"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 8. Dezember 2011

Gián điệp Trung Quốc trong tầm ngắm của tư pháp Pháp

Từ giữa 2010, nước Pháp đã cho mở 6 cuộc điều tra về các vụ đánh cắp thông tin kỹ nghệ hay trên mạng (DR)
Từ giữa 2010, nước Pháp đã cho mở 6 cuộc điều tra về các vụ đánh cắp thông tin kỹ nghệ hay trên mạng (DR)

Lê Phước, RFI
 
Trung Quốc bị nhiều nước nghi ngờ có nhiều gián điệp mạng : từ Đức, Pháp, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sỹ đến Úc … Tại Pháp, vấn đề này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Le Figaro hôm nay có bài phân tích với dòng tựa khá ấn tượng: «Gián điệp Trung Quốc trong tầm ngắm của tư pháp Pháp ».

Trong vòng 18 tháng qua, nước Pháp đã cho mở 6 cuộc điều tra về gián điệp mạng. Một chuyên gia cho biết, đường dây thường đến tận Trung Quốc. Vụ việc mới nhất liên quan đến một công ty ở vùng Lorraine được mua lại bởi tập đoàn General Electric của Mỹ. Hai người mới bị bắt hôm qua vì bị nghi ngờ có liên hệ với hai công nhân Trung Quốc đến từ một chi nhánh ở Quảng Đông. 

Hai công nhân này bị bắt vào ngày 26/9/2011 và bị thẩm vấn về tội: «thu thập thông tin để cung cấp cho nước ngoài». Sự việc là vào ngày 25/9/2011, một trong hai người đã bị bắt quả tang khi đang lén chụp ảnh ở khu vực cấm. Khi bị phát hiện anh ta vội vàng giấu máy ảnh đi. Lập tức anh bị tịch thu điện thoại di động, máy vi tính, máy ảnh và máy ghi hình. Cả hai bị tước passeport.

Theo ngành công tố, đây không phải là hai công nhân đơn giản, họ là hai công nhân thực tập, có trình độ cao. Có thể họ đã lãnh nhiệm vụ tiếp cận công nghệ cao của Pháp chứ không phải đơn thuần đến Pháp để được đào tạo về những kỹ thuật cổ điển mà Trung Quốc đã áp dụng rồi. Hai vụ tương tự khác xảy ra ở Pháp hồi năm 2005 và 2006 cũng với chiêu bài « người thực tập ». Theo Le Figaro, mánh khoé này tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn đắc dụng.

Một hình thức gián điệp khác tinh vi hơn mà Trung Quốc áp dụng đó là gián điệp mạng. Một cuộc điều ra đang được thực hiện liên quan đến việc tấn công tin học nhắm tới 5 đại tập đoàn trong đó đứng đầu là tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng SAFRAN của Pháp.

Năm 2009 và 2010, đã có hai vụ tấn công tin học được phát hiện ở tập đoàn này. Điều tra đã tìm đến cội nguồn vụ việc, đó là một sinh viên 22 tuổi người Trung Quốc học tại khoa Luật thuộc Đại học Paris V. Nữ sinh này bị bắt vào tháng 10 năm 2010 và khai nhận là do một người bạn nhờ cậy. Điều đáng chú ý là người bạn kia lại là một quan chức lãnh đạo của một cơ sở hàng không vũ trụ tại Thành Đô-Tứ Xuyên.

Theo các chuyên gia phản gián Pháp, các công ty đã báo động về hiện tượng sinh viên thực tập « bị chệch hướng nghề nghiệp ». Trong quyển sách mang tên « Mật vụ Trung Quốc thời hiện đại », tác giả Roger Faligot nhấn mạnh rằng, các nước đều tìm cách tiếp cận những người theo kiểu nêu trên khi họ về nước, hoặc thậm chí khi họ còn ở nước ngoài. Trung Quốc có nhiều người như vậy và có nhiều phương tiện để bức ép.

Công việc thu thập thông tin được thực hiện bởi nhiều đối tượng : giảng viên, sinh viên, doanh nhân hay nhà báo . Năm 2009, Wikileaks đã tiết lộ tài liệu cho biết : « Nhiều sinh viên và doanh nhân Trung Quốc có quan hệ với các cơ quan mật thám trong nước ».
Đối với các nhân viên điều tra Pháp, họ cho biết việc điều tra gián điệp Trung Quốc còn vấp phải một số khó khăn bởi : « Các biện pháp mà Trung Quốc sử dụng tinh tế và phức tạp hơn so với Liên Xô trước đây ».

Hồ Cẩm Đào kêu gọi tăng cường hiện đại hóa hải quân 

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Libération có bài : « Hồ Cẩm Đào muốn tăng cường sức mạnh hải quân Trung Quốc ». Hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi hải quân nước này « tăng cường hiện đại hóa và các biện pháp chuẩn bị tác chiến ». Tờ báo cho biết, trước Ban quân ủy trung ương do ông làm chủ tịch, ông đã dùng những lời lẽ « chọn lọc » để ra lệnh nhưng lại không nêu đích danh một nước nào. 

Thế nhưng, theo tờ báo, nước mà ông muốn nhắm đến chính là Hoa Kỳ. Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 11 rồi, tổng thống Barack Obama đã tận dụng chuyến công du Châu Á để tuyên bố tái triển khai quân đội tại Úc, một tuyên bố làm phật lòng Bắc Kinh.

Đã là cường quốc kinh tế và chính trị, Trung Quốc đang muốn trở thành cường quốc quân sự. Vì thế, nước này không ngừng hiện đại hóa quân đội. Libération nhận định : chiến lược này của Trung Quốc có nguy cơ làm mất thế căn bằng trong khu vực và gây căng thẳng với các nước làng giềng.

Miến Điện : Mỹ ngập ngừng giữa dân chủ và lợi ích kinh tế

Liên quan đến quan hệ Mỹ-Miến Điện, Libération đăng bài phân tích của ông Jean Hourcade, cựu cố vấn hợp tác tại Miến Điện. Mở đầu bài viết, tác giả ví von : ngành ngoại giao Mỹ vừa cấp « giấy chứng nhận tôn trọng dân chủ» cho tân chính phủ Miến Điện.
Tác giả muốn đề cập đến chuyến thăm vừa qua của ngoại trưởng Hillary Clinton tới Rangoon và thủ đô Naypyidaw để gặp người đứng đầu chính phủ và gặp cả thủ lĩnh phe đối lập bà Aung San Suu Kyi. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ kêu gọi chính phủ Miến Điện tiếp tục cải tổ, tuy nhiên chưa đề cập đến việc tháo bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Châu Âu được thiết lập từ 20 năm nay.

Tác giả nhắc lại, động thái « ngoại giao mạnh » của Mỹ ở Miến Điện đã có từ mấy năm nay. Điển hình là năm 2009, một thứ trưởng ngoại giao của Mỹ đã đến nước này và kêu gọi tiến hành xem xét hủy bỏ lệnh trừng phạt của những năm 1990. Cũng giống như Trung Quốc, Mỹ đã cũ đến Miến Điện lực lượng ngoại giao hùng hậu : trụ sở đại sứ quán cạnh nhà bà San Suu Kyi với một « đội quân ngoại giao » và có cả những tùy viên quân sự thuộc ba binh chủng, trong khi đó các nước Châu Âu chỉ duy trì các hợp tác văn hóa, y tế và nhân đạo.

Nguyên nhân là bởi vì Miến Điện vốn là một quốc gia rất tiềm năng : có nhiều dầu hỏa, khí đốt, đá quí, vàng, nông nghiệp, rừng. Đúng là « một thiên đường tiềm ẩn ». Bên cạnh đó, nên nhớ rằng, hồi thời đế quốc Anh, Miến Điện là dựa lúa của vùng Đông nam Á. Theo tác giả, trong thời kỳ khủng hoảng này, Miến Điện có vẻ là một miền đất hứa. Người Mỹ đã hành động, và sau khi chấm dứt lệnh trừng phạt, sẽ ồ ạt kéo đến nhiều hơn.

Giải thích cho việc cải tổ của tân chính phủ Miến Điện, tác giả đặc biệt nhấn mạnh hai nguyên nhân chính : nước này muốn cải thiện hình ảnh để được chấp nhận giữ ghế chủ tịch Asean vào năm 2014 ; nước này muốn thoát dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc bởi Trung Quốc gần đây đã khai thác lợi ích trê lãnh thổ Miến Điện một cách quá mức và gây mất lòng người dân địa phương.

Chính phủ Syria muốn « câu giờ »?

« Bị dồn vào chân tường, Damas toan tính câu giờ», đó là tựa đề bài nhận định đăng trên tờ nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité ». Sau nhiều lần làm ngơ trước tối hậu thư của Liên Đoàn Ả Rập, cuối cùng chính quyền Assad cũng đã đồng ý ký thỏa thuận cho phép các quan sát viên của tổ chức này đến thị sát lãnh thổ Syria.

Thế nhưng, thỏa thuận kèm theo một số điều kiện, trong đó đáng chú ý là phía Damas yêu cầu Liên Đoàn làm rõ hơn vai trò của các quan sát viên. Đồng thời Damas cũng nhắc lại điều số 8 của Hiến chương thành lập Liên Đoàn là : « cấm can thiệp để thay đổi chế độ của một nước thành viên ».

Tờ báo đánh giá, việc nhắc lại điều số 8 là muốn ám chỉ những nước « hăng say muốn lật đổ chế độ Damas », như Qatar hay Ả Rập Xê Út. Còn đối với thỏa thuận nói trên, tờ báo cho rằng, Damas muốn tranh thủ thời gian để làm giảm bớt áp lực ngoại giao.
Cũng giống như Liban phản đối lệnh trừng phạt đối với Syria, Irak không mặn mà với việc thay đổi chế độ Assad. Tổng thống Irak Jalal Talabani lo ngại rằng những người cực đoan sẽ thay thế chính phủ hiện tại và chống lại chế độ dân chủ ở Irak, một điều trái ngược với tinh thần của Mùa xuân Ả Rập. Ông cũng tuyên bố phản đối mọi sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Syria.

Trong bối cảnh đó, tình hình bạo lực tại Syria ngày càng nghiêm trọng. Tờ báo cho biết đến hiện tại đã có hơn 4 000 người chết. Từ đó, tờ báo muốn nêu nghi vấn : liệu Damas có thật lòng chăng khi mà tình trạng đàn áp vẫn tiếp diễn.

Nhật Bản : Sữa Meiji bị nhiễm độc

Cuối cùng, trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhật báo Les échos có bài cho biết, đại gia sản xuất sữa, tập đoàn Meiji của Nhật Bản đã phát hiện có nhiều sửa bị nhiễm kim loại nặng. Tập đoàn Meiji vừa thông báo đã phát hiện trong số 7 hộp sữa dành cho trẻ em hơn chín tháng tuổi, có một phần bị nhiễm kim loại nặng cesium ở nồng độ 30,8 becquerels/kilo.

Dù còn khá thấp so với chuẩn qui định là 200 bq/kg, nhưng tập đoàn cũng dự tính thu hồi 400 000 hộp sữa có nghi vấn. Lãnh đạo tập đoàn cho biết muốn tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc bởi sữa bị phát hiện nhiễm cesium lại ở tận Hokkaido, cách xa khu vực nhà máy hạt nhân Fukushima.

Ngay sau thông báo, các nhà đầu tư đã tranh nhau bán hàng loạt cổ phiếu của Meiji khiến cổ phiếu của tập đoàn này bị giảm đi nghiêm trọng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2009.