Lời cảnh báo cho hồ bùn đỏ Bauxite Tây Nguyên. Khi thiết kế hồ chứa chất thải Nà Lùng, có lẽ nhiều vị quan chức cũng tự tin rằng: an toàn tuyệt đối về mặt … lý thuyết.
Khi sự cố xảy ra, hãy xem cách mà người ta khắc phục : xúc bùn để đổ vào các con suối – gây ô nhiễm nghiêm trọng cho những dòng suối và môi trường sinh thái chung quanh.
Hồ bùn thải ở Nà Lùng quy mô nhỏ, tính độc hại cũng ít hơn rất nhiều so với hồ bùn đỏ Tây Nguyên. Nhưng hãy xem cách quản lý, cách khắc phục một cách thiển cận của các cấp chính quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh và đời sống nhân dân
Đến cuối ngày 7.11, đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng (Cao Bằng) vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại.
Theo nguồn tin riêng của báo Sài Gòn Tiếp Thị tại Cao Bằng, ngày 7.11, khi đi kiểm tra con đập chắn thải bị vỡ – nguyên nhân gây ra tình trạng tràn bùn, nước thải từ đập chắn nước thải, bùn thải ở công trình khai thác quặng sắt của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã yêu cầu sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng. Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, hai gia đình bị thiệt hại nặng nhất của sự cố này được hỗ trợ trước tiên để ổn định cuộc sống và có tiền đi thuê nhà ở.
Cũng theo chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Cao Bằng, xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng phải làm ngay cầu tạm để phục vụ đi cho bà con, tuyệt đối không để tình trạng tắc đường như hiện nay. Xí nghiệp này được lệnh dừng ngay việc bơm nước để đẩy bùn ra sông Bằng như hiện nay để tránh tình trạng mấy chục ngàn mét khối bùn lại được xả ra, gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Bằng.
Đến cuối ngày 7.11, đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại. Cơ quan chức năng phải sử dụng máy bơm bơm nước từ sông vào rồi dùng máy xúc múc bùn để đổ vào một con suối nhỏ đưa ra sông Bằng có hàng vạn người dân sử dụng nước. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây thì việc này có thể lại gây ô nhiễm ở các dòng suối.
Được biết, sáng ngày 7.11, sở Tài nguyên và môi trường Cao Bằng đã làm việc với lãnh đạo xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ vỡ đập. Xí nghiệp này đã phải thừa nhận sự cố vỡ đập là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập đã bị thủng. Nhưng một số nguồn tin khác lại cho rằng, do có việc xả thải ngầm từ cống lớn dưới đáy đập nên dẫn đến tình trạng trên.
Đáng chú ý, theo thông tin từ sở Tài nguyên và môi trường Cao Bằng, xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng từng bị phạt 70 triệu đồng năm 2008 do xả thải trộm.