Nói đến luật pháp và Hiến pháp của ta thì quá chán và thất vọng vì ta
chỉ bàn trên lý thuyết chứ trong thực tế thì mấy khi thực thi theo pháp
luật. Điều này chứng tỏ nhà nước ta là một nhà nước thiếu văn minh, nhà
nước ta giống như kiểu nhiêu xã ở vùng quê lạc hậu, con người đối xử
với nhau theo cảm tính chứ không bị các điều khoản pháp luật ràng buộc.
Cái đề tài sửa Hiến pháp chỉ là cơ hội cho các nhà trí thức rỗi hơi
phô trương kiến thức chứ có tác dụng gì đâu. Người dân không mấy chú ý
tới sửa đổi hiến pháp vì nó không thiết thực với đời sống hàng như giá
cả leo thang, hai là như trên đã nói, người nhà nước (công an, tòa án,
viện kiểm sát) có làm theo luật đâu, xem mấy vụ xử án công khai thì đủ
biết, xem công an bắt và giam giữ người thì đủ biết.
Gần đây nhất là tòa án Đống Đa Hà Nội bác đơn của các trí thức kiện
đài truyền hình Hà Nội. Có người đã tóm tắt luật pháp của ta như sau:
trên giấy thì "chỗ thừa, chỗ thiếu, chỗ yếu, chỗ sai, chỗ mập mờ, chỗ vô
lý" thực thi thì tùy tiện, bịp bợm ít nhiều mang mầu sắc lưu manh (cả
tòa án và công an). Dân có tội thì tòa xử, tòa (cơ quan công quyền) có
tội thì ai xử? Chính miệng ông bà quan tòa đã phát biểu "muốn xử đúng
cũng được, muốn xử sai cũng được", "có một rừng luật nhưng toàn xử theo
luật rừng".
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập và HP đã mâu thuẫn nhau. Tuyên ngôn độc lập
nói "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng", nhưng hiến pháp
lại quy định là chỉ có Đảng CS được tồn tại và lãnh đạo. Bình đẳng là
anh cũng như tôi, anh làm được cái gì thì tôi làm được cái ấy, anh được
lập ra đảng của anh thì tôi lập ra đảng của tôi, giống như hồi đầu thế
kỷ trước, khi đảng CS chưa lên cầm quyền. Điều này đã có nhiều người
nói, nhưng không dám nói thẳng mà cứ loanh quanh, gọi là "độc tôn" cái
gì đó. Có điều là chưa ai chất vấn Đảng CS là: Vì lý do gì Đảng CS không
cho người ta lập các đảng khác giống như nhiều nước văn minh?
Lúc đầu đảng mới ra đời thì cũng ít nhiều có tiến bộ, nhưng càng về
sau thì càng thoái hóa biến chất, thậm chí một số phần tử trong đảng còn
lưu manh hoá, biến thành mafia. Đảng mafia thì nhà nước là mafia, độc
quyền độc trị tham nhũng tràn lan, dân thì khổ, đất nước ngày càng tụt
hậu. Đảng chỉ chăm lo khư khư giữ ghế chứ không đặt vấn đề thi đua với
các nước khác để tiến lên. Tụt hậu, nợ nần là hậu quả của chính sách độc
quyền độc trị, cả nước có một đảng nhưng toàn dân phải đóng đảng phí
(thông qua các loại thuế) để nuôi thiểu số các ông bà đảng viên, lại còn
chiếm bao nhiêu đất đai làm trụ sở, tiền xây bệnh viện và trường học
thì không có, tiến chi cho Đại hội đảng (lấy từ ngân sách nhà nước chứ
không phải lấy từ quỹ đảng phí) thì chi tiêu vô tội vạ.
Một đất nước mà giáo dục, y tế luật pháp hỏng thì cả đất nước hỏng.
Nước ta đang rơi vào tình trạng đó do chỉ có một đảng lãnh đạo. Chẳng
biết đảng và nhà nước lập ra cái Hội đồng lý luận TƯ làm cái trò gì
nhưng có điều sai từ gốc mà ta không dám nêu ra, đó là ta sai quy luật
phát triển, ta thừa nhận 5 hình thái ý thức là quy luật, nhưng lại đốt
cháy giai đoạn (bỏ qua thời kỳ TBCN tiến thẳng lên CNXH) nên giai đoạn
nó đốt cháy ta.
Pháp luật cũng là một hình thức giáo dục, thế nhưng nhiều người nhận
xét công an và quan tòa là tụi mất dạy. Phải dạy cho chúng biết thế nào
là giữ gìn nhân cách, trung thực và danh dự.
Xem ông trung tướng công an
chối cãi lật lọng, hôm nay nói một khác, hôm sau quay ngoắt nói một
khác thì biết, mà chối phắt, đổi trắng thành đen lại là nghiệp vụ được
giáo dục trong ngành CA, quan toà người là cầm cân nẩy mực của pháp luật
cũng thế.
Tất cả gốc gác của vấn đề đều do chế độ. Nhưng trước mắt thì nên lột
mặt nạ của việc thực thi pháp luật hơn là bàn về việc sửa đổi pháp luật
trên lý thuyết, hiến pháp cũng là hình thức pháp luật (luật mẹ).