HồngThắng/VTC, Nov 20, 2010
Ông Đinh Bạt Quế đang thu lại tiền đoàn cứu trợ vừa phát đến tận tay người dân |
Nếu như những cơ quan quyền lực Việt Nam đi cứu trợ mà còn bị ăn chận và cướp cạn như thế, thì các phái đoàn cứu trợ tại hải ngoại sẽ bị ra sao? Mấy tuần trước, chúng ta còn nghe chuyện tráo hàng cứu trợ: Móc quần áo xịn trong các container cứu trợ đem ra chợ bán, và thay vào đó bằng giẽ rách… Đúng là hết nói!
Tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), ngay khi đoàn cứu trợ vừa trao tiền cho dân, các xóm trưởng đã thu lại. Trong khi lãnh đạo UBND xã tỏ ra bất ngờ thì người dân địa phương lại khẳng định: "điều này đã thành thông lệ".
Trong các ngày từ 8-10/11, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, TCty Truyền thông đa phương tiện VTC đã trao quà cứu trợ tại 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An với tổng số tiền là 12,5 tỷ đồng. Đây là nguồn tiền ủng hộ của nhân dân cả nước dành cho đồng bào chịu thiệt hại do mưa lũ tại miền Trung qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400.
Thu lại tiền cứu trợ ngay tại UBND xã
Tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đoàn cứu trợ đã trao 100 suất quà (mỗi suất gồm 30kg gạo và 200.000 đồng) tới tận tay đại diện các hộ nằm trong diện đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, điều khiến thành viên đoàn cứu trợ không khỏi giật mình là ngay khi trao quà tại sân trụ sở UBND xã Hưng Trung, có hai người đàn ông thu lại số tiền mà đoàn vừa trao đến tận tay người dân.
Người dân cho biết, hai người thu lại tiền cứu trợ đã trao cho dân là ông Phạm Trọng Hưng - xóm trưởng xóm 12 và Đinh Bạt Quế - xóm trưởng xóm 5.
Cụ Nguyễn Thị Hạ cho biết mới nhận được tất cả 2 lần 11kg gạo |
Ông Nguyễn Hữu Kiêu khẳng định: "Chúng tôi cam kết sẽ làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, đây là chủ trương của xóm hay cá nhân? Thứ hai, cần làm rõ có phải vì mục đích tư lợi cá nhân? Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng sẽ ngăn chặn ngay cách làm không đúng với yêu cầu ban đầu đề ra".
Có mặt trong buổi làm việc trên, ông Đinh Bạt Quế giải trình: Xóm 5 được trao 6 suất quà, nhưng ở xóm có 6 trường hợp khác cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự. Do đó, lãnh đạo xóm “cầm hộ” để chia đều 6 suất này thành 12 suất. Việc chia lại cũng được 6 hộ trên chấp thuận. Ông Quế khẳng định không có mục đích tư lợi.
"Không phải cá biệt mà đã là thông lệ"
Trái ngược với sự bất ngờ của lãnh đạo UBND xã Hưng Trung, nhiều người dân xóm 1 đã chặn xe đoàn cứu trợ và cung cấp thông tin: rất nhiều chuyến hàng cứu trợ khác cũng đã xảy ra tình trạng tương tự. Thậm chí, hàng cứu trợ bị dồn lại trụ sở xóm từ rất lâu để chờ thêm các chuyến hàng cứu trợ khác rồi mới đem ra chia.
Ngày 12/11, PV trở lại xóm 1, xã Hưng Trung để điều tra phản ánh này của người dân. Tại đây, nhiều người dân xóm 1 khẳng định, việc chia lại quà cứu trợ theo kiểu cào bằng đã được thông qua tại cuộc họp xóm và từ lâu đã thành… “thông lệ”.
Chiểu theo “thông lệ” này của xóm 1, mỗi khi có đoàn nào về hỗ trợ thì những người có tên trong danh sách vẫn lên nhận nhưng không được mang về nhà mà phải nộp lại. Sau đó xóm thông báo nhận được bao nhiêu gạo và bao nhiêu tiền từ đoàn này, đoàn kia. Quà và tiền gom được nhiều mới bắt đầu chia, khi đó mọi hộ gia đình trong xóm đều có "phần"... như nhau.
Đến lúc này, nhiều người dân đặt dấu hỏi: phải chăng chính quyền xã Hưng Trung đang cố tình làm lơ cho những "thông lệ" trái khoáy kể trên.
“Lá rách đùm lá lành”
Đáng chú ý, cũng theo phản ánh của các hộ dân xóm 1, đợt Chính phủ cấp phát gạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ cho Nghệ An, xã Hưng Trung được chia 48 tấn gạo. Theo thông báo của UBND xã, hộ đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 15kg/khẩu; hộ nghèo và cận nghèo được 7kg/khẩu; hộ bình thường 4kg gạo.
Nhưng khi gạo cứu trợ của Chính phủ về đến xóm thì được phân phát theo cách hoàn toàn khác: hộ đặc biệt khó khăn được 10kg/khẩu; những trường hợp còn lại mỗi khẩu được 5kg.
Theo người dân phản ánh, trường hợp bà Nguyễn Thị Hạ (86 tuổi, sống độc thân) nằm trong diện đặc biệt khó khăn nhưng lãnh đạo xóm chỉ phát 10kg. Trao đổi với phóng viên về trường hợp cụ Hạ, ông Nguyễn Văn Thái – Trưởng xóm 1 khẳng định: "Đợt Chính phủ cấp phát gạo thì cụ Hạ được hưởng trọn vẹn 15kg". Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hạ khẳng định bà chỉ được nhận 10 kg gạo. Điều này được nhiều hàng xóm của bà xác nhận.
Cũng theo người dân nơi đây, đợt Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ, hộ bà Hạ là một trong hai trường hợp khó khăn nhất xóm sẽ được hỗ trợ 1 thùng quà (gồm ấm chén, xoong nồi, chậu, chăn màn) nhưng lãnh đạo xóm 1 lại "quên" mất.
"Hội Chữ thập đỏ trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn mà xóm lại không trao cho cụ Hạ, chúng tôi phản ánh cán bộ xóm làm như vậy rất thiếu sót. Sau đó xóm không biết lấy từ đâu rồi cấp cho cụ một cái chăn ấm, những đồ đạc khác thì không thấy", một người dân xóm 1 cho hay.
Vẫn theo người dân này cho biết: “Gia đình tôi gọi là hơi khá giả trong xóm cũng được cấp 5kg/khẩu. Nếu biết trên quy định chỉ được 4kg/khẩu thì tôi cũng không lấy thêm. Vì những lúc mưa lụt, hộ nghèo họ cần được giúp đỡ, thêm chút nào hay chút đó chứ chúng tôi thêm 1kg cũng không giải quyết vấn đề gì. Tôi cảm thấy ăn 1kg gạo như vậy có khác nào lá rách đùm lá lành".
Ngay sau sự việc đoàn cứu trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và TCty Truyền thông đa phương tiện phản ánh, UBND xã Hưng Trung đã triệu tập khẩn cấp lãnh đạo các xóm để kiểm tra việc này. Lãnh đạo xã thêm một lần "giật mình" khi phát hiện 12/15 xóm có sai phạm trong cấp phát quà, hàng và tiền cứu trợ, trong đó có xóm 1.