"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 7. November 2010

Hãy vứt bỏ bộ đồng phục

 
Mai Xuân Dũng – Trên thế giới này đang có hơn sáu tỷ con người thèm khát có một mẫu số chung là có đủ cái ăn để sống, có một bầu trời tự do để thở và bầy tỏ tư tưởng. Và cũng trên thế giới này đang có vài triệu trong số hơn sáu tỷ người đang có địa vị thống trị quốc gia có chung một mẫu số, đó là cố sức duy trì thể chế cai trị càng lâu càng tốt, có thật nhiều tiền gửi ở các nhà băng Thụy sỹ để kéo dài cuộc sống vương giả cho bản thân và dòng tộc…

*
 
Khi thấy các học trò mặc đồng phục ùa ra cổng trường giờ tan lớp, tôi lại liên tưởng tới cái gọi là Mẫu số chung trong toán học.

Có hàng triệu trường học các loại trên thế giới, tương ứng là từng ấy kiểu đồng phục. Khoác lên mình bộ đồng phục, bất kể mầu da nào, bất kể hoàn cảnh xuất thân ra sao, các em trở nên bình đẳng với nhau. Ít nhất là về hình thức. Các em gắn bó, hội nhập trong một cái chung lớn là Trường của em. 

Nói rộng ra, mẫu số chung  có thể có cho một trường, một ngành, một nền văn hóa, một quốc gia hay một tổ chức quốc tế…Đó là cái chung đa số theo quy ước xã hội văn minh.

Khi hai người không cùng một “lề”, bất đồng về tri thức hoặc nền móng văn hóa sẽ khó đối thoại với nhau và sẽ càng khó hơn nữa khi nghi kị nhau. Một trong hai người có thể nói: Chúng ta không có một mẫu số chung để giao tiếp. Nói một cách khác, họ không cùng mặc một bộ đồng phục tư tưởng.

Cho đến nay, Nhà nước Việt nam đã gia nhập tổ chức WTO, đã thừa nhận và ký kết với thế giới hàng trăm các công ước quốc tế trong đó đặc biệt quan trọng có công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Việt nam đã có bộ đồng phục quốc tế sang trọng.

Việt nam còn là một nước có truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết. Có thể nói dân tộc Việt nam là một trong những dân tộc đoàn kết nhất trên thế giới khi bị kẻ thù đẩy đến chân tường của sự sống và cái chết trong chiến tranh. 

Nhìn lại một chút về quá khứ. Tháng chạp năm Giáp thân 1284, khi đế quốc Nguyên Mông do Thái tử Thoát Hoan thống lĩnh 50 nghìn quân xâm lăng nước ta, Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập các bô lão trong cả nước về dự hội nghị Diên Hồng để đi đến việc xác lập một mẫu số chung tư tưởng, đó là quyết tâm kháng chiến bảo vệ sơn hà xã tắc.

Năm Mậu Tuất 1418, trước sự hung bạo của giặc Minh, người anh hùng áo vải Lê Lợi với các hào kiệt Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi…cùng cả nước Nam vạn người như một, dấy binh làm cuộc khởi nghĩa Lam sơn. Trong cuộc kháng chiến 10 năm gian khổ, Lê Lợi cùng toàn quân nằm gai nếm mật chia cay sẻ đắng muôn phần. Nhưng nhờ đoàn kết trên dưới một lòng mà cuối cùng, đã đánh đuổi toàn bộ giặc Minh ra khỏi bờ cõi giành lại giang sơn đất nước.

Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ, nếu người Việt nam không có cùng một lòng yêu nước, không có chung một ý chí quyết tâm hy sinh trong chiến đấu để giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước thì có lẽ đến tận bây giờ, Tổ quốc chúng ta vẫn bị chia cắt bởi dòng sông Bến Hải, hàng triệu gia đình ở hai miền Nam Bắc vẫn chưa thể đoàn tụ.
Nhưng đáng tiếc, khi đã lên ngôi báu được đúng một năm, năm 1429 Lê Lợi đã quyết giết công thần Phạm Văn Xảo. Rồi ít lâu sau đến lượt Trần Nguyên Hãn cũng chung một số phận. Đại thần Nguyễn Trãi bị tống vào ngục thất. 

Nguyên nhân cũng chỉ vì khi đã giành được ngôi vị, để bảo vệ quyền lực thống trị của mình, Lê Lợi đã ra tay sát hại những người đồng chí đã từng sát cánh với mình trong cuộc kháng chiến trường kì. Giữa Lê Lợi và các lão thần đã không còn tồn tại một mẫu số chung là quyền lợi dân tộc nữa. Khi chiếc Long bào được khoác lên vai Lê Lợi là khoảnh khắc bộ “đồng phục” Áo vải chỉ còn là thứ để mặc lên thân phận các bề tôi, các thần dân đã đổ máu để đưa Lê Lợi lên ngôi báu. Khi không còn là những người đồng cốt, không còn là những kẻ chia đôi một chiếc măng rừng lúc khởi đầu dưới cờ Lam sơn tụ nghĩa, họ đã chia ra làm hai thế giới khác biệt, hai tử số đối nghịch. 

Khi mục tiêu chung không tồn tại tất dẫn đến mâu thuẫn, nguồn gốc của mọi cuộc xâu xé nội bộ. Mất tính thống nhất, mất đi sự đoàn kết vua tôi, đó là nguồn gốc làm cho nhà Lê sớm suy vi.

Đáng tiếc, trong lịch sử các Nhà nước, những sự kiện đau đớn đó đã xảy ra không ít. Mục tiêu cao cả lúc ban đầu của những nhà lãnh đạo và quần chúng đi theo không bao giờ trở nên một thành lũy xuyên suốt mà luôn bị đứt đoạn, đổ vỡ, đổi hướng khi thành quả đã được tác tạo bởi số đông nhưng lại chỉ dành cho số ít những kẻ ngồi trên đỉnh cao quyền lực. Những người cùng cảnh ngộ cùng giai cấp ban đầu lại mau chóng trở thành kẻ thù của nhau và phân hóa thành hai cực đối kháng.

Con người ở bất kì quốc gia nào cũng luôn mơ tưởng đến một xã hội công bằng. Marx nghĩ đến một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước và không có áp bức, trong đó các quyết định về việc sản xuất cái gì và theo đuổi những chính sách gì được lựa chọn một cách dân chủ, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định ở cả hai mặt chính trị và kinh tế, được gọi là Chủ nghĩa cộng sản. Đó có lẽ thuần túy là một ước mơ. Trên thế giới không bao giờ có thể có một quốc gia mà không có Nhà nước. Chỉ có nhà nước văn minh và Nhà nước kém văn minh hoặc Nhà nước độc tài chuyên chế. Trên con đường tiến hóa của lịch sử, những Nhà nước hoang dã rồi sẽ tiến đến trở thành Nhà nước văn minh, chỉ có điều nhanh chậm khác nhau mà thôi. Như thế, các quốc gia hiện nay đang mặc những “bộ đồng phục” khác nhau.

Trên thế giới này đang có hơn sáu tỷ con người thèm khát có một mẫu số chung là có đủ cái ăn để sống, có một bầu trời tự do để thở và bầy tỏ tư tưởng. Và cũng trên thế giới này đang có vài triệu trong số hơn sáu tỷ người đang có địa vị thống trị quốc gia có chung một mẫu số, đó là cố sức duy trì thể chế cai trị càng lâu càng tốt, có thật nhiều tiền gửi ở các nhà băng Thụy sỹ để kéo dài cuộc sống vương giả cho bản thân và dòng tộc.
Chao ôi, hai cái mẫu số chung này làm sao có thể là một cái áo khoác giống nhau. Các nhà lãnh đạo độc tài ngày càng trở nên đối lập rõ ràng với đa số nhân dân lao động, thể hiện bằng muôn vàn phát ngôn sống sượng, dối trá, muôn vàn hành động trơ tráo phi dân chủ, bất chấp đạo lý con người và các Công ước quốc tế về quyền con người. Đọc đến đây, có thể chính họ đang tức tối, khó chịu vì hơn ai hết, họ ý thức được các hành vi họ đã và đang làm, chỉ có điều lương tâm và sự xấu hổ là các khái niệm có lẽ không tồn tại nơi họ.

Có thể khẳng định rằng, chính những người đang tranh đấu cho công bằng xã hội trên thế giới ở mỗi quốc gia là những người mong muốn nhất sống trong một Nhà nước ổn định chính trị, thèm khát sống trong một xã hội công bằng dân chủ và văn minh theo đúng nghĩa cao đẹp của nó. Tiếc rằng ở nhiều quốc gia, bộ đồng phục quốc tế mà họ khoác lên cho chính thể lại chỉ như bộ cánh hợp thời trang. Thực sự, những quyền con người mà họ kí kết với thế giới văn minh chỉ là những mĩ từ, chỉ là cái lá nho che đậy thể chế độc tài tham lam đang cưỡng hiếp Bình đẳng, Tự do và mưu cầu hạnh phúc là các quyền cơ bản của con người. Đáng tiếc, tại các quốc gia đó, những người có lương tri dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì dân tộc vì nhân loại lại đang bị các Nhà nước Al-Queda chính trị bắt bớ, đe dọa, khủng bố, trả thù bằng rất nhiều thủ đoạn hèn hạ.

Những Nhà nước đó đang mặc trên người bộ đồng phục nhem nhuốc, dơ ráy, hôi thối và đang đứng biệt lập trước một cộng đồng văn minh đông đảo trên trái đất này. Đó là những bộ đồng phục cho dù họ càng cố công vá víu, tô vẽ bao nhiêu thì chỉ càng trở nên kì hình dị tướng bấy nhiêu. 

Ngày nay, Nhân dân yêu chuộng hòa bình và dân chủ thực sự chỉ yêu cầu họ hãy tự biết tắm rửa lương tâm và vứt bỏ bộ đồng phục đáng ghê sợ đó đi. Nhân dân sẽ hân hoan mặc lên mình các nhà lãnh đạo của họ bộ đồng phục dân chủ sạch sẽ tươi mới đầy sức sống. Hãy lên tiếng và hy vọng.

Mai xuân dũng.