Huy Phương
Một H.O. muộn màng
Cựu
Trung Úy Lê Văn Thiệu, tốt nghiệp khóa 1 Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị
Ðà Lạt bị tập trung trong các trại tù cộng sản 7 năm.
Sau
khi đi tù về, ông làm nghề thợ mộc nuôi con, cho mãi đến năm 1995, gia
đình mới sang Mỹ theo một chương trình H.O. khá muộn màng: H.31. Sau 5
năm định cư tại Hoa Kỳ, năm 2000 con đầu là Lê Thành học xong bằng
Master về ngành điện tử tại đại học UTA (University of Texas at
Arlington). Năm 2004 con trai thứ ba,
Lê Ðức Hiếu tốt nghiệp Master Computer
science. Năm 2005, Lê Huy, con trai thứ nhì lấy bằng tiến sĩ cũng ngành
điện tử. Năm 2010 con trai út Lê Ðức Hiển, ra đời năm 1972 sau khi ông
Thiệu từ trại tù trở về, cũng đã tốt nghiệp y khoa.
Vào
năm 2005, nhân ngày lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội H.O.
Dallas-Fort Worth, gia đình ông Lê Văn Thiệu đã được vinh danh là một
gia đình đến Mỹ muộn màng nhưng đã sớm thành công trên đất người.
Năm
2006, ba anh em nhà họ Lê thành lập công ty “Luraco technologies, Inc.”
sử dụng kỹ thuật cao (high-tech) chuyên về nghiên cứu và chế tạo sản
phẩm cho quốc phòng Mỹ. Ba năm trước công ty được cấp kinh phí từ US
Army để nghiên cứu và
chế tạo ra một bộ cảm ứng thông minh (Intelligent Multi-Sensor) cho hai
động cơ trực thăng chiến đấu hàng đầu của Mỹ là Blackhawk và Apache. Ðể
làm được điều này, nghiên cứu (research proposal) của công ty Luraco
phải xuất sắc và vượt trội hơn nhiều công ty danh tiếng khác. Phát minh
bộ cảm ứng thông minh này của công ty Luraco sẽ tiết kiệm hàng tỷ Mỹ kim
mỗi năm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về vấn đề bảo trì và an toàn cho hai
loại máy bay trên. Hãng WPI tại Fort Worth, Texas đã mời Tiến Sĩ Lê Huy
làm việc với chức vụ là khoa học gia (scientist) để đảm trách việc
nghiên cứu về Flexible Active Circuits và Optical Sensors dùng trong hỏa
tiễn và phi thuyền không gian.
Hai
năm qua công ty Luraco cũng thắng
được hai hợp đồng với US Air Force và được cấp kinh phí để chế tạo hệ
thống kết nối những sensors FADEC (Full Authority Digital Electronic
Control) trong động cơ phản lực F.35 của Không Quân Hoa Kỳ. FADEC là
project lớn dưới sự giám sát của cơ quan NASA Hoa Kỳ. Ngoài NASA, công
ty Luraco vinh dự được làm việc chung với Boeing và GE là hai công ty
chế tạo động cơ phản lực (jet engine) cho phản lực cơ Hoa Kỳ.
Ðây
là công ty duy nhất của người Việt Nam nhận được kinh phí trực tiếp từ
Bộ Quốc Phòng Mỹ để nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm kỹ thuật cao
cho quân đội. Người Mỹ khó tin được là các em trong công ty mới mẻ này
là con một gia đình tỵ nạn cộng sản chỉ mới đặt chân đến
Hoa Kỳ từ năm 1995.
Thực
dụng trong ngành thẩm mỹ ở Mỹ, Luraco là công ty đầu tiên sáng chế ra
ghế Mini Pedicure Spa cho trẻ em, Jet nam châm (Magna-Jet) cho bồn Spa,
máy khử mùi hóa chất (ChemStop) và máy hút bụi nail (Partigon) cũng như
ghế Massage iRobotics. Hai năm liền 2010 và 2011 công ty Luraco được
vinh dự đón nhận bằng khen là một trong 50 công ty Châu Á phát triển
nhanh nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ. Năm 2010 công ty Luraco được xếp hạng
thứ 69 trong 100 công ty phát triển nhanh vùng Dallas Fort Worth do Khoa
Thương Mại trường Ðại Học SMU bình chọn.
Trong
bốn anh em nhà họ Lê, Tiến Sĩ Kevin Huy Lê là một thành viên trong Hội
Quang Học Quốc Tế (The
International Society for Optical Engineering) và là người giám định
(Peer Reviewer) cho nhiều công bố về khoa học kỹ thuật cũng như tác giả
của hơn 20 “technical publications in journals and conference
proceedings.”
Những ngày ở Gio Linh
Nhớ
lại những ngày xa xưa, Lê Thành, giám đốc công ty Luraco, ngày nay cũng
là một MC và “Mạnh Thường Quân” của cộng đồng tị nạn tại Dallas, Ft.
Worth đã nói rằng anh không bao giờ quên những ngày khốn khổ ở vùng quê
Gio
Linh, một vùng bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, ngổn ngang những
đống gạch vụn và những hố bom. Sau tháng 4, 1975, khi thân phụ phải vào
trại tù tập trung, mẹ anh phải đưa các con về nương tựa bên ngoại. Khi
mẹ anh kiếm được một chân y tá tại trạm y tế Gio Linh, Thành mới lên 5
tuổi, cùng với đứa em kế theo mẹ về trạm xá, còn hai em nhỏ trong đó có
một đứa mới sinh phải “rứt ruột” gởi cho ông bà ngoại nuôi. Ba mẹ con ở
trong một căn phòng lợp tranh, vách đất, không có điện bên cạnh trạm xá.
Sau những giờ đi học, Thành phải đi mót củi, nấu cháo hay khoai và
trông chơi với em. Thành rất thương mẹ, nhớ đến những lúc mẹ khóc, nước
mắt ướt cả mặt anh, vì cuộc sống quá cơ cực, cô đơn, mà chồng không biết
lưu lạc ở trại tù nào.
Con đến trường thì bị gọi là “con ngụy,” mẹ nơi chỗ làm thì được xem là
“chồng có nợ máu!”
Sau 7 năm, khi cha
của ông đi tù về mở một tiệm mộc, mẹ ông bỏ việc trở về sum họp với gia
đình tại thôn Gio Mai. Thành lên trung học rồi thi đỗ vào Ðại Học Sư
Phạm Huế, những năm cuối cùng trước khi lên đường đi Mỹ, Thành dạy tại
trường Cao Ðẳng Sư Phạm Quảng Trị. Nhờ những tín chỉ của ÐH Sư Phạm, chỉ
5 năm sau khi đến định cư tại Dallas- Ft Worth, Lê Thành đã lấy xong
Master ngành điện tử, cùng với các em Lê Hiếu, bốn năm sau lấy bằng tiến
sĩ cùng ngành để xây dựng lên một công ty có đủ khả năng cạnh tranh với
các công ty lớn của Mỹ.
So với những
gia đình cựu tù nhân khác, gia đình ông Lê Thiệu đến Mỹ tương đối muộn,
vì lúc ra tù, ông tìm về quê cũ, một vùng đất xa xôi, nghèo khổ, xa ánh
sáng đô thị, thiếu hẳn tin tức và bạn bè. Nhất là sau khi Thừa Thiên,
Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình của miền Bắc để thành Bình Trị Thiên,
tỉnh này thuộc cơ chế hành chánh của miền Bắc, khắt khe và đầy sự kỳ
thị. Mãi đến đầu năm 1990, khi thấy thấy rõ, chắc chắn bạn bè lên đường
đi định cư ở Mỹ, ông Lê Thiệu mới dám nộp đơn cho công an địa phương.
Nhờ
tinh thần hiếu học và sự cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt
của tuổi ấu thơ, đến Mỹ, anh em nhà họ Lê như giống tốt gặp môi
trường đất đai, khí hậu, phân bón tốt đã đâm chồi, nẩy lộc, cho trái
tốt. Tuy vậy “nhớ công ơn cha mẹ đã trải qua những nỗi nhọc nhằn, tạ ơn
nước Mỹ, đất của cơ hội đã cưu mang cho chúng con một đời sống mới, và
cộng đồng người Việt tị nạn luôn luôn gần gũi, thương yêu gia đình chúng
con,” đó là những lời giãi bày của những đứa trẻ từ mảnh đất Gio Linh
nghèo khó, hôm nay đã thành công trên đất nước Hoa Kỳ.