Gần đây hay nói chính xác hơn là từ lúc sự cố tràn bùn đỏ trong ngành công nghiệp khai thác boxit ở Hung-ga-ri làm cả thế giới chấn động thì sự án boxit Tây Nguyên ở Việt Nam mới được nhắc tời nhiều đến như vậy.
Trước đó, nhưng tiếng nói phản biện của các nhà trí thức trong đó có lá thư của GS Ngô Bảo Châu gửi quốc hội VN, 3 bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị với nội dung yêu cầu xem xét lại dự án khai thác boxit đều rơi vào thinh lặng. Báo chí và truyền thông trong nước từ lúc dự án boxit Tây Nguyên được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký và tiến hành cũng tuyệt nhiên im bặt, không đăng bất kỳ bài báo nào về vấn đề này nữa và xem như chuyện hiển nhiên, đã rồi.
Thử lật lại trường hợp NẾU NHƯ không có sự cố tràn bùn đỏ ở Hung-ga-ri, nếu như không có bản kiến nghị của trang boxitvn.net và danh sách quy tụ hàng nghìn chữ ký yêu cầu dừng dự án boxit thì liệu vấn đề khai thác boxit ở Tây Nguyên có lại một lần nữa được đặt lên bàn cân để so đo lợi hại hay không? Tôi còn nhớ một bài phỏng vấn của GS Ngô Bảo Châu và BBC: "những chuyện như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nếu làm sai thì không sửa được” [1]. Như vậy, quả thật không ngoa khi cho rằng: sự cố tràn bùn đỏ ở Hung-ga-ri là một ân huệ cho tương lai của Việt Nam.
Đối với một dự án quan trọng được gọi là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước” mà theo nguyên chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “chưa chắc thì nên dừng” [2], nhiều bài viết còn tỏ ra bi quan hơn trong khi “vụ chìm tàu” của Vinashin gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng còn chưa thể làm rõ trách nhiệm thì trong tương lai, một khi boxit Tây Nguyên có sự cố thì quả banh trách nhiệm sẽ được đá mãi tới bao giờ?
Một điểm tương đồng nữa giữa Vinashin và dự án boxit là cả hai đề đều đã được cảnh báo trước. Trước khi Vinashin được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định thành lập và rót vào 750 triệu USD tiền trái phiếu quốc tế thì đã có nhiều lời cảnh báo. Một bức thư của ông Hoàng Nghĩa Thước đã được gửi đến tận tay chính phủ của Phan Văn Khải và các báo đài trong nước cảnh báo về 750 triệu đôla tiền bán trái phiếu chính phủ tại New-York Hoa Kỳ-2005 giao cho Vinashin đem đầu tư tràn lan, có nguy cơ bị thất thoát [3]. Bức thư này không hề nhận được phản hồi nào.
Như vậy chuyện cảnh báo thì cứ cảnh, ta làm thì cứ làm, đến chừng nào xảy ra chuyện thì quả banh trách nhiệm có truy cứu thì có bao giờ đến ta đâu mà phải lo, phải nghĩ?
Một câu hỏi đặt ra là: tại sao tới tận bây giờ, khi mà nhà máy boxit Tân Rai đã xây dựng sắp xong, dự kiến đi vào hoạt động từ quý 1 – 2011 thì bây giờ người ta mới bắt đầu tranh luận gay gắt về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, văn hóa, an ninh, v.v. của dự án này mà đáng lẽ ra mọi thứ đã phải ngã ngũ từ trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng đặt bút ký tiến hành dự án boxit? Tại sao vậy?
Tôi nghĩ rằng có một nguyên nhân mà không nói những chắc ai cũng hiểu. Báo chí VN phải đi theo lề phải – theo lời ông Lê Doãn Hợp [4]. Mà cái lề ấy do Đảng và Nhà nước vạch ra; một “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” như boxit thì báo chí không được phá lề. Im lặng là tốt hơn cả.
[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/12/091215_prof_ngo_bao_chau_inv.shtml
[2] http://vnr500.vn/2010-10-26-bo-xit-tay-nguyen-chua-chac-thi-nen-dung-
[3] http://boxitvn.wordpress.com/2010/08/20/s%E1%BB%B1-ph-s%E1%BA%A3n-c%E1%BB%A7a-vinashin-d-d%C6%B0%E1%BB%A3c-c%E1%BA%A3nh-bo-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-5-nam-6-tu%E1%BA%A7n-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-c-quy%E1%BA%BFt-d/
[4] http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2007/8/113880/