Bùi Tín
(Hình trên: Vấn đề sở hữu ruộng đất là vấn đề gay go nan giải từ hơn nửa thế kỷ nay ở Việt Nam. Hình: REUTERS)
*
Vấn đề sở hữu ruộng đất là vấn đề gay go nan giải từ hơn nửa thế kỷ nay trên đất nước ta, hiện trở thành chuyện thời sự rất bức bách.
Cải cách ruộng đất, sai lầm rồi sửa sai, rồi hợp tác hóa nông nghiệp, thủ tiêu quyền sở hữu ruộng đất, công bố ruộng đất khắp nơi là thuộc «quyền sở hữu của tòan dân» – nghĩa là thực tế không một ai có ruộng đất riêng cả. Luật Đất đai công bố năm 2003, bổ sung, sửa đổi bao lần, năm nay đã đặt trong chương trình làm luật của Quốc hội, nhằm sửa đổi lớn một lần nữa. Thế rồi lại hụt. Vì sao vậy? Vì sao 2 đạo luật hệ trọng bậc nhất là Luật Đất đai và Luật Báo chí lại bị rớt trong chương trình? Vì Bộ Chính trị nát óc, vò đầu, không tìm ra lối ra, vì các chuyên viên trợ lý xoay xở không xong, đành chơi con bài trì hoãn. Hoãn đến bao giờ? Không ai biết! Kẹt cứng chỉ vì «sở hữu toàn dân» là mơ hồ, không giống ai.
Đành xoay quanh các luật lẻ tẻ, về thuế, về thuốc men, về chăm sóc sức khỏe, về giao thông, hàng hóa, về người cao tuổi, để mọi người yên trí, Quốc hội vẫn cần mẫn làm luật.
Luật Báo chí rất gay go, ở thời đại truyền thông bén nhạy, quyền được thông tin tự do, đầy đủ là quyền của mọi công dân thế giới, ngăn chặn thông tin tư do minh bạch là một tội lỗi, bỏ tù người công dân nói lên sự thật là chuyện cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận. Nhưng chế độ độc quyền đảng trị mâu thuẫn với tự do báo chí như nước với lửa. Bế tắc là tất nhiên.
Còn về ruộng đất. Bộ Chính trị cũng bế tắc nốt, vì yêu cầu trả lại cho nông dân quyền tư hữu ruộng đất đang trở nên rộng khắp, quyết liệt. Ăn nói làm sao khi các trí thức uyên bác nhất, các chuyên gia thượng thặng, không phải nhà nông, không sống về ruộng đất, lại lên tiếng yêu cầu đảng và nhà nước hãy cấp bách trả lại quyền tư hữu ruộng đất cho nhà nông, coi như điều kiện không thể thiếu để phát triển nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, đưa nông dân vào con đường làm ăn chiều sâu kiểu nông trại quy mô lớn bền vững.
Từ hơn 2 năm trước, một nữ sinh viên ngành luật, chưa đến tuổi 20, đã để tâm nghiên cứu kỹ vấn đề ruộng đất ở nước ta, từ thời xa xưa đến thời hiện đại, từ thời phong kiến qua thời Pháp thuộc đến thời kỳ gọi là XHCN, và chỉ ra rằng đã đến lúc phải từ bỏ ngay quan điểm “ruộng đất là thuộc quyền sở hữu của toàn dân» mà em cho là “phản động » nghĩa là tai hại cho đất nước, vì nó không giống ai, nó kỳ quặc, không giống nước nào khác cả (Bài: Tôi tìm hiểu Luật Đất Đai của em Đỗ Thúy Hường, hiện có trên mạng, vào Luật Đất Đai). Thuộc “quyền sở hữu của toàn dân” là thế nào? là cả 84 triệu con người đều có quyền sở hữu tất cả các thửa ruộng, miếng đất trên lãnh thổ Việt Nam hay sao? Và khi cần mua hay bán thì trên văn tự, giấy tờ, phải có sự đồng ý, thỏa thuận, chữ ký của cả 84 triệu con người hay sao?
Em Đỗ Thúy Hường chỉ ra dã tâm của lãnh đạo đảng CS, vì tự nhận là đảng cầm quyền, nên đảng cũng tự nhận “toàn dân” là ta đây, là đảng làm đại diện, “toàn dân» là chính quyền nhân dân (thật ra là chính quyền độc đảng) chứ còn ai vào đó nữa. Thế là nghiễm nhiên những người không hề bỏ ra chút mồ hôi, xương máu nào để khai phá,vun trồng, bảo vệ ruộng đất bỗng nhiên – chỉ bằng một câu do họ ép phải ghi vào Hiến pháp – được làm chủ, tha hồ xử lý toàn bộ đất đai của đất nước, ngang nhiên tước đoạt quyền sở hữu hợp pháp từ bao đời trước của những người chủ chân chính. Lạnh lùng, ngang ngược! Thà rằng nói toạc ra là tất cả ruộng đất đều là đất công hết!
Em Đỗ Thúy Hường chỉ ra những thuật ngữ từ kỳ lạ xuất hiện trong Luật Đất đai sửa đổi hiện đang được áp dụng, đó là các cụm từ “thu hồi” và “đền bù”. Sao lại «thu hồi»? Ruộng đất vốn của tôi, tôi đang lao động trên cánh đồng của tôi, nay bỗng nhiên có người đến chiếm và nói rằng bị « thu hồi». Móc túí lấy tiền của người ta bỏ vào túi mình, rồi nói là có quyền «thu hồi», thế có lạ không! Anh kêu ca thắc mắc thì đây, tôi thí cho anh ít tiền “đền bù”, tiền đền bù do tôi quyết định, anh không nhận kệ anh. Tiền gọi là “đền bù» thường chỉ bằng 1/2, 1/3, có khi 1/4, cũng có khi chỉ 1/6, hay 1/10 của giá trị thị trường, nhất là ở những nơi có vị trí chiến lược then chốt, đất quý như vàng. Hoặc đền bù bằng một mảnh đất khác, ở xa, xấu hơn, giá trị kém nhiều.
Đó, đảng CS thực hiện liên minh công nông như thế đó. Đảng tự nhận là giai cấp công nhân, coi giai cấp nông dân là đồng minh chiến lược lâu dài như vậy đó! Đảng đền ơn đáp nghĩa cho nông dân từng hy sinh người và của lớn nhất cho chiến tranh như vậy đó ! Để như có phép lạ, hàng loạt cán bộ đảng trong đảng ủy xã, trong huyện ủy, quận ủy, tỉnh ủy trong nháy mắt trở thành địa chủ, đại địa chủ, phú nông, làm chủ đất mới, nhà mới,cho phát canh thu tô, được nhân dân tặng cho danh hiệu “đảng ăn đất”, “cướp đất”, “cò đất», “sâu đất”, “mafia đất».
Đáng chú ý trong đợt góp ý kiến với các văn kiện Đại Hội XI vừa qua, nhiều trí thức, nhà nghiên cứu như tiến sỹ Nguyễn Quang A, hay như nguyên Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ đều yêu cầu nhà nước, đảng phải trả lại dứt khoát, sòng phẳng quyền tư hữu ruộng đất cho từng hộ nông dân, cho những nhà nông chân chính.
Tại sao đảng và chính quyền đã trả lại quyền sở hữu tư nhân cho nhà kinh doanh thương nghiệp, cho nhà công nghiệp, thủ công nghiệp, cho các nhà kinh doanh dịch vụ, mà lại chỉ cấm không cho nông dân quyền tư hữu ruộng đất vốn có từ xa xưa, được tôn trọng suốt trong thời phong kiến, cả trong thời Pháp thuộc? Không có câu trả lời.
Nông dân vẫn chiếm số đông áp đảo trong dân số nước ta. Hãy quan sát nông thôn Thái Lan, Nhật Bản, hay Ấn Độ, người nông dân làm chủ triệt để ruộng đất của mình, chăm sóc từng thửa ruộng, từng luống rau, từng mảnh ao của mình như chăm nom đứa con cưng, tích lũy nhanh, tậu máy móc to lớn, hiện đại, chung sức lập trang trại ngày càng lớn, kinh doanh tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp, buôn bán, làm cho nông thôn phồn vinh, giáo dục, y tế, văn hóa nông thôn khởi sắc. Chìa khóa của thành đạt là quyền sở hữu tư nhân được triệt để tôn trọng. Ở các nước ấy, không ai biết đến các biện pháp “thu hồi” và “đền bù” lạ hoắc!
Lại xin nhắc đến “Mười lời cảnh báo” của nhà quân sư Đặng Tiểu Bình cho đảng CS Trung Quốc hơn 12 năm trước. Trong đó, lời cảnh báo rất nghiêm khắc là “bỏ quên liên minh công nông, coi nhẹ nông thôn và nông nghiệp, sẽ là nguy cơ lâu dài tệ hại nhất, là thất bại hiển nhiên của sự nghiệp cải cách».
Đã có nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo nước ta báo động về đại nạn ly nông, ly hương ở nước ta, nông thôn biến thành bãi rác đầy ô nhiễm của thành thị, của các vùng công nghiệp, nước sạch ngày càng hiếm, nạn cường hào mới lan tràn, các thủ tục khôi phục nhanh, an ninh càng nguy khốn, cờ bạc, hút xách, buôn người, đĩ điếm, trộm cắp lan tràn không gì ngăn nổi.
Một nguyên nhân gốc rễ là người nông dân bị tước quyền tư hữu vốn có từ ngàn xưa, mất tình nghĩa với ruộng đất, coi ruộng đất là con nuôi, con ghẻ không phải là con ruột, con đẻ, mất hứng thú kinh doanh, mất động lực thúc đẩy.
Vì ai nên nỗi? Vì đâu nên nỗi? Mời cả bộ chính trị, mời các đại biểu Đại hội XI tìm đọc bài viết của sinh viên Đỗ Thúy Hường “Tôi tìm hiểu về Luật Đất Đai», từng được nhiều lần đăng trên các mạng internet, sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều bổ ích. Một sinh viên biết nghiên cứu sâu, lập luận chặt, so sánh ta với quanh ta, kết luận chắc nịch, thật đáng quý.
Biết bao góp ý tâm huyết, thiết tha về nông thôn, nông nghiệp, nông dân vẫn sẽ bị bỏ ngoài tai của các vị tai to mặt lớn. Việc gì sẽ xảy ra khi triệu triệu nông dân bị o ép, cùng ngàn vạn dân oan bị mất đất kéo nhau ồ ạt xuống đường hô lớn: “Trả con tôi đây!”, “Trả quyền tư hữu ruộng đất đầy đủ cho nông dân!”. Họ không đòi một điều gì hơn là được sống bình thường, được làm ăn như nông dân Thái Lan, Nhật Bản hay Ấn Độ…
.................................
Tôi tìm hiểu Luật Đất Đai
Tác giả: Đỗ Thuý Hường
Tôi xin chia sẻ những gì tự tìm hiểu về cái bộ luật mất lòng dân này. Ngoài việc đọc lại Luật (té ra có tới 4-5 cái, và nhiều nghị định, pháp lệnh đi kèm), tôi còn hỏi han những người cao tuổi, nhất là các nạn nhân. Riêng tôi, có thuận lợi hơn các bạn trong nhóm – vì tôi học luật, lại có ông nội từng ở ban soạn thảo luật 1993.
Chúng ta quan tâm chuyện đồng bào khiếu kiện triền miên do đất đai bị “thu hồi” nhưng được bồi thường quá rẻ mạt. Nhiều bạn nghĩ do tổ chức đảng ở địa phương lộng hành. Nghĩ vậy không sai, nhưng chưa đủ. Cái gốc là do LĐĐ đã truất quyền sở hữu đất của dân, từ đó cán bộ mới có thể hà hiếp dân.
LĐĐ ở Việt Nam đã gây đau khổ, oan khiên cho hàng chục triệu người, nhất là nông dân, kể từ khi nó ra đời (1987). Chính nó giúp tham nhũng tăng lên gấp 4 lần và mỗi năm rót 10% GDP vào túi bọn tham nhũng, hoặc lãng phí. Hoàn toàn có cơ sở để đạo luật này bị gọi là “sản phẩm của tư duy phản động”.
Suốt 20 năm vận hành, nó bị cuộc sống chống lại quyết liệt đến mức đảng CSVN phải sửa đổi, bổ sung, thay thế… tới 4 lần; và nay (2008) lại sắp phải thay luật lần thứ 5. Vậy mà Luật 2008 vẫn chỉ là tạm thời, còn theo thông báo chính thức thì tới năm 2011 mới hy vọng có luật “hoàn chỉnh”. Nhưng ngay hôm nay tôi có thể nói: Không bao giờ có LĐĐ hoàn chỉnh, nếu không sửa tận gốc. Vậy cái “gốc” đó là gì?
Cái gốc “phản động” của LĐĐ
Không nước nào dám coi tài nguyên đất đai là không quan trọng bậc nhất. Ở Việt Nam lại càng như vậy khi bình quân diện tích đất trên đầu người (vốn đã thấp) cứ ngày càng thu hẹp do dân số tăng nhanh. Đảng CSVN ý thức đầy đủ rằng độc quyền kiểm soát đất đai ở một nước mà nông dân chiếm trên 70% dân số sẽ tạo ra quyền lực tối thượng về kinh tế, qua đó là quyền lực độc tôn về xã hội và chính trị. Do vậy, hiến pháp 1980 được một quốc hội gồm 90% đảng viên thông qua có ghi một ý mà ngay khi đó người dân chưa thể nhận ra sự nguy hiểm cho mình, thậm chí còn hả hê vì thấy “toàn dân” (chung chung) được đảng đề cao: “Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ… mà pháp luật qui định là của Nhà nước đều thuộc sở hưũ tòan dân”. Ông nội tôi bảo: Luật gia lõi đời như bà Ngô Bá Thành khi giơ tay thông qua luật còn tưởng rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” nghĩa là... đảng sẽ cho mỗi người dân sở hữu một mảnh đất (!).
Dựa vào hiến pháp, LĐĐ 1987 (và các năm sau) khằng định: Đất đai là “tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở khác nhau và trải qua nhiều thế hệ nhân dân ta tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất như ngày nay”. Khi đó, mọi người chưa thể nhận ra đây là lời mào đầu để ngay sau này đảng CSVN có lý do biến sở hữu đất đai của người dân (dù đó là tự mua một cách chính đáng, tự khai hoang, hoặc do tổ tiên để lại...) trong nháy mắt thành sở hữu của đảng. Kinh chưa? Chỉ bằng mấy tờ giấy mà đảng làm điên đảo cả xã hội!
Đảng ta giải thích sự tước bỏ quyền sở hữu đất đai của dân bằng lý sự như sau:
“Đất đai là kết quả của một quá trình chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc chứ không của riêng ai. Tách khỏi những điều kiện của nhà nước, của cộng đồng, thì không một cá nhân nào có thể khai phá và giữ gìn bất cứ mảnh đất nào để rồi sau đó nói nó hoàn toàn là của mình. Có chăng, ở đây họ chỉ có công khai phá và sử dụng nó”.
Ai có công chống ngoại xâm? Đương nhiên, chúng ta phải học Lịch Sử Đảng để hiểu rằng đảng ta có công chống Pháp và Mỹ. Nhưng đảng cấm chúng ta nghĩ rằng sự nghiệp chống ngoại xâm là của toàn dân và có từ thời Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng đạo, Quang Trung... và sau khi đuổi được giặc thì người dân thời xưa vẫn có quyền sở hữu đất. Quyền này vẫn được thừa nhận trong 80 năm thực dân Pháp chiếm nước ta. Ấy vậy mà sau khi đuổi được thực dân Pháp thì đảng ta lại lý sự rằng không cá nhân nào có quyền sở hữu đất đai. Đang là chủ sở hữu, người dân trong nháy mắt chỉ còn có “quyền sử dụng”; trong khi đó, đảng vô sản vốn chẳng có tý đất nào ban phát cho dân bỗng nhiên trở thành người có quyền ra lệnh “thu hồi” (!). Dùng từ “thu hồi” trong LĐĐ chẳng lẽ không nói lên điều gì về não trạng của đảng ta?
Thực hiện luật = làm xáo trộn và gây đau khổ
Luật 1987 mới thi hành được 5 năm rưỡi đã bị cuộc sống chống lại quyết liệt. Sự xáo trộn xã hội và bức xúc trong dân tới mức đe doạ, khiến đảng ta phải thay thế nó bằng Luật 1993. Luật này vẫn không thể “đi vào cuộc sống”, nên đến 1998 phải bổ sung nhiều điều. Vẫn không ổn, tới 2003 lại phải có luật mới. Nhưng chính cái Luật 2003 này đã tạo ra nhiều triệu dân oan, hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện đông người và dài ngày, kể cả biến thành biểu tình… đến mức công an phải lộ diện đàn áp. Luật 2003 có công đầu đưa tham nhũng lên thành quốc nạn. Chính nó có vai trò hàng đầu khiến cho đảng phải ban hành và thực thi các quy định pháp luật về “cưỡng chế”, về tội “chống người thi hành công vụ”, “cấm tụ tập khiếu kiện quá 5 người”... Nay, lại sắp có luật 2008.
Biện bạch cách gì thì sự thay đổi luật soành soạch như vậy cũng cho thấy “lòng dân” không chấp nhận “ý đảng”. Điều này, đảng ta biết rõ hơn chúng ta.
Ví dụ, sự thi hành luật 1987. Đối tượng thi hành luật chỉ có 2: dân (ông chủ, theo học thuyết “làm chủ tập thể” của cụ Lê Duẩn) và nhà nước (đầy tớ, có nhiệm vụ… quản lý ông chủ). Luật 1987 khá đơn giản, vì nội dung chủ yếu của nó chỉ là quy định quan hệ đất đai giữa chủ và đầy tớ. Ông chủ tuy mất hẳn quyền sở hữu đất đai, nhưng vẫn được đầy tớ cho phép sử dụng nó, khi cần thì “thu hồi”. Không có đối tượng thứ ba nào khác.
Chính khi LĐĐ 1987 có hiệu lực, mọi người nhận ra một điều: Ý đồ tiêu diệt tôn giáo, tiêu diệt sở hữu và tiêu diệt thị trường là ngu xuẩn, là việc chống Trời.
Tuy về pháp lý, không ai có quyền mua bán đất, nhưng thị trường đất đai vẫn tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, thông qua luồn lách, hối lộ. Dân vẫn có quyền sở hữu nhà, do vậy khi đã có nhà hợp pháp thì đương nhiên chủ nhà được “quyền sử dụng vĩnh viễn” (tức sở hữu) miếng đất nằm dưới cái nhà đó. Do vậy, chuyện ngược đời những năm đó là mảnh đất (cố định, tĩnh tại) lại phụ thuộc vào cái nhà (dễ biến động, có thể mua bán, đổi chác). Thế là, muốn bán (hay mua) đất chỉ cần làm cái nhà tạm bợ trên mảnh đất đó, rồi bán (hay mua) cái nhà đó là… xong. Cũng bằng cách đó, đất công bị chiếm dụng vô tội vạ. Người có quyền “cho phép làm nhà” tha hồ tham nhũng.
Luật 1993. Thấy rõ, không thể xoá được thị trường nói chung và thị trường đất đai nói riêng, đảng ta cho phép luật này có những bổ khuyết quan trọng.
Luật cho người dân được sử dụng đất lâu dài hơn (tới 20 và 50 năm) đồng thời có 5 quyền (sử dụng, chuyển quyền sử dụng, thừa kế, thế chấp và cho thuê đất: nghĩa là gần như có quyền sở hữu). Mặc dù về pháp lý, dân không có đất và nhà nước chưa thừa nhận thị trường đất đai, nhưng nhờ kẽ hở cố ý của luật, người ta vẫn mua bán đất; chỉ cần trong giao kèo ghi là... “giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Cũng lúc này, đảng cảm thấy nguy cơ “chệch hướng” ngày càng lớn, nên dẫu buộc phải công nhận cơ chế thị trường, nhưng gắn cho nó cái đuôi “theo định hướng XHCN”. Tới nay, trải 20 năm, nhiều người cho rằng cái đuôi này sắp rụng hẳn, kể cả trong thị trường đất đai.
Ông nội tôi nói lại: Những người tiến bộ trong nhóm soạn thảo luật 1993 phải rất khéo léo để không chạm tới nguyên lý “thép” (đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thông nhất quản lý) mà vẫn đưa được 5 quyền cho dân. Kỳ công nhất, là đưa được ý “bồi thường theo giá thị trường” vào văn bản. Ý này giúp dân có cơ sở đấu tranh và tố cáo kiểu bồi thường (cướp) đất hiện nay là bất hợp pháp.
Luật 1993 lạc hậu rất nhanh vì không chỉ có hai đối tượng liên quan tới đất đai (như quy định ở luật 1987) mà còn phát sinh các đối tượng khác: cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, nông trường, đất của quân đội... Và thiếu những qui định về quỹ đất tạo cơ sở hạ tầng, chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác và thiếu cả qui định chế độ sử dụng đất của các cơ quan, tổ chức… Chính vì vậy, chỉ sau 1 năm, đã có tới hai pháp lệnh được bổ sung để cấp cứu.
Với luật 1993, thị trường đất được ngấm ngầm phục hồi, sự mua bán công bằng và tấp nập hơn, giá cả phản ánh đúng giá trị của đất.
Luật này chứa đựng mầm tham nhũng và rối loạn. Ví dụ quyền “giao đất” ngang với quyền sinh sát, rất dễ quy đổi ra tiền. Nhưng bất công và đau khổ xảy ra ngay lập tức mỗi khi bọn đầy tớ “thu hồi” đất mà mà chúng tạm giao cho ông chủ. Tuy trên văn bản có ghi rõ: đất bị thu hồi được bồi thường theo giá thị trường, nhưng “giá thị trường” ở đây lại “theo định hướng XHCN”, nghĩa là do “đầy tớ” quy định. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân thấy rõ mình bị ăn cướp. Khiếu kiện triền miên cũng từ đó mà ra. Cho tới năm nay, 2008, đảng thừa nhận rằng giá đất do nhà nước quy định để “đền bù” chỉ bằng 60% giá thực tế trên thị trường. Vậy, “thu hồi” là cướp trắng trợn 40% tài sản.
Các luật về cưỡng chế, trừng trị “kẻ” chống người thi hành công vụ đã hỗ trợ đắc lực LĐĐ mỗi khi đảng “thu hồi” một diện tích lớn. Chưa đủ, về sau còn có nghị định “cấm tụ tập trên 5 người để khiếu kiện”. Từ đó, trên báo chí, chủ đề liên quan đất đai chiếm tỷ lệ vào loại cao nhất.
Luật 1998 quy định việc (đầy tớ) giao đất cho các loại chủ (cá nhân và tổ chức), có thu tiền và không thu tiền sử dụng (thuê đất). Việc mua bán đất chưa được thừa nhận chính thức, do vậy vẫn được nguỵ trang dưới dạng “chuyền nhượng quyền sử dụng” và phải có sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Nhiều người giàu lên bất thường vì có quyền “cho phép”.
Luật 2003: dự kiến tám nội dung phải sửa
Trong cuộc họp báo này 7-3-2008 về sửa LĐĐ 2003, ông bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường nói có 8 nội dung phải sửa và “phải sửa ngay”: 1) vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 2) giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 3) tài chính về đất đai, giá đất; 4) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; 5) thời hạn sử dụng đất; 6) quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa, lên sàn giao dịch chứng khoán; 7) thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất; 8) quản lý và phát triển thị trường bất động sản. Qua đó, ta thấy nhiều điều đã phát sinh mà luật 2003 không lường trước, đồng thời nhiều vấn đề do sự ngoan cố về quan điểm và lập trường.
Ví dụ nội dung 4 cho thấy dân vẫn mất quyền sở hữu đất, nhưng nội dung 3 (giá đất) và 8 (thị trường bất động sản) lại cho thấy sức mạnh vô địch của cơ chế thị trường đối với mọi phản động lực dám chống lại nó. Hy vọng sẽ tới lúc thắng bại phân minh.
Trong hội nghị có người khen ngợi tính hiệu dụng và tiện lợi rất cao của bằng khoán điền thổ (giấy công nhận sở hữu đất thực hiện từ năm 1927 và đề nghị đảng ta nên học theo cách đó (của thực dân, phong kiến). Chuyện cấp riêng rẽ “sổ hồng” (công nhận sở hữu nhà, do Bộ Xây Dựng cấp giấy) và “sổ đỏ” (chỉ công nhận “quyền sử dụng đất”, do bộ TN-MT cấp) đang bị phản đối dữ, dư luận đang đòi hỏi gộp lại… (xem vấn đề 4 ở trên). Cái nguyên lý thép về “sở hữu toàn dân” đang núng thế.
Nhưng vấn đề nổi cộm nhất vẫn là giá đất “thế nào là theo giá thị trường” (không kèm định hướng XHCN). Đây là điều mà tất cả các tờ báo đều nêu rõ sau cuộc họp báo. Mời các bạn đọc bài trên các báo khác nhau phản ánh nội dung cuộc họp báo nói trên và ý kiến, quan điểm của các tờ báo.
Những gì còn rơi rớt lại của mô hình XHCN “cũ”:
1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước (của đảng, do đảng, vì đảng) thống nhất quản lý. Hậu quả: a) đất công bị chiếm dụng vô tội vạ; b) tham nhũng tràn lan; c) khi trưng dụng đất tư nhân cho việc công ích lẽ ra cần coi người mất đất là những người có công, hy sinh, phải bồi thường cao hơn giá thị trường thì lại làm ngược lại.
2. Quốc doanh là chủ đạo (mặc dù quốc doanh chiếm dụng 70% vốn nhà nước nhưng chỉ dưa lại 30% lãi, nhưng nếu không thế thì… mất CNXH)
3. Cái đuôi “định hướng XHCN” gắn vào cơ chế thị trường khiến thị trường không phát huy hết tác dụng tích cực, mà còn ngược lại
4. Tất cả những gì ở trên chỉ để tạo cớ cho đảng ta cai trị dân vĩnh viễn
Đỗ Thuý Hường (sinh viên)