Nguyễn Trọng Vĩnh (bauxitevn) - Đọc
bản thỏa thuận giữa 2 Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân dân ngày 12/10,
bản về thỏa thuận trên biển và bản tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc
ngày 16/10/2011, tôi có cảm tưởng là các văn bản đã được Trung Quốc soạn
thảo sẵn, đoàn Việt Nam có thêm bớt đôi chỗ để thành văn bản thỏa thuận
giữa “hai nhà lãnh đạo”, giữa “hai bên”. Do Trung Quốc soạn thảo hoặc
nêu ra trước, nên chứa đựng nhiều lời lẽ thân thiện giả dối, không đúng thực tế, chủ yếu là có lợi cho Trung Quốc và có chỗ có tính chất ràng buộc Việt Nam. Có những đoạn, những câu mập mờ, khó hiểu.
Vẫn lại “phương châm 16 chữ” “tinh thần 4 tốt”, nhưng khi lập lại quan hệ bình thường, Trung Quốc có thực hiện đâu!
Nào đâm chìm tàu cá, bắt, bắn ngư dân Việt Nam, bắt tàu cá của ngư dân
hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, tịch thu tài sản, ngư cụ, đòi
tiền chuộc, cấm, đuổi ngư dân ta đánh cá trong lãnh hải và vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 2, phá cáp tàu Viking
II, gần đây “Hoàn cầu thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản
Trung Quốc còn dọa đánh Việt Nam (và Philippines), phát ngôn: “giết
những con gà để dọa bầy khỉ”… Thế mà là “hữu nghị và 4 tốt” à? Thật là
giả dối một cách trắng trợn.
“Khẳng định tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước… truyền mãi cho các thế hệ mai sau”
(!). Cướp đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đánh Việt Nam năm 1979 giết hại
nhân dân, tàn phá các tỉnh biên giới của Việt Nam, bắn giết bộ đội đồn
trú Việt Nam, chiếm cao điểm 1509 trong huyện Vị Xuyên, Hà Giang và bao
nhiêu hành động ngang ngược gây hấn ở biển Đông như nói trên... đâu phải
là tình hữu nghị và tài sản quý báu của nhân dân Việt Nam. “…Truyền mãi
cho các thế hệ mai sau” là điều không thể có trên thực tế. Lãnh tụ của
Trung Quốc Mao Trạch Đông đã từng nói rất đúng là: “Không có kẻ thù vĩnh viễn không có bạn vĩnh viễn”.
Ví như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam
thì Trung Quốc là bạn của Việt Nam. Nhưng đến khi Trung Quốc đem quân
tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam năm 1979 thì đâu còn bạn nữa, Trung
Quốc đã trở thành kẻ thù của nhân dân Việt Nam hai năm rõ mười. Và khi
bình thường hóa quan hệ trở lại thì hai bên lại là bạn của nhau. Cuối
tháng 9/2011 tờ Hoàn cầu thời báo cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản
Trung Quốc dọa đánh Việt Nam và Philippines; nếu sau này Trung Quốc đánh
Việt Nam thật thì Trung Quốc đương nhiên lại là kẻ thù của Việt Nam,
chứ làm sao mà bạn lại đi giết bạn được. Đối với Mỹ cũng vậy, khi Mỹ đổ
quân vào đánh Việt Nam thì Mỹ là kẻ thù của Việt Nam. Sau khi khép lại
quá khứ, lập lại quan hệ ngoại giao với nhau, làm ăn buôn bán với nhau,
lãnh đạo đến thăm viếng nhau, thì Mỹ cũng là bạn của Việt Nam như các
nước khác.
Điểm 3 trong hội đàm nêu: “Hai bên quan tâm giáo dục các tầng lớp
nhân dân về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai
Nước”… nhưng trên thực tế thì lâu nay Trung Quốc thường xuyên tuyên
truyền giáo dục trong dân và các trường học rằng “toàn bộ Nam Hải (biển
Đông) và các quần đảo là thuộc Trung Quốc, bị Việt Nam và Philippines
xâm chiếm, cần phải thu hồi”, làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu lầm, báo
chí Trung Quốc từng lăng mạ Việt Nam bằng đủ mọi ngôn từ bỉ ổi, gần đây
Hoàn cầu thời báo lại nói: “Việt Nam và Philippines là hai kẻ quấy rối
phải kiên quyết diệt trừ”… Còn về phía Việt Nam thì chưa hề công khai
tuyên truyền cho nhân dân biết rõ về chủ quyền biển, đảo của mình và
những việc Trung Quốc hoành hành ngang ngược, gây hấn ở biển Đông, đôi
khi báo chí Việt Nam còn né tránh dùng từ “tàu lạ” đâm tàu cá của ngư
dân ta trên biển. “Giáo dục về truyền thống đoàn kết hữu nghị giữa hai
Đảng hai Nước” là như thế sao? Rõ ràng là lừa bịp và mâu thuẫn với thực
tế!
Điểm 8 nêu vấn đề “bảo vệ môi trường”, bảo vệ và sử dụng nguồn
nước”… Thực tế thì Trung Quốc đang phá hoại môi trường của Việt Nam
trong khi khai thác bauxite ở Tây Nguyên và các điểm khai thác vàng ở
Bắc Kạn, Sóc Sơn. Sử dụng nguồn nước, thì Trung Quốc xây hàng loạt đập
trên thượng nguồn sông Mê Kông đe dọa Nam Bộ Việt Nam vào mùa khô thiếu
nước ngọt cho vùng nuôi cá da trơn, cho vùng cây trái và vùng lúa, vì
nước mặn sẽ dâng sâu vào nội địa.
Trong tuyên bố chung có nêu những ý như thúc đẩy hợp tác “lâm nghiệp”,
“khoáng sản”, “khai thác dầu khí” ở biển Đông… xây dựng khu “hợp tác kinh tế biên giới” v.v.
hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc đã mua hàng mấy ngàn hécta
rừng biên giới Việt Nam, khai thác bauxite, đá quý Tây Nguyên, vàng Bắc
Kạn, Sóc Sơn, đòi khai thác dầu khí… Việt Nam có sang Trung Quốc để hợp
tác rừng, khai thác khoáng sản gì đâu. Nói “hợp tác” thực chất là để đáp
ứng hơn nữa yêu cầu của Trung Quốc thôi. Đã có nhiều cửa khẩu biên
giới, đã giao lưu thương mại, xuất nhập khẩu chính ngạch tiểu ngạch, cần gì xây dựng “khu hợp tác kinh tế biên giới”
chiếm hơn 8 đến 10 km2? Có “khu hợp tác kinh tế biên giới” thì Trung
Quốc sẽ có nhiều cơ hội để xây dựng cửa hàng, trụ sở công ty, nhà ở nhân
viên trên phần đất của Việt Nam trong khu kinh tế “chung nhau” ấy, coi
chừng lâu dần Việt Nam sẽ mất to, đất của việt Nam sẽ trở thành đất của
Trung Quốc theo kiểu “điểm nối đường ray” năm xưa đưa đến mất hết cả một
rẻo đất từ “Hữu Nghị quan” đến “Chợ Tân Thanh”! Không gì hơn là phải
luôn luôn cảnh giác với âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc!
Trong tuyên bố chung còn có đoạn “mở rộng giao lưu hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất
là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới hai nước như Lào Cai, Hà Giang,
Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh của Việt Nam
(rất nhiều tỉnh) với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung
Quốc”. Các tỉnh của Việt Nam sẽ được gì? Có chăng đối tác sẽ “viện trợ”
cho một khoản tiền nào đó, ngược lại phía Trung Quốc sẽ có rất nhiều cái
lợi. Đã “hợp tác” thì “thân thiện”, thân thiện thì tạo mọi điều kiện dễ
dàng cho nhau, Trung Quốc sẽ lợi dụng thực hiện di dân, sẽ gạ mua, thuê rừng, thuê đất trống đồi trọc (dài hạn) nguy hiểm cho an ninh quốc gia chúng ta.
Thương lái của họ dễ dàng vào mua “móng trâu”, “rễ hồi”, dễ dàng tuồn
hàng rẻ kém phẩm chất và độc hại, hàng lậu vào khắp nơi, từ đó chảy sâu
vào nội địa. Người bên họ sẽ có thể tự do đi khắp nơi điều tra tài
nguyên, điều tra địa thế để sau này thực hiện ý đồ ý ích kỷ và cực kỳ
nham hiểm.
Trong tuyên bố nêu “Tăng cường định hướng dư luận, quản lý báo chí”.
Có nghĩa là Việt Nam phải bịt miệng báo chí, bưng bít thông tin, không
được đả động đến Trung Quốc, phải nói dối công chúng, cấm đoán, đe nẹt
người nói lên sự thật, đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc dù Trung
Quốc gây hấn. Thử hỏi Việt Nam lợi hay hại, được hay mất trên cái chủ
trương “định hướng” này?
Điểm 9 trong hội đàm giữa 2 Tổng bí thư, Hồ Cẩm Đào nêu “kiên trì
hiệp thương hữu nghị quyết không để vấn đề gì, bất cứ thế lực nào chia
rẽ quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước”. Việc gì chia rẽ, ai
chia rẽ? Chính là Trung Quốc! Những việc như bắn giết nhân dân
các tỉnh biên giới, tàn phá các tỉnh biên giới của Việt Nam và biết bao
hành động ngang ngược gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông đã chia rẽ quan
hệ 2 nước, không nên đổ cho ai cho thế lực nào chia rẽ cả. Cách nói “đổ
vấy” vô duyên này nhân dân Việt Nam vốn quen tai từ lâu nay rồi!
Điều 7 trong tuyên bố chung ghi “tăng cường trao đổi và “hợp tác”
trong các diễn đàn đa phương trong đó có diễn đàn ASEAN, ASEAN + 1,
ASEAN + 3,… là có ý tứ trói buộc Việt Nam không nên phát biểu trái với
Trung Quốc. Không thể được! Việt Nam phải đưa các cứ liệu lịch sử có giá
trị của mình về chủ quyền đảo, biển để mọi người rõ giữa Việt Nam và
Trung Quốc ai phải ai trái chứ!
Trong hội đàm giữa hai Tổng bí thư có câu: “hai bên nhấn mạnh sự tôn trọng, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hợp tác và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, và luật pháp quốc tế… Văn bản về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển cũng ghi “…Căn
cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế
trong đó có công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, nỗ lực tìm
kiếm giải pháp…” (nhưng trong “Tuyên bố chung” không nêu). Nếu thật
sự thực hiện như trên thì TQ chỉ việc cắt cái “lưỡi bò” ra khỏi vùng đặc
quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam; từ nay không xâm phạm vùng biển
Việt Nam; không đâm chìm, bắt tàu cá, không đuổi ngư dân Việt Nam hoạt
động trên biển của mình; không ngăn cản các công ty của nước ngoài hợp
tác thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam nữa... Hãy làm ngay các việc
ấy đi thì tình hình tự khắc sẽ bớt căng thẳng.
Về bản thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển:
Điểm 1 ghi “lấy đại cục quan hệ 2 nước làm trọng”. Đâu có được! Tôn trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mới phải được coi làm trọng hơn cả. Lại đế thêm “kiên trì thông qua hữu nghị xử lý và giải quyết thỏa đáng...”. Thế nào là thỏa đáng? “Hiệp thương hai bên tức là đàm phán song phương”, song phương thì Việt Nam bị chia rẽ với các nước ASEAN và vô hình trung từ
chối sự ủng hộ của các nước đối với mình. Điều này rất phù hợp với khẩu
vị của TQ vốn lâu nay rất “sợ quốc tế hóa” và “đàm phám đa phương”.
Điểm 4 ghi “tích cực nghiên cứu, bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát
triển (khai thác)...”. Không thể “hợp tác cùng khai thác” theo kiểu
người lãnh đạo Trung Quốc thường nói trước đây: “chủ quyền về ta,
gác tranh chấp cùng khai thác”. Tài nguyên dầu khí ở biển Đông vốn nằm
trong thềm lục địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Công ty các nước dù là Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ muốn hợp tác thăm dò khai
thác với việt Nam đều phải ký hợp đồng với công ty Việt Nam. Trung quốc
cũng vậy. Muốn “hợp tác khai thác cũng phải tôn trọng chủ quyền của Việt
Nam, ký hợp đồng như các nước khác.
Ngoài ra còn những chỗ mập mờ như: 1. “thực hiện kế hoạch hợp tác giữa Đảng CS Việt Nam và Đảng CS Trung Quốc trong giai đoạn 2011-2015”. Nội dung mục đích là gì?; 2. “...phù hợp với nhận thức chung đã đạt được giữa 2 Đảng và 2 Nước”, khi nào, nội dung thế nào?; 3.
Về chủ quyền trên biển “thảo luận về những giải pháp mang tính độc lập,
tạm thời mà không ảnh hưởng tới lập trường và chủ trương của 2 bên”. Là
như thế nào? Những điều mập mờ khó hiểu này cần minh bạch cho dân biết,
đúng với tinh thần… “là chủ, dân biết, dân kiểm tra”.
23-10-2011