thực tế phải thấy rằng cơ quan phòng chống tham nhũng chưa hoạt động hiệu quả. Trong ba năm mà chỉ phát hiện bốn vụ là quá ít
Ông Võ Văn Quận, trưởng phòng thanh tra chống tham nhũng, Thanh tra TP.HCM cho biết như trên tại “hội nghị chuyên đề đánh giá thực trạng tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lí tội phạm tham nhũng tại TP.HCM”, tổ chức sáng 5.11 tại TP.HCM.
Ba năm, phát hiện bốn vụ tham nhũng
Ông Võ Văn Quận, trưởng phòng thanh tra chống tham nhũng của Thanh tra thành phố cho biết: Trong bốn năm, cơ quan này chỉ phát hiện và chuyển hồ sơ sang công an điều tra xử lí bốn vụ việc. Cả bốn vụ đều được phát hiện từ ba năm trước. Còn từ đầu năm 2010 đến nay, Thanh tra thành phố không phát hiện thêm trường hợp tham nhũng nào.
Theo ông Quận, sở dĩ có số liệu “khiêm tốn” như trên là bởi công tác thanh tra còn gặp nhiều hạn chế. Đó là những vướng mắc về pháp lí khiến lực lượng thanh tra gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như luật qui định chỉ có Thanh tra Chính phủ mới có quyền thanh tra đột xuất. Còn thanh tra tỉnh, thành muốn tiến hành công việc lại phải thông báo trước. “Như vậy quy trình nghiệp vụ của chúng tôi bị mất hơn một tháng. Đây là khoảng thời gian để tội phạm tham nhũng tẩu tán tài liệu, tài sản, hợp thức hóa các loại hóa đơn, chứng từ. Thanh tra phát hiện nhiều vụ sai phạm hàng trăm tỉ đồng nhưng thu hồi lại được khoảng 50% thiệt hại”, ông Quận nói.
Tiến sĩ Lê Thành Dương, viện trưởng viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại TP.HCM đồng tình nhưng cũng đưa ra ý kiến phản biện. Ông Dương cho rằng, tội phạm tham nhũng có câu kết, bao che, có chức vụ nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, thực tế phải thấy rằng cơ quan phòng chống tham nhũng chưa hoạt động hiệu quả. Trong ba năm mà chỉ phát hiện bốn vụ là quá ít. “Vì sao thanh tra có ban bệ, hoạt động chuyên ngành trong nhiều năm mà có khi không phát hiện vụ tham nhũng nào? Có điều gì vướng mắc hay chúng ta có hoạt động nhưng lại bị ém nhẹm đi?”, ông Dương băn khoăn.
Chưa kịp trở tay đã bị hại!
Theo nhiều đại biểu, tội phạm tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn nhiều lần. Ngoài ra, tội phạm tham nhũng không như những loại tội phạm khác. Đó là những người có chức vụ, quyền hành nên đôi khi người chống tham nhũng chưa kịp trở tay đã bị hãm hại. Chống tham nhũng vì thế cần nhiều giải pháp và cần thiết kêu gọi mọi tầng lớp người dân tham gia.
Tiến sĩ Lê Thành Dương đề xuất phải xây dựng, đầu tư cho lực lượng chống tham nhũng bằng các thiết bị hiện đại như ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng chặt chẽ. Cũng theo ông Dương, nếu chống cướp giật thì công an có đội ngũ săn bắt cướp thì chống tham nhũng cũng cần có lực lượng chuyên trách thực hiện. Ngoài ra, ngay cả điều tra viên cũng phải được bảo vệ nghiêm ngặt, vì chống tham nhũng không những mang lại thiệt hại về con đường chính trị mà còn đến tính mạng của gia đình, và cả chính cán bộ điều tra.
Trong phần phát biểu của mình, ông Vũ Phi Long, phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM nêu quan điểm: Có không ít vụ án tham nhũng, quan điểm của tòa và viện kiểm sát khác nhau về tội danh. Đó là trường hợp viện kiểm sát khởi tố bị can một tội danh nhưng tòa xử theo tội danh khác. Sự không thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng làm cho việc xét xử tham nhũng khó khăn.
Ông Long cũng đưa ra những hạn chế của luật pháp hình sự khi tội tham nhũng được quy định với bảy tội danh, nhưng luật Phòng chống tham nhũng đưa ra tới 12 tội danh. “Tôi thấy có nhiều vụ việc cán bộ câu kết với người nhà vào cơ quan trộm cắp thì xử theo tội danh trộm cắp tài sản là đúng. Thế nhưng, ở đây có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì cần đưa vào án tham nhũng”, ông Long đưa ví dụ.
Ông Hoàng Nghĩa Mai bổ sung thêm, muốn phòng chống tham nhũng thì cán bộ tư pháp cũng nên quan tâm thêm đến luật pháp quốc tế để làm tốt nhiệm vụ như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ.
Nguyễn Thanh
..............................
Đáng xử bắn
Quan tâm đến tình hình tham nhũng, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: “Nếu suy tới cùng thì nhiều đối tượng tham nhũng đáng bị xử bắn lắm. Họ đã bất chấp để ăn tiền chính sách, tiền nhà nước dành cho người nghèo. Tuy chỉ có năm, bảy triệu đồng nhưng việc “ăn” như vậy làm mất uy tín nhà nước, mất lòng tin trong nhân dân. Đó là tội lớn”.
Ông Trí cũng lưu tâm, hiện nay nhiều kẻ xấu lợi dụng phòng chống tham nhũng để tố cáo, vu khống cán bộ nên việc chống tham nhũng phải tỉnh táo để bảo vệ người đứng đầu. “Khi chúng ta củng cố lòng tin nhân dân bằng việc chống tham nhũng thì môi trường đầu tư sẽ lành mạnh, minh bạch. Đất nước vì thế sẽ phát triển”, ông Trí nói.
Nguồn : SGTT
Già nua says:
07/11/2010
Chúa đảng tham nhũng là thằng lê thanh hải vừa tái đắc cử bí thư thành uỷ thì ai cũng biết cả vậy chống tham nhũng được không hay thực chất là hô khẩu hiệu, là người dân tôi thấy rất buồn và rất thất vọng với lãnh đạo hiện nay, tất cả chỉ là giả dối mị dân.