"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 8. November 2010

Việt Nam: quan hệ giữa nhà nước và giáo hội Công giáo vẫn khó khăn

Nhà thờ giáo xứ Cồn Dầu (DR)
Thụy My, RFI
 
Nhật báo công giáo La Croix số ra ngày 03.11.2010 trong bài viết mang tựa đề « Tại Việt Nam, quan hệ giữa nhà nước và giáo hội vẫn khó khăn », đã nhận định, những cảnh báo của Ủy ban Công lý và Hòa bình trong vụ xử 6 giáo dân Cồn Dầu tuần rồi đã không được tòa án quan tâm.

Theo tác giả bài báo, thì bản án vừa qua khiến người ta nghĩ rằng chính quyền muốn tỏ ra cứng rắn trước giáo hội. Hai giáo dân đã bị kết án 12 và 9 tháng tù, bốn người còn lại lãnh án treo. Họ bị quy tội vào ngày 4/5 đã tổ chức đưa tang đến một nghĩa trang Công giáo đã bị nhà nước quy hoạch, đám tang này sau đó đã biến thành một cuộc xung đột với công an. Từ đầu năm, người dân Cồn Dầu đã phản đối lại dự án « khu du lịch sinh thái » mà chính quyền thành phố Đà Nẵng muốn áp đặt. Và trong cuộc xung đột về đất đai này, giáo hội Công giáo là tổ chức duy nhất đã lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người chủ đất thấp cổ bé miệng.

Tờ báo nhận xét, ba tuần lễ trước khi phiên tòa diễn ra, trong phiên họp toàn thể, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thể thành lập « Ủy ban Công lý và Hòa bình », mà trước đây chưa hề hiện diện, do sự phản kháng của chính quyền. Ủy ban do Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục địa phận Vinh đứng đầu, đã đề nghị hoãn lại phiên tòa do vi phạm thủ tục tố tụng.

Régis Anouilh, Tổng biên tập trang Giáo hội châu Á, thông tấn xã của Hội truyền giáo nước ngoài tại Paris ghi nhận: « Ủy ban đã có quan điểm rất rõ ràng và kiên quyết ». Sự kiên quyết này đã làm an tâm các giáo dân Việt Nam, vốn rất lo âu khi cựu Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt phải ra đi hồi tháng ba, và Phó Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn lên thay.

Cũng theo ông Régis Anouilh, nếu tòa án làm ngơ trước yêu cầu của Ủy ban Công lý và Hòa bình, thì đó là do chính quyền đã cảm thấy bị mất mặt qua vụ khoảng bốn chục giáo dân Cồn Dầu – trong số khoảng 500 người đi dự đám tang – đã chạy sang Thái Lan xin tị nạn chính trị ; và họ có được sự ủng hộ của quốc tế. Ông nhận xét, trong khi Việt Nam nay là một nước có thể làm ăn khấm khá, thì vẫn có những người Việt muốn được sống tự do ở nơi khác hơn.