Lê Diễn Đức
Ông Nguyễn Tấn Dũng tại Quốc Hội khoá 13, kỳ họp 2, tháng 11/2011 - Ảnh: OnTheNet
Giáo sư Ba Lan Josef Bochenski, nhà triết học, Xô Viết học
(Sovietologist), sử học và tư tưởng hiện đại, người sáng lập Viện Đông
Âu và tạp chí “Nghiên cứu tư tưởng ở Liên Xô”, đã viết rằng:
“Những người Cộng sản – chính họ cũng thừa nhận rằng, bất kỳ
loại nói dối nào đối với họ cũng đạo đức nếu như nó phục vụ cho lợi ích
của đảng. Vì thế họ sử dụng một số lượng chưa từng có sự dối trá và hết
sức cố gắng để che giấu, hoặc làm sai lệch các điều kiện thực tế trong
nước mà họ cai trị”. [1]
Sớm nhận ra đạo đức giả của những người cộng sản, nhà văn Ba Lan L. Tyrmand (1920-1985) gọi họ là “bọn côn đồ, kẻ cướp cộng sản” và nói:
“Sự dối trá trâng tráo mà những người cộng sản làm
ngập đầy thế giới của họ và lây nhiễm thế giới của chúng ta, đã hủy
hoại mọi chuẩn mực bình thường. Không ai trong những người sẵn sàng đấu
tranh cho phẩm giá và không muốn phản bội lương tâm của chính mình, lại
có thể đồng ý với việc gọi đêm là ngày, gọi sự u tối là văn hóa, gọi tội
phạm là đoan chính, gọi nô lệ là tự do - bằng các nghị định của nhà cầm
quyền cộng sản”. [2]
Sau khi hệ thống cộng sản (CS) sụp đổ vào những năm 1989-1991 tại
Đông Âu và Liên Xô, kho tàng tư liệu bạch hoá đã chứng minh không thể
chối cãi rằng, các chế độ CS đã áp đặt một bộ máy tuyên truyền phổ cập
dối trá với truyền thống vu khống, bịa đặt trên vô số sự kiện lịch sử.
Ở Ba Lan, ví dụ, vụ thảm sát tại rừng Katyn bị dối trá gần nửa thế
kỷ, suốt thời gian chế độ cộng sản trị vì. Stalin và Bộ Chính trị Liên
Xô đã trực tiếp ra lệnh bắn bỏ và chôn tập thể hơn 22 ngàn sĩ quan ưu tú
của quân đội quốc gia Ba Lan trong năm 1940 ở khu rừng này. Tội ác được
xem là chống nhân loại của Stalin (được nhà nước Nga hiện nay thừa
nhận) đã bị chế độ CS đánh tráo cho phát xít Hitler và đưa vào chương
trình giáo dục học sinh từ nhỏ.
Khi Stalin chết, ngày 5/3/1953, nhà nước CS Ba Lan đã từng hết lời
ngợi ca “Stalin vĩ đại là lãnh tụ, người thầy, người cha, người bạn tốt
nhất, niềm hy vọng của nhân dân toàn thế giới…”. [3]
Nền móng của các chế độ CS, độc tài là bạo lực và dối trá, nhưng sức mạnh của nó còn dựa trên sự yếu đuối, nhẹ dạ, cả tin của dân chúng.
Rất nhiều bài học lịch sử còn nguyên vẹn, nhưng có vẻ chưa đủ
thuyết phục nhiều người. Dường như bị nhốt hàng chục năm trong cái văn
hoá sợ hãi và nô lệ, ý chí phản kháng bị tiêu huỷ dần đã đành, nhiều
người Việt đã bị chế độ CS thuần hoá, thôi miên hoá, khiến họ hồn nhiên,
ngây ngô vui mừng khi vị lãnh đạo nào đó đưa ra lời hứa hẹn hay tuyên
bố hoa mỹ. Con vật bị nhốt trong cũi mỗi khi chủ nuôi tới ve vuốt hay
chìa ra miếng mồi cũng có động tác tương tự!
Vào mùa hè năm nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc lên
tiếng kích động ầm ĩ, đe đoạ “tát cho Việt Nam vỡ mặt”, cộng đồng mạng
người Việt dự báo về một sự bùng nổ chiến tranh Việt-Trung mới.
Trong bối cảnh ấy, tối 8/6 tại Nha Trang, trong lễ mít tinh nhân
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
tuyên bố “thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất trong việc bảo vệ chủ
quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng
biển, hải đảo của Tổ quốc”.
Cùng thời gian, báo chí đưa tin Việt Nam tiếp tục trang bị vũ khí
hiện đại, mua tàu ngầm, máy bay, tên lửa của Nga và tập trận bắn đạt
thật.
Lúc bây giờ, trong các comments tranh luận trên Facebook tôi vẫn
khắng định chắc chắn không có chuyện gì xảy ra, tất cả chỉ là màn trình
diễn ồn ào, che giấu sự đã rồi! Ván đã đóng thuyền! Cô gái tội nghiệp đã
bị bọn ma cô bán đứt cho nhà thổ!
Trung Nam Hải hiện đang nắm trong tay gần 300 ngàn hécta rừng đầu
nguồn của Việt Nam theo cái gọi là thuê (như cho không) 50 năm; đang
thực hiện hơn 90% tổng thầu EPC các đề án đầu tư kinh tế quan trọng
nhất, buộc Việt Nam lệ thuộc dài dài vào công nghệ lạc hậu và phụ tùng
thay thế trong vài thập niên tới; đang có trong tay một thị trường tiêu
thụ dễ dãi đủ chủng loại hàng hoá phẩm chất kém, độc hại, ăn cắp bản
quyền với gần 20 tỷ USD (năm 2011), chưa kể hàng lậu, bỏ xa Nhật Bản
(2,2 tỷ USD), Hàn Quốc (1 tỷ USD); Đức (826 triệu USD), Hoa Kỳ (640
triệu USD); có hàng vạn công nhân Trung Quốc tự do lao động từ Bắc tới
Nam, “đóng góp” đáng kể vào việc gây rối trật tự xã hội; có đảo Hoàng
Sa, một phần Trường Sa, và hơn hết, mọi tiếng phản đối của người yêu
nước liên quan đến quần đảo này đều bị nhà chức trách Việt Nam dập tắt
bằng bạo lực, nhiều khi bị nạn chỉ vì đội chiếc nón lá có viết dòng chữ
“HS-TS-VN” hay mặc áo T-shirt có logo “NO U”… [4]
Với những dữ kiện trên đây, một người ngớ ngẩn nhất cũng có thể
chia sẻ lập luận của tôi rằng, Trung Quốc có đại ngu mới mở chiến tranh
với Việt Nam. Vào lúc này chỉ cần điểm huyệt nhẹ là Bắc Kinh đã có thể
làm tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) xanh mặt, run cầm
cập rồi!
Nhận định trên được chứng minh rõ rệt chỉ ít hôm sau khi ông Dũng
chém bão ở Nha Trang qua chuyến đi Trung Quốc của tướng Nguyễn Chí Vịnh,
ngày 28/8. Bất chấp lòng tự tôn dân tộc tối thiểu, ông Vịnh công bố “Trung Quốc cam kết không xâm lấn đất biển của Việt Nam”, và hứa với Bắc Kinh sẽ “định hướng dư luận”, “xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam”…
Thử hỏi “cam kết” của Trung Quốc” là cái thứ gì? Ai đã
dùng vũ lực tấn công xâm chiếm Hoàng Sa từ năm 1974 và một phần Trường
Sa sau này? Ai đã lấn đất biên giới, chiếm Ải Nam Quan, thác Bản Giốc?
Ai ngang ngược định ra đường lưỡi bò vơ hết chủ quyền trên Biển Đông về
mình? Ai đã cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam và bắt giữ ngư dân Việt
liên tiếp trên lãnh hải Việt Nam?, v.v…
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh mỉa mai rằng, ông Nguyễn Chí Vịnh đã nói hộ Trung Quốc “không
lấy đất, lấy biển của Việt Nam để lừa bịp nhân dân Việt Nam và dư luận
thế giới, trong khi câu nói trên của Trung Quốc ngụ ý là: “4/5 Nam hải
(biển Đông) và các đảo trong đó đều là của Trung Quốc rồi, có chăng
Trung Quốc chỉ “thu hồi” chứ không có lấy gì của Việt Nam đâu”. [5]
Tiếp theo, ngày 5/9/2011, Sứ thần Đới Bình Quốc qua “thị sát” đất
Việt. Hai bộ veston cùng kiểu vải và may cắt, hai chiếc cà-vạt màu hồng
phù phiếm giống hệt nhau của Đới Bình Quốc và Nguyễn Tấn Dũng trong buổi
tiếp đón long trọng tại Hà Nội đã làm nóng không gian điện tử với những
phê phán, chỉ trích gay gắt và tiếng cười châm biếm.
Những lời nói “hữu nghị thắm thiết”, “giải quyết khác biệt trên
tinh thần đồng chí anh em” , v.v… giữa Sứ thần và ông Nguyễn Tấn Dũng
chưa kịp tan âm hưởng trên vùng trời Ba Đình thì ngày 10/9, tàu đa chức
năng Hoa Ngư-01 trọng tải 1.000 tấn, cùng 500 tàu đánh cá khác của Sứ
thần thắng tiến tới quần đảo Trường Sa, xua đuổi ngư dân Việt Nam, để
bước vào “giai đoạn mới”!
Cho nên, hôm thứ Sáu ngày 25/11 tại Quốc Hội ông Nguyễn Tấn Dũng
kêu gọi ra luật biểu tình và tuyên bố mạnh mẽ về chủ quyền của Hoàng Sa,
Trường Sa, làm không ít người hân hoan, hy vọng, nhưng tôi đã thầm
nghĩ, bị lừa đảo cả mấy chục năm rồi mà sao còn lắm người ngu lâu đến
thế!
Nếu không bị lúng túng ứng phó trước 11 cuộc biểu tình yêu nước
không tiền lệ mùa hè vừa qua và đòi hỏi bức thiết của xã hội, thì ông
Dũng đã không chỉ thị cho Bộ Công an soạn thảo dự luật biểu tình hồi
cuối tháng 10.
Đã có quyền hạn đến mức ra chỉ thị và chỉ thị này cũng phù hợp với
điều 87 của hiến pháp cho phép nhiều chủ thể có quyền soạn thảo dự luật,
thì cứ thế mà làm theo tiến trình. Nhưng quy trình lập pháp kiểu gì mà
khi chưa có dự luật, ông nghị Hoàng Hữu Phước đã ăn nói lung tung tại
nghị trường, làm dư luận nổi giận, cả lề trái lẫn lề phải, đến mức có
người cho thêm vào đại từ điển Việt một tính từ mới cho từ "ngu" khi gọi
ông Phước là “ngu rực rỡ” (trang blog Anh Ba Sàm). Để rồi vài ngày sau
ông Thủ tướng lại lên giọng kêu gọi ủng hộ quốc hội ra luật biểu tình?
Có cái gì rất không ổn! Màn PR dưới cả mức tồi tệ!
Sang chuyện chủ quyền Hoàng -Trường Sa. Ai đó đánh giá lần đầu tiên
một trong những lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng, tuyên
bố công khai, phải được xem là quan trọng, có lẽ đã quên rằng, trong
gần một thập niên gần đây ai là người xông xáo, giương đông kích tây
nhất đưa đất nước vào tình trạng hiện nay và sau lời tuyên bố ấy cái gì
sẽ diễn ra?
Xét về thực chất thì lời tuyên bố cũng ông Dũng chẳng qua chỉ nhắc
lại điều rất nhiều người đã biết, đã nói, đã chứng minh. Chỉ khác là ông
Dũng đứng ở vị trí cao. Tôi đồ rằng, ông ta đã khôn ngoan muốn lấy
điểm, chọn nói đúng vào lúc dư luận xã hội đang rất bất mãn, bất an về
chủ quyền của đất nước và tình hình kinh tế trên đà trượt dốc, từ lạm
phát tới nợ công và uy tín tín dụng, đầu tư quốc tế.
Có vẻ bán tín, bán nghi, nhà báo Huy Đức làm phép thử trên trang Facebook hôm 27/11: “Sáng
nay biểu tình ở Hà Nội mà không bị bắt thì chúng ta có thể tin, thứ Sáu
tuần qua, những gì mà Thủ tướng nói ở Quốc hội là thật lòng!”.
Kết quả cho thấy Thủ tướng không thật lòng tý nào! Tất cả những
người tập hợp ôn hoà ủng hộ Thủ tướng đều bị trấn áp, giam giữ , thẩm
vấn tại đồn công an hoặc trại phục hồi nhân phẩm. Ngay cả những người có
chút liên quan tới những cuộc biểu tình trước đây, hôm đó đi dạo bình
thường, không nhập chung với ai, không cầm khẩu hiệu, không hô hoán gì,
thậm chí đi mua sách ngẫu nhiên ở gần Bờ Hồ (như nhà báo Đoan Trang),
cũng bị bắt giữ.
Cùng ngày, một số người ở Sài Gòn cũng chung số phận bi kịch tương
tự. Riêng chị Bùi Thị Minh Hằng, nghe tin anh chị em bị bắt, liền đến
đồn công an Bến Nghé hỏi cho ra lẽ thì bị giữ mất hút luôn cho đến nay!
Gia đình, công luận không hề biết gì về tình trạng pháp lý hay sức khoẻ
của chị. Giống y hệt với trường hợp các bloggers Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
và Tạ Phong Tần.
Rồi chiều ngày 29/11 tại cafe Ami Art trong khu du lịch Văn Thánh,
Sài Gòn, các ông André Menras Hồ Cương Quyết, Lê Hiếu Đằng,.. với sự
tham dự của David Cyranoski, biên tập viên chính của tạp chí Nature, tổ
chức chiếu phim “Hoàng Sa-Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, đã bị đình chỉ. Trong khi đó, bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường về Thăng Long”
từng gây sốc dư luận vào dịp Lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội năm 2010 vì
sự Hán hoá đến mức không thể chấp nhận, thì lại đang cho chiếu. Trơ tráo
và lưu manh hơn khi ông Hồ Cương Quyết đi tìm hiểu xem ai đã chỉ đạo
việc này thì không người nào (dám) nhận trách nhiệm!
Khi dối trá là bản chất của hệ thống, thì nghe và tin các vị lãnh
đạo cộng sản nói sẽ nhầm to, nhầm đau đớn, và rồi sẽ ân hận vì vô tình
đã a dua với tội lỗi và cái ác.
Ông Nguyễn Tấn Dũng từ lâu đã được liệt vào hạng đối trá thượng
thặng với câu trả lời trong buổi đối thoại trực tuyến ngày 09/02/2007: “Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”. Trước đó, trong lễ nhậm chức Thủ Tướng năm 2006 ông Dũng cũng nổi tiếng với câu: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. [6]
Từ đó đến nay, ngài Thủ tướng không những không chống được tham
nhũng mà quốc nạn này còn phát triển hơn, tinh vi, nghiêm trọng hơn. Tờ
Tuổi Trẻ cho hay báo cáo của Thanh tra chính phủ 2011 cho thấy nhiều năm
nay “tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi”. [7]
Nhưng ông Dũng không những bình chân tại vị tiếp một nhiệm kỳ, mà
còn đưa con trai Nguyễn Thanh Nghị vào Ban chấp hành Trung ương Đảng,
rồi nhấc con đặt nhẹ nhàng vào ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng, một trong vài
bộ thực hiện các công trình đầu tư công lớn nhất, trải thảm cho nấc
thang tham vọng chính trị và mở rộng cơ hội cho trương mục của gia tộc
ngày một khủng hơn!
Trong cuộc gặp mặt tuần rồi với một số cựu quân nhân của Việt Nam
Cộng Hoà, biết gốc gác tôi là dân Bắc, con nhà cộng sản và có mối liên
hệ gần gũi với trong nước, mọi người đề nghị tôi đánh giá tuyên bố của
Nguyễn Tấn Dũng hôm 25/11. Tôi cười ngất nói rằng, các ông bà rất hay
nói tới một câu bất hủ của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về những người
cộng sản, vậy tôi trả lời bằng cách cụ thể hoá nó: “Đừng tin những gì
Dũng nói, hãy nhìn những gì Dũng làm!”.
Mọi người cười ồ lên, như là kết thúc xem một vở hài rất hài, hài
vãi, với Nguyễn Tấn Dũng, trong cả hai vai đạo diễn và diễn viên!
© 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog