"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 7. November 2010

Ủy viên Bộ Chính Trị: Ông là ai?

 Nangchangchang (danlambao)Các ông không phải là cán bộ tiền khởi nghĩa, không phải khai quốc công thần. Với đảng cộng sản Việt Nam thì các ông là những kẻ hậu sinh, đóng góp của các ông là vô cùng nhỏ trong dòng thác cách mạng của họ. Các tầng lớp tiền bối của đảng đã tốn bao nhiêu công sức, xây dựng nên chế độ này, mâm cỗ đã dọn sẳn, các ông chỉ ung dung tiếp quản, ngồi vào bàn và “xơi” mà thôi…

Hiện nay, tổ chức có quyền lực nhất của đa số các nước trên thế giới là quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập pháp, ngoài ra còn giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước (gồm hành pháp và tư pháp). Tuy vậy, tại một số quốc gia cũng có quốc hội nhưng quyền lực của nó không phải là tối cao. Ví dụ ở Việt Nam, quyền lực nằm trong tay của đảng cộng sản độc quyền toàn trị. Đảng lập ra cơ quan chóp bu gọi là Ban chấp hành trung ương, trong đó đầu não là Bộ chính trị.

Ban chấp hành trương ương đảng chỉ đạo gần như mọi mặt đời sống xã hội, mọi chủ trương chính sách, từ đối nội đến đối nội đều xuất phát từ đây. Sau khi các nghị quyết của đảng được ban hành thì Quốc hội mới tổ chức họp, copy nghị quyết của đảng, người đọc kẻ dò chính tả và sau đó phát hành nghị quyết đóng dấu quốc hội để cho toàn dân thi hành.

Lịch sử Việt Nam thời sau 1945 chứng minh rằng, chỉ một hoặc vài câu trong nghị quyết của đảng (tuy rằng còn rất mơ hồ) là đã trở thành một chủ trương lớn của nhà nước, của chính phủ. Ngược lại, khi chính phủ ban hành một kế hoạch, chính sách mới mà gặp sự phản đối thì cứ vin vào lý do cụ thể hóa đường lối của đảng thì mọi chuyện gần như được giải quyết êm xuôi. Dù rằng, các cá nhân phản đối là những chính khách, nhà khoa học, nhà kinh tế rất nổi tiếng, nhưng khi đụng phải nghị quyết của đảng, của Bộ chính trị thì tất cả đều mặc nhiên gục đầu ngoan ngoãn im lặng, dẫu ai cũng biết rằng cái nghị quyết đó có nhiều điều rất vô lý.

Trở lại hai vấn đề nổi cộm của Việt Nam gần đây là bô xít Tây Nguyên và đường sắt cao tốc bắc – nam. Dự án bô xít Tây Nguyên bị các tầng lớp nhân dân phản đối đợt đầu tiên cách đây hơn hai năm, nhưng chính phủ tuyến bố đây là chủ trương của Bộ chính trị nên vẫn tiếp tục triển khai dự án. Khi hồ chứa bùn đỏ ở Hungary bị vỡ, dự án này lại dấy lên làn sóng phản đối lần thứ hai. Các vị từ chủ đầu tư TKV, Bộ tài nguyên môi trường, Bộ công thương vẫn tuyến bố xanh rờn đây là chủ trương của Bộ chính trị nên không thể dừng dự án. Đối với đường sắt cao tốc bắc – nam, lần đầu tiên Quốc hội bỏ phiếu phủ quyết đề án này. Tuy nhiên, gần đây nó lại xuất hiện trong văn kiện dự thảo của đảng, nếu được thông qua trong đại hội sắp tới thì chỉ cần Bộ chính trị ra nghị quyết là dự án sẽ tiến triển rất nhanh chóng.


Bộ Chính Trị Đảng CSVN (Khoá X)

Tại sao nghị quyết của Bộ chính trị lại có quyền năng lớn đến vậy?  Ai lập nên các nghị quyết “cao siêu” đó? Xin thưa: về lý thuyết đó là các ủy viên Bộ chính trị. Chúng ta thử liệt kê các ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm khóa X :
Nông Đức Mạnh
Trương Tấn Sang
Nguyễn Văn Chi
Nguyễn Minh Triết
Nguyễn Tấn Dũng
Nguyễn Phú Trọng
Phùng Quang Thanh
Lê Hồng Anh
Phạm Quang Nghị
Lê Thanh Hải
Tô Huy Rứa
Hồ Đức Việt
Nguyễn Sinh Hùng
Phạm Gia Khiêm
Trương Vĩnh Trọng
Hãy nhìn vào danh sách ở trên và hỏi : ủy viên Bộ chính trị, các ông là ai?

Khẳng định đầu tiên: Các ông không phải là thần thánh (cộng sản là vô thần mà). Các ông là những con người trần thế cụ thể. Các ông được sinh ra như bao người khác. Các ông được cha mẹ nuôi nấng, lớn lên, học được một tí chữ, đi làm cách mạng, học tại chức lấy bằng đại học – tiến sĩ, sau đó làm quan, hàng tháng lãnh lương, định kỳ lãnh quà cáp, rồi về già chết đi cũng thành cát bụi mà thôi.

Khẳng định thứ hai: Các ông không phải vua chúa, mà cũng chẳng phải quan lại thượng thư của triều đình phong kiến (triều đình ấy các ông đạp đổ cách đây hơn nửa thế kỷ rồi). Các ông là quan cộng sản thời hiện đại, do đảng viên của đảng các ông “bầu” nên.

Khẳng định thứ ba: Các ông không phải là cán bộ tiền khởi nghĩa, không phải khai quốc công thần. Với đảng cộng sản Việt Nam thì các ông là những kẻ hậu sinh, đóng góp của các ông là vô cùng nhỏ trong dòng thác cách mạng của họ. Các tầng lớp tiền bối của đảng đã tốn bao nhiêu công sức, xây dựng nên chế độ này, mâm cỗ đã dọn sẳn, các ông chỉ ung dung tiếp quản, ngồi vào bàn và “xơi” mà thôi.

Khẳng định thứ tư: Các ông có trình độ học vấn cũng thường thường như bao người khác. Theo lí lịch trính ngang thì 9/15 ông có trình độ đại học, 6/15 ông có trình độ tiến sĩ. Nếu xét về học vấn thì các ông chỉ là hạt cát trong giới trí thức đông đảo của nước Việt. Tuy nhiên, khi nhìn vào quá trình công tác thì không hiểu một số ông đi học bằng cách nào, thời gian nào để học, thời gian nào dành cho công tác. Nếu đi học chính quy ngay ngắn, thì mất 4-5 năm mới lấy bằng đại học, 4-5 năm làm tiến sĩ. Đã đi học thì không thể công tác, vậy chẳng hiểu tại sao thời gian đi học đó lại được ghi là thời gian cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thời gian đi học đó lại được lãnh lương, lại được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội – y tế?

Khẳng định thứ năm: Các ông không có tài năng đặc biệt. Đối với các chính trị gia, tài năng của họ thường được biểu hiện qua công việc họ làm hàng ngày và được soi xét khá kỹ qua truyền thông đại chúng. Với các ông, ngoại trừ những việc thể hiện trong bóng tối, bí mật mà dân chúng chưa được biết, còn những gì diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật thì tài năng của các vị chỉ ở mức trung bình của xã hội. Hãy nhìn “tứ trụ triều đình” sô diễn cũng đủ để quy nạp cho các vị còn lại. Về đối nội, đi tới đâu “tứ trụ” cũng rao mãi cụm từ đã dùng hàng chục năm nay “trồng cây gì ? nuôi con gì ?”. Về đối ngoại, dù đi thăm quốc gia nào cũng ca “quan hệ kinh tế chưa tương xứng với quan hệ chính trị” v.v… Do ngoại ngữ yếu kém, nên khi đi bên cạnh nguyên thủ các quốc gia khác thấy các ông lóng ngóng mà dân Việt cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Đã vậy, khi phát biểu thì lộng ngôn, diễn văn được soạn sẳn cho các ông đọc thì không sao, nhưng nếu các ông trổ tài hùng biện thì ôi thôi, hoặc là không ai hiểu ý các ông định nói gì, hoặc là chỉ ôm bụng cười mà thôi.

Khẳng định thứ sáu: Các ông cũng không được can thiệp hoặc cấy ghép các yếu tố sinh học để có thể gây đột biến gen trở thành “siêu nhân”. Trong hồ sơ của các ông không có thông tin nào đề cập đến điều này.

Khẳng định thứ bảy: Các ông không phải là vô sản, các ông cũng có gia đình, con cái học hành đỗ đạt, làm quan to, giàu có cả, không ai nghèo. Các ông đều là triệu phú đô la, dầu rằng tiền lương thực nhận của các ông cũng thấp, người cao nhất hưởng hệ số lương 13 (13 x 750.000đ = 9.750.000 đ/tháng). Chẳng biết các ông tích tụ tư bản bằng cách nào? Giả sử có được bản kê khai tài sản minh bạch thì chắc có lẽ nhiều người dân nước Việt sẽ bị sốc nặng về sự giàu có của các ông.

Nói tóm lại là :
  1. Các ông không phải thần thánh: nên các ông không thể có quyền lực vô hình.
  2. Các ông không phải vua chúa phong kiến: nên các ông không thể có quyền lực hữu hình mặc định của xã hội trình độ thấp.
  3. Các ông không phải các bộ tiền khởi nghĩa, khai quốc công thần nên các ông không thể có quyền lực của sự kính trọng.
  4. Các ông không có học vấn cao siêu nên các ông không có quyền lực của sự cả nể.
  5. Các ông không có tài năng xuất chúng nên các ông không có quyền lực của sự kính nể.
  6. Các ông không có đột biến gen để thành siêu nhân nên các ông không có quyền lực của sự khiếp sợ.
  7. Các ông không phải vô sản, các ông có gia đình hạnh phúc giàu có nên các ông không có sự vô tư tuyệt đối khi ban hành các quyết sách (“tiểu nhân” có thể can thiệp vào công việc của các ông).
Với bảy khẳng định nêu trên đối chiếu vào 15 vị ủy viên Bộ chính trị khóa X sao lại thấy xót xa cho nước Việt. Mang danh là bộ tham mưu tối cao ban hành, nhưng các nghị quyết của đảng xa rời thực tế cuộc sống, đi ngược lại lợi ích người dân và của dân tộc, vậy mà người Việt buộc phải răm rắp tuân theo.

Thực sự các ông chỉ được mã bề ngoài, làm sao những con người này lại làm nên các nghị quyết của đảng được. Tại sao lại nói như thế? Vậy ai là người làm nên các nghị quyết đó?

Xin thưa, đó là các tập đoàn lợi ích đứng sau đảng. Họ có thể là đảng viên và cũng có thể là người ngoài đảng. Họ trốn trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân, hoặc của nước ngoài. Họ hiện diện ở các văn phòng trung ương đảng, quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ; các cơ quan tham mưa cấp bộ, cấp ngành. Ai muốn gặp lãnh đạo cao cấp thì phải thông qua họ, nộp “lệ phí”, họ chấp thuận thì được vào yết kiến, nếu không thì xách dép ra về. Họ cho phép công văn, thư từ đến đúng địa chỉ người nhận hay vào sọt rác. Họ thêm thắt, biến hóa từ ngữ trong các nghị quyết của đảng nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm người nào đó.

Họ tiếp cận cán bộ từ cấp cao nhất đến công chức cấp thấp. Chúng ta còn nhớ, thủ tướng Phan Văn Khải từng thổ lộ rằng một tập đoàn xây dựng Trung Quốc vào tận văn phòng chính phủ để đề xuất làm sân vận động quốc gia Mỹ Đình khiến cựu thủ tướng “bối rối”. Ngay cả cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu tiết lộ, có cá nhân vào gặp ông khi về bỏ lại bì thơ 5000 đô la trên bàn làm việc. Họ tới chúc tết ông Lê Khả Phiêu, chụp hình dinh cơ, vườn “rau sạch” nhà ông rồi tung lên mạng internet. Thử hỏi họ coi các ông ra gì? Các bộ ngành họp đánh giá tổng kết hiệu quả kinh tế của nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng ông chủ tịch tập đoàn PETROVIETNAM quát rằng “các ông đến để nghe, chứ không đến để bàn thảo” thế là tất cả im phăng phắc, nhận phong bì ra về.

Các tập đoàn lợi ích này can thiệp rất sâu vào việc soạn thảo đường lối, quyết sách lớn của đảng cho đến đến các văn bản cấp thấp hơn như bộ-ban-ngành, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của mọi giai tầng trong xã hội. Ở cấp cao, họ lũng đoạn quốc hội, chính phủ để thông qua kế hoạch phá hội trường Ba Đình để xây mới, mở rộng thành phố Hà Nội, họ vẽ ra hàng trăm chương trình cấp nhà nước để họ thâu tóm các khoản chi ngân sách có giá hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỷ đồng. Họ can thiệp vào quy hoạch phát triển các vùng, quy hoạch đô thị, họ còn quyết cả quy hoạch chiến lược phát triển ngành nghề. Bộ công thương đề xuất lộ trình thị trường hóa ngành điện nhưng ông EVN bác là kế hoạch đó rơi vào quên lãng. Hãy nhìn Vinashin, 4 năm đốt hết hơn 5 tỷ đô la, vậy mà không ai biết, không ai trong bộ chính trị dám hó hé lên tiếng trong thời gian quá dài, đợi đến khi “tập đoàn” này tan vỡ, mới hùng hồn tuyên bố “xử lý” v.v…Ở tầm thấp hơn, họ còn thò vòi bạch tuộc để thực thi những vụ việc đáng gọi là “vô liêm sĩ” như hạn chế xe ba gác. Bà con nghèo tích cóp mua được xe ba gác máy, họ phán một câu là bà con dẹp ngay xe ba gác của mình, phải mua xe ba gác Tàu, hoặc họ cho vay tiền mua xe ô tô vận tải nhỏ. Đã qua hai năm từ ngày chính sách nọ có hiệu lực, các ông hãy ra đường nhìn xem các xe ba gác Tàu nó hoạt động như thế nào, bây giờ nó còn tệ hơn cái ba gác ngày xưa của họ mà các ông bắt dẹp đi. Người dân nào bị lừa mua ô tô tải nhỏ thì giờ làm quần quật không đủ trả lãi ngân hàng.

Chính các tập đoàn lợi ích này đã biến các ông ủy viên bộ chính trị thành những con rối trên sân khấu chính trị nước Việt hiện tại mà thôi. Họ lợi dụng sự “ngây thơ” của các ông để thao túng chính sách và trục lợi trên thân người dân Việt.

Thực ra, các ông có gì đâu ngoài cái “xác phàm” ấy. Nguyên thủ các nước sau một nhiệm kỳ là thần sắc thay đổi hẳn, đầu kỳ trai tráng, cuối kỳ xác xơ. Còn các ông thì ngược lại, đầu kỳ vàng vọt, cuối kỳ bảnh bao béo tốt, gần bảy chục tuổi hết mà không thấy một sợi tóc bạc trên đầu (ngoại trừ 2 ông), mái tóc lúc nào cũng đen nhánh, chải chuốt, xịt keo bóng mượt. Chẳng biết có phải các ông “hồi xuân” do bổng lộc quá nhiều hay do nhuộm tóc đen thành “trai tráng phong độ”. Nhưng phong độ để mà làm gì ? để “đú đởn” với ai?
Vậy mà bao nhiêu năm trời 86 triệu dân lại ngoan ngoãn phục tùng “chiếu chỉ” của các ông mà không hiểu tại sao? động cơ nào?

Ủy viên Bộ Chính trị là tinh hoa hay đại họa của nước Việt?

Sài Gòn 11/2010
(Bài viết này chỉ đề cập đến các ủy viên Bộ chính trị khóa X)