"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 10. November 2010

Làm từ thiện ở Việt Nam, thật và giả

 
Sự sung túc, hào nhoáng ở Việt Nam chỉ nổi lên ở bề mặt những khu du lịch, thành phố lớn, thị trấn, thị xã… còn dân chúng ở vùng quê, miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay cả trong thành phố vẫn không thiếu người nghèo đói.

Có vô số trường hợp cần giúp đỡ. Từ người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo, thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, tai nạn thương tâm xảy ra hàng năm, hàng ngày. Lúc nào và ở đâu cũng đều có những hoàn cảnh khốn khó.

Hầu như các báo đều có mục ‘Nhịp cầu Nhân Ái’, ‘Tấm Lòng Từ Thiện’… Những hoàn cảnh đáng thương xa xôi đâu có ai biết. Thường thì họ lặn lội liên lạc hoặc người hảo tâm gửi tin lên các phương tiện truyền thông… Một mẩu tin đăng trên báo luôn thu hút sự giúp đỡ của mọi người.

* Những tấm lòng thơm thảo
Người dân vùng lũ lụt nhận quà từ thiện. (Hình: H.A./Người Việt)

Anh Nông Ðoàn Dưỡng, người Tày ở Cao Bằng, bị năm mươi con ong vò vẽ đốt, mang vào bệnh viện, vợ con viết đơn xin mang về quê chờ chết vì không có tiền chạy chữa, nhưng chỉ một bản tin ở một tờ bán tuần báo ở Sài Gòn, chỉ sau vài ngày, độc giả đã giúp anh hơn ba mươi triệu đồng.

Em Phạm Thị Xinh 17 tuổi ở Ðà Nẵng đeo khối u 10kg ở chân chuyển vào bệnh viện Ung Bướu, trong mấy ngày đã được giúp hơn một trăm triệu.

Một thanh niên bị té sông chết. Người hiếu kỳ bu đông lại xem. Chung quanh người ít kẻ nhiều góp vào chút ít, một anh công nhân đi làm về tấp vào cũng rút ví ra, ngay lập tức để giúp thân nhân có thể thuê xe chở xác về quê. Bếp ăn từ thiện phát mỗi ngày trong các bệnh viện lớn, quán cơm từ thiện mở ra rải rác khắp thành phố.
Làm từ thiện không ở một giới nào. Từ tỉ phú, chủ ngân hàng, tiệm may, cho đến đến các bà bán thịt, chị bán chanh ớt, anh nước sâm… ngoài chợ. Người giàu phát tâm vài chục triệu, tiểu thương các chợ chung nhau người vài chục ngàn, vài bộ quần áo cũ, kẻ bao đường, thùng nước tương. Chị gánh hàng rong, em bé bán vé số rủ nhau đóng góp vài ngàn. Của đóng góp kẻ ít người nhiều nhưng tâm thì như nhau.

Thông thường, vào buổi trưa tàn chợ, các bà bán hàng lê-ghim thường thu dọn rau quả còn ế, hàng dạt gom lại thành cần xé chở tới các bếp ăn từ thiện của bệnh viện, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi mang về chế biến.
Năm nay, gần đây nhất lũ lụt tang thương suốt dải miền Trung từ Quảng Bình, Hà Tĩnh đến Bình Ðịnh, rồi giờ đến Phú Yên, Khánh Hòa… Mảnh đất khô hạn nóng cháy nhất là Ninh Thuận thế mà nay cũng chìm trong biển nước.

Giữa đỉnh lũ là cao điểm của hiểm nguy chỉ có xuồng, ca nô, phi cơ mới tiếp cận được với các nạn nhân và lúc đó cần thiết nhất là nước sạch để uống, mì gói để ăn liền…

Nước rút rồi thì mạnh thường quân các nơi bắt đầu tiếp sức. Trời yên biển lặng, đường sá đã lưu thông, nền nhà ai nấy về. Lúc này dân chúng cần gạo, dầu ăn, thuốc men, tiền mua dụng cụ cần thiết cho đời sống. Trẻ em cần tập vở, cặp táp tiếp tục đến trường…
Mì gói, gạo, dầu ăn, bột ngọt... là những loại hàng mà người dân bị thiên tai luôn cần nhất. (Hình: H.A./Người Việt)

Nhu cầu lúc này là vật liệu sửa nhà, mua con giống, hạt giống, dụng cụ sản xuất… Bởi thế, đôi khi tặng phẩm đến không đúng thời điểm thì không giúp ích nhiều cho người nhận. Trời đã ráo, nhà sập, ruộng vườn ngổn ngang mà chất đống chung quanh toàn mì gói và vẫn tiếp tục từng đoàn xe mì gói nối đuôi khắp nơi tuôn đến. Khi ấy đành vác mấy thùng mì ra chợ bán đổi lấy tiền mua rau, mua gạo… Khắp nơi ngập tràn mì cứu trợ nên bán đâu có được bao nhiêu. Vả lại đây thường là loại mì rẻ nhất, chủ yếu phân phát lấy số lượng nên không chú ý về chất lượng! Thành thử bán đi mấy thùng mì cũng khó đổi thành tấm tôn lợp nhà, con heo gầy giống hay hạt thóc gieo mạ.

Về phía người hảo tâm ngoài tiền mặt, cũng muốn có món quà trao tay cho vui.

Thiên tai lũ lụt vừa xong, ngoài chợ búa đâu có bán gì nhiều nên ngoài phong bì, bao giờ quà tặng kèm theo mì gói, gạo, dầu ăn, bột ngọt, mùng mền, quần áo, tập vở…

Một nhóm bạn bè cũ từ thời sinh viên tụ tập nhau góp một chuyến cứu trợ đi ra Quảng Bình, vùng rốn lũ. Mỗi phần quà trị giá bốn trăm năm chục ngàn gồm một phong bì tiền, mùng mền và tập vở. Tổng trị giá tám trăm phần quà là ba mươi sáu triệu. Ðám bạn với hàng xóm chia nhau tiền thuê chiếc xe bốn mươi lăm chỗ ra Quảng là hai mươi bảy triệu. Nội tiền xe đã gần bằng nửa giá trị quà. Dù vậy, các nhóm từ thiện từ miền Nam vẫn đang lũ lượt gom hàng ra cứu trợ miền Trung mặc cho Khánh Hòa đang ngập vì mưa lớn và hồ thủy điện xả lũ.

* Núp bóng từ thiện

Hoạt động từ thiện ngoài nhà nước còn có các tổ chức và cá nhân. Nếu có đầu mối tập trung nhận quà rồi chia thì đều hơn nên nhà nước đưa ra đề nghị giao việc phân phối quà từ thiện độc quyền cho Mặt Trận. Chuyện này bất khả thi vì đã xảy ra nhiều trường hợp địa phương ăn chặn, bớt xén tiền từ thiện, chia không đúng người, quỹ từ thiện mang cho vay lấy lãi…

Gần đây lại có vụ tuồn quần áo cứu trợ ra gara ô tô làm giẻ lau. Vì thế tuy chia manh mún khiến chi phí đội lên tốn kém nhưng nhiều mạnh thường quân vẫn muốn tự tay mua quà, lặn lội đường xa tự tay giao quà trực tiếp đến từng người cần giúp hơn là qua trung gian. Ngoài tiền bạc, vật phẩm, quần áo cũ quyên góp cũng được họ kiểm tra, đơm nút, giặt giũ sạch sẽ, phân loại quần áo nam nữ, già trẻ được nhận biết qua màu sắc khác nhau của những bao nylon đựng trước khi chất lên xe cứu trợ.

Các nhóm từ thiện tư nhân đi từng nhóm nhỏ lẻ cũng có khi gặp rắc rối. Nhóm này quà nhiều nhưng nhóm sau quà ít, sót người do số quà có giới hạn nên sinh phân bì, khiếu nại. E quà phân tán không tới được tay mình nên trong một buổi cứu trợ, dân chúng đã đổ xô đến giành giật gây hỗn loạn. Một số ít đoàn vai vế xem việc đi cứu trợ như chuyến vãn cảnh. Ðối với những đoàn này, địa phương có khi phải lo chỗ ăn, chỗ ở tốn kém thật phức tạp…

Ðôi khi đi làm từ thiện cũng là cách đánh bóng tên tuổi, nhất là một số công ty xí nghiệp hay ngôi sao giải trí. Một hoa hậu từng tuyên bố chụp ảnh “nuy” để gây quỹ từ thiện.

Ở Việt Nam, có rất nhiều cách làm từ thiện hơn là cách gây sốc ấy. Các thí sinh hoa hậu, hoa khôi, người mẫu đến các viện dưỡng lão, viện mồ côi tặng quà, an ủi… Cảnh thường thấy là các cô quần áo kiểu cọ rực rỡ, gương mặt hóa trang như lên sân khấu nhoẻn miệng cười tươi phân phát bánh kẹo hoặc đại diện doanh nghiệp trao tấm bảng in to đùng số tiền cứu trợ. Ðứng vịn tay vào chiếc xe lăn của người tàn tật hoặc nựng em bé để tạo dáng chụp hình…

Vừa qua một cô hoa hậu gây dư luận om sòm vì đi cứu trợ nạn nhân bão lụt với một chiếc áo màu cam chói chan kiểu cọ và mỏng dánh.

Ðôi khi chỉ cần vài chục thùng mì, một hai trăm quyển vở là đã tạo nên một buổi đi làm từ thiện được đưa tin, đưa hình tràn lan lên báo cộng với bài phỏng vấn, phát biểu ý kiến dài dòng xem ra là một cách quảng bá tên tuổi rẻ tiền mà hữu hiệu.

Vài triệu cho vài chục thùng mì và ít sách vở, chai dầu gió đều tốt vì quan trọng là tâm. Còn có trường hợp doanh nghiệp tặng trường khiếm thính ba ngàn hộp bột ăn liền quá đát, vừa được tiếng, vừa đỡ chi phí tiêu hủy hàng quá hạn…

Cho nên từ thiện tưởng đơn giản mà cứ có chuyện để nói hoài!

Sài Gòn Cô Nương/Người Việt