13/02/2011 * Hai thanh niên người Việt là Tân Hoài P, 48 tuổi và Quốc Cường D, 39 tuổi, xuất khẩu lao động sang Đức với giấc mơ làm giàu để thay đổi cuộc sống khá giả hơn cho cả gia đình mình. Nhưng trước sự cám dỗ của đồng tiền họ đã không làm chủ được bản thân, tham gia vào việc trồng cần sa - một loại cây trồng đã được nằm trong danh mục cấm của thế giới để lấy những đồng tiền bất chính. Cái giá mà họ phải trả cho những sai lầm của mình là những năm tháng ở trong tù nơi đất khách quê người…
Bi kịch từ những đồng tiền phạm tội
Ban đầu trang trại này là của người Đức có tên Petro H chuyên để nuôi lợn, gà nằm ở rìa làng Atzendort. Sau một thời gian, ông này đã chuyển đổi vật nuôi từ nuôi lợn, gà sang nuôi ngan ngỗng và cừu. Vào thời điểm đó có một người đàn ông Việt tên là Nam cùng vợ là người Đức đứng ra thuê trang trại để làm ăn. Người này có nhu cầu được thuê một nửa phần đất của trang trại và đồng ý đóng khoản tiền thuê rất cao để đặt cọc với mong muốn được thuê lâu dài và xin phép được sửa sang lại trang trại để làm ăn.
Trước một số tiền lớn trong việc cho thuê trang trại như vậy, ông Petro H đã không ngần ngại mà lập tức phá bỏ mô hình chăn nuôi mình vừa cải tạo để cho thuê. Nhờ có số tiền lớn đó, ông Petro H đã tu sửa lại nhà mình và xây tường ngăn cách giữa phần cho vợ chồng người Việt thuê và phần còn lại của ông, cùng hệ thống điện nước tách riêng cho cả hai bên. Để trách cho những rắc rối có thể phát sinh trong quá trình làm việc của cả hai bên, ông Petro H đã thận trọng xây kín tường không hề có cửa thông qua lại giữa hai bên.
Về phần vợ chồng người Việt và người Đức đã dùng đất trong trại thuê được để làm ăn phi pháp bằng việc trồng cây cần sa với quy mô lớn và chuyên nghiệp nhất. Khi nhận được bản hợp đồng đồng ý cho thuê trang trại của người Đức, họ đã xây tường bao kiên cố để tránh mọi dò xét của dư luận bên ngoài. Hệ thống đèn chiếu sáng và nước tưới được hoàn thiện hết trong khuôn viên của trang trại. Nếu bất kỳ người dân nào đi ngang qua, họ cũng không thể biết được cái gì đang diễn ra trong khu vực được ngăn kín xung quanh bằng tường bao kiên cố.
Khi điều kiện cho phép bắt đầu có thể tiến hành việc phi pháp của mình, họ đã thuê hai người Việt về đây làm việc với mức lương cao ngất trời. Một là người Việt có tên Tân Hoài P, hai là Quốc Cường D với mức lương khác nhau. Tại trang trại này, ban đầu Tân Hoài P được phân công mua phân bón, vật liệu, cây giống và chăm sóc quán xuyến chung cả trang trại và được nhận lương tháng.
Còn Quốc Cường D có trách nhiệm thay đất trồng và quản lý các hệ thống đèn chiếu sáng cho cả trang trại và chỉ được nhận công ngày. Khi công việc được phân công cụ thể cho từng người, vợ chồng chủ thuê trang trại đã không ở đó mà chỉ khi nào có điều gì đặc biệt mới tới, còn lại mọi thông tin liên quan đều được trao đổi qua điện thoại.
Sau gần 1 năm, những chuyến xe bí ẩn đã xuất hiện tại trang trại này. Tất cả mọi hành vi vận chuyển và nhận hàng đều do hai người đàn ông người Việt làm thuê ở đây đảm nhiệm. Người dân ở vùng quê vốn yên tĩnh này bắt đầu hoài nghi những hành động thường diễn ra trong đêm và rất chớp nhoáng của những người lạ mặt đến đây. Điều đó có nghĩa các cơ quan chức năng bắt đầu để ý đến những công việc bất thường này xuất hiện từ trang trại của người lạ mặt.
Tháng 8 năm 2010, một cuộc điều tra do cảnh sát khu vực tiến hành đối với trang trại của hai người đàn ông Việt. Điều làm họ kinh ngạc và phẫn nộ khi được biết tất cả các hoạt động bí mật đó là việc mua bán và trồng cây cần sa. Cảnh sát nơi đây cũng không thể tin nổi trong trang trại đó lại là một nơi trồng á phiện chuyên nghiệp và có quy mô vô cùng lớn.
Ngay lập tức, hai người Việt là Tân Hoài P và Quốc Cường D cùng chủ cho thuê trang trại Petro H được bắt giữ để tiến hành điều tra. Toàn bộ khu vực trang trại được phong tỏa và do cảnh sát bảo vệ để làm rõ vụ việc.
Bản án thích đáng cho kẻ phạm tội
Cảnh sát đang khám xét nơi trồng cần sa. |
Tháng 10 năm 2010, Tòa án Landgericht Magdeburg mở phiên tòa xét xử vụ trồng á phiện (cần sa) chuyên nghiệp lớn nhất tiểu bang Sachsenanhalt tại trại chuyên dụng Atzendorf đã thu hút mạnh mẽ dư luận của cả người Đức và cộng đồng người Việt đang định cư tại Đức lúc đó. Tại phiên tòa, 3 bị cáo Tân Hoài P, 48 tuổi và Quốc Cường D, 39 tuổi, cùng 1 người Đức Petro H, 44 tuổi, bị cáo buộc can tội trồng 5.400 cây á phiện tại trại chuyên dụng Atzendorf, huyện Salz, tiểu bang Sachsenanhalt, nước Đức.
Chống lại bản cáo trạng của Viện Kiểm sát và Tòa án Landgericht Magdeburg, bị cáo Petro H đã thuê luật sư bào chữa cho mình. Tại tòa án luật sư đã bào chữa cho Petro H là vô can vì ông không có bất kỳ liên quan nào đến quá trình trồng và buôn bán cây á phiện của người đã thuê trang trại của mình. Petro H thừa nhận có quan hệ qua lại giữa ông và hai người làm thuê kia nhưng chỉ trên mức độ giao tiếp xã giao chứ không hề thân mật. Ngoài ra, ông cũng khai rằng có thấy những biểu hiện lạ trong việc làm ăn của họ nhưng không tham gia cũng không báo cáo chính quyền vì lý do sợ bị trả thù.
Khi cảnh sát tiến hành điều tra để chứng minh điều ông Petro H đã khai nhận và nhận thấy ông không có liên quan nào đến hoạt động phi pháp của hai người Việt đã thuê trang trại của ông. Mặc dù Petro H được tòa án thừa nhận không liên quan gì đến sản xuất và mua bán á phiện, nhưng vẫn bị tuyên phạt nặng, bởi toàn bộ trang trại trồng á phiện là do bị cáo xây dựng lên bằng tiền của băng đảng tội phạm.
Còn hai bị cáo là Tân Hoài P và Quốc Cường D mới đầu không nhận tội, chối cãi quanh co, một mực kêu mình bị oan không hề liên quan và biết tý gì về việc đó là công viên trồng cây á phiện. Khi không thể tìm được kẻ chủ mưu là người chủ đã thuê mình làm, hai người này đã khai báo thành khẩn.
Bị cáo Tân Hoài P khai nhận ban đầu chỉ được nhận vào làm với công việc mua phân bón, vật liệu, cây giống và chăm sóc. Sau một thời gian nhận việc tại đây, chủ trang trại thấy Tân Hoài P là người nhanh nhẹn lại biết được ít tiếng Đức nên đã vợ chồng chủ trang trại tin tưởng giao cho nhiều việc quan trọng hơn.
Từ đây, Tân Hoài P được ông chủ lôi kéo tham gia vào việc làm phạm pháp này và còn được dạy cho cả kỹ thuật trồng cần sa và cách chăm sóc cây ra sao. Những tuần đầu, mỗi ngày Tân Hoài P phải làm việc kéo dài tới 10 tiếng để thay đổi chậu trồng cây, bón phân, tưới nước, hoán đổi vị trí chiếu sáng. Từ tháng 9 năm 2009, khi vào vụ thu hoạch, thì phải làm suốt cả đêm.
Ngoài ra Tân Hoài P còn là người tham gia chính trong việc xây dựng trại trồng á phiện, trực tiếp tham gia trong nhiều việc xây dựng trang trại trồng cần sa, trực tiếp lo và mua sắm toàn bộ vật liệu chuyên dùng từ Hannover mang về, trở thành một nhân vật quan trọng trong đường dây, đóng vai trò quyết định. Tân Hoài P khai nhận, dù biết đó là công việc phạm pháp nhưng đành phải làm vì muốn có nhiều tiền tiêu, hiện lúc đó lại đang khó khăn về tài chính.
Bị cáo Quốc Cường D chỉ khai được chủ trang trại nhận làm thuê từ tháng 8 năm 2009, với các công việc thay đất trồng và chiếu sáng, để kiếm thêm vài euro, không hề nghĩ đến lương bổng. Những ngày đầu nhận việc, Quốc Cường D không hay biết gì về trang trại trồng cây á phiện này. Bắt đầu từ tháng 10 năm 2009, Quốc Cường D nhận chăm sóc cây, tưới nước, và thay chậu trồng cây, dọn vệ sinh và mấy ngày trước khi bị cảnh sát bắt thì còn đảm nhiệm luôn việc lo cơm nước. Sau khi biết đây là á phiện, Quốc Cường D không những không nghỉ việc và khai báo mà còn tiếp tay vào việc làm phi pháp này. Một phần vì không muốn mất việc làm và muốn có được khoản thu nhập bổ sung chắc chắn 400 euro/tháng mà không hề vất vả gì.
Vụ án xét xử kéo dài đến trung tuần tháng trước với nhiều tình tiết liên quan không được sáng tỏ vì chưa thể tìm được kẻ chủ mưu. Các án phạt cho 3 bị cáo được dựa trên thương lượng thống nhất cả ba bên, Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát và Luật sư bảo vệ. Chánh án giải thích lý do thương lượng nhằm giảm thiểu thời gian xét xử.
Bản án kết luận, cả 3 đều phạm tội, trồng chuyên nghiệp cần sa một khối lượng lớn, trị giá tới 266.000 euro. Riêng đối với bị cáo Quốc Cường D được 3 bên thống nhất giảm bớt 4 tháng so với đề nghị của Viện Kiểm sát, được chánh án lý giải D nhận lương ngày, mức thấp, chỉ chăm sóc cây và lo ăn uống...
Nguồn: CAND Online