Hồ Học-Trần Trung Luận
Trong bài Sơ thẩm Cồn Dầu! Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã trở mình?, khi bình luận về cách hành xử của giới chức Đà Nẵng trong phiên toà sơ thẩm xử 6 giáo dân Cồn Dầu chúng tôi đã nhận định:
- Bằng mọi giá không cho văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ vào cuộc (đây là một văn phòng luật sư có uy tín, chưa có tiền lệ thất bại trong các tranh tụng công khai).Nhận định trên của chúng tôi còn chưa ráo mực thì chỉ mấy ngày sau phiên toà sơ thẩm có tin ông Cù Huy Hà Vũ đã bị bắt tại Sài Gòn trong một tình huống đầy ẩn số.
- Kết án các nạn nhân ở mức thấp, đảm bảo họ phải là những người có tội (trước đó giới chức cầm quyền Đà Nẵng đã đe doạ cũng như dự kiến kết án thật nặng để khủng bố tinh thần nhân dân Cồn Dầu, đảm bảo cho bước giải toả miền đất này được thuận lợi) tức là nạn nhân sẽ chấp nhận bản án, chấp nhận mình có tội không kháng cáo… thế thì việc giải toả miền đất này ở bước tiếp theo là đúng đắn, là hợp pháp.
Ông Cù Huy Hà Vũ là ai?
Thật ra ông Cù Huy Hà Vũ (xin gọi tắt là ông Vũ) không phải là người bào chữa chuyên nghiệp, không phải là trưởng văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ (người có tư cách và trách nhiệm này chính là vợ ông, bà Nguyễn Thị Dương Hà) nhưng với trình độ của một tiến sĩ ngành Luật được đào tạo bài bản chính thống ở nước ngoài, ông Vũ thường có những tham vấn, bình luận công minh, sắc sảo và và cổ xuý mạnh mẽ cho “công lý – sự thật”, phần nào đã giúp cho công ty luật mang tên ông trở nên nổi tiếng và thắng trong những vụ kiện khó khăn, gai góc bậc nhất, liên quan đến giới chức lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
|
Luật sư Cù Huy Hà Vũ |
Ngoài ra với một tầm tri thức rộng bao hàm nhiều ngành (quản lý nhà nước, quan hệ quốc tế, luật kinh tế, hội hoạ, văn học…) có nền tảng và truyền thống yêu nước, truyền thống văn hoá của gia đình và dòng họ, ông Vũ thường có những hoạt động cá nhân cũng như lên tiếng trên các phương tiện thông tin cổ vũ cho tinh thần “thượng tôn pháp luật”, đã vạch trần thể chế độc tài Đảng trị (Đảng lãnh đạo) là không chính danh, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho đất nước tụt hậu, dân tộc lầm than, dù cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” đã qua hơn 30 năm rồi...
Từ chỗ chỉ là khó chịu, cay cú, từng bước ông Vũ trở thành đối tượng nguy hiểm số một của chế độ trong những năm qua. Các tin tức nội bộ rò rỉ cho hay đã có không dưới năm “kịch bản” (phương án) triệt hạ Cù Huy Hà Vũ theo nhiều cách của nhiều đối tượng tham mưu trình lên Ban Bí Thư và Bộ Chính Trị. Tuy nhiên tại từng thời điểm đó (thời điểm trình các phương án) đã không có được sự đồng ý thống nhất chung của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và của các cố vấn lão thành trong “hậu cung”: ông Lê Đức Anh, ông Đỗ Mười… cũng như các thế hệ lãnh đạo ĐCS đã hạ cánh trong các nhiệm kỳ trước.
Người ta còn cân nhắc, không thống nhất vì chưa thể hình dung ra hệ quả xã hội, chính trị, cái được – cái mất cho từng cá nhân cũng như cả thể chế chính trị mà những “kịch bản” không tiên liệu, dự kiến được khi động chạm đến “hiện tượng Cù Huy Hà Vũ”.
Ở đây còn có một lý do quan trọng để ông Vũ “chưa thể bị bắt” đó là: Các hoạt động của ông luôn xuất phát ở vị trí, tư cách và trách nhiệm cá nhân, tránh việc liên quan, liên kết công khai với các các tổ chức, các trào lưu “dân chủ” hiện hành trong xã hội… luôn đi trên “đường ray” pháp luật, tận dụng tối đa truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, đây là sở trường là thế mạnh của riêng ông, từ đó có thể tránh được việc bị quy chụp tội “âm mưu lật đổ chính quyền” mà rất nhiều những người yêu nước khác đã phải chấp nhận trả giá.
Hơn nữa với sức vóc của một cá nhân, khi phải đấu trí với cả một thể chế độc tài toàn trị, ông Vũ đã lựa chọn đột phá khẩu và cũng là yếu huyệt, căn cốt của cả tập đoàn Đảng trị đó là “vỗ mặt” thẳng vào các “cá nhân” chóp bu cao nhất (Thủ tướng, các Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư Tỉnh uỷ, tướng lĩnh ngành an ninh…) những “cá nhân” này căm tức đến tận xương tuỷ bởi bị ông Vũ vạch đúng mặt, chỉ đúng tên, rẻ rúm họ trước chính các đối thủ của họ, trước dư luận bàn dân thiên hạ, giải toả nỗi sợ hãi của người dân. (Cá nhân ông Vũ là người bảo trợ pháp lý cho trang web BauxiteVietNam, một trang phản biện công khai mạnh mẽ nhất của giới tri thức tiến bộ ngay trong lòng chế độ). Những người căm tức ông Vũ không thể “lại quả” hay “trả đũa” được vì như thế sẽ lộ nguyên hình cốt cách “tiểu nhân” trong khi đang khoác chiếc áo “đại nhân đại nghĩa”.
Vả lại cũng chính ở tình huống này một số đã làm ngơ, thậm chí tranh thủ, tận dụng những cú đánh “bậc thầy” của ông Vũ mà kê kích, sát phạt đối thủ… đây mới là lý do sâu xa, cơ bản để ông Vũ trở thành “chưa thể bị bắt”, trở thành “hiện tượng Cù Huy Hà Vũ” hy hữu trong tiến trình dân chủ, canh tân đất nước.
Ngoài việc tấn công cả tập đoàn chính trị, ta thấy ông Vũ đã “phân hoá nội bộ” thành công ngay ở chóp bu Đảng Cộng Sản. Chủ động lãnh nhận vai trò “con bài” để có thể trở thành người “cầm cái” khi tình thế mới xuất hiện, quả là quyền biến, dũng lược mà mà rất ít người dám dấn thân (đây là cách “thế thân tạo vận” mà Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, ông Tưởng Giới Thạch đã ứng biến khi dấn thân bảo vệ Tôn Trung Sơn thoát hiểm, từ một quân nhân hạng trung, ông trở thành người thân tín, rồi thành nhân vật số 1 của Trung Hoa Dân Quốc. Lãnh tụ ĐCS Việt Nam Hồ Chí Minh cũng ứng dụng cách này khi chân ướt chân ráo sang Paris dựng nghiệp).
Dùng sở trường, thế mạnh mà đánh vào yếu huyệt, căn cốt đối phương. Hành động dũng mãnh, luôn ở thế tấn công, thế nhất định thắng của chính nghĩa, không để lại phía sau một đường thoái lui, một khả năng thoả hiệp nào… thì không thể là lựa chọn của kiểu trí tuệ “bạch diện thư sinh” với mười lăm năm ăn học ở nước ngoài hay là trí lực của một “cậu ấm” “công tử con quan”. Đây phải chăng là… “hồn thiêng sông núi” hay “vận mệnh dân tộc” đã tạo nên một “hiện tượng Cù Huy Hà Vũ” hy hữu trong tiến trình dân chủ, canh tân đất nước mà nhân dân mong đợi?
Cả một bộ máy đồ sộ, trình độ phương tiện kỹ thuật tân tiến, với quyền lực không giới hạn để bảo vệ vững chắc chế độ thế mà Bộ Công An lại hành xử một cách lộ liễu, ti tiện (không thể ti tiện hơn được nữa) thì đích thị số phận độc tài đảng trị đã được định đoạt rồi.
Thế nhưng triệt hạ Cù Huy Hà Vũ lúc này và theo cách như đã làm có nghĩa là nội bộ lãnh đạo chóp bu đã thống nhất, đã đồng thuận? Sự sắp xếp nhân sự Đại Hội Đảng đã “tam tứ vào khung”? Vấn đề này còn phải cùng nhau xem xét.
Trở lại với sự kiện Cồn Dầu
Từ hai năm trước giới chức thành phố Đà Nẵng đã triển khai kế hoạch giải toả vùng đất Cồn Dầu để chuyển giao cho một công ty cổ phần, làm khu du lịch sinh thái. Hành động không theo pháp luật cùng với số tiền đền bù rẻ mạt đã khiến người dân vùng này không chấp thuận. Sự việc kéo dài và dai dẳng cho tới đỉnh điểm là việc giới chức cầm quyền thành phố Đà Nẵng huy động cả ngàn cán bộ, công an tấn công khủng bố một đám tang. Hàng trăm người tham dự đám tang (cả người già, phụ nữ trẻ em) bị đánh đập tàn nhẫn, xác người quá cố bị cướp đi, 70 người đã bị bắt giữ, tra khảo quy kết tội trạng… tiếp theo là một chương trình bố ráp, đe nẹt khủng bố tinh thần giáo dân, buộc họ phải khuất phục, chấp nhận bỏ xứ mà đi với số tiền đền bù rẻ mạt trong tay. Có người đã chết do bị tra tấn; 40 người trốn sang Thái Lan xin hưởng quy chế tỵ nạn; 6 người tiếp tục bị giam giữ tra khảo trong lao ngục. Tất cả đã làm cho dư luận thế giới để mắt tới, chính giới Mỹ phản ứng khá mạnh, đã cử người tới thị sát Cồn Dầu, một phiên điều trần đã được mở ra… ảnh hưởng không nhỏ lên quan hệ ngoại giao “nhạy cảm” hai nước Việt – Mỹ. Trong những quan ngại mà Ngoại Trưởng Mỹ trao cho phía Việt Nam có vụ việc giáo xứ Cồn Dầu.
Tuy nhiên cuộc khủng bố kinh hoàng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh cùng với sự làm ngơ, né tránh (có nhiều ý kiến cho là tiếp tay với chính quyền) của Toà Giám mục Giáo phận mà từ đó những thông tin, bằng chứng chính thức có được của vụ việc là rất ít. Ngoài một số tấm ảnh, bài viết rải rác trên mạng internet thì chỉ có đoạn video trả lời phỏng vấn của vợ người đàn ông đã bị tra tấn đến chết và bài phóng sự của một ký giả Công giáo hoạt động tự do được trang mạng NuVuongCongLy loan tải là đáng tin cậy và thuyết phục nhất, nên nỗi oan khiên, số phận đau đớn của giáo dân giáo xứ Cồn Dầu được định đoạt ở phiên toà mà giới chức cầm quyền Đà Nẵng sẽ mở ra để xử 6 giáo dân. Với “kịch bản” soạn sẵn và những bản án thật nặng đã được “chốt” trước, đại thể sẽ là “các bị cáo cúi đầu nhận tội”, “đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật” về tội “gây rối trật tự công cộng”, tội “chống người thi hành công vụ”... để rồi tiếp theo sẽ là thực hiện “công vụ” xoá sổ giáo xứ Cồn Dầu, chuyển đất đai cướp được cho công ty Mặt Trời bởi hiển nhiên đất đai của giáo xứ này đã được cho là nơi công cộng nên không gây tai tiếng hay quan ngại nào trên dư luận quốc tế.
Oan ức, tuyệt vọng, gia đình của 6 nạn nhân bị giam giữ chờ ngày xét xử tìm tới văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã nhận lời và tất nhiên là để bào chữa cho các nạn nhân trong những phiên toà công khai đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, luật pháp hiện hành.
Thế nhưng sự thật của vụ việc Cồn Dầu và sự vào cuộc của văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ là trái ngược với cáo trạng, với “kịch bản” đã được giới chức Đà Nẵng soạn sẵn. Tình huống bất ngờ xuất hiện là có thể “kịch bản” sẽ “đổ”, sự thật sẽ bị phơi bày, trở thành bằng chứng chính thức không thể biện minh, chối cãi trước dư luận trong nước và quốc tế, đặc biệt là chính giới Mỹ, giới chức cầm quyền Đà Nẵng chỉ còn cách xử lý “kịch bản” phiên sơ thẩm theo hướng mà chúng tôi đã nhận định đã nhắc ở phần trên: “- Bằng mọi giá không cho văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ vào cuộc... - Kết án các nạn nhân ở mức thấp, đảm bảo họ phải là những người có tội… “.
Đây chỉ là phản ứng tức thời với “tầm nhìn” hạn hẹp của giới chức cầm quyền Đà Nẵng. Ngay sau phiên sơ thẩm, các nạn nhân đã có đơn kháng án. Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ một mặt nhanh chóng đưa ra những tố cáo gửi tới các cấp chính quyền, yêu cầu khởi tố hình sự Chánh án TAND Quận Cẩm Lệ về việc không cấp phép cho văn phòng này được quyền bào chữa; mặt khác đã sẵn sàng nhận lời bào chữa trong phiên phúc thẩm.
Thế là tất cả quay trở lại điểm xuất phát, nhưng với một điểm trừ lớn cho giới chức cầm quyền Đà Nẵng.
cuộc tấn công của công an là một cuộc “khủng bố” kinh hoàng | vào đám tang tại giáo xứ Cồn Dầu |
Chính lúc này ông Cù Huy Hà Vũ đã phát hiện ra và chứng minh rằng: 6 giáo dân Cồn Dầu hoàn toàn vô tội, cuộc tấn công của công an vào đám tang là một cuộc “khủng bố”, nhằm trấn áp, răn đe để đạt được mục đích cuối cùng là xoá sổ giáo xứ Cồn Dầu. Và như một phát ngôn viên của văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, ông Vũ đã loan báo những phát hiện và chứng minh của mình trên các kênh thông tin. Lần đầu tiên sau cuộc khủng bố kinh hoàng đám tang, dưới cái nhìn phân tích của một tiến sĩ luật học, nạn nhân Cồn Dầu trở thành vô tội; nhưng nguy hiểm hơn cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam nói chung chính là ở chỗ: bản chất của vụ việc Cồn Dầu là “cướp đất”, là “khủng bố nhà nước” (hành vi khủng bố do nhà nước tổ chức) vẫn sẽ bị phơi bày công khai, chính thức trước các phiên toà, trước dư luận quốc tế.
Cần phải xác định lại là văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ nhận bào chữa cho 6 nạn nhân Cồn Dầu là việc tự nhiên, đúng với chức năng của một văn phòng luật sư trong xã hội dân sự. Việc ông Vũ lớn tiếng chứng minh, bênh vực cho các nạn nhân vô tội cũng như lên án hành vi “khủng bố”, “cướp đất” của giới chức cầm quyền Đà Nẵng cũng là bình thường và là quyền của một con người, một chính nhân “giữa đường gặp cảnh bất bình chẳng tha”. Hậu quả nào là do bản chất của sự việc đó đưa lại. Vụ việc Cồn Dầu gây nên sự quan tâm của quốc tế là có nguyên nhân từ cách hành xử trái luật của giới chức cầm quyền Đà Nẵng và tiền đền bù đất quá rẻ mạt chứ phải có nguyên nhân từ những chứng minh, cổ xuý cho “công lý sự thật” của ông Vũ trong vụ việc Cồn Dầu. Thế nhưng “vụ nổ lớn” bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ lại được kích nổ ở đây.
Quay sang diễn tình nội bộ giới lãnh đạo chóp bu
Ở thời điểm này, toàn bộ giới lãnh đạo chóp bu đang quay cuồng trong trận “hỗn chiến” sát phạt giành thế vị trong Đại hội ĐCS XI dự kiến vào đầu quý I năm 2010, có nghĩa là mọi động thái (bắt hay thả ai) lúc này đều là những đòn đánh, đòn đỡ trong cuộc “hỗn chiến”. Chưa có một dấu hiệu nào cho hồi kết, nó dẫn đến sự phân rẽ thành nhiều phe nhóm, không dừng ở cấp trung ương, vùng, miền… mà nó đã mở rộng và lôi kéo những lãnh đạo từ các nhiệm kỳ trước nhưng đã nghỉ hưu vào cuộc. Đặc biệt nguy hiểm là sự tham chiến tích cực của lực lượng “tài phiệt ngầm” (mafia) được giới chóp bu nuôi cấy, dựng thành từ trước. Lực lượng này đã và đang gây rối loạn làm cho nội bộ Đảng tiếp tục phân hoá, hỗn loạn hơn.
Đây là một vấn đề phức tạp nhưng bài viết đã dài, chúng tôi xin phép được trình bày vấn đề này trong một dịp khác. Ở đây chỉ xin nêu những gì mà cuộc “hỗn chiến” có liên quan tới việc bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ mà thôi. Đó là sự nghiệp chính trị của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
|
Ông Nguyễn Bá Thanh Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng |
Trong nhiệm kỳ này, ông Nguyễn Bá Thanh đã là nhân vật sáng giá nhất ở “top 2”, sẵn sàng bổ xung cho “top 1” khi có chỗ trống. Thực tế những năm qua với cách quản lý đô thị chắc chắn (có những việc được cho là sáng kiến trong quản lý nhà nước), với sự năng nổ, dân dã cá nhân, mô hình quản lý, khai thác đô thị man rợ “kiểu ông Thanh” là có kết quả rõ nét. Khả năng ông này bước vào Bộ Chính Trị để có thể đứng đầu những đô thị lớn hơn như Hà Nội hay Sài Gòn là xứng đáng.
Việc “khủng bố nhà nước” ở giáo xứ Cồn Dầu về cơ bản chỉ là việc tìm kiếm, chia chác lợi lộc khổng lồ từ “đất”. Tại Đà Nẵng còn thể hiện “tính cứng rắn chuyên chính” của cá nhân ông Bí thư Thành uỷ. Cũng giống như Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, ông Nguyễn Bá Thanh cũng muốn kiếm thêm một điểm thưởng khi chạm vào “Công Giáo”… và với điểm thưởng (nếu có được) trong bối cảnh chính trị hỗn loạn hiện nay, me-sừ này bước vào top 1, và soán ngôi Thủ tướng khi ông Nguyễn Tấn Dũng ngồi vào ngôi Tổng Bí thư… có thể sẽ là một “va-ri-ăng” chấp nhận được trong kỳ Đại hội Đảng sắp tới.
Thế thì bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ, gây khó khăn cho văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, hạ nhiệt sự kiện Cồn Dầu trước Đại hội Đảng (tạm thời chưa tính đến chuyện giải toả), đảm bảo uy tín chính trị cá nhân cho Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Tấn Dũng… chính là tầm nhìn hạn hẹp vài tháng (qua Đại Hội Đảng) của nhóm ủng hộ cái “va-ri-ăng” mà chúng tôi đã nêu trên.
Việc bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ trong tình huống “cởi trần trong khách sạn bên cạnh một phụ nữ” với “2 bao cao su đã qua sử dụng” (tất nhiên là không rõ nguồn gốc) sau đó lại nhanh chóng chuyển sang “điều Luật 88” không đơn giản chỉ là vấn đề “lỗi kỹ thuật”, mà đây là một thông điệp rùng rợn được phe nhóm ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng ném ra cho các phe nhóm khác, cho cả bàn dân thiên hạ thấy rằng “sẽ chẳng có pháp luật gì, văn hoá hay đạo nghĩa gì hết nếu chạm ‘găng’ với họ”.
Như vậy việc bắt Cù Huy Hà Vũ không có nghĩa là nội bộ lãnh đạo chóp bu ĐCS đã thống nhất, đã đồng thuận, sự sắp xếp nhân sự Đại hội Đảng đã ổn định, hoàn tất, mà trái lại nó cho thấy sự phân rã không thể hàn gắn giữa các phe nhóm, cũng như mức độ khốc liệt và đầy biến động của Đại hội Đảng XI, cả bộ máy Đảng sẽ suy yếu, và tiếp tục phân hoá trầm trọng hơn sau Đại hộị.
Vậy tiến trình dân chủ hoá canh tân đất nước từ trong quốc nội sẽ ra sao? Tất cả là phụ thuộc vào chính cá nhân ông Vũ có nhận ra vai trò lịch sử của mình hay không? Đặc biệt là bà Nguyễn Thị Dương Hà vợ ông Cù Huy Hà Vũ cùng các bạn hữu của ông, giới trí thức và những người yêu chuộng “công lý – sự thật”.
Những cố gắng phản công bằng cách tố cáo cơ quan công an vi phạm pháp luật khi bắt, khám xét nhà riêng ông Vũ, việc gỡ rối từ đầu mối là “người phụ nữ trong khách sạn” đã có kết quả, đã trả lại phần nào danh dự cho ông Vũ, và thế là đủ.
Nội dung đấu tranh bây giờ là “trả lại tự do vô điều kiện” cho Luật sư Cù Huy Hà Vũ: mọi thoả hiệp, hay chờ đợi ân sủng, sửa sai từ luật pháp, từ một phiên toà của Nhà nước Cộng sản đều vô nghĩa (hãy xem vụ việc Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung… và lưu ý thông điệp “rùng rợn” mà phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng đã ném ra). Thế nên ở thời điểm trước Đại hội thì “phản đối bất bạo động” là đúng đắn và hữu hiệu nhất. Một cuộc tuyệt thực tập thể do bà Nguyễn Thị Dương Hà chủ xướng, với sự tham gia tùy theo khả năng của tất cả những ai yêu chuộng “công lý – sự thật”, lập bản đăng ký tham gia tuyệt thực, cập nhật theo thời gian, gửi tới các sứ quán, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ con người, các tổ chức tôn giáo trong và ngoài nước… tổ chức các đoàn thăm viếng, trợ giúp bà Nguyễn Thị Dương Hà tại tư gia 24 Địện Biên Phủ Hà Nội trong thời gian bà tuyệt thực… tất cả chỉ dừng khi Luật sư Cù Huy Hà Vũ được trả lại tự do đầy đủ.
Có như thế sự kiện bắt Cù Huy Hà Vũ mới là “vụ nổ lớn” trong tiến trình dân chủ hoá canh tân đất nước mà toàn dân mong đợi.
Hồ Học - Trần Trung Luận
© Thông Luận 2010