Từ sau buổi trả lời chất vấn trước Quốc Hội vào ngày 25/11, tên tuổi Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện tràn lan trên vô số các phương tiện truyền thông
đại chúng bằng tiếng Việt. Báo chí chính thống nhắc đến ông, đã đành. Các trang
web và blog phi chính thống, thường được mệnh danh là lề trái, cũng nhắc đến ông
với một mật độ dày đặc. Hầu như tất cả đều tập trung vào hai sự kiện chính: Ông
công khai tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như
toàn bộ hải phận Việt Nam, hơn nữa, còn công khai dùng chữ “dùng vũ lực đánh
chiếm” để chỉ sự hiện diện của Trung Quốc trên Hoàng Sa và một phần Trường Sa từ
năm 1974 về sau. Sự kiện thứ hai là việc ông đề nghị Quốc Hội bàn luận và thông
qua luật biểu tình.
Bình thường, hai sự kiện ấy đáng lẽ chỉ nhận được lời khen. Đó đều là những
việc cần làm và phải làm. Hơn nữa, cần làm và phải làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, từ
kinh nghiệm của người Việt Nam, những lời phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng đã gợi
lên rất nhiều hoài nghi và tranh cãi. Có hai lý do chính.
Thứ nhất, người ta thấy rõ đó là một trò chính trị (politics) chứ không phải
chính sách (policy). Thường, ranh giới giữa hai lãnh vực này khá mơ hồ và hay
trùng lấp lên nhau. Nhưng chúng vẫn là hai. Không hiếm lãnh tụ, để theo đuổi một
chính sách có lợi cho quốc gia trong dài hạn, đã chấp nhận thách thức dư luận và
đối đầu với mọi rủi ro, nghĩa là chấp nhận đi ngược lại các quyền lợi chính trị.
Ngược lại, cũng không hiếm lãnh tụ, tung ra hết chính sách này đến chính sách
khác, như bươm bướm, chỉ chứa toàn những sáo ngữ trống rỗng, chỉ cốt để mị dân
chứ không hề dẫn đến một hành động và một kết quả cụ thể nào cả. Trong trường
hợp đó, chính sách chỉ là một chiêu bài. Và chính trị là yếu tố chủ đạo. Nhưng
khi chính trị bị tách rời khỏi chính sách, nó chỉ còn là một trò xiếc.
Thứ hai, người ta không tin vì người ta đã bị lừa bịp quá nhiều. Người ta
nghe những lời hứa hẹn tốt đẹp quá nhiều. Chống tham nhũng. Giảm lạm phát. Phát
triển kinh tế. Điều tra những công ty thua lỗ và có dấu hiệu bất minh. Nâng cao
giáo dục. Mở rộng dân chủ. Toàn là những lời nói. Hiện thực: Không có gì thay
đổi cả. Khoảng cách giữa lời nói và việc làm xa nhau quá. Vời vợi.
Một ví dụ cụ thể và gần gũi nhất là chuyện liên quan đến Nguyễn Thanh Nghị,
con trai trưởng của Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Thanh Nghị mới 35 tuổi, ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, vừa được bổ
làm thứ trưởng Bộ xây dựng.
Ở đây, có hai điều cần được nói ngay: Một, việc bổ nhiệm một người còn trẻ
tuổi như vậy không có gì bất thường, nếu không muốn nói là điều đáng khuyến
khích. Hai, so với nhiều cán bộ lãnh đạo, Nguyễn Thanh Nghị dù sao cũng là người
có học thực sự: ông tốt nghiệp tiến sĩ về kỹ sư kết cấu ở đại học George
Washington, Mỹ chứ không phải từ một lớp chuyên tu ở Việt Nam hay mua một cái
bằng dỏm nào đó trên internet.
Tuy nhiên, bên cạnh hai điều đó, có hai điểm khác cũng cần được
nhấn mạnh. Thứ nhất, ông chưa hề có kinh nghiệm gì về quản lý chính quyền. Chức
vụ cao nhất của ông là phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí
Minh. Từ một trường đại học lên một bộ, sự khác biệt không phải chỉ ở quy mô mà
còn ở bản chất, giữa quản lý và lãnh đạo. Bản thân ông Nguyễn Thanh Nghị, lúc
mới được lọt vào danh sách ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương đảng, cũng
tuyên bố là chưa sẵn sàng chuyển công tác: “Tôi nghĩ làm chính trị không đơn giản. Trước mắt mình phải làm
tốt công việc hiện tại [...] tôi chưa có ý định chuyển công tác, chỉ muốn được
làm chuyên môn.”
Thứ hai, quan trọng hơn, con đường thăng quan tiến chức của ông được dệt đầy
huyền thoại. Nhớ, cũng trong thời gian ông mới được bầu vào ủy viên dự khuyết
Trung ương đảng, báo chí chính thống thường đăng tải những loạt bài nhằm đánh
bóng ông như một thanh niên đầy tinh thần tự lập. Chẳng hạn, trong lúc bố mẹ ông
ở Hà Nội, ông một mình ở Sài Gòn. Suốt thời gian học đại học, không có ai, kể cả
bạn học và thầy cô giáo, biết ông là con trai trưởng của Thủ tướng. Trong đời
sống hàng ngày, ông không khoe. Chỉ đến khi,
“một ngày nọ, thầy hiệu trưởng nhà trường bất ngờ nhận được điện
thoại của một đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí lãnh đạo Bộ
Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ban giám hiệu cho biết kết quả học tập, rèn luyện
của cậu sinh viên là con một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Lý do đơn
giản vì có lần, trong cuộc trò chuyện thân mật, đồng chí cán bộ cao cấp của
Chính phủ với tư cách một “phụ huynh” đã “ngỏ ý”: “Tôi bận công tác, mong nhà
trường giúp đỡ, theo dõi, quản lý “thật chặt”, sợ cháu hư hỏng”.
Lúc này, Ban giám hiệu mới giật mình, không biết cậu sinh viên ấy là ai?
Mấy năm liền, chưa thấy nói thông tin có con trai của một cán bộ cao cấp Chính
phủ học tập ở trường mình. Ban giám hiệu yêu cầu Bí thư Đoàn trường, người gần
gũi nhiều sinh viên nhất cung cấp thông tin, cô bí thư cũng chỉ biết lắc đầu.
Tra cứu toàn bộ hồ sơ sinh viên, người ta mới tìm ra Nguyễn Thanh Nghị, khi đó
đã là sinh viên năm thứ ba của nhà trường.
Nhưng cũng phải mất mấy ngày đối chiếu mới tìm ra Nghị, vì trong hồ sơ,
anh khai rất khiêm tốn, không hề nêu cụ thể chức vụ, đơn vị công tác của ba
mình. Một điều rất bất ngờ là toàn thể lớp học, thầy cô, bạn bè đều không biết
Nghị là con đồng chí cán bộ cấp cao nọ, nhưng ai cũng biết Nghị là một sinh viên
học tập giỏi, có đạo đức tốt, nhiệt tình với các phong trào tập thể.
Khi người ta “phát hiện” ra anh là con đồng chí cán bộ cấp cao thì cũng
là thời điểm anh vừa vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam – một vinh
dự mà anh đã phấn đấu, giành được bằng chính đôi chân của mình chứ không phải “dựa bóng” của ba.”
Đọc những câu chuyện như thế, người ta dễ nghĩ Nguyễn Thanh Nghị là một thanh
niên hoàn toàn tự lập, hay nói theo lời bài báo vừa dẫn, một kẻ muốn thành công
bằng “chính đôi chân của mình chứ không phải ‘dựa bóng’ của ba”.
Thế nhưng, hầu như cùng lúc, nhiều tin tức khác được tiết lộ cho thấy đằng
sau Nguyễn Thanh Nghị bao giờ cũng có “bàn tay” của Nguyễn Tấn Dũng. Có lúc,
ngay cả khi có bàn tay của Nguyễn Tấn Dũng thò vào, ông cũng thất bại. Lần thứ
nhất là vào tháng 10 năm 2010, trong cuộc bầu cử Thành ủy viên tại kỳ đại hội
đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 9, Nguyễn Thanh Nghị chỉ nhận được có 17
phiếu trên tổng cố 400 phiếu bầu, tức chỉ được có hơn 4% số phiếu. Dĩ nhiên ông
rớt. Bình thường, những người không phải ủy viên thành ủy hay tỉnh ủy không hy
vọng gì vào Trung ương đảng. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cố thu xếp, thông qua sự
đề cử đặc biệt của Bộ chính trị. Kết quả, Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ được 2/15
phiếu. Một trong hai phiếu bầu ấy chắc chắn là của Nguyễn Tấn Dũng. Thua ở cửa
địa phương và Bộ chính trị, Nguyễn Tấn Dũng đi vào một cánh cửa khác: Trung ương
đảng, nơi thế lực của ông rất mạnh. Lần này, Nguyễn Tấn Dũng thành công. Và
Nguyễn Thanh Nghị trở thành ủy viên dự khuyết, một bậc thang cần thiết để ông
trở thành thứ trưởng.
Tất cả những sự kiện trên, nhờ những tranh chấp ngấm ngầm trong nội bộ đảng
Cộng sản, đã được tiết lộ ra ngoài, đăng tải trên rất nhiều diễn đàn thuộc “lề
trái” ở trong nước.
Từ những tiết lộ ấy, người ta mới biết cái gọi là việc tiến thân bằng “chính
đôi chân của mình” của Nguyễn Thanh Nghị chỉ là một huyền thoại.
Một việc nhỏ mà đã thành huyền thoại như vậy, huống gì là việc lớn.
Người ta không tin ông Nguyễn Tấn Dũng nghĩ cũng phải.