"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 13. Dezember 2011

TÌNH TRẠNG SẢN XUẤT, THƯƠNG MẠI VÀ TIÊU THỤ LÚA GẠO THẾ GIỚI, 2011-12

Trần Văn Đạt, Ph. D.

Năm 2011, tình trạng sản xuất lương thực thế giới, chủ yếu ngũ cốc như lúa mì, lúa gạo và bắp được củng cố, đạt đến 2.325 triệu tấn hay tăng 3,7% so với 2010 (1) dù khí hậu bất thường xảy ra tại mốt số địa phương. Riêng lúa gạo là lọai thực phẩm quan trọng cho hơn 3,5 tỉ người hay trên 50% dân số thế giới. Năm nay, ngành ngũ cốc này có hai chuyển biến lớn: Chính phủ Thái Lan tăng giá gạo nội địa để giúp nông dân có đời sống tốt hơn và Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu lọai gạo thường dùng (không thơm Basmati) sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới.  Hàng năm tình trạng sản xuất và thương mại lúa gạo thế giới bị chi phối bởi các yếu tố chính sau đây:


1) Lúa là một màu quan trọng cho an ninh lương thực và liên hệ đến tình trạng nghèo khó trên thế giới. Cho nên, nhiều nước đang phát triển đã thực hiện chính sách tự túc lúa gạo, với nhiều trợ cấp cho cả ngành sản xuất và thị trường tiêu thụ, nhưng chưa sánh kịp trợ cấp to lớn như các nước công nghiệp. Hai nước Malaysia và Trung Quốc, trái lại, có chính sách tự túc giới hạn, khôn ngoan, theo thứ tự ở mức 65% và 90% nhu cầu nội địa.

2) Tuy khối lượng sản xuất lúa gạo thế giới rất lớn, chỉ sau lúa mì, nhưng số lượng giao dịch quốc tế tương đối nhỏ, chỉ khoảng 30-34 triệu tấn gạo hay 6-7% mỗi năm, do chính sách tự túc của nhiều nước. Vì vậy, thị trường thế giới dễ bị giao động khi có những biến chuyển nhỏ trong ngành sản xuất.

3) Một yếu tố quan trọng khác gây ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất lúa gạo thế giới là khí hậu bất định mỗi năm. Hiện nay, diện tích trồng lúa tưới tiêu chiếm gần 60% tổng diện tích trồng lúa, nhưng sản xuất đạt hơn 75% tổng sản lượng thế giới; cho nên, ngành trồng lúa còn tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng thời tiết, nhứt là các loại lúa trồng nhờ nước trời còn chiếm 40% tổng diện tích. Theo thống kê về tình hình sản xuất lúa trong 50 năm qua, cứ bình quân mỗi 6-7 năm có một lần khí hậu bất lợi cho canh tác lúa thế giới và gây xáo trộn giá cả thị trường.

4) Sản xuất lúa Châu Á phản ánh đậm nét tình trạng lúa gạo thế giới và đóng vai trò quyết định tối hậu đến giá cả và giao dịch quốc tế, vì châu lục này hàng năm sản xuất và đồng thời tiêu thụ hơn 90% lúa gạo tòan cầu. Ngòai ra, nhu cầu tiêu thụ và các chính sách nhập khẩu, tồn trữ lúa gạo của các châu lục khác cũng làm ảnh hưởng đến thị trường không nhỏ.

5)  Các cuộc khủng hỏang chính trị, kinh tế, tài chánh, năng lượng như từng thấy trong những thập niên qua, gần đây 2008, đã gây ra khủng hỏang lương thực thế giới làm tăng thêm 100.000 người thiếu đói và đưa tổng số lên 1 tỉ người.

Sản xuất lúa gạo thế giới (2, 3 và 4): Mặc dù bị ảnh hưởng hiện tượng Niña ở nhiều nơi châu Á như Cambodge, Lào, Myanmar, Thái Lan và bão ở Philipines từ tháng 8 vừa qua, sản lượng lúa tòan cầu đã vượt lên mức kỷ lục nhờ vụ mùa phát triển trong điều kiện khí hậu thuận hòa sau đó. Cơ quan FAO ở Rome đã tiên đóan năm 2011, sản lượng lúa đạt đến 721 triệu tấn (hay 481 triện tấn gạo), tăng lên 3% hay 24 triệu tấn so với 2010. Phần lớn sự tăng gia này do sản xuất thuận lợi tại các nước Ấn Độ, Ai Cập, Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam vuợt trội hơn số lượng thất thu từ Indonesia, Madagascar, Pakistan, Philippines và Thái Lan. Sự tăng gia còn do diện tích trồng lúa thế giới tăng lên 164,6 triệu Ha hay 2,2% và năng suất bình quân cũng tăng nhẹ đến 4,38 t/Ha tức 0,8% hơn năm rồi.

Châu Á sản xuất 651 triệu tấn lúa (435 tấn gạo) hay tăng 2,9% so với 2010 dù có nhiều trận bão lớn xảy ra ở Philippines, và lũ lụt nặng kéo dài ở Cambodge, Lào, Myanmar và Thái Lan. Sự tăng gia lớn này chủ lực do Ấn Độ và Trung Quốc, với tham gia mức độ thấp hơn từ Bangladesh, Đại Hàn, Nhựt Bổn, Pakistan và Việt Nam. Riêng Việt Nam, Chính phủ dự đóan sản xuất lúa đạt đến 42 triệu tấn lúa hay tăng 1 triệu tấn so với 2010, do diện tích trồng thêm 200.000 Ha đưa tổng số lên 7,7 triệu Ha, năng suất đạt đến 5,5 t/Ha. Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 7,35 triệu tấn gạo mang về khỏang 3,5 tỉ Mỹ kim. Ấn Độ thu họach 154,5 triệu tấn lúa hay 11 triệu tấn hơn 2010 nhờ mùa mưa thuận lợi, ngọai trừ vài tỉnh ở Tây Nam có hạn hán. Trung Quốc sản xuất đến 203 triệu tấn lúa hay tăng 3 %, đạt được mục tiêu tự túc trong suốt thập niên qua. Thái Lan bị ngập lụt nặng ở cánh đồng trung tâm làm thiệt hại 1,6 triệu Ha tương đương 4 triệu tấn lúa, sản xuất năm nay độ 32, 2 triệu tấn, 7% thấp hơn 2010 (34,5 triệu tấn). Hậu quả này làm ảnh hưởng mạnh đến số lượng xuất khẩu 2012 (Xem thêm chi tiết ở Bảng 1).

Châu Phi sản xuất lúa khỏang 26 triệu tấn (17 triệu tấn gạo), hay 3% cao hơn 2010 dù mưa bất thường, do được mùa ở Ai Cập, một nước sản xuất luá tưới tiêu lớn trong vùng và tăng sản xuất ở Benin, Ghana, Mali, Nigeria, Sierra Leone thuộc Tây Phi Châu; trong khi Đông Phi Châu như Tazania, Zambia, Madagascar và Nam Phi Châu có tình trạng sản xuất ngược lại do mưa ít, ngọai trừ Malawi và Mozambique nhờ đầu tư nhiều cho hệ tưới tiêu (Xem thêm chi tiết ở Bảng 1). Ba nước sản xuất lúa gạo nhiều nhứt ở châu Phi là Ai Cập, Nigeria và Madagascar, chiếm đến 55% tổng sản lượng lúa lục địa. Sản xuất lúa ở Ai Cập tăng từ 5,2 triệu tấn trong 2010 đến 5,8 triệu tấn trong 2011 và Nigeria từ 4,2 đến 4,3 triệu tấn; trong khi Madagascar giảm từ 4,8 xuống 4,3 triệu tấn trong cùng thời kỳ do khí hậu bất thường.

Nam Mỹ và Caribbean phục hồi sản xuất lúa đạt đến 29,6 triệu tấn (hay 19,8 triệu tấn gạo) so với sút giảm 12% năm rồi, do được mùa và giá gạo cao từ các nước Argentina, Brazil, Colombo, Guyana, Paraguay, Uruguay và Venezuela; trong khi Mexico và Ecuador bị khô hạn, Honduras, Nicaragua và El Salvador bị ngập lụt (Xem thêm chi tiết ở Bảng 1). Bazil là nước sản xuất lúa gạo lớn nhứt của châu Mỹ (chủ yếu lúa rẫy) đạt đến 13,6 triệu tấn so với 11,7 triệu tấn 2010 nhờ khí hậu tốt. Sản xuất lúa của nước này chiếm đến 45% tổng sản lượng vùng.

Hoa Kỳ sản xuất lúa gần 8,5 triệu tấn, giảm bớt 21% so với 2010 (11 triệu tấn) do khí hậu không thuận lợi và diện tích trồng thu hẹp. Đó là mức sản xuất thấp nhứt kể từ 1998. Sản xuất lúa Úc Châu tăng đến 800.000 tấn, gấp 4 lần so với 2010 (0,2 triệu tấn) nhờ cung cấp đầy đủ nước tưới. Sản xuất lúa ở châu Âu tăng thêm 0,2 triệu tấn, đạt đến 4,6 triệu tấn nhờ cải thiện năng suất, đặc biệt ở nước Ý và Liên bang Nga được mùa, nhưng giảm thu họach ở Pháp và Tây Ban Nha.

Giao dịch lúa gạo quốc tế 2011 đã tăng đến 34,3 triệu tấn hay 9% hơn 2010, phần lớn do nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước châu Á: Bangladesh, Indonesia, Iran và Trung Quốc và châu Phi như Côte d’Ivoire, Madagascar, Mali, Nigeria, Senegal. Nguồn gạo xuất khẩu tăng chủ yếu do Ấn Độ sau khi nước này bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải Basmati vào tháng 9 vừa qua vì họ muốn giải quyết số lúa tồn trữ lâu năm và lúa được mùa. Ngòai ra, còn các nước khác cung cấp số lượng gạo xuất khẩu khá lớn như Argentina, Australia, Brazil, Myanmar, Uruguay và Việt Nam; trong khi Ai cập, Hoa Kỳ, Pakistan và Trung Quốc giảm bớt xuất khẩu.

Viễn ảnh giao dịch lúa gạo thế giới 2012 có thể giảm đôi chút, khỏang 500.000 tấn gạo. Theo dự báo FAO, giao dịch này chỉ đạt đến 33,8 triệu tấn gạo do nhu cầu châu Á giảm bớt chút ít. Về mặt xuất khẩu, Thái Lan giảm xuất khẩu từ 10,3 triệu tấn gạo 2011 xuống khỏang 8,2 triệu tấn 2012, do tình trạng ngập lụt nặng và thay đổi chánh sách lúa gạo. Ấn Độ sẽ bù đắp giảm sút này do Chính phủ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lọai gạo thông dụng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Theo dự đóan, các nước Pakistan, Trung Quốc, Úc Châu và Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu gạo vào năm tới. Còn Argentina, Brazil, Hoa Kỳ, Myanmar và Uruguay sẽ giới hạn xuất khẩu gạo.

Sử dụng lúa gạo thế giới 2011-2012 đạt đến 470 triệu tấn gạo, tăng 9,7 triệu tấn hay 2 % hơn năm vừa qua. Số lượng tiêu dùng này gồm có 397 triệu tấn dành cho thức ăn, 12 triệu tấn cho nuôi gia súc, và sử dụng khác như làm giống, biến chế và thất thóat sau thu họach khỏang 61triệu tấn hay 3%. Khẩu phần thực phẩm trung bình tăng từ 56,5 kg/người/năm trong 2010 lên 56,8 kg 2011; riêng tại các nước đang phát triển khẩu phần tăng thêm 0,4 kg đến 67,8 kg và tại các nước phát triển giảm 1% còn 12,2 kg mỗi năm.

Gạo tồn trữ dự đóan 145 triệu tấn trong 2011, tăng 10,5 triệu tấn hay 8% so với 2010, số lượng này có thể cung cấp 30% nhu cầu thế giới. FAO ước đóan gạo tồn trữ tăng thêm 4 triệu tấn đến 149 triệu tấn trong 2012.

Giá gạo thế giới đạt đỉnh cao 570 Mỹ kim/tấn (gạo Thái 100% B) vào tháng 12-2010 và tháng 1-2011, bắt đầu giảm dần từ tháng 2 đến 5-2011 (500 Mỹ kim/tấn) do thu họach mùa lúa Đông-Xuân ở châu Á. Từ tháng 6 đến 11-2011, giá gạo tăng cao trở lại (630 Mỹ kim/tấn) (Hình 1), do lũ lụt tại một số nước châu Á, và Chính phủ Thái đưa ra chánh sách tăng giá lúa gạo hỗ trợ nông dân kể từ 7-10-2011, với 502 Mỹ kim cho mỗi tấn gạo trắng premium và 667 Mỹ kim cho gạo thơm, tức tăng 66 và 33% so với thời điểm bấy giờ, theo thứ tự. Vào tháng 9-2011, giá gạo Việt Nam và Indonesia tăng 32 và 12% so với tháng trước. Vào cuối tháng 11-2011, giá gạo Việt Nam 5% tấm là 560 Mỹ kim/tấn và 25% tấm 510 Mỹ kim/tấn (4).

Ấn Độ đang trở lại thị trường quốc tế với sức cạnh tranh cao do giá gạo thấp. Nước nầy còn mở rộng thị trường đến một số nước châu Phi. Gạo Ấn Độ 5% tấm chỉ còn 394 Mỹ kim/tấn tháng 11 so với 412 Mỹ kim/tấn tháng 10. Pakistan xuất khẩu ít hơn do thất mùa, giá gạo 25% tấm là 391 Mỹ kim/tấn trong tháng 11 so với 420 Mỹ kim tháng 10 (4). Trung Quốc vẫn giữ giá gạo nội địa không thay đổi từ tháng 3 đến tháng 11, nhưng cao hơn cùng thời điểm năm trước 14%. Tại các nước Bangladesh, Bhutan, Cambodge, Lào, Nepal và Philippines giá gạo nội địa không thay đổi từ tháng 9-2010 đến nay.

Năm 2011, Brazil xuất khẩu kỷ lục đến 1 triệu tấn gạo so với 0,4 triệu tấn 2010. Uruguay tập trung xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Đông. Hoa Kỳ xuất khẩu giảm với 3,4 triệu tấn gạo 2011 so với 3,9 triệu tấn 2010. Giá gạo xuất khẩu cũng theo khuynh hướng thế giới giảm 5%. Gạo hạt dài 2/4 còn 593 Mỹ kim/tấn tháng 11 so với 625 Mỹ kim/tấn tháng 10 (4).

Năm 2012, giá gạo thế giới sẽ giảm do số lượng xuất khẩu dư thừa và số lượng gạo giao dịch nhỏ hơn so với năm trước. Đây là hậu quả tất nhiên của sản xuất và tồn trữ tăng gia liên tục trong thập niên vừa qua.

Giá gạo xuất khẩu của một số nước xuất khẩu quan trọng, như Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam, Argentina, Ấn Độ và Pakistan từ 2006 – 2011 được trình bày trong Bảng 2 (2).

Hình 1: Giá gạo xuất khẩu từ Tháng 10-2010 đến 10-2011 (FAO food outlook, 2011)

Tóm lại, theo Tổ chức FAO dự báo, viễn ảnh sản xuất lúa gạo thế giới năm 2012 khá sáng sủa, có thể tăng khỏang 2,4% đạt đến 738 triệu tấn lúa; nhưng giao dịch gạo thế giới sẽ giảm bớt 1% ở mức 33,8 triệu tấn, do Thái Lan giảm số lượng xuất khẩu 20% và một số nước khác cùng có khuynh hướng này. Sự thay đổi chánh sách lúa gạo Thái Lan và Ấn Độ sẽ làm cho thị trường lúa gạo thế giới năm tới không được ổn định. Ấn Độ và Pakistan sẽ thay thế phần lớn số lượng xuất khẩu sút giảm của Thái Lan. Với chút ít lạc quan, các chuyên gia cho biết giá các nhu yếu phẩm sẽ không thay đổi nhiều và dưới mức cao nhứt của 2011. Việc Ấn Độ trở lại trong vai trò nước xuất khẩu gạo lớn thế giới với giá gạo thấp, kết hợp cùng giá gạo xuất khẩu thấp của Pakistan và Myanmar sẽ giữ giá gạo thế giới thấp hơn trong năm tới. Riêng ngành xuất khẩu lúa gạo Việt Nam sẽ tiến đến gần hơn ngôi vị quốc tế hạng nhứt và hàng năm mang về đất nước hàng tỉ Mỹ kim; nhưng nông dân trồng lúa không hưởng được lợi tức tương xứng với vai trò hiện tại của mình!

Trần Văn Đạt, Ph. D.
10-12-2011

Bảng 1: Sản xuất lúa thế giới (2009, 2010 và 2011) và nhập-xuất khẩu gạo thế giới (2009, 2010, 2011 và 2012)
Bảng 2: Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam, Argentina, Ấn Độ và Pakistan, 2006-11


Tài Liệu Tham Khảo:
1)      FAO. 2011. FAO cereal supply and demand. World food situation
(www.fao.org/worldfoodsituation/wfs-home/csdb/en/).
2)      FAO Rice Market Monitor (RMM), November 20011, Vol. XV, Issue No. 4.
(www.fao.org/economic/est/publications/rice-publications/rice-market-monitor-rmm/en/).
3)      FAO Food Outlook, No.4, November 2011, Economic and Social Department
(www.fao.org/economic/est/trade-and-markets-home/en/).
4)      InterRice (CIRAD), Monthly Report of the World Market of Rice, November 2011.