"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 23. Oktober 2011

Tại sao Gaddafi không đào thoát mà cố thủ ở Sirte?

Trần Đông Đức
 
 
Cái chết của đại tá Gaddafi sẽ được xem là cái chết mang tính đại diện nhất cho sự sụp đổ của một chế độ độc tài trong thế kỷ 21. Cuộc đời của Gaddafi từ lúc lên hương cho tới lúc lụi tàn cũng sẽ trở thành một số phận điển hình về sự nghiệp và tham vọng chính tri.

Từ lúc lên đài quyền lực vào lúc 27 tuổi là một ấn tượng để đời, rất hiếm có người đàn ông nào trên đời đạt được, tới lúc hạ màn qua hình ảnh của một ông già bị đánh gục trên đường phố chính ra là một bi kịch.
So lại hai giai đoạn thời gian của cuộc đời còn đọng lại qua các đoạn phim trên youtube, thật khó mà tin rằng những diễn biến đó xảy ra trên một con người. Rồi những diễn biến về tính cách của Gaddafi từ lạnh lùng, điềm tĩnh, cương quyết vào lúc trẻ cho tới chu kỳ lập dị, xung động, cuồng điên vào lúc già cũng là một sự tha hóa về bản chất con người bị quyền uy làm hỏng. Tuổi trẻ lập công danh oanh liệt như thế mà về già thì điêu tàn thảm thiết dẫn đến sự sụp đổ tan tành.
"Bi kịch gia đình Gaddafi" với đủ mọi biểu tượng, màu sắc, âm thanh, ánh sáng và những ăn chơi "1001 đêm" của những đứa con trai Gaddafi cũng được xem như là chuyện cung đình Ả Rập hàng trăm năm xảy ra ngay trước mắt.
Gaddafi lúc trẻ vốn có nhiều ưu thế như ngoại hình, trí óc và mưu lược đem lại đỉnh cao quyền lực. Nhưng đó cũng là những yếu tố đưa đẩy ông ta vào trạng thái lập dị, tự ngưỡng mộ và tự yêu bản thân mình tới mức cuồng nhiệt.
Cùng với ưu thế gần như tuyệt đối về tài nguyên của đất nước Libya, Gaddafi đã biến nước này từ dân số ít ỏi trở thành quốc gia đối đầu trực tiếp với các cường quốc Tây Phương đông người lắm của gấp hàng trăm lần. Đây cũng là một kỳ tích hiếm có làm cho phe cộng sản và lực lượng cánh tả coi Gaddafi như là thần tượng.
Vang danh trên khắp thế giới và được sùng bái bởi những nhóm thủ hạ thân tín, Gaddafi sống trong trạng thái hoang tưởng cũng do nhận những thông tin sai lạc về cuộc sống bên ngoài do nhóm thủ hạ này đưa đến. Gaddafi tin rằng ông ta là kẻ tạo ra đất nước Libya. Nếu ông ta đã tạo ra được thì cũng có quyền huỷ diệt như các tiêu chuẩn chinh phạt thị uy sức mạnh của thời trung cổ. Cũng vì loại tâm lý này, Gaddafi suy nghĩ rằng đào tẩu khỏi Libya coi như chuốc lấy thất bại, sống cũng như chết rồi.
Nói một cách khác, Gaddafi cũng chính là nạn nhân của ông ta để làm cho kịch bản của cuộc đời này thêm phần trừu tượng và kịch liệt - một cá tính bất thường, kỳ quái không theo một quy ước nhất định và hợp lý nào.
Tuy nhiên, ở một góc độ khách quan khác, cho dù Gaddafi muốn đào thoát ra khỏi Libya thì ngay cả những nước thân thiện với Gaddafi như Nam Phi, Nga, Venezuela cũng không có khả năng che chở. Các nước này đã tìm cách phủ nhận thông tin về việc Gaddafi tị nạn. Cũng vì những lợi ích kinh tế lâu dài với người dân Libya mà các nước này không muốn đi ngược với trào lưu thế giới. Sự thật là các nước bênh Gaddafi gần đây còn phải mau mau thừa nhận hội đồng quốc gia Libya như là chính quyền đại diện.

Gaddafi về lại cố thủ ở quê nhà Sirte vì không còn nhiều lựa chọn khác. Gaddafi cũng tin rằng nơi này là căn cứ cuối cùng vì có những kẻ trung thành của bộ lạc sẵn sàng chết cho mình. Nhưng rồi, căn cứ bên bờ Địa Trung Hải này không thể thành lập được bởi vì số lượng lớn tiền bạc đã bị Tây Phương đóng băng. Binh lính bên mình của Gaddafi cũng do tiền bạc mua về từ các nước Phi Châu khác. Khi không có tiền thì không thể thu mua thêm lính.
Khi đến Sirte thì mới thấy rõ hiện trạng là những thành viên bộ lạc cũng đã không đợi Gaddafi mà đã tìm cách trốn khỏi nơi này.
Cuối cùng, căn cứ địa Sirte nơi Gaddafi từng mơ ước để trở thành thủ đô của Phi Châu thành ra là con đường chết.
Trần Đông Đức