"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 15. Februar 2011

Sau Ai Cập, đến lượt Algeri?

Người biểu tình Algeri bị đàn áp ngày 12/02/2011
Người biểu tình Algeri bị đàn áp ngày 12/02/2011. Reuters
 
Mai Vân, RFI
 
Đa số báo hôm nay vẫn tiếp tục dành tựa trang nhất cho Ai Cập, nhưng cũng chú ý đến một điểm nóng khác trong thế giới Ả Rập : Algeri. Tại nơi này, để đối phó với khoảng 2000 người biểu tình ở Alger hôm 12/02/2011, chính quyền đã phải huy động đến 30.000 cảnh sát!

Ai Cập vẫn chiếm tựa trang nhất đa số báo Pháp hôm nay, như những ‘Bước đầu của một nước Ai Cập mới’, tít lớn báo La Croix. Sau sự cố tổng thống Mubarak từ chức hôm thứ sáu, báo giới vào ngày đầu tuần này đã có nhận định tỉnh táo hơn, bình luận về sự kiện dưới nhiều góc độ.

L’Humanité nêu lại những sự kiện tiếp theo ngày ông Moubarak từ chức và chạy tựa ‘Ai Cập không muốn dừng lại ở đấy’ vì biểu tình vẫn tiếp diễn, và lan rộng, với các đòi hỏi về tự do và quyền lợi xã hội, trong lúc quân đội đã không giải tán được đám đông xuống đường. Tờ báo trích lời người biểu tình cho là việc ông Mubarak ra đi chưa đủ, họ còn muốn ‘các quyền của họ được tôn trọng’.

Trên trang nhất, Le Monde, cũng đề cập trong hàng tựa, đến ‘Những ngày đầu tiên thời hậu Mubarak’. Tờ báo dành nhiều trang bên trong, nhắc lại từ vai trò then chốt của quân đội, cho đến phản ứng thế giới : Hoa Kỳ thở phào nhẹ nhõm, trong lúc Israel e ngại bất ổn định. Le Monde cũng nhìn lại 30 năm trị vì của Mubarak.

Bây giờ phải chăng đến lượt Algeri?

Le Figaro và Libération chú ý đến ảnh hưởng của Ai Cập, và quan tâm đến cuộc xuống đường hôm thứ 7 tại Alger. Libération nêu câu hỏi trên trang nhất : Bây giờ phải chăng đến lượt Algeri ? trong lúc Le Figaro cũng trên trang nhất, nhìn thấy là ‘Phe đối lập Algeri đang bừng tỉnh’.
Đối với Libération, cuộc biểu tình hôm thứ 7 tại Alger, gọi là cuộc tuần hành cho sự thay đổi’, mở màn phong trào chống đối, trước một chế độ ngày càng mất uy tín. Tờ báo nhìn thấy ‘Algeri đang ở trên miệng núi lửa’.

Chính quyền Alger đã huy động đến 30.000 cảnh sát sử dụng nào là súng trận, trực thăng, nào là vòi rồng... trấn thủ Alger một cách một ngoạn mục để đối phó với khoảng 2000 người biểu tình

Tờ báo nhìn thấy như thế một bên là phe đối lập cảm thấy tin tưởng trở lại trước sự sụp đổ của chế độ Mubarak, và bên kia là một chế độ đang hồi hoảng sợ với đáp án duy nhất là : đe doạ đàn áp.

Trở lại diễn tiến cuộc biểu tình hôm thứ 7, người xuống đường đã không tuần hành được như họ mong muốn, vì không vượt được rào cản của số hàng chục ngàn cảnh sát được huy động, nhưng Libération nhìn thấy có cái gì đó đã diễn ra vào ngày này : lần đầu tiên từ nhiều năm qua, mà có thể nói là tất cả các thành phần xã hội tại Algeri đều đã xuống đường.

Dĩ nhiên là có thanh niên, có đại diện Tổ chức Điều hợp quốc gia vì Dân chủ và Đổi mới đã kêu gọi biểu tình, nhưng bên cạnh đó, còn có giới trí thức, nghệ sĩ, những người về hưu, phụ nữ, giới hoạt động hồi giáo, và có cả trẻ em ! Tất cả đều hô cùng một khẩu hiệu đòi bãi bỏ chế độ, đả đảo độc tài. Libération kết luận : rõ ràng là thứ 7 vừa qua, người Algéri cho thấy là họ rất cương quyết.

Tuy nhiên, Libération cũng nhìn thấy là dân chúng Algeri hiện nay vẫn còn bị bóng ma cuộc nội chiến thập niên 1990 ám ảnh. Hàng trăm ngàn người đã chết, cả chục ngàn bị mất tích trong thời kỳ này. Do đó, đại đa số mong muốn cuộc sống được bình yên.

Phe đối lập cũng thấy rõ là chưa chắc người Algeri sẵn sàng lao vào một cuộc cách mạng, trong lúc mà họ không biết sẽ đưa họ đến đâu. Vì thế, như giải thích của chủ tịch Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền Algéri, Mostefa Bouchachi, họ vận động nhau xuống đường, đòi thay đổi, nhưng một cách hoà bình. Một cuộc biểu tình khác ở Alger sẽ được tổ chức vào thứ 7 cuối tuần này.
Trong bài xã luận, Libération đã thử so sánh và cho rằng khác với chế độ Tunisia và Ai Cập, vốn có ảo tưởng là có uy tín trong dân chúng, chế độ Algeri từ lâu đã biết họ không được lòng dân và thiếu tính chính đáng. Việc họ huy động 30.000 cảnh sát để đối phó với vài ngàn người xuống đường đủ cho thấy là họ e ngại sự lây lan của phong trào Mùa Xuân Ả Rập đến mức nào.

Tờ báo cũng phân tích là người nắm thực quyền ở Algeri là quân đội, họ tìm cách chặn trước mọi điều bất trắc, và họ đang lo sợ. Libération nhận thấy người dân Algeri cũng không nhằm lẫn đối tượng. Họ phản đối một chế độ hà khắc, đàn áp, họ chứ không nhắm vào cá nhân tổng thống Bouteflika.

Theo nhân định của Liberation, Algeri không những hội đủ các yếu tố làm 2 chế độ Tunisia và Ai Cập sụp đổ, mà tại đây nó còn nghiêm trọng hơn cả ở hai quốc gia này, từ nạn tham nhũng, cho đến nỗi tuyệt vọng của giới trẻ thất nghiệp, không còn chân trời nào khác là tìm kế sinh nhai ở ngoài. Bên cạnh đó là một chế độ thẳng tay đàn áp, khiến người dân đã phải nêu bật nỗi tuyệt vọng qua ngọn lửa tự thiêu.