"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 22. November 2010

Bộ trưởng Y tế: ‘Tôi chưa bao giờ hứa chấm dứt việc bệnh nhân chung giường’

 
Chiều 22/11, bị truy trách nhiệm khi không thực hiện lời hứa giảm tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thẳng thắn: “Qua truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ”.


Trước khi đi vào câu hỏi trực tiếp, Bộ trưởng Triệu đã tóm lược phần trả lời bằng văn bản đối với 16 câu hỏi chất vấn, trong đó nhấn mạnh một loạt biện pháp đã triển khai để giảm tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép từ 15.000 mỗi ngày vào thời điểm trước năm 2007 xuống còn 6.000. Ông liệt kê một số bệnh viện cơ bản 2 năm không còn nằm ghép, như: Việt Đức, Thanh Nhàn, khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi trung ương.

Về giải pháp lâu dài theo Bộ trưởng Triệu là xây dựng thêm bệnh viện (hiện đã được Chính phủ phê chuẩn nguồn đầu tư là trái phiếu để xây dựng, cải tạo bệnh viện cấp huyện, tỉnh); tăng số cán bộ y tế đào tạo ở trình độ đại học gấp 1,7 lần (17.000), sau đại học gấp 1,6 lần so với trước năm 2007.

Cho rằng một trong những nguyên nhân gây quá tải là thiếu bác sĩ chuyên môn cao ở nông thôn, miền núi vì họ có xu hướng chuyển ra ngoài làm tư, hoặc về thành phố, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đặt câu hỏi: “Bộ có giải pháp gì để chia sẻ với tuyến trung ương?”.

Bộ trưởng Triệu cho biết đã “tham mưu với Chính phủ để ban hành một số chính sách đào tạo, giữ chân cán bộ” như, đào tạo cử tuyển con em vùng miền núi, đào tạo có cam kết làm việc 10-20 năm; chính sách phụ cấp đối với cán bộ y tế vùng miền. Luật khám chữa bệnh vừa qua cũng đã đề cập đến trách nhiệm xã hội của cán bộ y tế, cả đời không chỉ làm việc ở thành phố mà phải có thời gian đi miền núi.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: "'Tôi chưa bao giờ hứa chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép'. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình phản ánh vì quá tải, vì trình độ, phương pháp chữa bệnh của cán bộ y tế VN chưa đáp ứng yêu cầu nên hiện còn có tình trạng bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh tăng lên. Ông Bình đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng và giải pháp.

Bộ trưởng Triệu khẳng định theo dõi của Bộ bệnh nhân ra nước ngoài giảm do VN đã có những tiến bộ trong y học, có lãnh đạo cấp cao tiêu chuẩn điều trị ở nước ngoài, nhưng đã tin tưởng điều trị trong nước. Hiện thường xuyên có trên 300 bác sĩ nước ngoài đến VN học tập trên một số lĩnh vực. “Ở đây tôi nhìn thấy có 3-4 đại biểu vừa họp Quốc hội, vừa làm stent động mạch vành ở bệnh viện trong nước”, câu trả lời của ông Triệu khiến cả hội trường rộ lên tiếng cười.

Bộ trưởng Triệu cũng trần tình kế hoạch giảm tải tại các bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh gặp khó khăn, do thiếu đất xây bệnh viện và quy định về tuổi nghỉ hưu. “Năm 1960 tuổi thọ bình quân của ta là 45,5 đến nay đã là 73, trong khi ta vẫn giữ tuổi nghỉ hưu với nữ là 55, với nam là 60. Rất nhiều lao động có hàm lượng chất xám cao, nhưng đến tuổi buộc phải nghỉ hưu. Chúng tôi tiếc ghê lắm, nhưng không làm thế nào hơn được”, ông Triệu nói.

Trình bày phản ánh của cử tri là phải chờ đợi rất lâu khi khám chữa bệnh, do thủ tục còn phiền hà, nhất là bệnh nhân có bảo hiểm y tế, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp khắc phục. Bà Hằng cũng cho rằng đời sống của viên chức y tế khó khăn, chế độ tiền lương, trợ cấp bất cập, học ĐH tới 6 năm, nhưng khi về hưu hệ số lương thấp hơn các ngành khác.

“Đúng là có tình trạng chờ đợi. Tôi đã ngồi một buổi sáng ở bệnh viện lớn thuộc Bộ, bình quân một buổi sáng bác sĩ khám 80-90 bệnh nhân. Biện pháp giải quyết chủ yếu là tăng bác sĩ, ta đang rất tích cực đào tạo, nhưng cũng phải mất 6 năm, sau đó cần 3 năm thì mới làm tốt được”, Bộ trưởng giãi bày.

Về chính sách cho cán bộ y tế, ông Triệu nói: “Tôi là thành viên Chính phủ, tôi cũng phải nhìn tới các bộ ngành khác như khai thác mỏ, hầm lò… Tuy nhiên một số đặc thù y tế tôi đã đề xuất ví dụ tăng phụ cấp bác sĩ mổ 5-6 tiếng, trước chỉ 76.000 đồng, tôi đề nghị tăng 3 lần giống lương tối thiểu; hay đã trình phụ cấp vùng miền. Tôi cũng muốn nói qua truyền hình là đất nước ta còn nghèo, GDP đầu người mới 1.200 USD trong khi Malaysia đã là 6.000-7.000 thì cũng phải cải thiện từng bước, phải chia sẻ khó khăn”.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Kim Phương hỏi: “Bộ trưởng đã hứa giải quyết tình trạng quá tải, nhưng Bộ thừa nhận đến nay vẫn còn tình trạng nằm ghép ở các bệnh viện tim mạch, ung thư, nhi… Sắp kết thúc nhiệm kỳ của Bộ trưởng, lời hứa giảm tải không đạt, mà còn trầm trọng, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?”.

“Tôi nói là chấm dứt nằm ghép? Đây là câu chuyện tầm phào thôi”, ông Triệu khẳng định. Đọc lại nguyên văn đoạn bóc băng trả lời đại biểu Nguyễn Tấn Tuân tại kỳ họp thứ 2 năm 2007, Bộ trưởng nói: “Bộ quyết tâm giảm tải được bao nhiêu dân đỡ khổ bấy nhiêu, nhưng còn phụ thuộc vào mô hình bệnh tật, vào điều kiện kinh tế… Hôm nay có truyền hình trực tiếp, tôi nói với toàn dân rằng Bộ Y tế rất quyết tâm, còn hứa 2, 3, 4, 5 năm thì chưa bao giờ”.

Ngoài vấn đề giảm tải, tình trạng tăng giá thuốc cũng làm nóng nghị trường. 

 Đại biểu Lê Thị Nguyệt hỏi: “Giá thuốc do nhà nước quản lý, Bộ trưởng đã trả lời sẽ làm và sẽ giải quyết, tuy nhiên vấn đề này tồn tại bức xúc trong dân, chưa biết bao giờ giải quyết. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước về giá thuốc như thế nào?”.

Thấu hiểu bức xúc của đại biểu cũng như cử tri, Bộ trưởng Triệu dành khá nhiều thời gian để trả lời câu hỏi này. Dẫn ra báo cáo của Tổng cục thống kê thì trong 11 tháng qua, giá các mặt hàng tăng trung bình 8,6%, nhưng giá thuốc chỉ tăng 3,2%, Bộ trưởng cho biết các đoàn liên ngành đi kiểm tra và đã lý giải tại sao có sự tăng giá một số loại thuốc.

Theo ông Triệu, đó là 95% loại thuốc tuân theo quy luật thị trường hoàn hảo (đủ nhiều công ty sản xuất, tự bàn tay vô hình của thị trường kéo về sát hợp lý). 5% thuốc còn lại tuân theo thị trường không hoàn hảo, sản xuất chưa đủ nhiều, vì là thuốc mới phát minh, có giá trị cao, được độc quyền 20 năm không ai được sản xuất.

Ông Triệu cho biết 5% tương đương khoảng 1.000 loại thuốc là điều nhức nhối của mọi quốc gia. Ấn Độ còn lập hẳn Ủy ban giám sát giá thuốc, hay Canada lập ban duyệt giá thuốc trực thuộc Chính phủ. Còn ở ta, giá thuốc nhà nước can thiệp, và quan trọng là làm sao mò ra được giá trần để các bên đều chấp nhận.

“Cha ông ta nói buôn 9 bán 10, đừng để buôn 9 bán 20. Chúng tôi đã có sự phân công rạch ròi từng bộ ngành để làm sao tìm được giá trần. Nhưng báo cáo đại biểu còn một số thuốc được xách tay. Giờ không thể cấm chợ, ngăn sông, trong khi đường biên giới dài, ta đã vào WTO. Một số lực lượng phối hợp với nhau nâng giá thuốc. Chúng tôi cũng day dứt lắm, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nhiều lần, và đang phối hợp với các bộ để kiểm soát”, ông Triệu nói.

Bộ trưởng cũng chỉ ra một khe hở của pháp luật: “Luật dược ban hành năm 2005, khi đó tôi còn chưa về làm Bộ trưởng, luật thiên về thị trường hoàn hảo, chưa quan tâm đến 5% thị trường không hoàn hảo, ví dụ luật quy định tự định giá thuốc. Theo tôi 5% loại thuốc cơ chế có lẽ phải khác, phải có cơ chế quản lý. Chúng tôi cùng với Ủy ban Các vấn đề xã hội đã tổ chức nhiều hội thảo để cố gắng giảm bớt tình trạng như đại biểu nêu”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Dũng tại sao dân số đứng thứ 13 thế giới mà chưa sản xuất được gram kháng sinh nào, Bộ trưởng Triệu báo cáo ngay đã sản xuất được kháng sinh và hầu hết văcxin phục vụ tiêm chủng mở rộng. Ông cũng dẫn ra thực tế không chỉ VN, một số cường quốc kinh tế cũng phải nhập nguyên liệu sản xuất dược, hiện chỉ có 20 nước sản xuất ra nguyên liệu hóa chất cạnh tranh và trụ được.

“Kể cả Nga cũng phải nhập thuốc 50%. Giống như rất nhiều nước sản xuất máy bay, nhưng không bán được, vì còn có sự phân công, hình thành lợi thế. Lợi thế của ta là nông nghiệp, sản xuất gạo, dễ gì mà các nước Ăngola, Mozambic rộng thế mà đã sản xuất được”, ông Triệu nói khiến cả hội trường một lần nữa lại xôn xao tiếng cười.

Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “suôn sẻ, vui vẻ, nhưng chắc là không tầm phào”. “Ngành y tế rất cố gắng, trình độ chữa bệnh, phương tiện của chúng ta ngày càng nâng cao, so sánh với các nước quan khu vực ta có thể lạc quan. Tuy nhiên người nghèo khó có điều kiện chăm sóc sức khỏe, trong ngành đây đó có hiện tượng người dân không hài lòng về y đức của cán bộ y tế. Quan trọng là bộ trưởng đã thấy và có hướng khắc phục”, ông Trọng nói.

Hồng Khánh