Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-11-23 - Hiện tượng người dân bức xúc trước những việc làm không thuyết phục của chính quyền địa phương đã cùng nhau kéo đến trụ sở chính quyền cầm chân những người có trách nhiệm bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều.
Vụ việc mới nhất xảy ra hồi tuần rồi, khi hơn ba ngàn người dân xã Minh Phú và một số xã lân cận của huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội giữ chân vị phó chủ tịch huyện và một công an tại trụ sở uỷ ban nhân dân xã đến chừng 10 tiếng đồng hồ.
Một hành động hiếm hoi
Chuyện một vị phó chủ tịch bị dân giam đến gần cả một ngày hôm thứ sáu tuần qua đã trở thành tin được những hãng thông tấn quốc tế như AP quan tâm loan tải.
Nhân vật bị giữ là ông phó chủ tịch huyện Sóc Sơn, Vương Văn Bút, và số dân tham gia vụ bắt giữ này được cho biết lên đến trên ba ngàn người. Trong số này có cả những cháu học sinh cấp hai là con dân của xã và học tại trường Trung học cơ sở xã Minh Phú.
Một người dân địa phương kể lại sự tình xảy ra tại điạ phương hôm ngày 19 tháng 11 như sau:
"Chừng 5 ngàn người từ xã Minh Phú và hai xã lân cận. Dân không giữ ông Bút, mà các cháu học sinh giữ bởi có một cháu bị công an đi với ông Bút đánh.Công an không chịu ký giấy đánh học sinh mà trốn mất.
Dân phản ứng mà chính quyền cứ lâu lâu lại tổ chức đo trộm. Còn chính quyền cứ đưa quân vào làm."
Theo báo mạng Tiền Phong thì va chạm giữa công an làm nhiệm vụ bảo vệ và một số em nhỏ khiến bốn em bị thương chứ không phải một em bị đánh như lời người dân vừa kể. Dân chúng bất bình yêu cầu ông Vương Văn Bút phải ký biên bản chứng nhận vụ va chạm, nhưng rồi ông phó chủ tịch không chịu ký nên họ phải ‘nhốt’ ông lại.
Báo mạng Tiền Phong loan tin vào sáng ngày 19 tháng 11, ông Vương Văn Bút, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Huyện Sóc Sơn đã có cuộc làm việc tại xã Sóc Sơn. Mục đích là tiếp tục truyên truyền cho dân chúng về dự án xây dựng Công viên Nghĩa Trang Thiên Đường đã được cho dân chúng điạ phương biết từ cả năm qua, thế nhưng vẫn không được người dân chấp nhận.
Lý do được dân chúng điạ phương nêu lên một cách rõ ràng là dự án xây dựng công viên nghĩa trang Thiên Đường nằm trên sườn đồi, nơi xuất phát nguồn nước uống cho họ bao lâu nay, sẽ làm ô nhiễm nguồn nước đó. Những người dân cho biết ý kiến:
Dân không giữ ông Bút, mà các cháu học sinh giữ bởi có một cháu bị công an đi với ông Bút đánh. Một người dân địa phương
"Nguồn nước đó ở mé núi chảy về cho chúng tôi trực tiếp sử dụng, vì thế người ta biểu tình không cho đặt nghĩa trang tại nguồn nước."
"Nghĩa trang đó xây dựng tại đầu nguồn nước cho 24 ngàn người dân. Nếu để đầu nguồn nước như thế, sau này sẽ không có nước để ăn. Ngay bây giờ dân phải nhờ nước ‘ăn’ từ hồ trên nước đó."
"Người ta nói nghĩa trang đó chỉ để ‘cải táng’; nhưng ai biết được sau này khi dân Hà Nội đất chật người ta sẽ không chôn cất bình thường tại đó. Vấn đề lo ngại nhất là ô nhiễm nguồn nước. Đây là nghĩa trang tập trung của Hà Nội nên hằng ngày biết bao xe chở quan tài và nhiều thứ khác đến nơi, dân không đồng ý."
Nguyên nhân vì sao?
Một công dân trẻ tại xã Minh Phú cho biết thêm là dự án xây dựng công viên nghĩa trang Thiên Đường của thành phố Hà Nội từng được dự kiến nơi khác nhưng bị dân điạ phương tại những nơi đó phản đối nên đưa đến xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn:
"Dự án xây dựng nghĩa trang này đã được dự kiến ở Ba Vì, Hà Tây là một, thứ hai là đến Nam Sơn, Sóc Sơn, nhưng tất cả đều bị phản đối, nay lại đến đây là dự án thứ mấy rồi."
Người dân vừa kể lại sự việc tại xã Minh Phú, cho biết nếu dự án không ảnh hưởng đến nguồn nước uống của họ mà đặt một nơi hợp lý hơn, họ sẵn sàng ủng hộ công trình công cộng đó:
"Nếu nghĩa trang được đặt dưới nguồn nước, chúng tôi sẵn sàng cắt đất cho dự án. Nhưng vì ở đầu nguồn nên chúng tôi không thể chấp nhận được."
Để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc dân phản ứng hôm ngày 19 tháng 11 vừa qua, cũng như dự án Công viên Nghĩa Trang Thiên Đường, chúng tôi liên lạc với ông chủ tịch huyện Sóc Sơn, Nguyễn Văn Nguyệt, nhưng ông này từ chối cung cấp thông tin và yêu cầu liên lạc với cấp trên của ông ta: "Tôi không trả lời trên điện thoại. Ông thông cảm hỏi UBND thành phố Hà Nội."
Riêng ông phó chủ tịch và phó bí thư Vương Văn Bút cuả huyện Sóc Sơn không bắt máy.
Dân chúng xã Minh Phú từng tập trung đông đảo để phản đối dự án Công viên Nghĩa Trang Thiên Đường một lần hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Nếu nghĩa trang được đặt dưới nguồn nước, chúng tôi sẵn sàng cắt đất cho dự án. Nhưng vì ở đầu nguồn nên chúng tôi không thể chấp nhận được. Một người dân địa phương
Tin cho biết ông chủ tịch Nguyễn Văn Nguyệt hôm đầu tháng 11 vừa qua lên tiếng đe doạ sẽ khởi tố những bị can những người tham gia gây rối, chống đối xây dựng nghĩa trang ở xả Minh Phú. Mạng Tin nhanh Việt Nam hôm tháng 10 vừa qua cho biết không chỉ dân thường mà nhiều cán bộ đảng viên tại địa phương cũng tham gia chống đối dự án đó.
Người dân tại xã Minh Phú cho biết chính các cháu học sinh cấp 2 ý thức rõ việc làm của các em:
"Ngày thứ hai, hôm nay, nhà trường vẫn tê liệt, các cháu không đồng tình nên không đi học. Học sinh cấp hai ý thức rồi, nguồn nước này là của chung mọi người. Không ai xúi ai cả, vì bất bình nên phải biểu tình thôi."