Sáng ngày 27 tháng 10 năm 2010 toà án tỉnh Trà Vinh đã kết án ba nhà sáng lập công đoàn Tự do với mức án khiến công chúng kinh ngạc hoặc kinh hoàng.
- Anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng chịu án chín năm tù giam.
- Anh Đoàn huy Chương chịu án bẩy năm tù giam.
- Chị Đỗ thị Minh Hạnh chịu án bẩy năm tù giam.
Thấy dư luận xôn xao một cách thái quá, tôi xin góp đôi lời bình về nỗi kinh ngạc hoặc kinh hoàng của dân ta. Bởi vì, từ sự kiện này, chúng ta có cơ hội để phân tích hiện trạng đất nước một cách bao quát.
Hai tính từ “kinh ngạc” và “kinh hoàng” đều chỉ một hiện tượng: sự vật bất bình thường, hoặc chưa bao giờ thấy, hoặc phi logic, hoặc quá liều lượng cũng như chiều kích quen thuộc, và tất cả các đặc điểm trên khiến người ta ngờ vực.
Chúng có một điểm khác biệt: kinh ngạc chỉ trạng thái sửng sốt, bất tin một cách thuần tuý.
Kinh hoàng, bao gồm cả sự ngạc nhiên lẫn sự sợ hãi, sợ hãi đến tê liệt, và điều này đối với nhà cầm quyền quan trọng hơn. Nói một cách thẳng thừng, đây là hiệu ứng mà nhà cầm quyền Hà Nội cố tình tìm kiếm. Bất cứ chế độ độc tài nào cũng dùng các vụ xử án như một vũ khí đặc biệt hiệu nghiệm để trấn áp những kẻ đối lập và hù doạ dân chúng, biện pháp này tuy cổ điển nhưng chưa bao giờ lỗi thời.
Trở lại sự việc cụ thể là vụ xử án ba nhà sáng lập công đoàn Tự do: Tại sao họ lãnh án nặng đến như vậy? Phải chăng đây là cơn bốc đồng của một ông quan toà tỉnh lẻ vì bị vợ cắm sừng hay mắc chứng táo bón trầm kha nên trút nỗi oán hơn lên đầu kẻ khác, hoặc phải chăng đây là sự nhầm lẫn do lơ là, do vô ý, và một khi đã nhỡ nhầm thì các quan lớn không muốn rút lại lời?…
Tôi không tin vào những chuyện cắc cớ như vậy cho dù chúng vẫn thường xẩy ra trong cuộc đời. Đối với người cầm quyền Hà Nội, án của ba thanh niên sáng lập công đoàn tự do kia là xứng với tội danh của họ, thậm chí còn quá nhẹ. Nếu không e ngại sự phản ứng dội vào từ phía ngoài biên giới, ắt các án này còn cộng thêm nhiều năm cấm cố nếu chẳng phải là chung thân.
Hơn tất cả các thứ đảng phái đối lập, hơn mọi lời tuyên bố hùng hồn, văn vẻ của các bậc mũ cao áo dài, ba kẻ bình dân kia mới thực sự là mối đe doạ của họ, mối đe doạ sờ thấy được, ngửi thấy được, hình dung được một cách rõ ràng, mối đe doạ xác lập trên các nghiệm sinh.
Nghiệm sinh của con người vốn là phần cốt lõi nhất trong nhận thức của họ đối với thế giới xung quanh cũng như với chính bản thân, nghiệm sinh là kiến thức trực tiếp, yếu tố thứ nhất trong cấu tạo nền, mà yếu tố thứ hai là sự tổng hoà, sự điều tiết giữa bản năng với các kiến thức mà họ thâu nhận được trong quá trình sống theo cách gián tiếp (giáo dục, học hành, trao đổi với tha nhân).
Nếu như cuộc đời của một con người có các ngã rẽ, có các chuyển hướng căn bản thì những sự kiện trọng đại này thường xảy ra dưới áp lực của nghiệm sinh, vì lẽ các kiến thức trực tiếp luôn luôn là động năng tiên quyết điều khiển hành vi cũng như ứng xử của con người.
Nhà cầm quyền Hà Nội sợ hãi ba thanh niên đứng lên cầm ngọn cờ của những người lao động bởi vì ba người này là vọng âm, là hình ảnh phản chiếu, là bản sao lại của chính bản thân họ vào những năm tiền khởi nghĩa, những năm mà “quốc tế ca của những người lao động” vang vọng khắp nửa địa cầu:
Vùng lên, hỡi các nô lệ của thế gian,
Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn,
Đấu tranh này là trận cuối cùng…
Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn,
Đấu tranh này là trận cuối cùng…
Nói cho rõ ràng hơn, có thể ví hai chàng trai và cô gái đứng sau vành móng ngựa của toà án tỉnh Trà Vinh ngày hôm nay như đoạn phim chiếu lại hình ảnh người cộng sản những năm cuối thập kỉ 30 sang thập kỉ 40 khi họ đứng sau vành móng ngựa của các toà án thực dân, khi họ sôi sục nhiệt tình cách mạng và sẵn sàng quên mình vì độc lập của dân tộc.
Do tinh thần hy sinh và lòng can đảm cộng với các ưu thế đương thời, người cộng sản đã thành công trong khi rất nhiều chàng trai yêu nước dấn thân vào các xu thế chính trị khác, cũng đầy lòng hy sinh và thừa dũng khí, nhưng không đi đến được thắng lợi cuối cùng.
Hãy nhắc tên Nguyễn Thái Học như biểu tượng của lớp người này, dù không đạt được vinh quang, nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và bất cứ người Việt yêu nước nào cũng phải xây trong tim mình một đài tưởng niệm cho những anh hùng bất đắc chí.
Như thế, chính quyền cộng sản được dựng lên ngày 02/09/1945. Từ năm 1945 đến nay hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, các chàng trai cộng sản năm ấy giờ ở đâu? Họ là ai?
Đương nhiên, nói theo nghĩa xác thực thì rất nhiều người trong số họ đã qua đời. Những người còn lại như ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh và một số khác đã trở thành các tù trưởng bộ lạc, các lão trượng ngồi trên đống vàng, con cháu họ hàng của họ đoàn đoàn lũ lũ lúc nhúc chia nhau cầm nắm các vị trí then chốt, các rường cột của quốc gia, chia chác nhau các mối lời béo bở, tha hồ đục khoét ngân khố, đương nhiên thụ hưởng toàn bộ lợi quyền mà hàng chục triệu người dân Việt nam đã đổ xương đổ máu để giành lấy. Vậy thì bài ca “quốc tế lao động” khi dịch lời sang tiếng Việt đã ứng nghiệm một trăm phần trăm câu hát này:
Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình!
BAO NHIÊU LỢI QUYỀN ẮT QUA TAY MÌNH!
Đó là một ước muốn mãnh liệt nhưng kém phần phần thuận lý và hoàn toàn thiếu vắng tinh thần cao thượng.
Năm 1988, khi nói chuyện tại câu lạc bộ Trí thức Sài gòn, tôi đã chỉ ra đích danh câu hát này, nó phản chiếu một cách vô thức chí hướng cũng như tâm tư những người cộng sản Việt Nam mà ở đó, toát ra một cách không thể che giấu, lòng tham vô độ cũng như khát vọng thống trị tuyệt đối.
Trong bất cứ xã hội nào, khi một nhóm người đã chủ tâm thâu tóm toàn bộ lợi quyền vào tay mình thì xã hội đó ắt không thể tồn tại lâu dài bởi vì từ cổ chí kim, xã hội nào cũng hình thành trên sự cộng sinh, sự cộng sinh đòi hỏi sự tồn tại cùng một lần nhiều lớp người khác biệt và do đó phải có một đường lối chính trị thích hợp để cho mọi công dân đều có quyền lao động, sống, thụ hưởng cũng như có cơ hội phát triển. Điều này ở phương Tây người ta gọi là “Bình đẳng về cơ may cho mọi người”, còn ở nước Việt trong các triều đình thịnh vượng trước đây, tinh thần đó được phản chiếu một cách nôm na trong câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nếu kẻ cầm quyền chỉ nghĩ đến mối lời của chính họ, ắt những nhóm người khác sẽ bị đẩy sang bên lề, bị tước đoạt, bị bần cùng hoá, nô lệ hoá, chịu đựng sự nhục mạ và nỗi đau khổ với các phương thức khác biệt, và như thế, con đường khởi loạn ắt không tránh khỏi.
Đừng quên rằng chính quyền Hà Nội hình thành được là nhờ ân sủng của cuộc cách mạng tháng tám. Cuộc cách mạng tháng tám thành công vì nó dựa trên hào khí của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cảm hứng chủ yếu của phong trào này là ý chí tự chủ, sự kế tục truyền thống từ các khởi nghĩa Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…
Một nghìn năm nô lệ giặc Tầu, tiếp đến một trăm năm nô lệ giặc Tây, trong vô thức dân tộc, đó là một dòng chảy không ngưng nghỉ của một cuộc kháng chiến không ngưng nghỉ, dẫu rằng có những giai đoạn chìm trong bóng tối lặng câm của máu và nước mắt. Nếu ông Hồ chí Minh không biết bắt chước (hoặc học hỏi, nói một cách văn chương hơn) các vua xưa để đoàn kết dân chúng, làm sao có chín năm kháng chiến thành công?
Nếu những người dân Việt không quên thân vì tổ quốc, làm sao có thể xẻ dọc trường sơn đi cứu nước? Các cuộc chiến tranh này chẳng là gì khác hơn sự kéo dài các cuộc chiến tranh chống xâm lăng của Trần Hưng Đạo, Lý thường Kiệt, Nguyễn Huệ Quang Trung. Chiến thắng Điện biên Phủ chẳng là một công trình duy nhất, là hiện tượng đơn lẻ trong lịch sử Việt Nam mà nó chỉ là sự thay đổi địa dư và tên gọi của các trận thuỷ chiến Bạch Đằng, của trận chiến oanh liệt trên Gò Đống Đa.
Tuy nhiên, chế độ cộng sản Hà Nội đã núp dưới bóng ngọn cờ liềm búa, với chủ thuyết đấu tranh giai cấp của Mác như một người đàn bà Việt Nam cạo răng đen để lấy bộ răng có mầu cải mả và đổi bộ váy chùng sang chiếc quần. Phải nói rằng sự chọn lựa đó có tính định mệnh, kèm theo nó là các ưu thế tạm thời cùng những yếu tố phản động có tác hại lâu dài về mặt lịch sử.
Số phận một dân tộc cũng giống như số phận một con người, thường bị quyết định hoặc bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nằm bên ngoài ý chí của chính họ. Vì thế, chúng ta không đặt lại vấn đề bằng những cụm từ “giả sử” hay “nếu như” bởi trong thực tiễn, các danh từ này là vô nghĩa. Điều chúng ta cần quan tâm là xã hội Việt Nam hiện nay, năm tháng này, bởi hiện tại và tương lai là các vấn đề khẩn cấp trong sinh tồn của một dân tộc.
Nếu coi chế độ cộng sản như một thứ triều đình, để tiện so sánh với các triều đình trong quá khứ như triều Lê, triều Lý, triều Trần, thì thứ chính trị mà chính quyền Hà Nội thực thi là thứ chính trị phi nhân, bất nghĩa, tham tàn nhất trong lịch sử Việt Nam. Sáu mươi lăm năm chỉ là một chớp mắt so với vĩnh hằng, nhưng quãng thời gian đó đã bộc lộ đầy đủ quá trình thối rữa của bộ máy quyền lực mà khởi thuỷ, ra đời được là nhờ sự ủng hộ của đại bộ phận dân chúng, bởi dân chúng tin vào các tiêu chí họ nêu lên:
Một chính quyền Nhờ dân, Do dân, và Vì dân.
Kiểm lại các sự kiện, ta thấy rằng:
Nếu sau chiến tranh, vua Trần đã quăng tráp đựng hồ sơ những người cộng sự với Tầu vào lửa để xoá đi một quá khứ nô lệ, để hoà giải mọi thành phần dân tộc, để có đủ hào khí viết nên trang sử mới cho đất nước thì ngược lại, sau năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt bớ, đàn áp, giam giữ, hành nhục hàng trăm ngàn binh sĩ của chính quyền miền Nam trong các trại tù khổng lồ, là tác nhân gây ra cuộc vượt biển tập thể chưa từng thấy trong lịch sử thế giới về mặt quy mô cũng như về tính tàn khốc.
Thuyền nhân!
Đó là danh từ độc đáo mà chính quyền Hà Nội đã sáng tạo ra. Danh từ này được dùng với một mật độ dày đặc trên các phương tiện thông tin toàn trái đất trong một quãng thời gian dài, từ những năm cuối thập kỉ 70, qua suốt thập kỉ 80, cho đến những năm đầu của thập kỉ 90. Danh từ này mô tả cuộc di dân kinh hoàng, bằng chứng sống động về tội ác của nhà nước cộng sản Việt Nam, gây phẫn nộ lẫn sự khinh bỉ một cách rộng rãi trên dư luận toàn thế giới.
Danh từ “Thuyền nhân” sẽ mãi mãi vĩnh định trong tất cả các cuốn tự điển của nhân loại, để ghi nhận khả năng độc ác và sự man rợ của con người đối với con người, một hiện tượng được liệt kê sau các lò thiêu Do Thái của Đức và quần đảo Goulag của Nga. Ở các nước châu Âu, nơi cuộc chiến tranh chống Mỹ được nêu lên như bằng cớ về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt, thì tiếp theo đó, danh từ “Thuyền nhân” trở thành biểu tượng của thần tượng sụp đổ, của tội ác bị lộ diện, nói cách khác: mặt trái của tấm mề đay.
Thời xưa, sau các cuộc chiến tranh khi nhân tài, vật lực hao tổn, các vua Lý vua Trần đã ban hành chính sách khuyến khích sản xuất, cổ vũ dân cầy để tu tạo lại xã tắc giang sơn, do đó triều đình của họ mới bền vững.
Bất kể là ai, khi đã khoác long bào đều phải ghi xương khắc cốt câu “Chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”, cho nên sự vỗ về dân chúng không thời nào được lơi lỏng. Một khi triều đình quay lưng lại dân chúng, chỉ lo tham lam vơ vét cho đầy túi, chỉ lo thoả mãn lòng dục của bản thân, lúc ấy vua quan đã biến thành một lũ thú vật chỉ lo liếm láp bộ lông của chính mình, ắt giặc giã phải nổi lên khắp nơi và triều đình phải đi đến sự huỷ diệt.
Nhìn lại thời Mạt Trần là thấy rõ. Từ ngày khởi lập nhà Trần cho đến năm Hồ Quý Ly đoạt ngôi là bao nhiêu năm tháng? Từ 1225 đến 1400 là 175 năm. Một trăm bảy mươi lăm năm dẫn từ vàng son đến tro bụi, đó là thời gian cho quá trình thối rữa. Khá ngắn ngủi so với các triều vua phương Bắc nhưng lại quá dài so với chế độ Hà Nội.
Vào năm 1287, triều Trần tròn 62 tuổi, tướng Trần Hưng Đạo còn đủ uy tín, tài lực để làm cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Mông. Năm nay, chính quyền Hà Nội 65 tuổi, giả như bây giờ quân xâm lược kéo đến, liệu họ còn khả năng như tướng Trần Hưng Đạo năm xưa? Liệu trong đám các uỷ viên ngồi quanh bàn họp bộ chính trị, ai đủ nhân cách để đứng lên hô hào dân chúng?
Không cần đọc tin tức và các bình phẩm trên các site Internet, bởi những người sử dụng phương tiện này đã nghiễm nhiên được coi như “bộ phận tinh hoa” của xã hội, chỉ cần lắng nghe lời đám bình dân kháo nhau nơi quán xá một cách vô cùng hài hước và chua chát cũng có thể hiểu được thái độ của họ.
Nào là “bọn Vinashin thuộc phe thằng Dũng xỉn, chắc thằng khác muốn nhoi lên trong đại hội đảng kì tới nên lôi vụ này ra. Nếu tính đếm, còn bao nhiêu vụ Vinashin chưa bị lòi mặt?” Nào là “Con gái thằng Dũng xỉn nắm yết hầu ngành ngân hàng, liệu bố con nó có dưới hay trên một tỷ đô la?” Nào là “Đố các ông ai là tác giả vụ bô-xít? Thằng Dũng xỉn kí nhưng kẻ giật dây lại chính là Tô Huy Rứa. Phải chăng thằng này là hậu duệ của lão Tô Định mấy ngàn năm xưa?” Nào là “Lão Nông Đức Mạnh đi đêm với bọn Tầu bao nhiêu lượt? Nghe đồn chúng nó ngầm bán đất cho Tầu lấy 5 tỷ đô la. Tất thảy các con số công bố trên báo chí đều là con số rởm”. Nào là “Trong mười năm vừa qua, mụ Trương Mỹ Heo và gia tộc nó đã cướp được bao nhiêu đất của dân cày?” Vân vân và vân vân…
Những lời bình phẩm quanh mâm cơm, quanh ấm trà thường nhật khá đủ để đo đếm mức độ khinh bỉ của dân đen đối với kẻ cầm quyền. Như thế, so với các triều đại cũ, quá trình băng hoại của chính quyền Hà Nội xảy ra một cách quá nhanh chóng, nói cách khác, quá trình thối rữa này được tính theo cấp số luỹ thừa. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Tôi cho rằng lý do đầu tiên là sự kiêu ngạo của nhà cầm quyền Hà Nội, lòng kiêu ngạo mà chính họ tự nhận là “Lòng kiêu ngạo cộng sản”.
Lòng kiêu ngạo cũng giống như lòng tham, làm mờ mắt con người. Mắt đã mờ thì tai cũng dễ điếc theo và trí nhớ trở nên cùn nhụt. Những người cộng sản Việt Nam mắc bệnh Alzheimer quá sớm. Họ ngửa mặt lên trời vênh vang hô không mệt mỏi “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, đinh ninh rằng đó là thành công của riêng họ.
Họ đã quên rằng Điện Biên Phủ có được là nhờ hàng chục ngàn binh sĩ dũi đất, đào hầm, kéo pháo vượt núi đèo, hàng trăm ngàn dân công khắp các miền thồ lúa gạo ra tiền tuyến. Những con người này hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, đương nhiên, nhưng cũng đồng thời hy vọng vào một ngày mai tươi sáng khi khẩu hiệu “Người cày có ruộng” trở thành hiện thực.
Kẻ cầm quyền cộng sản cũng lại quên rằng cuộc kháng chiến chống Pháp thành công là nhờ vào hàng nghìn gia đình hữu sản dốc vàng, đổ tiền nuôi tướng lẫn nuôi quân như ông bà Trịnh văn Bô, như giám đốc nhà máy in tiền Con Trâu Xanh, như bà Nguyễn Thị Năm, như cụ Cửu…
Ông Trường Chinh cũng như đa phần các đồng chí của ông ta từng ăn mòn bát tại nhà bà Nguyễn Thị Năm, các binh đoàn liên tục đến đó đóng quân vật hết đàn bò này đến đàn lợn kia ra ngả thịt. Thế nhưng, sự thật hiển nhiên cho thấy bà Năm là người đầu tiên bị bắn trong cải cách ruộng đất cùng cụ Cử, sau đó đến lượt hàng vạn người yêu nước khác, những người móc hầu bao lấy đến đồng xu cuối cùng để mua thóc gạo, thuốc men và quần áo gửi ra chiến trường.
Về phía những người nông dân, phần cay đắng cũng không thua kém. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng khẩu hiệu “Người cày có ruộng” cho đến ngày hôm nay vẫn chỉ là một lời dối trá không e thẹn, và người cày, thay vì là nô điền cho chánh tổng, lý trưởng, địa chủ trở thành nô điền cho các cán bộ đảng.
Vậy thì, đối với tầng lớp hữu sản, người cộng sản cầm quyền là lũ vô ơn, ăn cháo đái bát, còn đối với đám nông dân cùng khổ thì họ là kẻ lừa đảo trắng trợn không mảy may áy náy lương tâm. Những chiếc răng chó sói luôn luôn là răng chó sói, dù chúng sơn đen hay để trắng, kẻ tham tàn dù nói lời lẽ nào vẫn là kẻ tham tàn. Hiện thực mạnh hơn mọi thứ xảo ngôn. Lá cờ búa liềm vẫn được kéo lên mỗi kì họp đảng, nhưng liệu còn ai tin rằng những kẻ đứng giơ tay chào lá cờ này còn là những người vô sản, đang nỗ lực tranh đấu cho các giai cấp bần cùng?
Câu trả lời sẽ là: Có! Vẫn còn những người tin vào điều đó, ấy là các con bệnh tâm thần, những ai đang sống trong trại điên Trâu Quỳ, đang ở nhà thương điên Đà Nẵng, hoặc các cơ sở chữa trị tâm thần khác trên đất nước. Tóm lại, những kẻ mất trí nhớ, những kẻ đập vỡ đồng hồ từ năm Con Ngựa (1954), hoặc những người bị bệnh Down.
Đại bộ phận dân chúng đều biết các quan chức cộng sản giờ đây đang sống ra sao. Họ đang xuỳ tiền mở các resorts, tức là các khu nghỉ mát cao cấp để hứng khách nước ngoài. Họ cưỡi máy bay sang Hồng Kông để đánh bạc và chơi gái. Họ có ngân khoản khắp các nhà băng trên thế giới, từ Thụy Sỹ đến Washington, từ Singapore đến Bangkok, từ Paris sang Berlin. Con cái họ đặt mua váy cưới tại các tiệm sang nhất trên đại lộ Champs Elysées, mỗi chiếc váy giá từ 130.000 đến 210.000 euros. Vợ lớn vợ bé hoặc gái bao của họ cưỡi các loại ô tô đắt tiền, các loại xe mà những người ngoại quốc làm việc tại Hà Nội hay Sài Gòn nhìn thấy phải tái mặt. Được như vậy là vì họ đã thực hiện một cách tuyệt vời câu ca “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”!
Chỉ một câu này thôi, đủ lý giải mọi chính sách được thực thi trên đất nước từ nửa thế kỉ nay.
Cho nên, xét trên phương diện tính thực dụng thì lá cờ liềm búa lúc này là thứ bùa hộ mệnh, tuy đã lợt mầu, nhưng vẫn còn hữu hiệu.
Trước hết, nó được sử dụng như loại thuốc an thần để dẫn đám dân đen vào giấc ngủ, đám dân bị tước đoạt và bị lùa ra bên lề xã hội, những nông dân bị đuổi khỏi đất đai, trở thành vô gia cư, vô điền địa, chen chúc quanh các kênh rạch bẩn thỉu của Sài Gòn hoặc các khu ngoại ô Hà Nội, làm đủ thứ nghề để tồn tại, mà trong các thứ nghề bấp bênh, khốn khổ nhằm mưu sinh, nghề làm điếm, ăn cắp là không thể tránh.
Lá cờ kia nhắc nhở một cách mơ hồ rằng các quan lớn cũng đã từng có thứ dây mơ rễ má nào đó, gần gũi họ, một thứ chủ nghĩa dân túy đặc biệt xảo quyệt và trữ tình.
Sau nữa, lá cờ này được coi là thứ khói độc, kiểu như lựu đạn cay của cảnh sát, để làm mù mắt (dù tạm thời) những công nhân lao động đến kiệt sức để lĩnh đồng lương trên dưới một triệu đồng Việt Nam, mà tiền thuê nhà trọ, nơi họ nằm xếp hàng như những con cá hộp, cũng đã mất năm trăm hoặc sáu trăm ngàn.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng, trong nhiều trường hợp, chính trị rất giống thứ nghề cổ truyền nhất trên trái đất: Nghề làm đĩ.
Tác giả Dương Thu Hương
Xét trên khía cạnh bản chất của sự vật thì lá cờ búa liềm bây giờ là mảnh váy nát che đậy bộ phận sinh dục lầy lụa của những người cộng sản Việt Nam. Họ tiếp tục dùng nó dù trong thâm tâm, biết rằng tấm giẻ rách này không thể che kín thân xác họ một cách lâu dài.
Trong thâm tâm, họ sợ. Trong thâm tâm, họ biết rằng họ dối láo và không sự dối láo nào có thể đứng vững lâu dài. Già hay trẻ, ngu hay khôn, họ đều biết rõ rằng những năm tháng này là những năm tháng cuối cùng họ chen chúc trên chuyến tầu vét, mỗi kẻ tìm cách vơ cào vơ cấu, ngõ hầu lèn đầy túi, còn tương lai đất nước, vận mệnh dân chúng, lương tâm kẻ cầm quyền, trách nhiệm trước lịch sử, những khái niệm đó đã nằm bên ngoài mối quan tâm của họ. Hoặc là, họ chưa bao giờ với tới các ý tưởng đó, chúng là thứ quá xa xỉ đối với đời sống tinh thần của họ, những kẻ đang ngụp lặn trong tiền tài và khoái lạc. Hoặc là, khi nghĩ đến những điều đó, ngay lập tức họ sẽ hiểu rằng họ là kẻ bất khả và vì lòng tự ái luôn luôn mạnh hơn lý trí, họ sẽ cố tình lãng quên.
Nếu như trong đội ngũ quan chức, còn đôi kẻ biết giữ liêm sỉ, còn đôi kẻ biết lo âu khắc khoải cho vận mệnh non sông, những kẻ đó ắt bị vô hiệu hoá. Giữa một bầy chuột đang đục khoét, con chim sẻ lạc vào ắt bị cắn phòi ruột. Giữa đám chó sói, kẻ nào trái nòi, kẻ đó ắt bị phanh thây.
Bây giờ, để định danh giai cấp cầm quyền, ta cần lùi lại đôi bước trong quá khứ.
Thời cách mạng tháng tám, người cộng sản tự nhận là vô sản, dù rất nhiều người trong bọn họ xuất thân từ đám tiểu quan lại hay hào lý, bởi lẽ tấm môn bài vô sản lúc ấy vô cùng hiệu lực, nó là tiếng kèn đồng vang dội nhất với âm sắc tương hợp và nhạc cảm quyến rũ, đủ sức lôi cuốn, vẫy gọi và tập hợp tuyệt đại đa số nông dân bị bần cùng dưới chế độ thống trị của thực dân.
Những người dân cầy quả thực là động lực chủ của cuộc cách mạng này, bởi họ đã từng chứng kiến hai triệu đồng loại chết đói còng queo, xác rải dọc các con đường từ Thái Bình về Nam Định, từ Nam Định về Hà Nội, từ Thanh Hoá vào Vinh… Những xác chết này trở thành mối hù dọa đối với họ, bởi chính họ cũng sẽ có ngày gục xuống vì đói khát.
Tóm lại, sự tuyệt vọng và cái chết rình rập người dân cầy phía trước con đường. Để tự cứu mình, chỉ còn lối thoát duy nhất là vùng lên chiến đấu, lối thoát này được hình thành trong ngõ cụt, trong cơn tuyệt vọng của một đám đông. Đám đông ấy đã đi theo cách mạng để phá kho thóc, cứu đói, và cướp chính quyền. Trong con mắt dân chúng, người cộng sản lúc ấy thực sự là các anh hùng bởi họ đáp ứng một cách chính xác các khát vọng của một dân tộc nô lệ và đói khổ.
“Những anh hùng năm xưa, những người cầm cờ đỏ sao vàng vẫy gọi dân chúng làm cuộc cách mạng tháng Tám, giờ họ ở đâu? ”
Chúng ta cần lặp lại câu hỏi này vì điệp khúc bao giờ cũng là phần dễ nhớ nhất trong một bài hát. Câu trả lời sẽ là: Tuyệt đại đa số các chàng trai cộng sản năm xưa đã nằm trong nghĩa trang Mai Dịch. Còn người cộng sản bây giờ thực sự là các nhà tư sản đỏ, giai cấp tư sản được hình thành một cách đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt nên chưa từ điển bách khoa nào trên thế giới tìm được định danh.
Giai cấp tư sản này được xác lập theo cách “truyền ngôi”, nói nôm na là được thâu tóm các vị trí quan trọng của guồng máy quốc gia một cách vô điều kiện để làm giầu, và quá trình làm giầu của họ được đặt trên các ưu thế tuyệt đối do quyền lực.
Lấy một ví dụ cụ thể, nếu như trước cách mạng, ông Đỗ Mười dắt lợn rong qua các làng cho lợn nhẩy, hành nghề thiến lợn làm kế mưu sinh, thì con rể ông từ những năm cuối thập kỉ 80 đã trở thành chủ khách sạn Bảo Sơn. Để cho khách sạn này làm ăn thuận tiện, nhà nước đã mở đại lộ Nguyễn Chí Thanh, con đường được coi là đẹp nhất Hà Nội.
Chắc chắn không có gia đình tư sản nào ở Pháp được hưởng một thứ ân sủng hoàng gia theo kiểu đó. Điều này chỉ có thể xảy ra (dẫu rằng hiếm hoi) dưới các triều đại trước cách mạng tư sản, khi giai cấp quý tộc còn trong thời vàng son.
Hiện tượng sử dụng tài sản quốc gia vào mục tiêu kiếm lợi cho cá nhân được coi như đương nhiên và phổ biến trong chính quyền Hà Nội. Dưới các hình thức khác nhau, hiện tượng này xảy ra trên khắp các lĩnh vực, từ các vụ mua bán khí giới cho quân đội đến các vụ đấu thầu những công trình quốc gia như cầu, đường, điện lực, từ thương mại cho đến công, nông nghiệp, từ các hoạt động văn hoá, giáo dục cho đến các nghề nghiệp phục vụ khác.