Ảnh minh họa spot.ph.
Khả năng học vấn và vốn liếng tiếng Anh của người Việt kém nhất so với các sắc dân Á châu khác. Điều này dẫn đến nhiều bất lợi trong việc thăng tiến đời sống và việc làm.
Ông bà ta thường nói "Lời thật mất lòng”. Tôi cũng chỉ mong các bạn biết thêm thông tin về người Việt xa xứ tại Mỹ, nếu có gì sơ suất xin các bạn lượng thứ. Xin cám ơn các bạn.
Theo cơ quan thống kê dân số Mỹ, cộng đồng Việt Nam là một trong số 4 cộng đồng Á châu có mức gia tăng dân số nhanh nhất, ước tính hơn 1,2 triệu người, mà phần lớn sống tập trung ở các tiểu bang như California, Texas, Washington DC và các vùng phụ cận. Hơn phân nửa sống tại 5 khu đô thị trung tâm lớn nhất Mỹ và ba phần tư sống trong 25 thành phố trù phú nhất. Phần đông khi về già họ thường về sống ở các thành phố thuộc tiểu bang có khí hậu ấm áp và tiện bề sinh hoạt với đồng hương như Orange County, California; Houston,Texas...
Sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây phần lớn người Việt đã dần hòa nhập vào xã hội Mỹ nhưng chưa trọn vẹn, vì những hệ lụy mà người Việt thế hệ thứ nhất vẫn thường hay gặp. Theo một nghiên cứu khoa xã hội học tại Viện đại học Massachusetts và một báo cáo gần đây của Trung tâm pháp lý cho người châu Á Thái Bình Dương, khả năng học vấn và vốn liếng tiếng Anh của người Việt kém nhất so với các sắc dân Á châu khác. Điều này dẫn đến nhiều bất lợi trong việc thăng tiến đời sống và việc làm của họ và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những rắc rối và bất đồng trong mối quan hệ gia đình giữa các bậc cha mẹ thiểu năng về Anh ngữ và con cái của họ trong độ tuổi vị thành niên như hiện nay.
Hơn nữa, văn hóa người Việt là văn hóa làng xã, mang tính địa phương hóa cộng đồng và thiếu tính cởi mở, mạo hiểm, nên phần lớn các công việc kinh doanh đều tập trung co cụm với nhau hình thành một khu buôn bán chỉ dành cho người nói tiếng Việt là chủ yếu, mà thiếu tính đa dạng hóa và bành trướng khắp nơi, khắp mọi sắc dân như người Mỹ. Chỉ một số ít người Việt thành công và liệt vào giai cấp thượng lưu (upper class) còn phần đông là giai cấp lao động (working class) và đó là một hiện thực của người Việt đến Mỹ sau này.
Cũng như kinh doanh ngành giặt ủi của người Hàn Quốc, ngành bán bánh Doughnut của người Campuchia, ngành mở quán trọ đặc trưng của người Ấn Độ thì một ngành nghề mới nổi lên trong cộng đồng Việt Nam hiện nay đó là ngành làm đẹp móng tay mà theo một hiệp hội trao đổi thương mại của Mỹ thì chuyên viên làm móng người Việt chiếm hơn 80% tại California và ở mức 43% trong toàn nước Mỹ.
Ngành nail do người Việt làm chủ hiện thống trị lĩnh vực này tại Mỹ và đem lại nhiều lợi lộc cho họ và cũng nhờ người Việt mà một ngành trước đây chỉ phục vụ giới hạn trong giới thượng lưu nay được phổ biến đến mọi giai tầng khác trong xã hội Mỹ, phần lớn cũng vì giá cả cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa người Việt với nhau. Ví dụ theo báo này thì trong thập niên 1970, giá của một lần làm móng là 60 USD một bộ, nhưng từ khi có làn sóng mở tiệm nail của người Việt trong thập niên 1990, mà phần lớn trong số họ lại rất vui vẻ với mức lương tối thiểu trước kia nay lại tự hạ thấp giá phục vụ và giá làm công của họ xuống tối thiểu và cũng để cạnh tranh ráo riết với nhau, nên ngày nay giá xuống đến chỉ còn 15 USD cho một bộ móng.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay thì ngành nail cũng bị ảnh hưởng nặng nề và đang trong hồi suy thoái cho dù có hạ giá đến đâu chăng nữa. Dẫu gì thì ngành nail cũng là nơi tạo nhiều cơ hội cho những người muốn làm chủ một business và những người sa cơ thất thế, thất nghiệp hoặc mới đến Mỹ với một vài chữ tiếng Anh làm vốn thuở ban đầu, và cũng thừa nhận rằng thợ nail là những con ong cần mẫn miệt mài làm việc để nuôi hy vọng về một giấc mơ Mỹ cho họ và cho con cái họ có cơ hội thành đạt trên xứ người, rất đáng trân trọng như những ngành nghề khác.
Một đặc tính nữa là thiếu sự cầu thị. Người Việt hay câu nệ từng câu từng chữ và không phục khi ý kiến không thích hợp của mình không được chấp nhận, thay vào đó thường có thái độ tiêu cực xa lánh và lôi kéo bạn bè gièm pha gây thêm mâu thuẫn không đáng có, chuyện bé xé ra to. Điều này xảy ra như cơm bữa trong sở làm có nhiều người Việt, khiến các công nhân bản địa không thiện cảm với người Việt là vậy.
Nếu có sự thay đổi trong nhận thức thì nó đang bắt đầu từ thế hệ thứ hai trở đi. Khi đó tầm nhận thức ít ra cũng bao quát và cởi mở bao dung hơn. Dẹp bỏ tự ái, ích kỷ, tính quan cách và trở nên bình dị hòa đồng với nhau và trên hết phải có tính kỷ luật, tính đoàn kết cao áp dụng trong mọi hành vi của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội thì may ra người Việt mới đạt được trọn vẹn giấc mơ Mỹ của mình.
Huy Nguyễn
(Virginia)
(Virginia)