Lữ Giang
Cuộc chiến bầu cử đầy gió tanh mưa máu của người Việt tỵ nạn tại thủ đô Little Saigon đã qua. Nhiều người cảm thấy nhẹ nhỏm hơn. Khi cuộc tranh cử đang bùng nổ, người ta có cảm tưởng như “cuộc chiến cộng đồng” dưới thời Bùi Bỉnh Bân làm Tổng Thống Bolsa đang tái diễn. Mặc dầu khi “cuộc chiến” được coi như đã chấm dứt, chiều 3.11.2010, Bùi Mạnh Cường, “quản gia” của Trần Thái Văn còn bồi thêm một cú rất nặng vào đồng hương của mình. Dưới đầu đề “Còn 25,000+ phiếu chưa đến. Lịch sử bầu cử trong CĐVN là một sự tái diễn không ngừng??”, Bùi Mạnh Cường đã gọi những cử tri Việt Nam không ủng hộ Trần Thái Văn là “có tinh thần "Lê Chiêu Thống, Mặc Đăng Dung..." của một nhóm người đứng sau lưng bà Sanchez nhiều năm nay” (!!!).
Trước khi có một cái nhìn tổng quát về cuộc chiến vừa qua, chúng ta hãy nhìn qua Minnesota để thấy cộng đồng người Hmong, một sắc tộc nhỏ bé, đã từng là “chiến hữu” sống chết với người Mỹ và người Việt, đang sinh hoạt chính trị như thế nào.
HIỆN TƯỢNG MEE MOUA
Năm 2002, khi ông Randy Kelly, nghị sĩ đơn vị 67 của tiểu bang Minnesota trúng cử làm Thị trưởng thành phố St Paul, thủ đô của Minnesota, một cuộc bầu cử giữa kỳ tân nghị sĩ của đơn vị này đã được tổ chức vào tháng 11 năm 2002. Có 4 người ra tranh cử. Kết quả bà Mee Moua về đầu với 3055 phiếu, chiếm 51,19% tổng số phiếu. Ông Greg Copeland về thứ hai với 1738 phiếu, chiếm 29,12%.
Nhiệm kỳ này kéo dài từ 1.7.2003 đến 1.2.2007, Nhưng bà phải tranh cử lại năm 2004.
Qua cuộc tái tranh cử năm 2004, bà Mee Moua được 13.337 phiếu, tức 59,90%, còn ông Dave Racer được 8.866 phiếu, tức 39,82%.
Đến lần tranh cử thứ ba (nhiệm kỳ từ 1.3.2007 đến 1.3.2011), bà Mee Moua thắng lớn hơn nữa, được 13.509 phiếu, tức 69,03%, trong khi đối thủ của bà là Richard Mulkern chỉ được có 6.005 phiếu, tức 30,68%.
Nhìn bà Mee Moua thắng cử, nhiều người rất ngạc nhiên, vì bà chỉ là một người thuộc sắc tộc Hmong nhỏ bé, lúc đó chỉ có khoảng 24.000 người sống ở phía bắc thành phố Saint Paul, trong khi đó cuộc kiểm tra năm 2000 cho biết có đến 89,44% dân số trong đơn vị 67 là người gốc Caucasian.
Nếu lý luận theo kiểu chánh khứa Bolsa “người Việt bỏ phiếu cho người Việt”, “người Hmong bỏ phiếu cho người Hmong”..., làm sao bà Mee Moua có thể chiếm chiếc ghế Thượng Nghị Sĩ ở đơn vị 67 được?
Hiệp Hội Toàn Quốc Các Nghị Viện Tiểu Bang cũng như Hiệp Hội Toàn Quốc Các Bộ Trưởng Tiểu Bang đều nói không hề biết có một người di dân gốc Hmong nào đó được trúng cử ở cấp tiểu bang.
Trong chiến tranh, người Hmong ở Lào được CIA trang bị để chống Cộng nên đã chịu nhiều thương vong nặng nề. Người ta ước lượng đã có khoảng từ 10.000 đến 20.000 chiến sĩ HMong tử trận. Đó là chưa kể số dân chúng bị thiệt hại vì chiến cuộc. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, số phận của người Hmong còn bi thảm hơn nữa. Năm 1974, khi Hoa Kỳ bỏ Lào, người Hmong bị Cộng Sản săn đuổi và giết như những con thú. Có trên 200.000 người Hmong đã vượt sông Mekong chạy qua Thái Lan. Phần lớn đã lần lượt được đi định cư ở Hoa Kỳ hay Úc Châu. Hiện nay có khoảng 160.000 người Hmong đang định cư tại Hoa Kỳ, tập trung ở ba tiểu bang Wisconsin, Minnesota và California.
Bà Mee Moua sinh ngày 30.6.1969 tại Xiangkhoang, Lào, hiện có chồng là Nha Yee Chang và 3 con.
Năm 1975, gia đình bà cũng đã vượt sông Mekong, qua tạm trú tại một trại tỵ nạn ở Thái Lan. Năm 1978, gia đình bà được đến định cư tại Minnesota.
Các nhà phân tích Mỹ cho biết chỉ có một số nhỏ người Hmong thành công trên đất mới, trong đó có bà Mee Moua. Sau khi qua trung học, bà theo học ở Brown University và tốt nghiệp 1992, sau đó bà qua Texas học ở Lyndon B. Johnson School of Public Affairs tại University of Texas ở Austin và tốt nghiệp Cao Học. Bà trở lại Minnesota học luật ở University of Minnesota Law School và tốt nghiệp năm 1997. Bà vào Minnesota State Bar và làm việc tại tổ hợp luật Leonard, Street & Deinard.
Phải nhìn nhận rằng ngoài việc chính phủ Hoa Kỳ muốn dành cho những sắc tộc đã tham gia vào cuộc chiến Đông Dương với Mỹ một sự ưu đãi nào đó trong buổi sơ giao khi họ đến tỵ nạn tại đất nước này, bà Mee Moua cũng đã biểu hiện được những khả năng vươn lên của mình trong xả hội mới. Báo chí Mỹ ở Minesota viết khá nhiều về bà Mee Moua, chúng tôi chỉ tóm lược vài điểm chính để giúp cộng đồng người Việt nhìn lại vị trí của mình trên đất nước này.
Trong khi Trần Thái Văn tự xưng là “bình luận gia” và “đại diện cộng đồng” nhưng chẳng làm gì cả, bà Mee Moua luôn khiêm tốn và đưa ra những chương trình hành động thiết thực để thực hiện. Khi mới thắng cử, bà cho biết ngay chương trình hành động của bà gồm những vấn đề chính sau đây: Phát triển kinh tế, phát triển cộng đồng, bảo vệ an toàn công cộng và đáp ứng như cầu nhà ở. Theo bà, đáp ứng nhu cầu nhà ở là một vấn đề lớn đối với những người di dân Mỹ gốc Á Châu. Các cuộc nghiên cứu cho thấy gần 250.000 người Mỹ gốc Á Châu sống trong những căn nhà thiếu tiêu chuẩn. Bà lập ra các văn phòng để thực hiện mục tiêu của mình.
Thượng Nghị Sĩ Sandy Pappas gọi bà Mee Moua là “một câu chuyện lớn của người Mỹ (a great American story), đến từ những nguồn gốc khó khăn như thế và đang thành đạt”. Còn Thượng Nghị Sĩ Ellen Anderson nói: “Điều đó khó tưởng tượng. Bà ta đã thắng không phải vì bà ta là một phụ nữ Hmong, nhưng bà ta cũng rất thông minh, có quyết tâm và hài hước” (That was fantastic. She won not because she was a Hmong woman but she also was very smart, gutsy and funny). Ông so sánh bà với Thượng Nghị Sĩ Paul Wellstone và nói rằng bà là “một người nhỏ bé với một nhân cách lớn” (a short person with a giant personality).
Sau 8 năm làm Nghị Sĩ tiểu bang và năm nay bà mới 41 tuổi, nhưng vào tháng 5 vừa qua, bà tuyên bố không tái tranh cử nữa. Nhiều người đã ngạc nhiên khi nghe lời tuyên bố này. Có ký giả đã hỏi bà lý do, bà cho biết bà muốn dành nhiều thì giờ cho gia đình. Bà nói trong một bài tuyên bố tại Thượng Viện:
"Gia đình tôi đã có những hy sinh để hỗ trợ các cam kết phục vụ công chúng của tôi, Tình yêu của họ, sự hỗ trợ và hy sinh của họ (gần) 10 năm, và tất cả điều tôi muốn làm là dành thập niên tiếp theo cho gia đình tôi và cho tương lai của các con cái tôi."
Trong cuộc bầu cử ngày 2.11.2010 vừa qua, ông Vang T Lor, một trí thức Hmong khác đã ra tranh ghế của bà nhưng bị thất bại nặng. Người về đầu là ông John M. Harrington được 2.150 phiếu, tức 30,7%, còn ông Vang T Lor về hạng tư với 751 phiếu, tức chỉ 10,7%. Phải chăng “tuần trăng mật” đã hết?
TRẦN THÁI VĂN ĐẺ BỌC ĐIỀU?
Không như bà Mee Moua, lý lịch của Trần Thái Văn có nhiều bí ẩn. Bài “Thân Thế và Thành Tích Hoạt Động của Dân Biểu Trần Thái Văn” đăng trên website joinvantran.org chỉ là hỏa mù. Các tài liệu khác cho biết Trần Thái Văn sinh ngày 19.10.1964, nhưng không cho biết đẻ ở mô. Trần Thái Văn chỉ khoe mình là con của Giáo Sư Anh Văn Trần Điền và cậu ruột của Văn là Trung Tướng Dư Quốc Đống. Qua Mỹ năm 1975, lúc đầu ở Michigan, đến năm 1980 dời về Orange County, nhưng lại tốt nghiệp Luật Khoa và Cao Học Hành Chánh Công Quyền tại trường Đại Học Luật Hamline tại Saint Paul, Minnesota. Khi còn đi học, Văn đã “tham gia chính trị” bằng cách đi vận động cho dân biểu liên bang Robert Dornan và nghị sĩ tiểu bang Ed Royce.
Hiện nay Trần Thái Văn đang sống ở Orange County với vợ là Cyndi Nguyễn và 2 cháu nhỏ là Alex Trần Thái Sơn và Sophie Trần Thái Hà.
Tôi chỉ biết Trần Thái Văn khi Trần Thái Văn đi làm hội chợ với Bùi Bỉnh Bân. Trần Thái Văn thường liên kết với Nguyễn Thế Hiệp thầu làm hàng rào hội chợ Tết cho Bùi Bỉnh Bân. Chuyện Nguyễn Thế Hiệp mượn cái tượng thạch cao xương máu, to lớn phải chở bằng xe cần trục của kiến trúc sư Trần Văn Lên để chưng bày trong hội chợ Tết rồi hô “bị mất” vẫn còn là chuyện quá đau lòng. Tượng này đã có người chịu mua 20.000 USD. Mỗi lần gặp tôi, kiến trúc sư Trần Văn Lên đều chảy nước mắt.
Năm 2000. Trần Thái Văn ra tranh cử nghị viên thành phố Garden Grove và trúng cử. Năm 2005 khi dân biểu tiểu bang đơn vị 68 Ken Maddox mãn nhiệm (ở California chỉ được làm dân biểu 3 nhiệm kỳ), tháng 11 năm 2004, Đảng Cộng Hoà đưa Trần Thái Văn ra tranh cử dân biểu đơn vị này. Không biết có sự cam kết nào hay không, trong suốt thời gian Trần Thái Văn tranh cử ở đơn vị 68, Đảng Dân Chủ không đưa người nào ra tranh với Trần Thái Văn. Tuy nhiên, cũng có ba người gốc Latino “ra mà chơi”, đó là Al Snook, Paul Lucas và Ken Arnold. Gọi là “ra mà chơi” bởi vì ba người này không hề cắm một bảng quảng cáo, gởi một tờ truyền đơn hay nói chuyện trên các cơ quan truyền thông. Thấy lạ, Đỗ Sơn, Giám Đốc Đài VOV, đã điện thoại hỏi Paul Lucas tại sao không quảng cáo gì cả và có muốn nói chuyện trên đài VOV không. Anh ta nói anh ta chỉ có 200 USD và thú nhận anh ta bán bảo hiểm nên ra tranh cử để khách hàng biết anh ta nhiều hơn!
Thế là trong cả ba nhiệm kỳ, Trần Thái Văn đã độc diễn. Nhưng kết quả bầu cử thật kỳ lạ: Ba đối thủ “ra mà chơi” gần như đã vượt lên gần bằng Trần Thái Văn:
Năm 2005, Van Trần được 78.606 phiếu, chiếm 60,9%. Al Snook được 50.453 phiếu, chiếm 39,1%
Năm 2006, Văn Trần 55.155 phiếu, chiếm 61,7%. Paul Lucas 34.277 phiếu, chiếm 38,3% .
Năm 2008. Văn Trần 72.034 phiếu, chiếm 54%, Ken Arnold 61.239 phiếu, tức 46%.
Quan sát hiện tượng này, trong một cuộc nói chuyện với Nguyễn Phú, ứng cử viên đơn vị 68, trên truyền hình, tôi có lưu ý rằng có nhiều cử tri trong đơn vị 68 không thích người Mỹ gốc Việt, nhưng Phú lại cho rằng đó là những người theo Đảng Dân Chủ không muốn bầu cho Đảng Cộng Hoà nên sẽ bỏ phiếu cho anh ta!
Vì “quan lộ hanh thông” như vậy, Trần Thái Văn tuởng mình là người tài, được mọi người kính phục, nên quyết định thành lập một khối dân cử người Mỹ gốc Việt, bất cứ người Việt nào trong vùng muốn tranh cử đều phải vào khối này và đặt dưới quyền chỉ đạo của Văn. Lúc đầu nhóm này có Andy Quach, Janet Nguyen, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Quốc Lân, Tạ Đức Trí, Dina Nguyễn, Diệp Miên Trường, v.v., vì thế các báo Mỹ trong vùng đều gọi Van Tran là “GODFATHER”. Khối này đã bị bể tan khi Nguyễn Quang Trung và Janet Nguyen cùng tranh chức Giám Sát Viên Khu Vực 1 (First District Supervisor) ở Orange County năm 2007. Văn muốn Nguyễn Quang Trung vào chức vụ đó nên cuộc chiến trở thành gay cấn, mọi thủ đoạn bẩn thỉu nhất đã được xử dụng, Ngô Kỹ và Nguyễn Phương Hùng được được huy động để làm “xung kích”. Đài VOV của Đỗ Sơn đã nhập cuộc, nhờ vậy Janet Nguyễn đã thắng Nguyễn Quang Trung 7 phiếu, và khối dân cử của Van Trần bắt đầu tan rã. Các “thành viên” thấy rằng đứng chung với Trần Thái Văn sẽ thất cử, nên đã tự tách ra.
Hồ sơ Văn Trần quá nhiều và nhiều người đã biết. Khối người Hmong tuy nhỏ bé, nhưng một phụ nữ Hmong đã trở thành Nghị Sĩ Tiểu Bang năm 2002. Khối người Việt tuy “vĩ đại” và to mồm nhất, nhưng phải đến năm 2004 mới có Trần Thái Văn (Dơn vị 68 Cali) và Hubert Vo (Dơn vị 149 Texas) làm Dân Biểu Tiểu Bang. Nay chỉ còn Hubert Vo.
CUỘC BẦU CỬ “NHỜ ƠN TRÊN”
Trong cuộc bầu cử vừa qua, người Việt ở khắp nơi đều hướng về Orange County, vì tại đây có 3 người Việt đã ra tranh cử 3 chức vụ quan trọng, đó là Văn Tran tranh ghế dân biểu liên bang đơn vị 47, Phú Nguyễn, ghế dân biểu tiểu bang đơn vị 68 và Bruce Tran, Thị Trưởng thành phố Westminter.
Rất nhiều người đến hỏi tôi người Việt có chiếm được ghế nào hay không. Mặc dầu các bên đã cố gắng đưa ra nhiều chiêu hiểm độc, nhưng nhìn vào thành phần cử tri, những người hiểu biết đều thấy rằng người Việt sẽ không chiếm được ghế nào, vì họ chỉ là một thiểu số nhỏ bé. Riêng tôi đã trả lời họ rằng đây là "một cuộc bầu cử nhờ ơn Trên”. Cha ông ta đã bảo “Ơn trời mưa nắng phải thì”. Nếu ngày 2.11.2010, trời làm sấm sét mưa bay, người Mỹ da trắng và người Latino đều nằm ở nhà, ta có thể chiếm một hay hai ghế. Nhưng hôm đó “mưa nắng không phải thì”, trời quá tốt, tức Trời không phù hộ người Việt, ta thua là chuyện đương nhiên.
Dân số nước Mỹ khoảng 301.600.000, người gốc Latino là 45.500.000, chiếm 15%; người Á Châu là 15.733.402, tức 5,2%; người Việt chỉ khoảng 1.700.000, tức 0,55%.
Dân số Orange County năm 2005 là 3.010.759, và người Việt là 157.012, tức chỉ 4,76%.
Tại đơn vị 47, nơi Trần Thái Văn tranh với bà Loretta Sanchez, có khoảng 640.000 dân, trong đó người Latino chiến 65,3%, người Việt chỉ 9,5%.
Tại đơn vị 68, nơi Phú Nguyễn tranh với Allan R. Mansoor, có dân số 424.000, da trắng 42.20%, Latino 28,71% và người Á Châu là 25,25%.
Mặc dầu chỉ là thiểu số nhỏ bé, nhiều người vẫn tin rằng “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Nhưng như tôi đã nói ở trên, người Việt chỉ có thể thắng khi trời mưa gió bảo bùng. Nhưng năm nay trời quá tốt, có đến trên 52% trong số 1.621.934 cử tri đã đi bầu, thua là chuyện đương nhiên
Ngoài chuyện thua vì thiểu số, Trần Thái Văn và Nguyễn Trọng Phú cũng đã tự mình làm mất phiếu của đồng hương.
Trần Thái Văn đã phạm những sai lầm sau đây:
1.- Tự xưng là đại diện cộng đồng, nhưng không có tinh thần phục vụ cộng đồng. Khác với bà Mee Moua, trong suốt 6 năm tại chức, Trần Thái Văn chỉ làm công tác nào mà Văn nghĩ rằng có thể kiếm phiếu, chứ không hề có những chương trình và kế hoạch cụ thể giúp phát triển cộng đồng như bà Mee Moua.
2.- Đầu óc trống rỗng: Tự nhận là “bình luận gia chính trị” nhưng chưa bao giờ Văn viết được một bài bình luận nào đáng giá ba xu. Sau khi nghe Văn nói chuyện một tiếng đồng hồ trên TV hay radio, người nghe không biết Văn vừa nói gì. Anh ta chỉ lặp lại “Quốc văn giáo khoa thư chống cộng” của các chính khứa chạy rong.
3.- Xử dụng những tay chân bộ hạ thuộc loại cán bộ xã ấp do Bùi Mạnh Cường lãnh đạo để khuynh loát cộng đồng và các cơ quan truyền thông. Chính những người này đưa dần Trần Thái Văn xa ra khỏi đồng bào và giới truyền thông. Đến trưa 3.11.2010, khi số phiếu cách biệt đã trên 5 ngàn, Bùi Mạnh Cường vẫn còn vênh váo: “Chúng ta phải đợi đến chiều nay, lúc 5:00PM xin vào www.ocvote.com, may ra mới có thể biết được hướng đi của cuộc bầu cử giữa Văn và Loretta”. Sau đó Cường phang những người không ủng hộ Văn là “có tinh thần "Lê Chiêu Thống, Mặc Đăng Dung..." Đó là một cú đá vào mặt Trần Thái Văn. Nay Trần Thái Văn đã thua trên 12.000 phiếu.
Với Nguyễn Trọng Phú, chính giọng nói và lập luận dài dòng của ông Nguyễn Phát, thân phụ Phú, đã làm Phú mất đi khá nhiều phiếu của người Việt. Phú cũng chưa có nhiều kinh nghiệm về tranh cử. Thay vì liên tục tấn công đối thủ, Phú lại tự đặt mình vào thế bị động, hết thanh minh chuyện nọ đến chuyện kia!
Trường hợp của Cao Quang Ánh còn thê thảm hơn. Nhiều người đã gọi chuyện Ánh đánh bại William J. Jefferson ở đơn vị 2, Louisiana năm 2008 là “chó ngáp phải ruồi”, vì lúc đó Jefferson đang bị truy tố về tội hình sự. Trong cuộc bầu cử ngày 2.11.2010 vừa qua, Ánh đã bị đánh bại một cách thê thảm, thua người về đầu trên 40.000 phiếu. Có người đã giải thích rằng Ánh thua vì Ánh đã phản đảng khi biểu quyết đạo luật cải cách health care nên Đảng Cộng Hoà đã không ủng hộ Ánh nữa. Sự thật không phải vậy. Đảng Cộng Hoà không ủng hộ Ánh vì biết chắc Ánh sẽ bại 100%.
“Thời kỳ trăng mật” giữa Mỹ và các “đồng minh” trong chiến tranh đã qua. Người Mỹ gốc Việt nào muốn có một chỗ đứng trên chính trường Mỹ, phải tự phấn đấu như các người Mỹ khác, không còn được ưu đãi như bà Mee Moua và Trần Thái Văn trước đây nữa.
PHẢI THAY ĐỔI CÁCH NHÌN
Ngày xưa, VNCH là đồng minh của Mỹ, nhưng các nhà lãnh đạo VNCH gần như không biết Mỹ làm gì. Mỹ đã quyết định bỏ VNCH ba năm trước khi mất nước mà chẳng ai hay biết gì hết.
Người Việt đến định cư ở Mỹ trước sau đã 37 năm, nhưng ít ai hiểu chính trường Mỹ đã hoạt động như thế nào. Mấy chữ “vận động hậu trường” (lobby) còn quá xa lạ đối với họ, nhất là đối với các chính khứa chạy rong. Họ chỉ nghĩ đến biểu tình, thỉnh nguyện thư và tuyên ngôn tuyên cáo...
Cách đây mấy năm, khi ông Tăng Kiến Hoa còn sống, ông có dẫn tôi đi gặp một vài bang trưởng người Hoa để nói chuyện về bầu cử. Mở đầu, tôi hỏi một bang trưởng lần này người Hoa có đưa ai vào quốc hội Mỹ hay không. Ông ta cười và nói: Vấn đề không phải là người Hoa, người Việt hay người Mỹ. Vấn đề là phải tìm cho ra những “con gà” có thế lực trên chính trường Mỹ và xử dụng họ. Nếu có hai người cùng có thế lực ra tranh cử cùng một chức vụ, mình cứ xem người nào sẽ nắm phần thắng là ủng hộ người đó. Nếu cả hai ngang ngữa, chồng tiền cho cả hai. Ai thắng họ cũng sẽ giúp mình.
Tôi nhớ lại, trong cuộc tranh cử Tổng Thống giữa George W. Bush và Albert Gore năm 2000, thấy hai ông ngang ngữa, người Tàu ở Los Angeles đã đóng tiền cho cả hai. Bà Thanh Hải và Tây An Tự phụ trách đóng tiền cho Gore, còn nhóm khác đóng tiền cho Bush. Nhưng vì nhóm bà Thanh Hải làm ăn không khéo, chuyện bị bại lộ, Gore phải trả tiền lại. Nhờ vụ đổ bể này, chúng ta mới biết được cách “làm chính trị” của người Tàu.
Hiện nay, Trung Quốc, Đài Loan, Đại Hàn, Việt Nam... không chủ trương đưa “con gà” của mình ra tranh cử ở Mỹ để “có tiếng nói của cộng đồng” hay đất nước, vì những “con gà” này chỉ là “hoa lá cành” chứ chẳng tạo được ảnh hưởng gì. Các chính phủ trên thế giới muốn gây ảnh hưởng ở Mỹ đều phải dùng phương pháp mà một bang trưởng Tàu đã nói với chúng tôi ở trên.
Người Việt tỵ nạn ở Mỹ không có tổ chức, không có lãnh đạo, không có chiến lược và chiến thuật..., đa số đều hành động theo cảm tính. Họ nhân danh cộng đồng và chống cộng để mưu lợi cá nhân. Họ đánh nhau vì những chuyện nhỏ, chuyện “gà tức khí đá nhau”, nhưng gây ra những hậu quả lớn. Vụ nghị viên Madison Nguyễn ở San Jose là một thí dụ điển hình. Càng đánh thì địa vị của Madison càng vững và cộng đồng ngày càng tan rã.
Tôi nhớ trong một cuộc điều trần tại Hội Đồng Thành Phố Westminster, một bà gốc Việt đã chỉ vào mặt bà Margie L. Rice và nói: “I vote for you, you work for me”. Câu nói đó đã đến lúc phải đổi lại: “I pay for you, you work for me”.
Ngày 9.11.2010
Lữ Giang