"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 11. November 2010

Phát minh khoa học: Trung Quốc lấn sân các nước giàu

Công nghệ cao ứng dụng vào hệ thống xe điện ngầm Thượng Hải (AFP)
Mai Vân, RFI
 
Nhìn vào số lượng bằng sáng chế, bộ ba Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản hiện vẫn thống lĩnh thế giới về mặt khoa học. Tuy nhiên, thế thống trị này đang trên đà tuột giảm dần trong khi các nước Châu Á đang trên đà vươn lên. Trên đây là đánh giá của một báo cáo mà Liên Hiệp Quốc vừa công bố, và được tờ Libération trích dẫn qua tựa đề : ''Khoa học, Trung Quốc đang làm lay chuyển thế giới''.


Mở đầu bài báo, Libération trích một câu trong báo cáo về khoa học của UNESCO công bố ngày hôm nay, ghi nhận là : “Thời gian 5 năm vừa qua đã thực sự bắt đầu làm lung lay thế thống trị truyền thống của Hoa Kỳ”. Tờ báo cho đây là một câu rất có trọng lượng, vì nó thông báo một sự đảo lộn về địa lý chiến lược, cắt đứt với tình hình 60 năm qua.


Libération tìm hiểu cơ sở kết luận của báo cáo, giải thích là những dấu hiệu đầu tiên về chuyển biển nói trên là trên hoạt động các viện nghiên cứu. Từ năm 2008, định chế khoa học đứng đầu thế giới về số lượng báo cáo được công bố là Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc.


Bảng xếp hạng các nước càng cho thấy sự chuyển đối trong làng khoa học thế giới. Nếu Trung Quốc kể như là “vô hình” vào thập niên 1980, thì trong giai đoạn 1996-2008, Trung Quốc xuất hiện ở hàng thứ 4, sau Nhật Bản, Anh Quốc và Hoa Kỳ, nhưng trước Đức và Pháp. Từ năm 2008 thì Trung Quốc đã đứng vào vị trí thứ 2. Theo Libération, báo cáo của Unesco còn tiên đoán là trong vài năm nữa, sẽ có nhiều nhà nghiên cứu ở các viện Trung Quốc hơn là ở Mỹ.


Theo hãng tin Thompson Reuters, năm 2008, trên thế giới có 986.099 báo cáo khoa học được công bố. Trong số này 37% là của Liên Hiệp Châu Âu, 28% đến từ Mỹ, và 10% từ Trung Quốc.


Thay đổi này không chỉ nhìn thấy riêng trong các viện nghiên cứu. Theo Libération, đào tạo ở đại học đã phát triển theo cấp số nhân tại những quốc gia đang vươn lên, đại học Iran đã cấp bằng cho 81.000 sinh viên vào năm ngoái, trong khi vào năm 2000 chỉ có khoảng 10.000 người lãnh bằng tốt nghiệp.


Ấn Độ sẽ thành lập thêm 30 đại học mới, nâng số sinh viên lên 21 triệu vào năm 2012, trong lúc vào năm 2007, số sinh viên ở Ấn là 15 triệu. Phần đông sinh viên tốt nghiệp sắp tới đây là những kỹ sư, nhà vật lý, hoá học và sinh vật học.


Nêu lên những thành tựu trong đời sống hàng ngày ở các quốc đang vươn lên, Libération còn nhắc lại là nếu Trung Quốc, công xưởng của thế giới, vẫn tiếp tục sản xuất đồ chơi, giày vớ, thì bên cạnh đó, họ cũng phóng hoả tiễn, xây dựng trung tâm điện hạt nhân, xe lửa cao tốc v.v.


Một nước như Bangladesh, thường bị xem là một quốc gia nghèo, cũng sản xuất đến 97% thuốc men họ sử dụng và còn xuất khẩu qua tận Châu Âu. Riêng Ấn Độ hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ tin học.


Điều lý thú là sự biến đổi này, theo đánh giá các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, là một sự đoạn tuyệt với những mô hình truyền thống về mối liên hệ giữa khoa học, công nghệ và công nghiệp. Bây giờ không thể dựa trên khái niệm “chậm trễ về công nghệ” nữa.


Libération giải thích : trên phương diện các bằng sáng chế, như nói trên, bộ ba Hoa Kỳ Châu Âu và Nhật Bản vẫn ngự trị thế giới khoa học, công nghệ... Song thế thống trị này còn giá trị gì nữa khi mà các hợp đồng lớn thường đính kèm các khoản chuyển giao công nghệ học, hoặc khi các nước đang phát triển mua lại những tập đoàn sản xuất ở các quốc gia phát triển, và ngày một ngày hai, họ nắm trong tay hiểu biết khoa học cũng như công nghệ học của những quốc gia tiên tiến. Cho nên những nước bị ''chậm trễ'' có thể tiến nhanh hơn những đàn anh đứng nhất lớp trước đây về công nghệ học.


Trong phần kết luận, Libération nhìn thấy là nếu Liên Hiệp Châu Âu còn có sức bật tạo dựng lại khả năng khoa học của mình, thì Hoa Kỳ, như bản báo cáo đánh giá, “sẽ phải trông cậy vào việc thu hút giới nghiên cứu nước ngoài, những người có trình độ cao để kéo kinh tế Mỹ đi lên”.