếng pháp dùng từ 'individu' để chỉ một cá thể của bất cứ loài động vật nào. Một con chó, một con mèo là một cá thể / individu, người cũng là một cá thể / individu, vì người cũng là một động vật. Thành ra từ 'individu' có thể mang ý nghĩa chế diễu khi người ta đối lập nó với từ 'personne', vì từ này cũng chỉ một cá thể, nhưng cá thể của loài người. Tiếng Việt, gọi là 'cá nhân'. Trong tiếng Việt, cá nhân chỉ có thể là một con người. Chủ nghĩa cá nhân khẳng định sự hiện hữu và tầm quan trọng của con người cá nhân, tức của mỗi người, bất luận người đó là ai.
Con người là một con vật xã hội. Điều này quá hiển nhiên. Chủ nghĩa cá nhân không phủ định tính xã hội của con người, nhưng đề cao con người cụ thể và chống lại những học thuyết hay những cơ chế có khuynh hướng coi thường, thậm chí phủ định cá nhân. Tôi là cha, là mẹ, con, chú, bác, cô, dì ; là bộ trưởng, quốc trưởng, giáo sư, bác sĩ ; là giáo hoàng, giáo chủ, giáo dân, giáo sĩ ; là tù nhân, cai tù... Nhưng tôi cũng là tôi, trước hết là tôi, dù tôi là người hiền hay kẻ dữ, thông thái hay thất học, làm ông lớn hay làm anh quét đường, duy chỉ một việc tôi là tôi, tôi phải được tôn trọng, cho dù tôi không biết tôi là ai. Vì dù tôi là ai đi nữa, đã là người, tôi có một phẩm giá. Phẩm giá người, quan trọng hơn tất cả mọi vị trí xã hội, mọi khả năng và đức tính tôi có thể có. Phẩm giá ấy phải tuyệt đối tôn trọng và tôi có bổn phận phải bảo vệ phẩm giá ấy nơi tôi cũng như nơi đồng loại.
Không có cá nhân chủ nghĩa, không có dân chủ. Vì dân chủ không dành riêng cho một hạng dân (chẳng hạn đàn ông), cũng không phải toàn dân như một khối đông đặc thuần nhất (được bầu với 100% cử tri là không được ai bầu cả) mà là dân với những cá nhân cụ thể. Mỗi người một lá phiếu. Dân chủ khẳng định tính duy nhất của mỗi người dân. Mỗi người như một thực thể liên đới với mọi người nhưng đồng thời tách biệt khỏi mọi người và có những quyền căn bản như mọi người. Những quyền, nghĩa là những điều được làm (tự do đi lại, tự do lập hội...) và những đòi hỏi phải được thực hiện (có công ăn việc làm, có phương tiện học tập...), chứ không đơn thuần là những ước muốn.
Biến ước muốn thành đòi hỏi là con đường dẫn tới dân chủ.
Đòi hỏi dân chủ gắn liền với sự xuất hiện của con người cá nhân. Trước khi trào lưu dân chủ ra đời, cá nhân bị chìm đắm trong tập thể, bị coi như và chỉ có giá trị như một phần tử của tập thể. Chiều kích cá nhân với những ước muốn cá nhân không được công nhận. Vì chưa có ý thức cá nhân : cá nhân chưa tự ý thức như một cá nhân. Con người bất mãn lẽ ra phải tự ý thức như một cá nhân. Nhưng ý thức này chưa có bao lâu sự bất mãn chưa thoát khỏi khung khổ một cộng đoàn, một xã hội phủ định cá nhân. Ở ẩn, làm loạn, tự vẫn như ta thấy trên kia là phủ định một tình trạng, nhưng không phủ định những cơ chế, tập tục sản sinh ra tình trạng đó. Người cung nữ trong Cung Oán, tuy “Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra” nhưng rốt cuộc vẫn "Phòng khi động đến cửu trùng / Giữ sao cho được má hồng như xưa". Còn Từ Hải thì “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Quả là ngang tàng. Nhưng lại : “Triều đình riêng một góc trời, Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà”. Đúng là được làm vua. Từ Hải tự do lại thiết lập một trật tự không có chỗ đứng cho những Từ Hải. Không có chỗ đứng cho những Từ Hải thí chính Từ Hải cũng không tự do. Mỗi người chỉ thực sự tự do, nếu tự do của mỗi người liên đới với tự do của mọi người và quyền lực được dùng như phương tiện nhằm bảo đảm tự do. Giết một ông vua để làm vua là tiếp tục duy trì một trật tự phủ định tự do. Khổng Tử nói : giết tên Kiệt, tên Trụ, không giết vua Kiệt, vua Trụ. Tức không giết vua : không phá hủy, trái lại, củng cố ngôi vua, và bảo vệ một trật tự xã hội không nhìn nhận cá nhân.
Để con người cá nhân xuất hiện, bất mãn, làm loạn hay về vườn, không đủ. Cá nhân còn phải tự ý thức như một chủ thể, tức một người tự làm chủ cho chính mình, có quyền và trách nhiệm định đoạt đời mình. Ý niệm về một cá nhân như thế đã chỉ thực sự xuất hiện từ thời Phục hưng bên Tây phương với Luther và phong trao Cải cách (Réforme). Luther đề xướng một điều thoạt tiên chỉ liên quan đến Kitô giáo : người tín hữu có quyền và bổn phận đọc, suy gẫm Kinh Thánh. Trước đó, đọc và hiểu Kinh Thánh thuộc thẩm quyền của Giáo phẩm. Giáo dân chỉ có bổn phận nghe giáo quyền giảng giải. Với Luther, quan hệ trực tiếp giữa người tín hữu Kitô giáo với Lời Chúa trong Thánh Kinh quan trọng hơn cả truyền thống của Giáo hội và lời dạy của Giáo hoàng. Vấn đề hiểu Thánh Kinh thành ra chủ quan. Vì có nhiều cách đọc, nhiều cách hiểu. Dĩ nhiên, không phải cách đọc nào cũng đúng. Nhưng đúng hay sai lại là trách nhiệm của người đọc. Như người được tự do đi đường, chọn hướng đi là quyền của mình, chọn sai, mình chịu. Để nói cách vắn tắt: con đường dẫn tới Chân Lý lệ thuộc sự tự do tìm hiểu, kinh nghiệm sống và sự chọn lựa của mỗi người. Quan hệ với chân lý không còn là quan hệ với một thẩm quyền tôn giáo hay chính trị, mà là quan hệ giữa mỗi con người cá nhân với chân lý. Nói cách khác, giữa mỗi người và chân lý không có một trung gian bó buộc, một thẩm quyền có toàn quyền định đoạt và phán xét.
Nói rộng ra: không có những ông thầy đạo hay thầy đời nắm sẵn trong tay Chân Thiện Mỹ, tôi chỉ việc đem lễ vật tới mà thụ giáo. Chân Thiện Mỹ là gì? Có Chân Thiện Mỹ không? Trả lời những câu hỏi đó, cần phải tầm sư, phải tìm thầy. Nhưng tầm sư không phải để rồi học đạo như ta thường nói. Nếu học được đạo như học toán, kiếm được đạo như kiếm vàng, thì tại sao sau bao nhiêu những Thầy thứ thiệt và khả kính như Socrate, Lão Tử, Khổng Tử, Phật Thích Ca, Mai sen, Zoroastre, Giêsu, Mahomet vẫn còn đó câu hỏi đời đáng sống hay không đáng sống và đâu là ý nghĩa cuộc đời? Tầm sư là để sư giúp ta tầm đạo. Đạo của trò không nhất thiết là đạo của thầy. Chẳng có ngón tay nào chỉ cho ta mặt trăng! Ánh trăng của đời ta, không ai nhìn ra thay cho ta. Vì không ai có thể sống thay hay chết thay cho ta. Cái đó gọi là tự do lương tâm.
Nói rộng ra: không có những ông thầy đạo hay thầy đời nắm sẵn trong tay Chân Thiện Mỹ, tôi chỉ việc đem lễ vật tới mà thụ giáo. Chân Thiện Mỹ là gì? Có Chân Thiện Mỹ không? Trả lời những câu hỏi đó, cần phải tầm sư, phải tìm thầy. Nhưng tầm sư không phải để rồi học đạo như ta thường nói. Nếu học được đạo như học toán, kiếm được đạo như kiếm vàng, thì tại sao sau bao nhiêu những Thầy thứ thiệt và khả kính như Socrate, Lão Tử, Khổng Tử, Phật Thích Ca, Mai sen, Zoroastre, Giêsu, Mahomet vẫn còn đó câu hỏi đời đáng sống hay không đáng sống và đâu là ý nghĩa cuộc đời? Tầm sư là để sư giúp ta tầm đạo. Đạo của trò không nhất thiết là đạo của thầy. Chẳng có ngón tay nào chỉ cho ta mặt trăng! Ánh trăng của đời ta, không ai nhìn ra thay cho ta. Vì không ai có thể sống thay hay chết thay cho ta. Cái đó gọi là tự do lương tâm.
Chủ quan trở thành vấn đề nghiêm trọng. Khi nói chủ quan, ta thường hiểu một lối nhìn, một lối suy nghĩ bị thiên kiến, tình cảm, tập quán chi phối, khiến ta không đếm xỉa gì tới những yếu tố khách quan của sự việc. Nhưng chủ quan cũng nói lên quyền làm chủ của chủ thể. Vấn đề chủ quan hiểu như vậy thành vấn đề chủ, chủ quyền. Ai là chủ? Chủ quyền thuộc về ai? Khẳng đinh chủ nghĩa cá nhân là khẳng định rằng con người cá nhân là chủ. Chủ quyền của cá nhân thuộc về cá nhân. Mỗi cá nhân là một chủ nhân. Mỗi cá nhân có quyền làm chủ đời mình. Không một cá nhân nào có quyền làm tôi người khác. Tất nhiên, cũng không một cá nhân nào có quyền làm chủ người khác. Cha mẹ không có chủ quyền trên con cái vì con cái cũng là những chủ thể. Mọi người đều là chủ thể như nhau và bằng nhau.
Descartes là người đầu tiên đã diễn tả và khẳng định ý tưởng trên một cách minh bạch. Tôi suy tư, tôi hiện hữu. Không thể nghi ngờ được ! Có tôi đây ! Có thể tôi chỉ là một ảo ảnh, một con rối bị ai đó giật dây ; có thể tôi là con bướm đang mơ mình là Trang Tử, cũng có thể tôi là Trang Tử đương mơ mình là con bướm, là cái không đang mơ mình có hay cái có đang mơ mình là không... Nhưng tôi không thể không thấy rằng tôi đang lênh đênh giữa không với có, giữa thực với giả. Tôi là ai ? Tôi có phải là tôi không? Tôi có đang đặt những câu hỏi tôi đang đặt hay tôi đang tưởng tượng đặt những câu hỏi? Tôi có thể hoài nghi hết, chối bỏ hết nhưng trong khi tôi hoài nghi và chối bỏ hết tôi không thể hoài nghi rằng tôi đang hoài nghi, đang chối bỏ. Hơn nữa tôi có thể tiếp tục hoài nghi và hoài nghi rằng tôi hoài nghi, không có chút mảy may gọi là chắc chắn, đích thực, giữa thực với hư, giữa không với có; hoài nghi luôn cả khẳng định "Tôi suy tư, tôi hiện hữu". Biết đâu, tôi suy tư nhưng tôi không hiện hữu? Nhưng mơ hay tỉnh, hoài nghi hay chắc chắn, tôi vẫn bắt gặp tôi như một chủ thể đang suy tư. Tôi, một con bướm hay Trang Tử?
Không biết. Nhưng rõ ràng là có tôi. Tôi suy tư, tôi hiện hữu. Và tôi hiện hữu như suy tư, tức như một cái gì có những cảm nghĩ, suy nghĩ, cảm giác, ước muốn. Sự thật đầu tiên tôi khám phá được : sự hiện hữu của tôi suy tư. Và sự thật này chứng tỏ tôi có khả năng đi tìm sự thật. Khả năng ấy gọi là trí khôn, lương tri, trí tuệ, tâm, tánh, lý trí hay một tên gì khác, không quan hệ. Quan hệ là con người, đã là người đều có khả năng tìm sự thật, theo đuổi chân lý. Và khả năng này được chia sẻ đồng đều nơi mọi người. Nói cách khác, thẩm quyền về chân lý không đến từ ngoài. Thẩm quyền ấy ở trong con người, nơi mỗi người. Descartes viết trong Discours de la Méthode / Phương pháp luận: "La puissance de bien juger, et de distinguer le vrai d'avec le faux, qui est proprement ce qu'on nomme le bon sens ou la raison, est naturellement égale en tous les hommes / Khả năng phán đoán đúng đắn, và phân biệt thực giả, mà ta gọi một cách thích đáng là trí khôn hay trí tuệ, có sẵn đồng đều nơi mọi người".
Trí khôn, lương tri, trí tuệ, tâm, tánh, lý trí là một khả năng tự nhiên, có sẵn nơi mỗi người. Và mọi người đều bình đẳng về khả năng này. Nếu khả năng tìm kiếm chân lý có sẵn nơi mỗi người, thì trên nguyên tắc, mỗi người có quyền tự do đi tìm chân lý. Thực tế, con người đi tìm chân lý có thể bị những áp lực đến từ ngoài ràng buộc, đe dọa. Lúc đó, nếu đủ can đảm ta có thể liều chết. Bằng không, ta phải dè dặt hay tuân phục, nhưng không vì thế mà quyền hành bên ngoài có thể thành tiêu chuẩn của chân lý. Descartes dè dặt. Ông đã rút lại bản Vũ trụ luận / Traité du Monde, vì, như ông viết : "j'appris que des personnes à qui je défère, et dont l'autorité ne peut guère moins sur mes actions que ma propre raison sur mes pensées, avaient désapprouvé une opinion de physique publiée un peu auparavant par quelque autre" / "được biết những đấng bậc mà tôi kính nể và có thẩm quyền trên những hành động của tôi không kém trí tuệ của tôi trên những suy tư của tôi, đã lên án một ý kiến của một học giả về vật lý học được công bố trước đó". Vụ án Galilée đã ảnh hưởng tới hoạt động của Descartes. Nghe tin thuyết nhật tâm của Galilée bị giáo quyền lên án, Descartes thôi công bố tập Vũ trụ luận. Ông không muốn bị những đấng bậc mà ông kính nể và nhất là có thẩm quyền trên những hành động của ông, làm khó dễ. Người mình nói : tránh voi chẳng hổ mặt nào. Nhưng không vì thế mà giáo quyền có thẩm quyền gì trên những suy tư của ông. Khi tôi suy tư, tôi chỉ tuân phục có một thẩm quyền : trí tuệ. Khi suy tư, con người chỉ biết có một ông chủ : trí tuệ. Trí tuệ không được hoặc chưa được tự do biểu lộ, nhưng không vì thế mà trí tuệ không có quyền tự do biểu lộ. Trí tuệ phải được tự do.
Với Descartes, chủ quan hiểu như tầm nhìn của con người cá nhân, của chủ thể (subjectivité) được dứt khoát khẳng định. Chủ quan : đặc quyền của chủ thể. Khẳng định chủ quan là khẳng định chủ quyền của chủ thể. Chủ thể là một thể tự mình làm chuẩn mực cho chính mình (autonomie). Nếu trong thực tại xã hội, chủ thể phải tuân phục những chuẩn mực đến từ bên ngoài là vì bị quyền lực cưỡng bức cách này hay cách khác. Tư tưởng của Descartes cho thấy rõ đâu là chướng ngại vật trên con đường tự do tư tưởng : những quyền hành, những đấng bậc, tóm lại, tất cả những kẻ vì có quyền lực trên những hành động của con người, lại đòi có thẩm quyền trên những suy tư của con người ; vì có thể bỏ tù thân xác lại đòi trói buộc lương tâm. Chướng ngại vật ấy phải hủy bỏ. Và như ta biết : nó đã bị hủy bỏ.
Thế kỷ 18, thế kỷ của khai sáng, trí tuệ thắng. Con người cá nhân lên ngôi. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 đưa vào chính trường những nguyên tắc dân chủ đã được các thuyết gia như Locke và Montesquieu trình bày, mở đường cho chế độ dân chủ tại Mỹ châu, một chế độ đánh dấu sự thăng tiến của thường dân, của con người vô tên vô tuổi "common man" như Tocqueville nhận xét trong tác phẩm thời danh La Démocratie en Amérique / Dân chủ tại Mỹ Châu. Năm 1789, cách mạng Pháp với bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và Công dân quyền chế độ phong kiến cáo phó, chế độ dân chủ ra đời. Từ đó tới nay, phong trào các dân tộc đòi tự do càng ngày càng tràn lan từ Âu châu ra toàn thế giới. Cách mạng tháng mười bên Nga năm 1917 cũng đã được một phần nhân loại coi như tiếp nối và khuếch trương phong trào tự do dân chủ trước khi nó sụp đổ năm 1991 và được nhìn nhận như hoàn toàn phi dân chủ và phản tự do.
Nhưng nếu gốc rễ của dân chủ là tự do cá nhân. Khái niệm tự do, tự nó hàm hồ.
Tự do: một xác tín không thể minh chứng.
Theo Rousseau, con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu con người cũng sống trong gông cùm. Chẳng biết con người sinh ra có tự do không, nhưng ta dễ đồng ý với Rousseau về gông cùm. Gông cùm lớn nhất là thiên nhiên. Thiên nhiên cho ta đủ thứ, nhưng thiên nhiên cũng nghiệt ngã với con người:
Theo Rousseau, con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu con người cũng sống trong gông cùm. Chẳng biết con người sinh ra có tự do không, nhưng ta dễ đồng ý với Rousseau về gông cùm. Gông cùm lớn nhất là thiên nhiên. Thiên nhiên cho ta đủ thứ, nhưng thiên nhiên cũng nghiệt ngã với con người:
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo ngon một hạt đắng cay muôn phần...
Thấy anh em cũng muốn theo,
Em sợ anh nghèo anh bán em đi.
Mấy câu ca dao trên đủ nói lên những hạn chế của con người phải vất vả lắm mới thỏa mãn được những nhu cầu tối thiểu. Thiên nhiên không phải địa đàng. Dân chủ như ta hiểu ngày nay khó lòng thực hiện trong cảnh nghèo đói. Thực tế, ý thức dân chủ và đòi hỏi dân chủ chỉ gặp trong những xã hội tương đối phát triển nhờ khoa học và kỹ thuật hiện đại. Trong một xã hội bát mồ hôi đổi bát cơm, hạt gạo càng hiếm, tấm bánh càng nhỏ, người ta càng giành giựt, chèn ép. Giết nhau vì một miếng ăn như chơi.
Ngày nay, con người đã một phần nào chế ngự thiên nhiên. Nhưng con người được giải phóng khỏi những ràng buộc của thiên nhiên, còn lệ thuộc những ràng buộc, cấm đoán đến từ xã hội. Không xã hội nào không có tổ chức, không có những tập tục, cơ chế. Những thứ này thường dựa trên quyền lực. Quyền của kẻ có lực, lực của thể xác, của vũ khí, của đồng tiền ; lực của kẻ có kiến thức, của kẻ biết, thường dùng cái biết của mình để trị người không biết ; lực của bọn tăng lữ thường dùng thần thánh để sai khiến dân. Những quyền lực này khi cấu kết với nhau thì đám dân đen khó lòng thoát nổi.
Trong chừng mực ta thoát khỏi những ràng buộc của xã hội, ta còn bị hạn chế bởi chính những ràng buộc của bản thân. Khi tôi được tự do làm điều tôi muốn, tôi có thực sự muốn điều tôi muốn không? Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người mặt vàng như nghệ là vậy. Làm được điều mình muốn rồi mới thấy đó không phải điều mình muốn ! Mình tự do, mình làm chủ mình. Nhưng mình nào? Có mấy thằng tôi trong tôi và cái tôi nào mới thật là tôi? Tôi, một tập hợp những ước muốn đa dạng, biệt dạng, thậm chí mâu thuẫn? Hay một lý tưởng, một đòi hỏi cần được thực hiện? Có lẽ một ảo tưởng? Các nhà xã hội học, tâm lý học cho rằng con người luôn luôn bị điều kiện hóa, vì thế những chọn lựa cũng bị điều kiện hóa. Khi được đi lại tự do, người ta có thể đi lại như những cái máy đã được/bị ai đó thiết kế cho nó đi lại như thế ; khi được tự do nói điều mình nghĩ, người ta lại nói như con vẹt và nghĩ những điều ai đó đã nghĩ sẵn cho mình. Những tư tưởng lớn gặp nhau. Những sai lầm lớn cũng vậy. Trước Copernic, mọi người đều nghĩ rằng mặt trời quay quanh trái đất.
Không có dân chủ, nếu không có tự do. Nhưng con người có thực sự tự do không? Đó là một vấn đề nan giải trên bình diện triết học. Vậy có nên nói tự do (liberté), hay chỉ nói giải phóng (libération)? Hoặc nói tự do theo nghĩa giải phóng. Lúc đó ta có những tự do cụ thể, tự do số nhiều. Như tự do đi lại, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do buôn bán v..v... Mỗi khi thoát khỏi một ràng buộc là có thêm một tự do. Và đấu tranh cho tự do chính là đấu tranh để giải phóng con người khỏi những ràng buộc, những áp bức.
Nhưng người ta không giải phóng gỗ đá, cũng không giải phóng súc vật. Người ta chỉ giải phóng con người. Nói cách khác, người ta chỉ đem lại tự do cho con người vì con người dù sống trong gông cùm, một cách nào đó, vẫn là một con vật tự do. Cũng như phải học mới biết, không học không biết, nhưng ông thày biết rằng ông dạy trò vì trước khi biết, trò đã có khả năng biết. Trước khi được tự do theo nghĩa được giải phóng, dù phải sống kiếp nô lệ, con người đã có tự do như một khả năng, một đòi hỏi, một đặc quyền. Chẳng biết con người có tự do hay không tự do nhưng không thể đấu tranh cho tự do, và vì thế, cho dân chủ, nếu không tin vào khả năng tự chủ của con người. Đó chính là xác tín của Rousseau. Con người đâu đâu cũng sống trong gông cùm, mặc dầu con người sinh ra tự do. Sinh ra tự do, nghĩa là sinh ra để được sống tự do, phải được sống tự do, cho dù sinh ra trong kiếp nô lệ. Tự do không phải một giả thuyết cần được kiểm nghiệm hay một khẳng định có thể minh chứng. Tự do cũng không phải một trong những thuộc tính của con người. Tự do chính là con người. Khẳng định tự do đồng nghĩa với khẳng định phẩm giá con người. Tin vào tự do tức là tin vào con người. Tranh đấu cho tự do tức là tranh đấu cho con người. Hiểu như vậy, ý tưởng con người tự do (con người=tựdo) phát xuất bên Tây phương, từ truyền thống Do Thái / Kitô giáo.
Cội nguồn của ý tưởng tự do.
Theo Cựu ước, huyền thoại Adong/Evà, Thiên Chúa đã tạo dựng con người tự do và như hình ảnh của Ngài. Sự tự do của con người được tạo dựng kể như tuyệt đối, vì con người tự do đã phá hủy vườn Địa đàng, quay lưng lại Thiên Chúa (Sách Khởi nguyên, 3, 1-7). Trong Tân ước Chúa Giêsu là hiện thân của tự do. Có thể nói, qua lời rao giảng và cuộc tử nạn của Ngài, tự do đã tràn vào lịch sử. Người ta thường nói, Đạo Kitô là đạo Tình yêu. Cần bổ túc : Đạo Kitô là đạo của Tự do. Vì Tình yêu ở đây không thể tách biệt khỏi Tự do. Xin nhắc lại một đoạn tôi đã viết trong một bài khác:
"Đạo Kitô là đạo Tình yêu. Vì "Thiên Chúa là Tình yêu" (1Jn 4, 8). Và "điều răn lớn nhất" là "phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn" (...) điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất: "phải yêu người như chính mình" (Mt22, 37-40). Trong bữa Tiệc ly trước giờ tử nạn, Giêsu nói với các môn đệ: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Jn 13, 14).
Hai chữ "điều răn" đủ nhắc nhở ta cảnh giác trước thứ ngôn ngữ tình yêu buông thả rất thời thượng hoặc những thái độ đa cảm, mộng mị đầy dẫy trong ca nhạc phụng vụ! Giêsu dạy hãy yêu thương nhau "như Thầy đã yêu thương anh em" : Ngài đã yêu thương cho đến chết trên thập giá. Điều răn của Ngài mới ở chỗ đó. Những đôi tình nhân có thể chết cho nhau, nhưng họ yêu nhau không cần tuân phục một điều răn nào. Họ không phải cố gắng để yêu nhau. Trái lại. Còn yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và yêu người như mình vậy, ai dám cho đó là điều dễ dãi, tự nhiên? Yêu người, nghĩa là... yêu người. Bất luận người ấy là bạn hay thù, gần hay xa, hiền hay dữ, đen, vàng, trắng, đỏ...
Người Kitô hữu dù là thánh cũng chỉ có thể cố gắng thực hiện điều răn và biết mình sẽ không khi nào thực hiện nổi. Vì thực hiện đòi hỏi yêu thương đó là sống như Chúa Giêsu: sống hoàn toàn tự do. Tự do trả lời tiếng gọi của Tình yêu, tức của Thiên Chúa. Muốn thế, phải tự do vượt qua mọi ràng buộc, kể cả ràng buộc của sự chết. Và tự do với chính mình. Tình yêu và Tự do không thể phân tách. Thiên Chúa là Tình yêu, vậy con người là Tự do. Nếu ta quên điều này thì nhiều đoạn Phúc âm nghe sẽ rất chói tai:
Theo Luca kể, trong một cuộc trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, Maria và Giuse đã lạc mất Giêsu, lúc đó 12 tuổi. Mất ba ngày trời ông bà mới tìm thấy con đang ngồi trong đền thờ đàm luận với các thầy dạy đạo. "Hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "này con, sao con lại ở với bố mẹ như vậy? Con thấy bố và mẹ hốt hoảng tìm con thế nào không?". Giêsu nói với họ: "Tại sao bố mẹ lại tìm con? Bố mẹ không biết rằng con phải ở nhà của Cha con sao?". Khách quan, một cậu bé 12 tuổi, lạc bố mẹ trong những cuộc lễ hội là điều dễ hiểu, nhưng trả lời như Giêsu, có nhẹ nhàng mấy cũng phải nhận là khó hiểu. Và Luca kể: "ông bà không hiểu"! (Lc 2, 41-50). Tại tiệc cưới Cana, khi Maria, thân mẫu của Giêsu, nói với con "Họ hết rượu rồi". Đức Giêsu đáp: "Này bà, chuyện đó can dự gì đến bà và tôi?" (Jn 2,4). Gọi mẹ là bà, như người dưng.
Lần khác, Đức Giêsu đang giảng dạy thì mẹ và anh em tới, đứng ngoài và nhờ gọi Người ra. Đức Giêsu đáp : "Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?" Rồi Người rảo mắt nhìn những người ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi" (Mc 3, 31-35 ; mt 12,46-50 ; Lc 8, 19-21).
Ta hiểu tại sao người gia đình cho rằng Giêsu điên (Mc 3, 20).
Những quan hệ gia đình, gia tộc hợp lẽ tự nhiên. Nhưng có thể thành những ràng buộc không thể chấp nhận. Nguy hiểm hơn ích kỷ cá nhân có ích kỷ gia đình, gia tộc.
Gia đình, gia tộc dẫn tới dân tộc, tổ quốc, quốc gia. Đã từ khước hàng rào gia đình, tất nhiên Đức Giêsu từ khước hàng rào quốc gia. Ngài không ngại đi lại với bọn thực dân, đế quốc và tay sai. Ngài tới ở trọ nhà Dakêu, thủ trưởng của bọn thu thuế cho đế quốc (Lc 19, 1-10) làm cho những kẻ theo Ngài phải xì xầm : "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ". Đầy tớ của một sĩ quan rôma bị đau nặng, ông sĩ quan đến xin Đức Giêsu cứu chữa. "Người nói : "Chính tôi sẽ đến chữa nó". Viên sĩ quan đáp: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ phán một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh". Đức Giêsu ngạc nhiên trước lòng tin của viên sĩ quan, Người nói: "Ông cứ về đi ! Ông tin thế nào thì được như vậy!" Đất nước Ixrael bị đế quốc Rôma chiếm đóng. Viên sĩ quan kia là người của đế quốc, thực dân. Người do thái tránh đi lại với dân ngoại đạo, viên sĩ quan này vừa ngoại đạo vừa thực dân. Ông biết thế, nên không dám xin Giêusu tới nhà. Nhưng Giêsu sẵn sàng tới nhà ông. Ngài không biết húy kỵ là gì. Ngài chỉ nhìn lòng tin của mỗi người. Và nói : "Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop" (Mt 8, 5-13 ; Lc 7, 1-10).
Đối với tôn giáo và lề luật tôn giáo cũng thế. Xin nhắc lại hai câu mọi người đều biết:
"Ngày sa bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sa bat" (xem Mc 2, 23-28 ; Lc 6, 1-5 ; Mt 12, 1-8). Nói cách khác: tôn giáo được thiết lập vì con người, chứ không phải con người vì tôn giáo. "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi ; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại" (Jn, 2, 19). Đối với dân Do thái thời đó, phá hủy đền thờ Giêrusalem là phá đạo. Tội phạm thượng ấy đáng án tử hình.
Ta hiểu tại sao các kinh sư phán rằng Giêsu bị quỷ ám ( Mc 3, 22).
Dưới con mắt của hàng giáo phẩm Do Thái: Giêsu chống đạo. Dưới con mắt của đồng bào mình: Giêsu vô tổ quốc. Dưới con mắt của gia đình, họ hàng: Giêsu kể như vô gia đình.
Nhân bản
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Mỗi người là con Thiên Chúa, mỗi người là thiên tử. Và con người hoàn toàn tự do. Đó là sứ điệp của Cựu ước và Tân ước. Sứ điệp ấy, ngay từ thuở đầu của Kitô giáo đã vượt khỏi khung khổ Do Thái và tràn ra thế giới Địa Trung hải, tức Đế quốc La mã. Sau này sẽ hình thành cái mà người Âu châu gọi là thế giới Kitô giáo (chrétienté). Nhưng sự bành trướng và ngự trị của Kitô giáo lại làm tái sinh giáo phẩm, giáo sĩ, giáo quyền, song song hoặc lẫn lộn với chính quyền.
Phong trào Phục hưng dẫn tới tiến trình trần tục hóa ý tưởng Kitô giáo. Nhân bản cũng có nghĩa tiêu cực: chống lại 'thiên bản'. Chống lại những quyền hành đạo hay đời tự cho mình độc quyền Chân lý, độc quyền nói về Thiên Chúa. Cách mạng Pháp giết vua, giết luôn cả Chúa và bách hại Giáo hội (vì vua đòi thay Chúa trị dân, tức đòi làm Chúa dưới đất. Vua làm Chúa dưới đất thì Chúa làm vua trên trời..). Nhưng chống giáo sĩ trị, chống chế độ quân chủ thần quyền, nhân danh những giá trị nhân bản là một cách thoát khỏi những ràng buộc của thế quyền và thần quyền để khẳng định một số đòi hỏi của Tin Mừng. Chẳng hạn, sự tách biệt tôn giáo và chính trị, Giáo hội và Nhà nước là gì, nếu không phải là "Trả cho Xê da những gì thuộc về Xê Da và trả lại Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa"?
Trần tục hóa, những đòi hỏi của Tin Mừng đương thành những giá trị phổ quát.
Sứ điệp của Tin Mừng đương được thế giới lắng nghe. Nhưng lắng nghe bên ngoài mọi cơ chế, mọi tôn giáo, mọi giáo phẩm. Ý tưởng dân chủ như ta hiểu ngày nay bắt nguồn từ Kitô giáo, kể cả khi ý tưởng này chống lại Kitô giáo. Nói thế, không có ý bênh hay chống ai. Đây là một cách nhận diện thực tại. Cách nhận diện này có thể phiến diện, đúng, sai. Nhưng nếu không có cố gắng nhận diện, khó có thể vận dụng truyền thống một cách vô tư nhằm thích ứng, và nếu cần, đối phó với thực tại.
Thay lời kết
Dân chủ trước hết và sau hết là tự do con người hiểu như một con vật sinh ra để sống tự do, để tự thể hiện như một thực thể tự do. Mọi nguyên tắc dân chủ đều xuất phát và quy về nguyên lý duy nhất đó: con người tự do. Nhân phẩm, nhân quyền, dân quyền thành những khẩu hiệu trống rỗng nếu quên con người tự do. Vì con người sống trong những môi trường văn hóa đa dạng (nguy hiểm thay, càng ngày càng đồng dạng!) nên nguyên lý ấy biểu lộ dưới nhiều hình thái khác nhau. Nhất nguyên nhưng đa dạng. Các nhà tôn giáo có lẽ sẽ phản đối: rằng nghĩ thế là coi con người tự do như ông chủ tối cao, trong khi Đấng Tối cao là Chúa, là Allah, là Trời, Phật, Thượng Đế v..v... Nhưng đấy là đứng từ quan điểm tuyệt đối, quan điểm của Thượng Đế, của Chúa, của Allah. Con người chỉ có thể đứng từ quan điểm của người và chỉ có thể nhìn với tầm nhìn của người: hoàn toàn tương đối. Và đây là tất cả tính bi đát, bấp bênh nhưng đầy triển vọng của dân chủ.
Bi đát, vì xét về khả năng chọn lựa thì con người tuyệt đối tự do nhưng thứ tự do tuyệt đối này lại hoàn toàn tương đối về phương tiện. Con người không toàn năng để thực hiện tất cả những gì mình chọn lựa, nhất là không toàn trí để biết con đường mình chọn lựa thực sự đúng hay sai, tốt hay xấu. Đối với cá nhân cũng như tập thể, mỗi chọn lựa đều nhắm tới những mục tiêu nhưng chẳng biết đâu là mục tiêu tối hậu của con người. Nói cách khác, chủ tối cao trong dân chủ là con người. Người chủ tối cao có toàn quyền định đoạt để thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho mình nhưng kỳ thực không biết cách đích xác đâu là điều tốt đẹp nhất. Thảm kịch ở đó. Giữa thiên đàng và hỏa ngục không ai chọn hỏa ngục. Nhưng đâu thiên đàng ? Đâu hỏa ngục ? Đường đời không có sẵn, nó được tạo nên bằng những bước đi mang tính bấp bênh, mò mẫm, mạo hiểm, có khi nguy hiểm. Con đường dân chủ cũng thế. Nó cũng hình thành và biến đổi với những bước đi dân chủ của nhân loại. Phong trào cộng sản cũng đã phát xuất từ đòi hỏi tự do cho tầng lớp lao động. Hitler cũng đã nắm chính quyền nhờ những cuộc bầu cử tự do. Chả thế mà có người chủ trương khai trừ tự do khi cá nhân hay tập thể chưa đủ trưởng thành để có thể hưởng tự do. Các mẫu quốc trước kia bênh vực chính sách thực dân, vin cớ các dân thuộc địa chưa đủ điều kiện cho phép đòi độc lập. Đảng cầm quyền bên Algérie cách đây không lâu đã xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử tự do chỉ vì đảng FIS chiếm đa số ghế đại biểu. Tại Việt Nam lúc này cũng thế. Một luận điệu quen thuộc được nhiều người đồng tình: nếu đảng cộng sản rơi, tìm ai thay thế? Sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn, bát nháo, mất ổn định v..v... Vậy phải từ từ, đi từng bước. Khôn ngoan, dè đặt, đừng nóng vội.. Hóa ra dân Việt Nam chưa đủ trưởng thành để được hưởng tự do ? Nhưng tự do dân chủ đâu có phải một đại lộ có sẵn ta chỉ việc "hội nhập". Tức chỉ việc ăn bám. Thiếu tự trọng đến thế thì không còn gì để nói chuyện dân chủ. Có hàng tá hiến pháp dân chủ cũng vô ích nếu không có những con người dân chủ. Con đường mình đi, chẳng ai đi thay cho mình. Mà đi ở đây là mò mẫm từng bước. Ngôn ngữ thông thường gọi là dấn thân, nhập cuộc. Không mù quáng, cố gắng sáng suốt, trí tuệ nhưng biết rằng không thể biết rõ. Có những dự định, dự phóng, không có quy luật. Nếu chắc ăn thì cần gì phải dấn thân. Ngồi chờ cho sung rụng là đủ. Có dấn thân vì tương lai không có sẵn và quá khứ chưa hẳn qua, dấn thân vẫn là một cách liều mình đi tới.
Đi tới đâu? Ai mà biết được! Nói cách khác, dân chủ là một đòi hỏi bức thiết nhưng không thể định hình. Vô nguyên ? Như tôi đã tự hỏi trong lời mở đầu : một con đường mở ra phía trước nhưng không có sẵn ; mở ra như một hứa hẹn xưa như con người nhưng đang vẫy gọi từ tương lai ? Vô nguyên, theo nghĩa vô định : rõ ràng đấy nhưng không thể định hình, bức thiết nhưng vẫn bấp bênh. Bấp bênh vì thực ra ta không biết tự do là gì, không biết hạnh phúc là gì. Cũng không biết có hạnh phúc không. Không biết con người có tự do không. Càng không biết con người là gì.
Tình trạng này có một tên gọi : mất hướng.
Người bi quan sẽ nói: mất niềm tin, chủ nghĩa hư vô, không còn biết kính trọng gì cả, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa...
Người lạc quan lại cho rằng tình trạng gọi là mất hướng chỉ là sự mất quyền của những cơ chế xưa nay tự cho mình cái quyền lãnh đạo, dẫn đường, định hướng cho nhân loại. Như vậy thì hiện tượng 'mất hướng' chứng tỏ dân chủ đang thắng thế. Dân chủ đang thắng thế nghĩa là con người cụ thể, con người cá nhân liên đới/tách biệt với đồng loại đang tìm được chỗ đứng. Một dấu chỉ : một nguyên tắc mới đang hình thành trong quan hệ quốc tế : quyền can thiệp vào nội bộ của một quốc gia (droit d'ingérence). Tôn trọng nhân phẩm là tôn trọng cá nhân. Khi nhân phẩm của cá nhân bị một nhà nước hay một quốc gia chà đạp, các quốc gia khác có quyền và có bổn phận phải can thiệp.
Thế giới hôm nay vẫn đầy chiến tranh, áp bức, bất công, bạo lực và thù hận. Nhưng thiết tưởng chưa có thời nào, con người tự do với tư cách duy nhất là người được đề cao như thời nay. Cũng chưa có thời nào, con người ý thức như thời nay về sự liên đới giữa người với người. Chính ý thức ấy khiến con người cảm nhận sự liên đới với các loài động vật, thực vật và môi trường. Tưởng cũng nên thêm rằng đề cao con người tự do không phải là lạc quan tếu về 'những ngày mai tươi sáng'. Con người tự do vẫn là người với tất cả tính hư tật xấu và phẩm chất cao đẹp của người[1]. Phần cặn bã trong con người vẫn có nguy cơ dẫn tự do tới những chọn lựa tai ác cho con người. Nhưng không thể đấu tranh cho dân chủ mà không tin vào dân chủ. Tin vào dân chủ là tin vào tự do con người và lấy con người với tư cách là người làm tiêu chuẩn. Tôn giáo có thể đi xa hơn. Nhưng vẫn phải đi từ con người.
Tác giả: Đỗ Mạnh Tri