"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 10. Januar 2011

Thay đổi hiến pháp: Rất khó với Mỹ, quá dễ với Đảng Cộng sản Việt Nam

Lê Diễn Đức - RFA
 
 
Vấn đề di dân bất hợp pháp của Mỹ từ lâu đã trở thành chuyện bình thường, một yếu tố dường mặc nhiên, đất lành chim đậu.
 
Nhiều triệu người của các nước nghèo từ châu Mỹ Latine, châu Á, châu Phi, đã bằng mọi cách, thậm chí chấp nhận đối mặt với tử thần, để qua bằng được đất nước của Nữ Thần Tự Do, với hy vọng thực hiện “America’s Dream” (Giấc mơ Mỹ) của mình.
 
Nhưng làn sóng di dân tới Mỹ không chỉ từ các nước nghèo, kém phát triển, mà còn nhiều người từ các nước châu Âu giàu có cũng sang Mỹ làm việc hoặc sinh sống. Một phần họ muốn chạy khỏi hệ thống đánh thuế thu nhập quá cao, nhưng phần lớn vì Mỹ là nơi có điều kiện vật chất cho nghiên cứu, sáng tạo và cơ hội phát triển vào bậc nhất thế giới.
 
Chỉ nước Mỹ mới tạo ra những chàng sinh viên tài năng đầy tham vọng, từ hai bàn tay trắng, nhanh chóng trở thành những tỷ phú ngay từ lúc còn rất trẻ và mang lại cho nhân loại những phát minh khoa học công nghệ làm thay đổi cả đời sống thế giới.
 
Chỉ xin nêu tên vài người trong hai, ba thập niên gần đây mà ai cũng biết tới, hoặc ít nhất cũng đang được hưởng những thành quả do họ tạo nên. Đó là Martin Cooper của Motorola, người sáng chế điện thoại di động đầu tiên; là Bill Gates của Microsoft; là Larry Page và Sergey Brin (gốc Nga) của Google; Steve Jobs và Steve Wozniak (gốc Ba Lan - Đức) của Apple; là Mark Zuckerberg (gốc Do Thái) của Facebook…
 
“America’s Dream” trở thành hiện thực trong chính trị - xã hội điển hình nhất là Barack Obama, Tổng thống Mỹ gốc Phi châu.
 
Đau đầu về di dân bất hợp pháp
 
Hiện nay theo các nguồn tin khác nhau, ở Mỹ có khoảng từ 11 đến 12 triệu người cư trú bất hợp pháp, đa số là người gốc Tây Ban Nha (các nước châu Mỹ Latine).
 
Chủ yếu làm công việc chân tay trong các ngành xây dựng, dịch vụ, lực lượng di dân lao động quan trọng này của nền kinh tế Mỹ đã trở nên bài toán khó giải. Một mặt, tiếp tục duy trì tình trạng hiện có, sẽ như vô tình khuyến khích lao động bất hợp pháp, thất thu nguồn thuế, ảnh hưởng lớn tới an ninh và an sinh xã hội; một mặt, không nhìn thấy khả năng thay thế nào khác cho số nhân công lao động phổ thông giá rẻ khổng lồ này, cho dù khủng hoảng kinh tế đã đẩy cao tỷ lệ thất nghiệp.
 
Trong mấy năm gần đây, chính phủ Mỹ dự tính thắt chặt các quy định của luật di trú đã gặp phải sự phản đối kịch liệt. Có thời gian các cuộc lãn công, biểu tình lên tới hàng trăm ngàn người di dân gốc Tây Ban Nha liên tiếp nổ ra làm cho hoạt động của nhiều tiểu bang bị ngưng trệ.
 
Chuyện con cái của di dân
 
Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đang có ý định hủy bỏ nguyên tắc mọi người sinh ra trên đất Mỹ tự động trở thành công dân Mỹ. Họ cho rằng, ý nghĩa của Tu chính án số 14 của hiến pháp Mỹ bị lợi dụng và gian lận rộng rãi bởi di dân bất hợp pháp.
 
Thực chất Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ ban hành vào năm 1868 sau cuộc Nội chiến Nam-Bắc, nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi dân sự cho người nô lệ cũ.
 
Tuy nhiên, vì được quy định bởi hiến pháp, Tu chính án 14 có hiệu lực cho tất cả mọi người sống trên đất Mỹ, chỉ áp dụng ngoại lệ duy nhất với các nhà ngoại giao Mỹ sinh con ở nước ngoài và người Da Đỏ là đối tượng không phải chịu quyền tài phán của Mỹ.
 
“Họ đi qua biên giới, sau đó tới các bệnh viện để sinh con và những đứa trẻ đã tự động trở thành công dân của đất nước ta” – Ông Russell Pearce, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã nói như vậy. Ông dự định trong tháng 1 năm 2011 sẽ đệ trình dự thảo luật hủy bỏ nguyên tắc tự động cấp quốc tịch cho trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ nếu người mẹ cư trú bất hợp pháp.
 
Hiện nay đã có 13 tiểu bang đã xem xét công nhận quốc tịch cho từng trường hợp riêng rẽ của trẻ em sinh ra tại Mỹ có cha mẹ cư trú bất hợp pháp. Arizona, nơi ban hành cách đây không lâu quy định gây tranh cãi, cho phép cảnh sát quyền được kiểm tra những người bị tình nghi không có giấy tờ cư trú hợp pháp trên lãnh thổ tiểu bang – có thể gia nhập thêm vào nhóm tiểu bang này.
 
Cũng nên biết rằng, khác với rất nhiều nước, nhiệm vụ kiểm tra, xác minh tình trạng cư trú của người sống trên đất Mỹ thuộc thẩm quyền của Cơ quan Di Trú, chứ không thuộc cảnh sát.
 
Hồ sơ đề nghị thay đổi thực hiện Tu chính án 14 cũng sẽ được thiết lập cho cơ quan lập pháp của các tiểu bang Alabama, Delaware, Idaho, Indiana, Michigan, Mississippi, Montana, Nebraska, New Hampshire, Oklahoma, Pennsylvania, Texas và Utah. Điều này có nghĩa là sức ép lên quốc hội sẽ gia tăng.
 
Được phê chuẩn từ ngày 17 tháng 9 năm 1787, Hiến pháp Mỹ là duy nhất, chỉ một số các điều khoản được thay đổi theo biến động của thời gian, nhưng rất ít, từ hơn 200 năm nay chỉ có 27 lần, được gọi là Tu chính án.
 
Tu chính án số 1 vào năm 1789, trong đó cấm quốc hội không được ban hành luật hạn chế tự do báo chí vì e rằng khi một đảng nắm đa số ghế ở lưỡng viện của quốc hội và có luôn tổng thống ở phía mình, sẽ có khả năng thao túng quyền bất khả xâm phạm này. Tu chính án thứ 27 vào năm 1992 quy định lại lương bổng cho các dân biểu quốc hội.
 
Ở hầu hết các nước theo thể chế nghị viện, chỉ cần có 2/3 số phiếu dân biểu quốc hội là có thể thông qua việc thay đổi hiến pháp. Tuy nhiên, còn những khả năng kiểm soát chéo khác. Tổng thống (không nhất thiết thuộc đảng cầm quyền) có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết. Tổng thống và phe đối lập cũng có quyền đưa ra Tòa án Hiến pháp xem có phù hợp với hiến pháp hay không.
 
Hiến pháp của Việt Nam cộng sản
 
Thực ra lấy Mỹ làm tiêu chuẩn để so sánh với Việt Nam cộng sản, một trong những chế độ độc tài hà khắc nhất trên thế giới hiện nay, là một việc làm quá kỳ cục.
 
Thế nhưng người viết muốn mọi người nhìn nhận, đập tan luận điệu mà các nhà lãnh đạo chóp bu của ĐCSVN điêu ngoa, trơ tráo nói những giá trị dân chủ, nhân quyền của họ “hơn gấp triệu lần dân chủ phương Tây”.
 
Quốc hội Việt Nam cộng sản hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, trình diễn, không có chút thực quyền nào. Việc làm duy nhất của quốc hội là hợp thức hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
 
Không chỉ trong đại hội lần thứ 11 lần này, kỳ nào cũng vậy, Bộ Chính trị của ĐCSVN luôn ấn định trước ai là chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng cho nhiệm kỳ tới, một việc lẽ ra, nếu hiến pháp có ý nghĩa thực chất, thuộc thẩm quyền của quốc hội.
 
Trước cả đại hội Đảng CSVN lần thứ 11 diễn ra trong tuần này, chúng ta gần như đã biết chắc vị trí của các nhân vật cao nhất của nhà nước và chính phủ, trong khi đó vào tháng 5/2011 quốc hội mới nhóm họp.
 
Còn với hiến pháp? ĐCSVN sẵn sàng thay đổi bất cứ lúc nào thấy tiện lợi cho độc quyền lãnh đạo mình.
 
Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 được các luật gia, chính trị gia và sử gia Việt Nam đánh giá cao về nội dung được thiết kế theo tư tưởng pháp quyền, cô đọng (chỉ 70 điều khoản) và súc tích – đã bị ĐCSVN thay thế bằng Hiến pháp 1959 sau khi thấu tóm toàn quyền lãnh đạo trên miền Bắc. ĐCSVN còn thay đổi hiến pháp tiếp trong các năm 1980, 1992 và 2001.
 
Cần khẳng định một sự thật hiển nhiên: Hiến pháp của nhà nước cộng sản Việt Nam là thứ luật lệ giả trá do ĐCSVN tạo ra để bảo vệ và phục vụ một chế độ chuyên quyền, được thâu tóm vào tay một băng nhóm maphia nhà nước bao gồm mười mấy người của Bộ Chính trị chẳng ưa thích gì nhau, biết rõ bản mặt nhau, nhưng dính kết và thỏa hiệp với nhau bằng đặc quyền, đặc lợi.
 
Đặc biệt, vào năm 1989-1990 khi hệ thống cộng sản ở châu Âu sụp đổ, cần phải bám víu ngay lấy Bắc Kinh để duy trì quyền cai trị, ĐCSVN đã nhanh chóng bằng Hiến pháp 1992 hóa phép “bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay” (Hiến pháp 1980) trở thành đồng minh ý thức hệ. Từ đồng minh ý thức hệ, ĐCSVN ngày càng ngập sâu vào vũng lầy lệ thuộc và thuần phục Trung Nam Hải, nhục nhã chưa từng thấy trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
 
Trung Nam Hải tô vẽ và rao giảng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đã được các Thái thú Ba Đình thời nay đáp trả rõ rệt qua việc rót hơn 90% dự án đầu tư EPC cho thầu Trung Quốc; cho Bắc Kinh khai dụng 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn trong 50 năm thông qua những hợp đồng cho thuê rẻ mạt, mờ ám. Bên cạnh đó là thái độ bạc nhược, vô trách nhiệm trước bối cảnh lãnh hải bị lấn chiếm, người Trung Quốc tràn sang lao động bất hợp pháp trải suốt từ Bắc vào Nam, ngư dân Việt Nam liên tục bị ức hiếp, hãm hại bởi tàu Trung Quốc...
 
Cho nên tất cả những bàn bạc, thảo luận của giới trí thức, học giả Việt Nam về vấn đề đổi mới vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, góp ý cho cương lĩnh đại hội Đảng 11, kiến nghị thay đổi hiến pháp, v.v… trong thời gian qua dù rất nghiêm túc, cũng chỉ là việc làm vô nghĩa.
 
Chừng nào ĐCSVN còn giữ độc quyền lãnh đạo, người dân chưa được tham gia thực sự vào cải cách chính trị thông qua bầu cử quốc hội tự do để chọn ra những đại diện của mình điều hành đất nước, chừng đó mọi hy vọng về cải thiện dân chủ, tự do sẽ chỉ là ảo tưởng, nếu không nói là sự cả tin ngây ngô, ngớ ngẩn.
 
Bỏ điều 4 trong hiến pháp, tức bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, đồng nghĩa với tự sát, ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước, đã từng phát biểu như thế!
 
Kết luận
 
Quay lại vấn đề thay đổi các điều khoản trong hiến pháp Mỹ.  
 
Như đã trình bày ở trên, ngay cả khi một tiểu bang nào đó của Mỹ cố gắng hiệu lực hóa quy định, tước quyền tự động trở thành công dân Mỹ của trẻ em sinh ra trên đất Mỹ, thì ngay lập tức sẽ bị kiện lên tòa án liên bang. Bên sẽ thua được kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm và hầu như kết thúc tại đây, ít khi có khiếu kiện tiếp lên Tòa án Tối cao. Trong khi đó Tòa án Tối cao Mỹ có lẽ sẽ không có ý định thay đổi tiền lệ đã tồn tại từ hơn 100 năm qua – tức là không thể phán quyết ngược với hiến pháp.
 
Cho nên đề xuất sửa đổi Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ có thể rất khó khăn. Bất kỳ sự sửa đổi điều khoản nào của hiến pháp Mỹ, ngoài đòi hỏi sự chấp thuận của đa số 2/3 thành viên của lưỡng viện quốc hội, đã là một cửa ải khó, còn phải được phê chuẩn bởi ba phần tư trong hơn 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ - là thành lũy kiên cố tiếp theo không dễ chiếm lĩnh chút nào. Bước cuối cùng là quyền phê chuẩn hay phủ quyết của Tổng thống.
 
Vấn đề trẻ em của của những người nhập cư bất hợp pháp tự động trở thành công dân Mỹ đang ngày mỗi tồi tệ hơn. Theo các số liệu nghiên cứu công bố năm 2010, có 340 ngàn trong số 4,3 triệu trẻ em sinh ra tại Mỹ trong năm qua xuất phát từ những người nhập cư bất hợp pháp. Trẻ em thuộc diện này chiếm 7% số công dân Mỹ chưa tới 18 tuổi. 85% số cha mẹ sống bất hợp pháp có gốc Tây Ban Nha và 80% các trường hợp sinh đẻ trên lãnh thổ Mỹ nhằm vào mục đích cho con được hưởng quyền công dân Mỹ. ■
 
© 2011 Lê Diễn Đức