"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 25. Oktober 2011

Chơi “sốc” như Bộ trưởng Đinh La Thăng!



Việc hành xử mạnh mẽ của tân Bộ trưởng giao thông vận tải Đinh La Thăng (nhậm chức ngày 3/8/2011) trong thời gian qua tại Việt Nam đã tạo nên hai làn sóng trái nghịch nhau. Người khen thì mừng cho quốc gia dân tộc có tiếng nói mới; người chê thì cho rằng vị này lạm quyền, “vượt tuyến” đâm ra làm bậy. Nói thì như vậy, nhưng câu chuyện phía sau cho ta thấy điều gì?
 
Đinh La Thăng sinh ngày 10/4/1960 tại Nam Định, ông thuộc nhóm các chính khách trẻ tuổi nhất của Việt Nam. Sau khi nhậm chức, ông Thăng phát biểu với báo giới rằng: “Bộ GT-VT sẽ tập trung giải quyết 3 khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt 3 vấn đề trên”.
 
Có vẻ ông là người thực tế, vì 3 vấn đề này tưởng là nhỏ, nhưng thực ra, đang là vấn nạn bế tắc của Việt Nam.
 
Tiêu chí làm việc của ông Thăng: “Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội”.
 
Chính cái đặc ân “chém trước tâu sau” này đã giúp ông “chém” được một số móc xích trong đường dây tham nhũng, phá hoại dài ngoằn ngoèo ở Việt Nam.
 
Người ta chỉ nhìn quyết sách của ông về việc cấm bộ sậu của mình chơi golf là sự bá quyền, sai luật… mà ít ai nghĩ ông đang tìm cách gây hấn với một thành trì tham nhũng, móc ngoặt vốn đang âm thầm bới móc trong mọi ngành nghề, nhằm làm lũng đoạn.
 
Dưới con mắt của những người không ưu chế độ CS sẽ rất ghét hành động này của ông Thăng, vì nó sẽ giúp chấn chỉnh lại chế độ đang thời kì thối nát, băng hoại. Dưới con mắt của những đảng viên thủ cựu, muốn ngậm miệng ăn tiền, thì hành động này cũng đáng ghét, vì nó làm xáo trộn cái trật tự tham nhũng đã được sắp đặt lâu nay. Không đục nước thì làm sao béo cò, trong khi ông Thăng thì đang muốn gạn đục khơi trong.
 
Riêng con mắt của những kẻ trung dung, hiểu chế độ CS thì lo cho ông Thăng, vì họ quan ngại rằng sinh mệnh chính trị khó mà giữ vững. Thậm chí, sinh mệnh bản thân cũng rất chi là nguy cơ.
 
Tâm lý người Việt trước hành động có vẻ chơi trội của ông Thăng, kể ra cũng hơi phức tạp. Có vẻ như họ thích thái độ im lặng - như bao bộ trưởng và thứ trưởng khác đã/đang im lặng – hơn là sự xông xáo, bông xung.
 
Dưới thủ tướng và 4 phó thủ tướng, Việt Nam hiện có 17 bộ trưởng, 4 chức danh ngang bộ là chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, tổng Thanh tra chính phủ, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, thống đốc Ngân hàng nhà nước. Đó là chưa nói các cơ quan thuộc chính phủ như Viện Khoa học xã hội, Viện Khoa học và công nghệ, Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bảo hiểm xã hội, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia HCM, Ban Quản lý lăng chủ tịch HCM. Chúng ta thích họ im lặng như lâu nay, im lặng đến mức mà người đóng thuế không biết họ đã làm gì với tiền của mình? Hay chúng ta thích họ xông xáo, dám phát ngôn và dám chịu trách nhiệm như bộ trưởng Thăng?
 
Đồng ý là hành động của ông Thăng vẫn còn ở giai đoạn chơi sốc, nhưng thử hỏi, tại sao ông lại làm như vậy? Trong khi im lặng, ngoan ngoãn và mánh lới, chắc tiền túi sẽ không ít, la hét như vậy, thu nhập đương nhiên sẽ giảm sút rất nhiều.
 
Cũng đồng ý giữa nói và làm ở Việt Nam là một khoảng cách khá xa, nhiều khi không bù lấp được. Nhưng nói ra mà không làm được, có khi còn lợi cho dân hơn là không nói và không làm gì, chỉ ngồi chơi xơi nước và hưởng bổng lộc.
 
Hơn nữa, bản chất của chế độ này là nói một đường làm một nẻo, dân không biết đâu mà lần. Việc ông Thăng la hét và làm ầm ĩ, trực tiếp như vậy, chắc chắn không phải là kế sách của “hệ điều hành” chung.
 
Chuyện ông Thăng đuổi Trưởng ban quản lý dự án sân bay Đà Nẵng; gây sức ép để thay 7 nhà thầu đường cao tốc; cấm thuộc hạ chơi golf… chẳng qua là bề nổi của câu chuyện về so cựa quyền lực. Vì lâu nay, các chính khách mới lên thường rơi vào hai tình huống: ngoan ngoãn ăn tiền; hoặc bị bộ máy cồng kềnh, già nua lèo lái theo ý của họ. Tình trạng trên bảo dưới không nghe là thường xuyên, mà bộ GT-VT là một điển hình về sự ngoan cố này. Có nhiều đoạn đường 10 km mà hai đời thủ tướng làm chưa xong, xem chỉ đạo và nhắc nhở của thủ tướng chỉ là đổ bỏ. Có vẻ như ông Thăng không muốn như vậy, nên ông liên tục gây sức ép để gây thanh thế với thuộc hạ và bộ máy đầy áp phe, thủ đoạn của mình. Ông chơi cái thế được ăn cả ngã về không, nên rất có thể, ông sẽ bị cô lập rồi chẳng làm được việc gì, hoặc ông sẽ thành nhà tân độc tài, làm được một số việc nhất định.
 
Theo khảo sát của vài tờ báo (ví dụ báo Tuổi trẻ) và các trang mạng trung lập cho thấy, thông qua các bình luận chân trang (comment), phần đông độc giả ủng hộ bộ trưởng Thăng, vì dám dóng lên tiếng chuông về ổ thối nát của chế độ, của bộ máy lãnh đạo. Để qua đây, một số báo có tính phản biện được thể lên tiếng về các thối nát và ông Thăng chỉ còn là cái cớ mà thôi.
 
Nhìn rộng hơn, trên thế giới có khoảng 2.000 sân golf, riêng Việt Nam đã có hơn 100 sân, thì đủ biết nhu cầu rửa tiền và phung phí ở xứ này là kinh khủng. Bà Anna Lomas, giám đốc Nghiên cứu và định giá (Colliers International Việt Nam) có lần khen phí hội viên CLB golf ở Việt Nam là rẻ. Bình quân chỉ khoảng 50 ngàn USD/ 1 người cho sân 18 lỗ; 48 ngàn USD với sân 36 lỗ; thẻ VIP “chỉ từ” 65 ngàn USD.
 
Cũng xin nhắc lại, tháng 4/2005 phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết: “Các bạn nghĩ rằng lương của tôi được bao nhiêu? Mới đây, tôi có đi thăm công ty sữa Việt Nam, hỏi chuyện anh em công nhân mới hay là lương của mình còn thua lương anh em. Dẫu sao, tôi cũng thấy mừng vì chuyện này...”.
 
Cũng năm 2005, hệ số lương của chủ tịch nước và tổng bí thư là 13 +-2 nhân với lương cơ bản là 540.000/ 1 tháng, gần 3,8 triệu đồng/ tháng. Thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội (hệ số 12,50), khoảng là 3,6 triệu đồng/ tháng. Ủy viên bộ chính trị, thường trực ban bí thư: 3,480 triệu đồng; Ủy viên bộ chính trị: 3,393 triệu đồng; Bí thư T.Ư đảng: 3,190 triệu đồng; các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ: từ 2,813 - 2,987 triệu đồng; đại tướng quân đội, công an là 3,016 triệu đồng, thượng tướng 2,842 triệu đồng, trung tướng 2,668 triệu đồng...
 
Từ đó đến đây có tăng lương chút đỉnh, nhưng còn lâu mới đủ tiền mua một thẻ hội viên để đánh golf.
 
Chính vì thực tế như vậy, nên việc bộ trưởng Thăng cấm thuộc hạ đi chơi golf đã cho người dân thấy hai thực tế: Thứ nhất, mặc cho lương bèo, các sếp nhà ta vẫn dư sức chơi golf, có vị còn mua thẻ VIP lên đến 200 ngàn USD. Thứ hai, mặc cho ngành GT-VT có quá nhiều việc để sửa sai, nhưng các vị lãnh đạo nhà ta vẫn dư thời giờ để chơi golf, mà mỗi lần đi là mất cả ngày, vì sân golf VIP thì ở khá xa cơ quan. Có vị mỗi tháng đi chơi mất 10 ngày.
 
Tiếng chuông chung cuộc cho hành động của bô trưởng Thăng thế nào chưa biết, nhưng rõ ràng thế chơi trội của ông đã cho thấy trong bộ máy lãnh đạo đang có nhiều “so cựa” cho cuộc sát đấu ở tương lai gần. Và biết đâu, trong thế cùng tắc biến đó, người dân có dịp nhìn ra thời cuộc và vùng lên nói tiếng của mình.