Nguyễn Xuân Nghĩa
* Lãnh tụ Vladimir Putin - trên bìa báo The Economist
với "những vết rạn"....*
Thế giới vừa có hai cuộc bầu cử đáng chú ý ở những nguyên nhân và hậu quả mà... ít ai để ý. Về thời gian thì trước hết là cuộc bầu cử hôm Thứ Hai 28 Tháng 11, đợt đầu tiên trong hàng loạt bầu cử từ nay đến năm tới, có thể đến năm kia, để dân Ai Cập (Egypt) chọn lựa lãnh đạo. Đây là sinh hoạt bầu bán đầu tiên của xứ này sau khi Chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong cái trớn của "Mùa Xuân Á Rập" vào đầu năm nay. Kế tiếp là cuộc bầu cử Hạ viện Nga, viện Duma, vào mùng bốn Tháng 12, cũng là đợt đầu trước cuộc bầu cử tổng thống vào Tháng Ba năm tới để chọn người sẽ lãnh đạo Liên bang Nga.
***
Xin nói về bầu cử tại Nga
trước....
Kết quả được truyền thông Tây
phương loan tải và mau mắn bình luận, là đảng Thống nhất Nga (United Russia) mất
77 ghế và điều ấy cho thấy uy tín sa sút của người lãnh đạo đảng, là Thủ tướng
Vladimir Putin. Đồng thời, tuần qua Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Hillary Clinton cũng
mạnh dạn đả kích kết quả bầu cử này là đáng nghi ngờ. Đã hết rồi, cái tinh thần
hữu nghị khi Chính quyền Barack Obama muốn cải thiện quan hệ với Moscow theo chủ
trương bật lại cái nút – reset the
button – được thông báo vào đầu nhiệm kỳ của ông Obama!
Chuyện gì vừa mới xảy ra?
Một hài kịch về sự ngờ nghệch
của truyền thông Tây phương và của nhiều nhà bình luận!
Putin sẽ ra tái tranh cử năm
2012, hầu như chắc chắn lại trở về làm Tổng thống Nga trong sáu năm tới, theo
quy định mới của Hiến pháp Nga. Đảng Thống nhất Nga của ông mà dân Nga mỉa mai
là "đảng của bọn ăn cắp và lang băm" (partiya rorov i zhulikov), bị mất ghế
trong Quốc hội, nhưng vẫn chiếm đa số là gần 53%, sẽ có nhiều dân biểu hơn hẳn
ngần ấy đảng gọi là đối lập cộng lại. Được trao lại cho đương kim Tổng thống là
Dmitri Medvedev, đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo Quốc hội, dưới sự chỉ huy của người
sẽ làm Thủ tướng là... Medvedev.
Sau bốn năm đổi ghế cho
Medvedev, Putin lại trở về làm Tổng thống Nga và là lãnh tụ có thực quyền
nhất.
Trong viện Duma có ba chính
đảng được coi là mạnh sau đảng Thống nhất Nga. Lần lượt theo kết quả kiểm phiếu
là đảng Cộng sản (hơn 20%), đảng nước Nga Công bằng (Just Russia) theo xu hướng trung tả được
hơn 14% và đảng Tự do Dân chủ theo xu hướng dân tộc được hơn 12%. Họ sẽ bỏ phiếu
ra sao trong viện Duma, đứng ở vị trí nào dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin
và Thủ tướng Medvedev kể từ Tháng Năm năm 2012?
Đảng Cộng sản là tàn dư của chế
độ Xô viết cũ nhưng vẫn có tổ chức, cán bộ và khả năng huy động đáng kể trong
thành phần quần chúng luyến tiếc thời vàng son của siêu cường Liên Xô. Cũng vì
vậy, đảng này đã và sẽ hợp tác chặt chẽ với người đang khôi phục lại uy tín và
thế lực của Liên bang Nga, là Putin.
Chính đảng có vẻ dân chủ nhất
theo khẩu vị Tây phương là đảng Nga Công bằng - một ấn bản Nga của các đảng Xã
hội hay Lao động Âu châu - thì đã có chủ trương hợp tác với Putin cho sự cường
thịnh của nước Nga. Dưới sự lãnh đạo của Nicolai Levichev, đảng này sẽ không
thay đổi lập trường và là đối tác đáng tin của Phủ Tống thống, trong điện
Kremlin.
Đảng Tự do Dân chủ có xu hướng
phát huy sức mạnh an ninh để bảo vệ quyền lợi của Nga, không khác với chủ trương
của Putin. Lãnh tụ đảng là Vladimir Zhirinovsky, có một điểm đồng dạng với
Putin: nhân viên cũ của "Sở Bảo vệ Chính trị", cơ quan KGB!
Nghĩa là sau bầu cử, bốn chính
đảng mạnh nhất của nước Nga đều tiến hành kế hoạch phát huy sức mạnh của Liên
bang Nga, dưới sự chỉ đạo của Vladimir Putin.
Sau khi tái đắc cử năm tới, nếu
Putin lại... hy sinh vì nước mà làm thêm một nhiệm nữa thì sẽ lãnh đạo nước Nga
cho đến năm... 2024! Nói cho gọn: Vladimir Putin có thể là lãnh tụ trong tổng
cộng 24 năm, còn hơn Leonid Brezhnev (1964-1982) và chỉ thua Stalin (1928-1953).
Mà lại có tiếng là dù sao vẫn dân chủ hơn các chế độ độc tài khác, từ Cuba đến
Bắc Hàn....
Gian lận trong bầu cử tại Nga -
như thiên hạ phê phán – là chuyện thường tình. Putin còn cao điệu tới độ gian
lận để chứng minh rằng đảng của mình bị mất phiếu, tức là dù sao nước Nga vẫn có
một chút dân chủ, nhưng mình không thể mất quyền!
Xu hướng "quản lý nền dân chủ"
là thủ thuật cao điệu của Putin và thế giới nên nhìn vào vấn đề thật, là những
gì Putin sẽ thực hiện, hơn là chuyện có dân chủ hay không tại Liên bang Nga!
Vlaimir Putin thực hiện được hay chăng, với thế lực thực tế của kinh tế và xã
hội của nước Nga, lại là chuyện khác.
Chúng ta bước qua Ai
Cập....
***
Qua sự loan tải và bình luận
cũng nhẹ dạ và ngớ ngẩn của truyền thông Tây phương, từ đầu năm nay, người ta
vội nói đến Mùa Xuân Á Rập và triển vọng của phong trào dân chủ. Người ta đã lầm
lẫn biểu hiện với thực chất.
Ai cũng muốn người dân Á Rập,
Hồi giáo, hoặc mọi dân tộc khác, được quyền tự do phát biểu và đề cử người lãnh
đạo trong một xã hội bình đẳng. Nhưng, từ biểu hiện là quần chúng biểu tình, có
khi bị đàn áp hoặc tàn sát, đến sự hình thành của nền dân chủ, theo kiểu dáng
được Tây phương coi là mẫu mực, là một khoảng cách khá xa. Ở giữa là khả năng tổ
chức và nghệ thuật trình diễn.
Xin được nhắc lại chuyện đó vì
trước khi dân Ai Cập đi bầu thì xứ này lại có biểu tình chống Thượng Hội đồng
Quân lực (Supreme Council of the Armed Forces). Sự thật mà nhiều người
không nhìn ra là các tướng lãnh đã đảo chính Hosni Mubarak để cứu lấy chế độ mà
họ đã cùng Mubarak xây dựng từ mấy thập niên. Người viết xin khỏi nhắc lại sự
thể bi quan này khi thiên hạ còn ngất ngây với hương hoa nhài.
Các tướng lãnh lập ra Thượng
Hội đồng làm cơ chế lãnh đạo trong buổi giao thời. Sau khi Mubarak từ nhiệm vào
Tháng Hai năm nay, quần chúng biểu tình vẫn thất vọng và nhiều lần xuống đường,
bị chế độ mới mà cũ thẳng tay đàn áp. Một số thành phần Ai Cập Thiên chúa giáo
còn bị kỳ thị và hành hung, bạo động cũng đã xảy ra.
Nền dân chủ như nhiều người
trông đợi chưa xuất hiện. Duy nhất có một lần mà quy tắc dân chủ ấy được thể
hiện là cuộc bầu cử vừa qua, một bước nhỏ trước nhiều cuộc bầu cử và đấu tranh
chính trị khác từ nay cho đến năm 2013.
Kết quả bầu cử Tháng 11 là tổ
chức Huynh đệ Hồi giáo (MB) thắng lớn. Kế tiếp là đảng Tự do và Dân chủ, theo xu
hướng Hồi giáo còn cực đoan hơn lực lượng MB. Còn lại, các chính đảng gọi là tự
do theo mẫu mực Tây phương đều lẹt đẹt đứng sau, sau khi đứng trước ống
kính.
Trong ngần ấy cuộc biểu tình
chống lại Thượng Hội đồng của các tướng lãnh để đòi hỏi dân chủ và trước tiên là
bầu ra các cơ chế hoạch địch hướng đi của nền dân chủ, quần chúng khát khao dân
chủ đều có mặt cùng một số lãnh tụ trước truyền hình. Nhưng gây tác động rất
mạnh mà lại đứng ngoài để giám trận biểu tình vẫn là Huynh đệ Hồi giáo!
Họ cổ võ sự thay đổi, kín đáo
vận động biểu tình mà không tham gia. Họ có lãnh đạo và cán bộ cho trò biến hóa
chính trị đó.
Được thành lập từ 1928, như một
giải pháp Hồi giáo cho việc canh tân thế giới Á Rập giữa hai giải pháp Tây
phương và Xô viết, giữa các chế độ độc tài của cánh hữu hay cánh tả, Huynh đệ
Hối giáo đã biến đổi khá nhiều và có kinh nghiệm dày dặn sau những chuyển hướng
đó. Có khi đi từ phương pháp bạo động qua chính trị và xã hội, mà chắc chắn là
không thân Tây phương.
Nói cho gọn thì những biến động
do quần chúng khát khao dân chủ châm ngòi tại Ai Cập đã thực tế dọn cỗ cho tổ
chức Huynh đệ Hồi giáo và các nhóm Hồi giáo còn cực đoan hơn. Họ sẽ làm thay đổi
Á Rập mà không nhất thiết sẽ xây dựng xứ này thành một quốc gia dân chủ như
nhiều người cứ mơ mộng, hoặc như truyền thông Tây phương vẫn đề cao và báo
trước.
Khi ấy, tức là sau này, những
người mơ mộng ấy chỉ còn sự chọn lựa: 1) lại ngả theo quân đội để tìm một sự ổn
định tạm bợ, hoặc/và một chút đỉnh chung, hay 2) nghiêng về phía Hồi giáo với
ảnh hưởng lớn mạnh hơn của giáo luật quá khích. Trong cả hai trường hợp, lập
trường quốc tế của Ai Cập sẽ trở thành vấn đề cho các nước Tây phương, Hoa Kỳ,
Âu Châu và Israel....
Nhưng vì sao những người đấu
tranh cho dân chủ lại gặp số phận hẩm hiu đó? Câu trả lời ngắn gọn là tổ
chức!
***
Trong có vài tuần mà người ta
thấy ra sự tinh ma của Vladimir Putin và bản lãnh của các lực lượng Hồi giáo
chống Tây phương.
Nhìn lại thì các quốc gia
Âu-Mỹ, nhất là Hoa Kỳ, đã tốn khá nhiều tiền bạc để đong đưa giữa hai giải pháp
mâu thuẫn: một là đi tìm sự ổn định hữu ích cho quyền lợi Âu-Mỹ, dù là phải hợp
tác và yểm trợ các chế độ độc tài, quân chủ hay quân phiệt; hai là phát huy giá
trị của dân chủ theo đúng luân lý chính trị của Tây phương. Kết quả là mang
tiếng yểm trợ độc tài hoặc góp phần lật đổ các chế độ thân hữu của mình để xây
dựng một nền dân chủ hiếm hoi. Quá hiếm hoi nên có thể đếm trên đầu ngón tay của
một bàn tay. Thực tế là trên một ngón tay, tại Tunisie! Xin miễn nói về Lybia
hay Syria....
Đó là bài toán của các nước Tây
phương, vô địch về nói chuyện dân chủ mà làm ăn bất nhất!
Nhưng vấn đề không chỉ có vậy.
Những người thực lòng đấu tranh cho dân chủ có nhìn ra bài học chua chát này
chưa? Vấn đề là tổ chức và cán bộ.
Họ thiếu tổ chức và khả năng
phân tách rất lạnh lùng về thực tế bên trong và bên ngoài, quốc gia và quốc tế,
để biến báo xoay trở bên trong xã hội chứ không chỉ trước truyền thông quốc tế.
Quốc tế vận chỉ là một phần – phụ thuộc – của vận động chính trị.
Một số không ít trong các lãnh
tụ chỉ nhanh nhẩu xuất hiện trước ống kính Tây phương, tưởng rằng đó sẽ huy động
được quần chúng. Lấy thành quả giả là có bị tổn thất trong đàn áp, họ gây tổn
thất thật cho quần chúng, và có khi lại dọn đường cho người khác sẽ mau chóng
thanh toán họ.