"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 3. Februar 2011

Việt Nam đón Mèo còn châu Á chào Thỏ

Thỏ và Mèo
Việt Nam chào đón năm Mèo trong khi các nước dùng lịch âm khác đón năm Thỏ

Nguyễn Hùng, bbcvietnamese.com

Đúng ngày mồng một Tết, hai hãng thông tấn lớn AFP và Reuters cùng chạy bài về chuyện các nước Châu Á khác chào đón năm Thỏ còn Việt Nam bước vào năm Mèo

AFP nói Việt Nam muốn chứng tỏ sự độc lập trước thế thống trị văn hóa của Trung Quốc còn Reuters nói đây có thể là lỗi dịch thuật.

Báo chí quốc tế cũng đều nhắc tới 'Năm mới của người Trung Hoa' và tới năm con Thỏ.

Các chuyên gia Việt Nam mà BBC liên hệ trong ngày đầu năm Tân Mão đều không đặt nặng vấn đề tìm hiểu nguồn gốc của truyền thống gán tên các con vật cho các năm.

Giáo sư Lê Thành Lân, một chuyên gia nghiên cứu lịch cổ của Việt Nam, là người đã bỏ công đọc các tài liệu lý giải sự khác biệt tên gọi năm Mèo và năm Thỏ.

Ông nói: "Tôi có đọc và thấy có hai lập luận, hai trường phái.
"Một trường phái là của ông Nguyễn Cung Thông cho rằng hệ thống 12 con vật biểu tượng cho 12 năm xuất xứ từ Việt Nam rồi mới sang Trung Quốc vì vậy có biển đổi đi thì còn lưu lại một số cái là của Việt Nam."
"Trong số này có con mèo, trước Việt Nam chọn con mèo, sang kia họ hiếm mèo, nhiều thỏ thì họ thay bằng con thỏ.
"Ông ấy [Nguyễn Cung Thông] dựa trên nền kinh tế của ta là lúa nước. Thứ hai nữa là theo ngôn ngữ học, chẳng hạn 'mèo' và mão âm gần giống nhau."

Giáo sư Lân nhận xét những gì ông Thông đưa ra thiếu cơ sở khoa học.

Vị Giáo sư nói ông nghiêng về lập luận của nhà nghiên cứu có tiếng Nguyễn Phúc Giác Hải, người cho rằng hệ thống các con giống "có thể ở Trung Quốc".

"Ở đây là theo nguyên lý âm dương mà đặt các con vật, nghĩa là con vật nào có móng chân lẻ thì là thuộc các năm dương (chẵn), con vật nào có móng chân chẵn thì thuộc các năm âm (lẻ)."

Lỗi dịch thuật
Từ để chỉ con thỏ tiếng Hoa là 'mao' và có cách phát âm giống 'mèo' trong tiếng Việt. Chuyên gia lịch sử Việt Nam Philippe Papin từ Paris

Reuters không đưa ra các bằng chứng gì để nói khác biệt về tên gọi năm âm lịch hiện nay giữa Việt Nam và các nước Châu Á khác trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Nhưng AFP dẫn lời ông Philippe Papin, chuyên gia lịch sử Việt Nam tại Ecole Practique des Hautes Etudes -Trường Cao học Thực nghiệm - ở Paris nói:

"Từ để chỉ con thỏ tiếng Hoa là 'mao' và có cách phát âm giống 'mèo' trong tiếng Việt," ông Papin nói.

Còn ông Benoit de Treglode từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Đương đại ở Bangkok nói với AFP:

"Đối với người Việt Nam, danh dự quốc gia không cho phép họ sao chép y nguyên những gì của Trung Quốc.
"Cách bắt chước có khác biệt này có thể thấy trong toàn bộ nền văn hóa Việt Nam."

Quan điểm này được Giáo sư Lê Thành Lân của Việt Nam chia sẻ.
Ông nói ngay kể cả các tôn giáo khi vào Việt Nam cũng có nét khác đi và tồn tại hài hòa hơn.

Tống cựu nghênh tân

Nhưng cũng có chuyên gia Việt Nam cho rằng không nên đi sâu vào tìm hiểu nguồn gốc của sự khác biệt này.
Theo tôi năm nay là năm tân thì chúng ta phải triệt để tiễn đưa những cái cũ và đón chào những cái mới. Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ
Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ, chuyên gia văn hóa học và sử Việt Nam và Trung Quốc nói những lý giải về sự tồn tại năm Mèo và năm Thỏ còn "mập mờ".

Ông nói Việt Nam và Trung Quốc có thể coi là có những nét tương đồng về văn hóa còn chuyện ai ảnh hưởng tới ai vẫn còn là đề tài gây tranh cãi ngay cả trong giới học giả phương Tây.
Giáo sư Hỷ nói:

"Ảnh hưởng từ phương bắc tới phương nam có và ảnh hưởng từ phương nam lên phương bắc cũng có.
"Theo tinh thần chung chúng ta cũng không nên cực đoan về cái gì.
"Tôi nghĩ rằng giao lưu văn hóa thì nó là hai chiều."

Ông Hỷ cũng nói về tinh thần của năm mới Tân Mão:
"Tân Mão, về can chi thì mười năm mới có một cái Tân, mà tân lại có nghĩa là mới.
"Năm mới thì người ta có cái 'tống cựu nghênh tân' - tiễn đưa những cái cũ và đón chào những cái mới.
 "Theo tôi năm nay là năm tân thì chúng ta phải triệt để tiễn đưa những cái cũ và đón chào những cái mới."

Vị giáo sư nói cái cũ là 'tham sân si' - lòng tham lam, sự hận thù, sự tăm tối ngu dốt và đây là những điều ông cho rằng cần phải "tống khứ đi".

Cái mới, giáo sư Hỷ nói, là "lòng khoan dung, sự quan tâm tới nhau".

Ông nói đây cũng là thái độ cần có khi dứt bỏ những 'cái cũ'.

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player


..................................

TinHamburg:


Mèo hay thỏ thì cũng đều hợp với ... vang đỏ (red wine). Cứ làm một quả mèo tái và thỏ hầm vang đỏ thì sẽ thấy ngay sự quan trọng của "giao lưu văn hóa"!

Dân ta ăn Tết từ hơn 4.000 năm rồi, chứ có phải đợi đến bây giờ mới biết là có năm con mèo đâu. Chữ quốc ngữ thì mới bắt đầu chính thức từ đầu thế kỷ 20. Thế ra gần 40 thế kỷ đã qua các trí thức của ta chả ai biết chữ "mão" trong tiếng Tàu có nghĩa là thỏ chứ không phải là mèo? Nghe các "nhà khoa học" nói chuyện mà cứ như nghe mấy ông ... thầy bói. Rõ chán!