Trên mạng gần đây rộ lên câu chuyện thương lái Trung Quốc đi khắp
các vùng nông thôn của ViệtNam mua đỉa trâu với giá trên trời, lên tới
trên một triệu đồng (khoảng 50 USD) một kilogram. Rồi đột ngột các “lái
đỉa” vụt biến, nông dân ViệtNamđành thả đỉa trở về với thiên nhiên… Và
rồi đỉa lan tràn như một nạn đại dịch ở khắp nơi (xin xem một số bài báo
đính kèm bài viết này).
Một chuyện chưa thấy được viết trên mạng: Nhân dịp đi dạy ở Trường
Đại học Bạc Liêu, tôi đã về nông thôn và được nghe nông dân Bạc Liêu kể
chuyện thương lái Trung Quốc “ký” các hợp đồng “miệng” mua rắn, rồi cũng
biến mất, nông dân đành phải thả rắn lang thang khắp làng khắp xóm,
chui cả vào giường vào mùng (màn) của bà con mình. Ai mà biết hết được,
những chuyện gì đã và sẽ diễn ra sau đó?
Câu chuyện các “đồng chí cộng sản” … “bốn tốt” người … “nước lạ” mua
những đồ lạ được nghe trong các làng xóm và loan tải trên các phương
tiện truyền thông là điều không có gì mới, còn kể được dài dài. Từ khi
hai đảng cộng sản “anh em” phục hồi quan hệ “đồng chí Mác-Lênin”, rồi
hai “láng giềng tốt” mở biên giới giao thương, thì các “đồng chí cộng
sản bốn tốt” đã liên tục mua những thứ “rất lạ” kiểu như vậy, mà ngôn
ngữ dân gian Việt Nam hiện nay đang gọi tên bằng một thứ ngôn từ cũng
“rất lạ”, … là “mua đểu”. Họ đã “mua đểu” đủ thứ: mua ốc bươu vàng, với
một đơn hàng kếch xù, rồi đột nhiên biến mất, để mặc ốc bươu vàng lan
tràn phá ruộng lúa Việt nam; mua các thứ rễ cây quý trong rừng để nông
dân Việt Nam triệt phá rừng; Trung Cộng còn săn lùng thu mua mèo rồi bán
thuốc kích dục cho chuột dưới cái mác là “thuốc diệt chuột” để thực
hiện chương trình phát triển “dân số chuột” của họ trên đất Việt Nam, …
Dân đồn đoán rằng, có lẽ họ phấn đấu để có tới … “một tỉ ba con chuột
Trung Cộng” tràn ngập trên đồng ruộng Việt Nam không chừng; … vân vân và
vân vân.
Một lần viết bài trên trang Bauxite Việt Nam, tôi đã viện dẫn sự kiện
mà một vị giáo sư của Viện Khoa học Thủy Lợi đã nêu trong nhiều hội
thảo gần đây. Đó là việc Trung Cộng lợi dụng các chương trình “giúp đỡ”
Việt nam về thủy lợi đã xây tới 120 cái đập chắn chéo một con sông biên
giới, tạo ra những dòng xoáy để ăn cắp đất Việt Nam bồi về phía bờ Trung
Cộng. Đất bồi đến đâu, Trung Cộng cho xây nhà cao tầng và chuyển dân
đến đó. Đấy là chuyện tôi viết đã hơn một năm nay. Bây giờ thì lại thêm
chuyện mới: Nhà nước ViệtNam đã nhận ra bản chất bỉ ổi của đồng chí cộng
sản Trung Hoa, đã cho xây kè giữ đất bờ sông phía ViệtNam. Việc làm này
làm cho bọn kẻ cắp Trung Cộng tức tối. Một vị giám đốc công ty nhận thầu
xây kè phía bờ sông Việt Nam cho biết, bọn cộng sản Đại Hán đã cho tay
chân đóng vai côn đồ trà trộn gây rối, làm những trò rất trắng trợn và
thô bỉ (khó viết ra đây, vì nó quá ư vô văn hóa) nhằm cản trở và phá
hoại công việc trên công trường, hòng làm nản chí những nhà thầu đang
dốc mọi cố gắng vượt hiểm nguy vì bảo vệ đất đai của Tổ Quốc. Trước các
sự kiện này, tôi chợt nảy ra sáng kiến, giá mà chúng ta huy động các anh
chị côn đồ chuyên hành hung bọn dân chúng “khiếu kiện đông người” và
đánh đập đám trí thức … mắc mưu … “thế lực thù địch” … biểu tình “gây
rối” sự xâm lược của Trung Cộng … từ các thành phố lớn đến các công
trường này để trấn áp các đồng chí côn đồ Trung Cộng đang phá hoại các
công trường xây kè bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam thì hay biết mấy! Đám dân đen
“khiếu kiện đông người” này cùng với bọn trí thức biểu tình chống Trung
Cộng nhỏ nhoi kia đáng là gì so với các “đồng chí cộng sản đàn anh vĩ
đại” đang dùng đủ mọi mánh khóe du côn đê tiện gặm nhấm từng gang từng
tấc đất đã thấm đẫm xương máu của các thế hệ cha ông?
Nghe những sự kiện này, chúng ta nhớ lại nhiều bài học lịch sử từ thế
giới thời cổ đại. Người ta đã biết sử dụng các sinh vật gây độc hại cho
đối phương, gọi đó là những cuộc “chiến tranh sinh học”. Khoảng thế kỷ
thứ 6 trước Công Nguyên, người ta đã biết dùng các loại nấm có chất gây
ảo giác để đầu độc kẻ địch. Sử sách còn ghi, năm 184 trước CN, người ta
sử dụng các lọ có rắn độc ném vào thuyền của đối phương1, vân vân và vân vân.
Từ giữa thập niên 1970 các nhà nghiên cứu và các chiến lược gia trên
thế giới đã gọi tên các sự kiện nêu trên đây bằng một khái niệm rất mới:
“An ninh Môi trường” (Environmental Security). Hơn nữa an ninh môi
trường đã trở nên một nội dung quan trọng trong những nội dung mang tầm
chiến lược về an ninh quốc gia2, 3.
Hoa Kỳ là quốc gia có những hành động sớm nhất về an ninh môi trường.
Các tổng thống Reagan và Bush (cha) đều đã dành những mối quan tâm lớn
về an ninh môi trường. Chúng ta có thể liệt kê một loạt sự kiện:
- Từ đầu thập niên 1980, Mỹ đã giao nhiệm vụ về an
ninh môi trường cho quân đội. Năm 1993, Tổng thống Clinton cùng với Phó
Tổng thống Gore và Quốc vụ khanh Perry đã cho lập Cục An ninh Môi trường
trong Bộ Quốc Phòng Mỹ (Environmental Security Agency). Tiếp đó là Nga,
Trung Cộng đều là những quốc gia đã có mối quan tâm rất thiết thực đến
các hoạt động về an ninh môi trường.
- Vào năm 1989, Quốc vụ khanh Quốc phòng Cheney cũng đã ra tuyên bố: “Tôi
mong muốn Bộ Quốc phòng sẽ là người dẫn đầu liên bang về vấn đề môi
trường “…. “Tôi mong muốn mỗi vị chỉ huy quân sự sẽ là một chuẩn mực về
môi trường.”
- Từ năm 1991, Tổng thống Bush (cha): đã nêu quan điểm: “An ninh sinh thái là bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia.”
- Năm 1994, Tổng thống Bill Clinton nói: “An ninh môi trường là một bộ phận của chiến lược chung về an ninh quốc gia, là một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.”
- Trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng chuyên về an ninh môi trường trình Quốc Hội Mỹ vào năm 1995 mang tên “An
Annual Report from the DOD to the President and the Congress of the
U.S. on Environmental Security” do Quốc vụ khanh Quốc phòng William J. Perry chuẩn bị, đã nhấn mạnh: “Những
sự cố môi trường đã làm cho Chính phủ mất hết khả năng chính trị, kinh
tế và quân sự, làm cho vùng đó rơi vào trạng thái vô Chính phủ.”
- Năm 1996, Ngoại trưởng Mỹ Christopher cho rằng: “Vấn
đề môi trường có ảnh hưởng lâu dài đối với lợi ích quốc gia của chúng
ta theo hai hướng: (1) Thứ nhất, sức mạnh môi trường vượt qua mọi biên
giới và đại dương đe doạ trực tiếp sức khoẻ, sự thịnh vượng và việc làm
của dân chúng Mỹ; (2) Thứ hai, giải quyết các vấn đề về tài nguyên thiên
nhiên là việc làm hết sức quan trọng để đạt tới ổn định chính trị, kinh
tế, đồng thời để theo đuổi mục tiêu chiến tranh.”
Đến năm 1992, tại một hội nghị ở Lyon (Pháp), Tổ chức Cảnh sát quốc
tế (Interpol) cũng đã chính thức ghi nhận chức năng bảo vệ an ninh môi
trường là một mối quan tâm của Interpol.
Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã tuyên bố: “Nguồn gốc của sự bất ổn định về kinh tế, xã hội, nhân văn và sinh thái đã trở thành mối đe doạ đối với hoà bình và ổn định.”
Từ những quan niệm hiện đại về an ninh quốc gia được viện dẫn trên
đây, và từ những sự kiện “mua đểu” muôn hình ngàn vẻ mà thương lái Trung
Cộng đang hoành hành trên khắp hang cùng ngõ hẻm Việt Nam hiện nay,
chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ, không hề phóng đại, để khẳng định rằng
Trung Cộng đang phát động một cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, triệt
để với tính chất như những cuộc chiến tranh sinh học đã được biết đến
trong lịch sử nhân loại, đang hàng ngày hàng giờ dùng chính bàn tay
người Việt Nam để tàn phá môi trường sống, hủy diệt cuộc sống thường
nhật của chính dân tộc mình. Có thể nói, đó là một cuộc chiến có quy mô
rộng khắp trên toàn cõi Việt Nam. Hơn nữa là một cuộc chiến bẩn thỉu
nhất, đê tiện nhất, chưa có một đế quốc nào đủ dã tâm thực hiện trên đất
Việt Nam.
Thật ra, vấn đề an ninh môi trường đã được bàn đến từ lâu ở Việt Nam.
Chúng ta có thể dễ dàng tìm được trên mạng một số bài viết của thạc sỹ
Nguyễn Thị Nghĩa (Bộ Công An) về an ninh môi trường từ đầu thập niên
2000. Trong một cuốn sách về xã hội học môi trường4 do tôi
chủ biên, và được xuất bản năm 2001, tôi cũng dành một phần trình bày về
an ninh môi trường do chính Thạc sỹ Nguyễn Thị Nghĩa viết. Tôi hy vọng,
những cố gắng đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao nhận thức và quyết
tâm chống lại cuộc chiến tranh môi trường mà đế quốc Trung Cộng đang
thực thi trên đất Việt Nam.
Kết thúc bài viết này, tôi xin mạnh dạn cảnh báo: Việt Nam
đang đối mặt với Trung Cộng trong một cuộc chiến không tuyên bố từ một
cách nhìn hiện đại về an ninh quốc gia: An ninh môi trường.
V. C. Đ.
Chú thích:
(1) http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_kh%C3%AD_sinh_h%E1%BB%8Dc), v.v…
(2) Brown, L. 1977. “Redefining Security,” WorldWatch Paper 14 (Washington,D.C.: WorldWatch Institute)
(3) http://en.wikipedia.org/wiki/Environmental_security
(4) Xem: Xã hội học Môi trường (Vũ Cao Đàm chủ biên), Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2001
—0O0—
Một số tài liệu tham khảo kèm theo:
Nông dân biến thành “thợ săn đỉa”!
Thời gian gần đây, hàng nghìn nông dân các tỉnh miền Bắc đang đổ xô
đi lùng bắt đỉa để bán với giá cả triệu đồng /kg. Nhiều người bán cho
biết, đỉa được đưa ra nước ngoài làm thuốc. Thấy lợi trước mắt, người
dân không chỉ đi bắt đỉa mà còn nuôi đỉa để bán.
Rao bán đỉa trên mạng
Mấy ngày qua, nhiều người dân đang phát sốt về việc bán những con đỉa
với giá hơn 10.000/con. ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, người người
nhà nhà rủ nhau đi bắt đỉa. Sau khi người dân bắt được đỉa, các đầu nậu
lại đến tận nhà thu mua với giá trên trời. Từ chỗ là con vật đi hút máu
khiến nhiều người kinh hãi thì nay đỉa đã trở thành vật câu cơm cho
nhiều gia đình.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh ở huyện Thuận Thành cho biết, việc bắt đỉa vô
cùng đơn giản chỉ cần một chiếc vợt nhỏ cùng một lọ nước vôi pha với
nồng độ vừa phải. Vì khi gặp nước vôi, đỉa sẽ co lại và không còn khả
năng chạy trốn. Trước đây ra ngoài đồng, đỉa bu đen bờ, tuy nhiên, do
những năm gần đây, việc người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ
nên đỉa ít xuất hiện hơn. Theo anh Vĩnh, việc các đầu nậu bỗng dưng đổ
xô mua đỉa cũng khiến cho người dân Thuận Thành ngạc nhiên. “Lên phố
huyện, thấy người ta đồn nhau giá mỗi kg đỉa hơn 1 triệu đồng, tôi không
tin, nhưng khi một số người về tận làng mua thì chúng tôi mới bắt đầu
bảo nhau đi bắt đỉa đem bán”.
Khi được hỏi, các đầu nậu này mua đỉa để làm gì, anh Vĩnh khẳng định:
“Tôi cũng không biết họ mua với mục đích gì nhưng tôi nghe mọi người
kháo nhau rằng, sau khi mua con vật này, họ sẽ phơi khô và sau đó bán
sang Trung Quốc với giá cao lắm. Thấy có tiền thì chúng tôi làm chứ có
cần biết họ mua để làm gì đâu”.
Cũng có nhiều thông tin cho rằng đỉa và các chế phẩm từ đỉa rất tốt
cho bệnh khớp và tim mạch. Bởi, trong tuyến nước bọt của loại vật hút
máu này có chất chống viêm sưng, chống đông máu và bệnh khớp. Được biết,
trong đông y, đỉa được gọi là Thanh điệt, có tác dụng thông máu tan,
tan vết bầm, trong y học hiện đại, đỉa có thể kết hợp với các vị thuốc
khác để chữa được một số bệnh như tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu…
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Hoàng Hiệp, Công ty TNHH Anpha
(Chuyển nhà trọn gói) cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng, tôi đi du lịch
tại Móng Cái- Quảng Ninh thấy biết được mối chuyên mua đỉa xuất sang
Trung Quốc liền nảy ra ý định giúp những người nông dân quê tôi (Nghệ
An) kiếm thêm thu nhập. Tôi về quê tìm nguồn hàng và rao bán trên mạng.
Hôm trước, có một chị tên Hương đến trả giá 1,5 triệu- 2 triệu đồng /kg
đỉa sống và bảo khi nào đủ 10kg thì đến lấy một thể. Người phụ nữ này
nói, người Trung Quốc mua về để làm thuốc. Được biết, từ khi đăng tin
rao vặt trên internet cần mua đỉa, hàng ngày, anh Hiệp nhận được hàng
chục cuộc điện thoại từ nhiều đầu nậu gọi về để đặt “hàng”.
Đỉa có chức năng chữa bệnh?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sĩ Bùi Việt Nga, Phòng Khám đông y
Bùi Việt Nga (Đê La Thành – Hà Nội) cho biết: “Ngày xưa, trong dân
gian, các cụ ta cũng sử dụng đỉa để bám vào những vết thương bị hoại tử
để hút máu độc ra ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, ít thấy dùng phương pháp
này. Nói chung ở Việt Nam, không nghe thấy việc sử dụng đỉa để làm thuốc
rộng rãi. Còn việc các thương nhân Trung Quốc mua về để chế biến thuốc
thì tôi cũng không biết là thuốc gì và sử dụng như thế nào?”.
Bà Nga cũng cho biết đã từng đọc một số tài liệu khẳng định là trong
Đông y, đỉa khô cũng được dùng để chữa bệnh, vị mặn đắng, tính bình, tác
động vào các kinh mạch thuộc cam và bàng quang có khả năng thông kinh
thông huyết dùng để điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ
huyết, ít kinh. Một số tài liệu cho biết, đỉa có tác dụng trị nhọt độc,
phong lở, bế kinh. Trong Nam Dược thần hiệp của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi
khô thái nhuyễn sao cho đến khi vàng sẫm, có công dụng trị mụn nhọt.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc người dân thi nhau nuôi đỉa để
bán có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng sau này. Bởi đỉa được người
dân nuôi nhiều, nếu sau này các thương lái không mua nữa thì việc giải
quyết số đỉa này như thế nào? Được biết, đỉa là loại động vật có sức
sống rất mãnh liệt, có thể bị đốt cháy nhưng gặp điều kiện thích hợp
chúng lại có thể tái sinh. Lúc ấy, hậu quả thật khó lường.
Theo Lương Y đa khoa Phạm Đình Chương, nhà thuốc Khương Viên (325 Tây
Sơn – Đống Đa Hà Nội), mấy ngày qua, tôi cũng có nghe về việc người
dân ở vùng chiêm trũng đua nhau đi gom đỉa để bán vì giá cao. Nhiều năm
trong nghề, tôi cũng có nghe nói về việc dùng đỉa để chữa bệnh. Tuy
nhiên, ở ViệtNam, tôi cũng chưa chứng kiến tận mắt về việc đỉa có thể
chữa bệnh. Theo tôi, việc thấy lợi trước mắt mà người dân đã vội ào ạt
đi mua bán động vật này là không nên. Bởi, đỉa là loại động vật hút máu,
chúng có đặc điểm là sinh sản cực kỳ nhanh. Việc người dân nuôi đỉa
khác nào “tiếp tay” cho loại động vật này sinh sôi thêm”.
Được biết, muốn tiêu huỷ loại động vật này, cần phải ngâm cồn xong
đốt thì đỉa mới chết hẳn. Còn các phương pháp như chặt chỉ càng khiến
cho loài này sinh sản nhanh hơn.
Văn Chương - Minh Lý
—0O0—
“Cơn sốt” đỉa lan rộng cảnh báo một mối nguy khó lường
(Dân trí) – Thời gian qua, tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng
rộ lên tình trạng người dân đổ xô ra đồng bắt đỉa để bán với giá hời.
Thực tế này làm dấy lên mối lo ngại về một phong trào nuôi đỉa bán, dẫn
đến sự mất kiểm soát loài vật nguy hại này.
Bao nhiêu đời nay, con đỉa - loài vật hút máu thuộc họ thân mềm, sống
ở đồng ruộng – đã là nỗi kinh sợ của người nông dân vốn phải làm bạn
với ruộng đồng ao chuôm. Vậy mà nhiều tháng nay, ở khắp các tỉnh như Lào
Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… lại rộ lên “cơn sốt” đỉa.
Chị Trần Thị Thu Phương ở Hải Dương cho biết, sau khi có thông tin
đỉa được thu mua với giá cao, nhiều nông dân ở huyện Kim Thành đã đổ xô
ra đồng săn bắt đỉa. Dụng cụ mà bà con sử dụng là những túi vôi bột trộn
thuốc lào, khi bắt gặp đỉa thì nhúng túi vôi bột vào con đỉa, chúng sẽ
co lại, chỉ việc dùng vợt hớt lên. Cả buổi đi như vậy thường bắt được
vài chục con.
Chị Phương cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, đỉa ít hơn hẳn so với
trước; thậm chí nhiều nơi còn không có đỉa nữa. Nguyên nhân không phải
do săn bắt mà do cường độ sử dụng các loại thuốc (trừ sâu, diệt cỏ, diệt
ốc bươu vàng, diệt chuột) ngày một nhiều, nên đỉa cũng tận diệt theo.
Gần đây ở nhiều làng lại có những thương nhân đứng ra nhận thu mua
đỉa. Chị Trần Thị Nga, một nông dân ở huyện Kinh Môn (Hải Dương), cho
biết rất nhiều thương lái ở tận huyện Kim Thành vẫn sang thu gom đỉa của
nông dân với giá 10.000 đồng/con. Hầu như không ai biết rõ họ mua đỉa
để làm gì, chỉ nghe nói bán sang Trung Quốc.
Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tìm được trên trang web www.agroviet.com
(một trong những website về mua bán các loại nông sản) một thương lái
thu gom có tên là Thủy, ở quận Hồng Bàng – Hải Phòng, với lời rao nhận
thu gom đỉa khô (con đỉa đã phơi khô) với số lượng không hạn chế.
Cũng theo chị Thủy này, chị được một người đang làm ăn bên Trung Quốc
đặt mua mặt hàng này. “Đối tác ở bên Trung Quốc nói với tôi rằng cần
thu mua đỉa khô với số lượng không hạn chế, cần phải có nguồn hàng ổn
định, mỗi lần giao hàng ít nhất là phải từ 500kg đỉa khô trở lên, trả
giá cao”.
Do vậy chị Thủy đã trở về “phát động” phong trào thu mua đỉa bán sang
Trung Quốc. Để gom đủ hàng, chị sẵn sàng trả giá rất cao: 1,3-1,5 triệu
đồng/kg đỉa tươi.
Tuy nhiên khi được hỏi đỉa thu gom sang Trung Quốc để làm gì, chính
chị Thủy cũng lắc đầu: “Tôi cũng chỉ nghe nói để sử dụng làm thuốc chứ
thực hư ra sao thì tôi cũng không nắm được. Vì hàng chỉ đưa đến cửa khẩu
sẽ có người ra đó nhận, tôi không trực tiếp sang Trung Quốc để giao
hàng”.
Sau khi có thông tin đỉa được thu mua với giá trên 1 triệu đồng một
kg, ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Bắc và cả miền Trung, nông dân thi
nhau đi bắt đỉa. Thậm chí nhiều người còn cho biết: “Nếu đỉa được mua
với giá cao như vậy thì chúng tôi có thể lập trại nuôi đỉa, vì ngoài tự
nhiên gần như là cạn kiệt rồi”. Anh Lê Anh Tuấn ở huyện Mộc Châu, Sơn La
cho biết: anh làm giáo viên ở Trường THCS Liên Hoà. Ở quanh chỗ anh
sống vẫn còn rất nhiều đỉa. Nay nghe được thông tin này, anh có ý tưởng
vận động người dân bắt đỉa; khi bắt hết rồi thì sẽ nuôi để cung ứng.
GS. Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học ViệtNam, lo ngại việc
người dân thu mua đỉa trên diện rộng sẽ dẫn tới tình trạng nông dân thấy
lợi trước mắt thi nhau nuôi đỉa để bán. Rồi khi các thương nhân Trung
Quốc không thu mua nữa sẽ gây ra hậu quả lớn. Ông nói: “Đỉa là loài rất
dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt ở những vùng đồng ruộng
chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt con đỉa rất khó, ngay cả việc
đốt cháy, nếu không cháy hết, còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện
thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường”.
Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa càng không thể kiểm soát
được lượng đỉa tràn ra môi trường, trở thành tai họa, giống như hiện
tượng nuôi ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ…
—0O0—
Đầu nậu bỏ đi, cánh đồng ngập đỉa
Người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi (TPHCM) ồ ạt rủ nhau đi
bắt đỉa, gom về bán cho đầu nậu. Rồi đầu nậu bỏ đi, để lại những cánh
đồng đầy đỉa.
Mua đỉa ồ ạt, bốc hơi nhanh chóng
Sáng 14/11, chúng tôi tìm đến ấp Chánh 1, Tân Xuân, Hóc Môn được
người dân cho biết, chủ vựa thu mua đỉa Kim Anh (vợ một người Trung
Quốc) hiện đã chuyển địa bàn, cơ sở thu gom không còn hoạt động. “Cách
đây gần một tháng, cơ sở này hoạt động rất mạnh, chủ yếu về đêm. Nhiều
người chạy xe máy chở theo từng bao tải đỉa về cho chủ vựa. Có bao nhiêu
mua hết bấy nhiêu”, anh Thành, một thợ xây gần đó cho biết.
Căn nhà số 42/4D tổ 1 ấp Chánh 1, trước kia là nơi thu gom đỉa, nằm
ngay cạnh cánh đồng lớn gần ba ngàn mét vuông. Người dân cho biết, trong
quá trình thu mua, khá nhiều đỉa đã men theo mương dẫn nước trôi ra
đồng. Nhiều người dân tranh thủ bắt mang bán lại cho chủ vựa. “Đùng một
cái, họ chuyển đi đâu mất. Để lại cánh đồng đầy đỉa. Đỉa mén bằng đầu
đũa đầy rẫy. Khiếp nhất là đỉa trâu, to và dài như ngón tay giữa người
lớn. Hôm rồi tui mang cây xà beng ra đồng rửa, vừa thả xuống kéo lên
phát là lúc nhúc đỉa bám vào. Về sau không dám bén mảng tới đó nữa”, anh
thợ xây tên Thành ngán ngẩm.
Dò hỏi các hộ dân lân cận, nhiều người cho biết chủ vựa đỉa chuyển đi
rất nhanh. “Nghe một số người đi thu gom bảo họ chuyển về quận Bình
Tân, tiếp tục thu mua đỉa. Chuyển đi cũng mừng nhưng giờ cánh đồng này
đỉa phát khiếp. Lúc trời mưa nước ngập đỉa còn bò lên bờ. Nước rút đi
đỉa bò lổm ngổm trên sân nhà. Lũ trẻ con không biết, lấy đá chọi nát bét
rồi hốt vất xuống hồ, vài bữa sau chúng lại sinh sôi thêm”, một người
dân nói.
Không chỉ TPHCM
Chủ vựa thu mua đỉa nói trên tổ chức thu gom hoàn toàn bí mật. Người
dân xung quanh chỉ thấy nhập về từng bao tải, thời gian sau mới biết đó
là đỉa. Sau khi phản ánh lên chính quyền, chính quyền xã cùng cơ quan
ban ngành đã về làm việc, lập biên bản chủ vựa Kim Anh. “Sau khi biết
được thông tin, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản, bắt buộc chủ cơ sở
phải ký xác nhận cam kết chấm dứt hoạt động. Huyện cũng đã về cùng địa
phương bàn bạc các phương án giải quyết lượng đỉa thoát ra môi trường”,
ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết.
Vựa thu mua đỉa hoạt động đã gần một năm nay, thu gom đỉa từ khắp các
vùng lân cận, nhiều nhất là các mối ở Tây Ninh về. Mỗi ký đỉa bán với
giá 80-150 ngàn đồng. Thấy lợi, nhiều hộ dân ở Tây Ninh còn nuôi đỉa
ngay trong ao hồ để mang bán. “Dù đã ngừng hoạt động nhưng nhiều người
vẫn mang đỉa tới bán. Hôm vừa rồi có người mang một bao đỉa tới bán,
nghe nói chủ vựa đã chuyển địa điểm bèn quay về. Đi ngang hồ nhìn tới
nhìn lui rồi quẳng cả bao đỉa xuống hồ”, một người chạy xe ôm gần đó cho
biết.
Được biết, tình trạng thu gom đỉa hiện không chỉ ở TPHCM, Tây Ninh mà
còn diễn ra rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Việc chủ thu gom một thời
gian rồi chuyển địa điểm khiến môi trường và hệ sinh thái ở đó bị ảnh
hưởng nặng nề vì đỉa xâm nhập.
Theo Lê Quang Minh
Tiền phong