Hà Minh Thảo
(Viết cho Thérèse, bạn đồng nghiệp dễ mến)
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt-Nam, hoạt động kinh doanh của các nhà tư bản liên kết với những quan chức cầm quyền tạo ra một giai cấp mới trong xã hội mà người ta gọi là những dân oan.
Do đó, ngày 25.09.2008, Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã cho phổ biến bản ‘Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay’. Trong đó, các Đức Giám mục đưa ra những nhận định tình hình và quan điểm:
I. Tình hình:
1. Nhiều nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thỏa đáng vì: luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại thêm.
2. Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường.
Để giải quyết những xung đột trên, một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực và như thế, tạo thêm bất công trong xã hội.
II. Quan điểm.
Các Đức Giám mục có những đề nghị cụ thể:
1. Luật về đất đai nên sửa đổi cho hoàn chỉnh, cần quan tâm đến quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17).
2. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật vì chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
3. Truyền thống văn hóa và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương tương tương ái và sự hài hòa trong xã hội, nên mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Một giải pháp thỏa đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.
Người Việt hãy cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu để quê hương ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho chúng ta.
I. SỰ KIỆN CỒN DẦU.
Năm 2008, giới cầm quyền Đà nẵng đề ra việc giải tỏa trắng 430 ha để xây dự án Khu du lịch sinh thái Hòa Xuân. Trong đó, thôn Cồn Dầu với diện tích 100 ha gồm đất ở và ruộng vườn của người dân khoảng 400 hộ quây quần sinh hoạt tại Giáo xứ. Cồn Dầu, phường Hòa xuân, quận Cẩm lệ, nằm ở cửa ngõ tây nam thành phố Đà nẵng.
Đây là một Giáo xứ rất lâu đời dân số gần 4.000 người. Hơn phân nửa đồng bào tại đây đã đi vùng kinh tế mới và lập nghiệp tại Easup (Buôn mê thuộc), Trà cổ - Hố nai (Đồng nai) hay ra thành phố Đà nẵng và đến những nơi khác... Khoảng 2.000 người còn lại tiếp tục sinh sống tại làng. Trên 90% người dân nơi đây sống bằng nghề nông, chăn nuôi và các ngành nghề khác. Hầu hết người dân nơi đây theo đạo Công giáo. Họ đang sống cuộc đời ổn định và sung túc.
Việc giải tỏa buộc người dân khoảng 400 hộ quây quần sinh hoạt tại Giáo Xứ phải đi xa Nhà thờ và miếng đất mà bao đời nay gắn liền trong bao thế hệ.
1.- Mất nhà đất, mất ruộng vườn, mất việc làm.
- những sự mất ấy đưa tới mất thu nhập, đời sống sẽ khó khăn;
- việc đền bù chẳng đủ bù đắp từ 50.000 đồng/m2 đất ruộng và 350.000/m2 đất thổ cư, để đi đến chổ ở mới nhà nước chỉ định phải mua với giá từ 800.000 đến 1.100.000đ/m2. Nền nhà đất đổ nền cao chính quyền hổ trợ: 5 triệu, 10 triệu, 15 triệu cho mỗi nền. Đó là lý do chính mà người dân không chấp nhận đi vì mất những những điều gắn liền với đời sống của họ một cách bất công. Ngoài chuyện mua đất, còn tiền xây nhà, rồi còn phải mua mọi thứ công cụ và nguyên liệu để sản xuất. Con cái họ, cần tiền để đi học, sẽ hướng về đâu?… tất cả đang là những câu hỏi đặt ra trước cuộc đời họ, với những người đã tuổi già tóc bạc như một câu đố không có lời giải.
Chúng ta cần lưu ý: tại các quốc gia độc lập và dân chủ, đất đai cũng thuộc về toàn dân, nhưng luật lệ Quốc gia tôn trọng ‘quyền tư hữu của người dân’ về phần đất mà họ chấp hữu hợp pháp. Khái niệm ‘đất đai thuộc về toàn dân’ bắt buộc Quân đội của toàn dân phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia, trên đó có phần đất thuộc ‘quyền tư hữu của người dân’, khi ngoại bang xâm lăng.
2.- Xót xa mất nhà thờ, Giáo xứ.
Nhà thờ Cồn Dầu, tuy thuộc quyền sở hữu của Giáo phận, nhưng bao thế hệ cha ông của những giáo dân Cồn Dầu và chính họ đã dày công gây dựng và tu bổ, nay phải xa lìa. Nhất là, khi không có gì bảo đảm sự tồn tại của Giáo xứ và, khi không còn giáo dân, Giáo xứ thì nhà thờ có nguy cơ bị san bằng vì giá đất ngày càng tăng cao.
Tại Cồn Dầu, Hạt Giống Tin Mừng được nẩy mầm từ 135 năm và 80 năm thành lập Giáo xứ. Thánh Lễ mừng dịp này đã được cử hành vào ngày 10.08.2010 để Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Bổn mạng Giáo xứ. Giáo dân nhận Phép Lành với ơn Toàn Xá trong năm thánh 2010 do Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Đức Giám mục Giáo phận Đà nẵng ban.
3. Mất bình an vì bị đàn áp.
Ngày 25.01.2010, ông bí thư thành ủy Đà nẵng Nguyễn bá Thanh dẫn công an trang bị vũ khí đầy đủ đàn áp cùng chó nghiệp vụ, an ninh, cán bộ các cấp từ phường, quận, thành phố trên 100 người xuống tận nhà dân chúng khủng bố tinh thần giáo dân để kiểm định (kiểm tra, đo đạc, định giá trả tiền), làm người dân rất kinh sợ, phải đóng cửa nhà đi lánh nạn. Công an, cán bộ ban giải tỏa đền bù, vây suốt cả ngày đêm để dán giấy ‘Vi phạm hành chính trong lãnh vực đất đai và biên bản quyết định thu hồi đất’, dỡ ngói quay phim bên trong các nhà, làm những điều người dân không tưởng được. Tinh thần giáo dân bị khủng bố, nhà họ bị niêm phong… Có nhiều người quá sợ hãi vì phải đối chất với chính quyền thế lực hùng mạnh đã ngất đi và phải đi cấp cứu như bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cô giáo Tống Thị Mai hay phải kêu la than khóc như cô giáo Thương, bà cụ Vững, ông Sinh, cô Nhẫn, ông Liêm, v.v…
Giáo dân Cồn Dầu cố gắng trong tuyệt vọng để ‘bám đất giữ nhà thờ’ không phải vì họ đối đầu với chính quyền, nhưng chỉ vì muốn sống bình thường trong một đất nước Việt-Nam yên vui, giữ gìn truyền thống của cha ông và đức tin công giáo.
6 giờ tối ngày 04.03.2010, ông Bí thư Thành ủy với cả trăm công an và cán bộ đến Cồn Dầu để họp với tổ dân phố 20, nhưng không ai tới. Người dân Cồn Dầu đã họp ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh có đến 20 lần để chỉ nghe ông lấy quyền lực đè ép họ bán đất của mình cho kẻ lắm tiền của, bất chấp công bằng cho một dự án không vì Công ích. Họ không còn muốn nghe đe dọa ‘nếu không đồng ý kiểm định, sẽ không cho doanh nghiệp hoạt động và các giáo viên kiểm điểm, có thể không cho dạy học’.
Do đó, ông Thanh công an và cán bộ đã ở lại để, hôm sau, trấn áp người dân phải ký giấy chấp thuận cho kiểm định và giải tỏa. Hầu hết nhà các hộ dân đều đóng cửa, khoá cổng và chủ nhà tránh đi chổ khác. Bất thành, ngay từ 5 giờ sáng ngày kế tiếp, hàng trăm công an được tăng cường thêm, tiếp tục càn quét tổ dân phố 20. Dù bị hù dọa và dụ dỗ, người dân Cồn Dầu vẫn không nao núng và quyết tâm không bán đứng mảnh đất của cha ông mình.
Ngày 09.03.2010, ông Bí thư Thành ủy và công an đã đến gặp Linh mục Chánh xứ Cồn Dầu Emmanuel Nguyễn tấn Lục để yêu cầu Cha giảng trong nhà thờ khuyên giáo dân ký giấy đồng ý giải tỏa để chính quyền chuẩn bị giao đất cho các nhà đầu tư. Cha Lục đã khẳng định Cha chỉ có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa trong Thánh Lễ cũng như khuyên bảo giáo dân ăn ngay ở lành. Việc mua bán đất đai là việc giữa hai đối tác, thuận mua vừa bán, ở đây là giữa chính quyền và nhân dân, không phải trách nhiệm mục vụ của Cha. Sau 2 giờ thuyết phục không xong, ông Bí thư lớn tiếng tuyên bố rằng tháng tư này, ông sẽ cho hàng ngàn xe ủi đất đến san bằng ruộng vườn và lấp cánh đồng Cồn Dầu cho dù dân có đồng ý hay không.
4. Mất nghĩa trang giáo xứ.
Ngày 10.04.2010, chính quyền thành phố thông báo cấm chôn xác để chuẩn bị giải tỏa tại nghĩa địa giáo xứ Cồn Dầu, đã được chính quyền trung ương liệt vào danh sách di tích lịch sử cần được bảo tồn. Đây là khu đất rộng gần 10 hecta, nơi an nghỉ của bao thế hệ giáo dân Cồn Dầu từ ngày thành lập giáo xứ cách đây 135 năm.
Công an đến đặt bảng cấm chôn xác tại khu nghĩa địa và canh gác nghiêm ngặt trước cổng ra vào. Tấm bảng cấm được cắm ngay trên mộ phần của thân phụ cụ Lê văn Sinh. Cụ Sinh cực lực phản đối hành động thiếu tôn trọng người đã khuất và một công an tên Hiệp đã rút bình hơi cay chống bạo động, xịt thẳng vào mặt ôngỉ, làm mắt ông gần như mù và ngã ra bất tỉnh. Hàng ngàn giáo dân Cồn Dầu đã kéo đến lên án hành động bất nhân của đám công an và buộc họ phải làm biên bản nội vụ trước khi cụ Sinh được xe cứu thương đưa đi cứu cấp và phải nằm bệnh viện.
Chính quyền yêu cầu Cha Lục thông báo cho giáo dân không được chôn kẻ chết tại nghĩa địa nữa, Cha đã thẳng thắn từ chối vì Cha không có quyền bởi lẽ nghĩa địa thuộc về giáo dân từ bao đời nay, nếu muốn làm gì thì cứ họp dân lại mà giải quyết.
5. Đám táng bà Hồ Nhu.
Lúc 4 giờ 30 ngày 01.05.2010, bà Hồ Nhu, nhũ danh Maria Đặng thị Tân, qua đời tại tư gia, hưởng thọ 82 tuổi. Khi còn sống, bà trăn trối muốn được chôn bên cạnh mộ phần ông Hồ Nhu, ông bà tổ tiên và con cháu đã qua đời đãụ được an nghỉ tại nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu. Thuở sinh thời, ông Hồ Nhu là một người có tiếng tăm và uy tín ở phường Hòa Xuân.
Từ 2 giờ sáng ngày 04.05.2010, khoảng ba trăm công an, cảnh sát cơ động đã được huy động và bao vây toàn bộ giáo xứ và nghĩa trang Cồn Dầu với súng ống, lựu đạn, lưới thép B40, dùi cui, giăng một lưới sắt ngang qua cổng nghĩa địa, để ngăn cản tang lễ bà Hồ Nhu.
Chính quyền ra lệnh cho Cha xứ không được làm lễ an táng tại nghĩa địa. Cha nói Cha sẽ cử hành Thánh Lễ an táng cho bà Hồ Nhu tại nhà thờ Cồn Dầu như Cha vẫn làm cho các tín hữu khác, sau đó tang gia muốn chôn ở đâu là tuỳ ý họ.
Hơn 100 người gồm thân nhân và dân tham gia đưa quan tài bà Hồ Nhu trên đường vào nghĩa trang Cồn Dầu đã bị công an lấy đi, đem chôn ở nghĩa trang Hòa sơn, cách đó chừng 20 km. Công an bắt trên 60 người về trụ sở quận Cẩm lệ và, đến khoảng 9 giờ 30 tối đã trả tự do cho một số lớn, còn giữ lại 11 người, không rõ lý do.
6. Ông Nguyễn Năm bị đánh chết.
Những tuần sau tang lễ bà Hồ Nhu, công an liên tục bắt bớ, khủng bố tinh thần những giáo dân tham dự tang lễ bằng việc khảo cung rất tàn nhẫn, như bị đánh đập, bị hăm dọa, có người bị lột hết quần áo, bị làm nhục một cách đê hèn.
Lúc 11 giờ ngày 03.07.2010, công an đến nhà ông Tôma Nguyễn Năm, thành viên trong đội trợ tang của Giáo xứ Cồn Dầu, đã từng bị công an hành hung trong đám tang cụ bà Hồ Nhu, để bắt ông. Ông sợ quá, bỏ chạy. Chúng đuổi bắt, còng tay, đánh đập ông rất dã man trước sự chứng kiến của nhiều người. Bà Hồng Anh, vợ ông Năm, đã quỳ lạy, xin tha nhưng chúng vẫn tiếp tục đánh một hồi lâu rồi mới tha. Khi được đưa về nhà, ông Năm đã trối trăng với vợ là cố gắng nuôi mấy đứa con và anh sùi bọp mép, ngã ra chết vào khoảng 13 giờ. Cái chết này đã làm giáo dân Cồn Dầu khiếp đảm.
Lúc khâm liệm ông, các giáo dân đã lạnh người khi nhìn thấy những vết thương tím bầm trên bụng, trên ngực, trên hai thái dương ông. Da thịt từ khuỷu tay xuống đến cổ tay anh đều trầy trụa và rướm máu vì bị còng và lôi đi. Máu vẫn tiếp tục trào ra hai lỗ tai và miệng mũi khi đặt ông vào áo quan.
Đám tang ông Năm phải được tổ chức vào ngày 06.07.2010 và chôn cất tại nghĩa địa ở xã miền núi Hòa sơn. Chỉ một số bà con ruột thịt được cho phép đưa đám và rất đông công an chìm nổi đi theo áp tải. Ông Đào, anh em họ đã che một cái rạp nhỏ, xin giáo dân đến cầu nguyện cho ông Năm đã bị công an hạch hỏi. Ông sợ quá ngã ra ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu.
Ông Ngô Khôi, trưởng Ban Tôn giáo Đà nẵng trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 07.07.2010 là ông Năm chết vì bị ‘đột quị’.
7. Sáu Giáo dân bị giam chờ ngày ra tòa.
Đó là các ông: Matthêu Nguyễn hữu Liêm, Giuse Trần thanh Việt, Tadêô Lê thanh Lâm, Simon Nguyễn hữu Minh (thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Cồn Dầu) và các bà: Têrêxa Nguyễn thị Thế, Maria Phan thị Nhẫn. Với 6 người này, biết bao nhiêu người khác, kể cả trẻ con trong các gia đình họ phải rơi vào khốn khổ triền miên ngày đêm... Do đó, ngày 15.10.2010, thân nhân của những giáo dân này đã gửi thư tới Hội đồng Giám mục Việt-Nam để xin giúp đỡ cho sáu nạn nhân được chính quyền Đà nẵng xử lý đúng pháp luật Việt-Nam. Ngoài ra, ngày 23.10.2010, Văn phòng Luật sư Cù huy Hà Vũ đã có văn bản khiếu nại gởi Chủ tịch Nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương về việc Chánh án Tòa án nhân dân quận Cẩm lệ từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho hai luật sư thuộc Văn phòng là trái luật.
Sự can đảm và đoàn kết của Giáo dân Cồn Dầu để bảo vệ nơi Sống Đời và Đạo thật đáng cho chúng ta khâm phục. Hành động xứng đáng để chúng ta học tập qua Học thuyết Xã hội Công giáo.
II. HỌC THUYẾT XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO.
1. Mục đích Học thuyết xã hội.
Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Đức Kitô, Đấng chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6), tiếp tục ngỏ lời với mọi dân tộc và mọi quốc gia, vì ơn cứu độ chỉ được ban cho con người nhân danh Đức Kitô. Sự cứu độ, mà Chúa Giêsu đã phải trả “bằng một giá đắt” (1 Cr 6,20; x. 1 Pr 1,18-19). Sự cứu độ ấy cũng đang thâm nhập vào thế giới này qua các thực tại của kinh tế và lao động, công nghệ và truyền thông, xã hội và chính trị, cộng đồng quốc tế và các mối quan hệ giữa các nền văn hoá và giữa các dân tộc. ‘Đức Giêsu đến để mang ơn cứu độ toàn diện mỗi con người và toàn thể nhân loại, đồng thời mở ra một triển vọng rất kỳ diệu, là mọi người được nhận làm con Thiên Chúa’ (số 1). Tình yêu hướng đến một phạm vi hoạt động rộng lớn và Giáo Hội hăng hái đóng góp vào đấy qua học thuyết xã hội của mình, một học thuyết quan tâm đến con người toàn diện và được gửi tới cho hết mọi người (số 5).
[Ghi chú: các số trong bài là những con số trích trong ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.]
Kitô hữu có thể tìm thấy trong Học thuyết xã hội của Giáo hội những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động. Đó là bước đầu để đẩy mạnh nền nhân bản toàn diện và liên đới. Bởi thế, việc phổ biến cho mọi người biết học thuyết này là một công tác mục vụ ưu tiên, nhờ đó mọi người sẽ được học thuyết này soi sáng, hầu có thể giải thích các thực trạng hiện nay và tìm ra những hướng hành động thích hợp: ‘Giảng dạy và phổ biến học thuyết xã hội là một phần trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội’ (số 7). Tài liệu này là công cụ giúp chúng ta phân định về mặt luân lý và mục vụ các biến cố phức tạp xảy ra trong thời đại hôm nay (số 10).
Học thuyết Xã hội Công giáo xây dựng trên trên nền móng điều răn Yêu Thương của Chúa Giêsu: kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như bản thân. Điều răn này cũng là nền tảng luân lý Kitô Giáo. Chúa Giêsu dạy kính Chúa yêu người không những là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất, nhưng còn là một bản tóm lược toàn bộ luật lệ của Thiên Chúa và sứ điệp của các Tiên tri.
2. Văn kiện hiện hành.
Đáp ứng nguyện vọng của các Đức Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’. Ngày 24.06.1998, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng này và ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đức cha đã ký ban hành ‘Sưu tập những Bản văn của Huần Quyền về Học thuyết Xã hội Công giáo’, thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội của Giáo hội đến năm 2000.
Sau đó, Đức cha tiếp tục việc thực hiện ‘Toát yếu về Học thuyết xã hội Giáo Hội’. Nhưng, lúc 18 giờ ngày 16.09.2002, Đức Hồng Y (từ ngày 21.01.2001) đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Sau nhiều năm nghiên cứu và tổng hợp, ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ được hoàn thành tốt đẹp và Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình giới thiệu trong buổi họp báo ngày 25.10.2005 tại Vatican.
3. Nguyên tắc Phẩm giá Con người.
Đây là nền tảng của tất cả các nguyên tắc khác đồng thời là nội dung của Học thuyết Xã hội Công giáo.
Để suy nghĩ đúng đắn về xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa, trước tiên ta phải hiểu đúng con người là ai và tài sản thực sự của con người là gì. Giáo hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người (số 105). Mỗi người có một phẩm giá bất khả xâm phạm và do đó phải luôn luôn được đối xử như cùng đích chứ không phải như một phương tiện.
« Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài sáng tạo con người có nam có nữ » (St 1, 27). Thiên Chúa đặt con người vào trung tâm và chóp đỉnh của trật tự sáng tạo (số 108). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn ‘Người Mục Tử Nhân Từ’ để nói về con chiên lạc. Người mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc. Trong đó, Chúa cho chúng ta thấy Chúa lưu tâm từng cá nhân, nam cũng như nữ, và mỗi một người đều quý giá như nhau, đều không thể thay thế.
Bởi thế, Giáo hội, cũng như Đức Kitô, bảo vệ phẩm giá của mỗi cá nhân. Giáo hội lưu tâm sự quan trọng của nhà cầm quyền và xã hội trong nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Nhà nước có bổn phận phải bảo vệ các quyền của con người, các quyền không do nhà nước mà do Đấng Tạo Hóa ban tặng.
4. Nguyên tắc Công ích.
Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Đó là ‘toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn’ (Hiến chế ‘Vui mừng và Hy vọng’, số 26).
Công ích không là tổng số các thiện ích riêng mỗi người trong một thực thể xã hội. Dù là thuộc về mọi người và mỗi người, công ích vẫn là và mãi mãi là ích lợi ‘chung’, vì nó không thể phân chia được và vì khi cùng chung như thế người ta mới có thể có được nó, mới phát triển và bảo vệ được hiệu quả của nó, với tầm nhìn hướng về tương lai. Hành vi luân lý của một người được thực hiện chính khi người ấy làm điều tốt, các hành vi của xã hội cũng chỉ có tầm vóc tương xứng khi chúng đem lại ích lợi chung. Thật vậy, có thể hiểu công ích là khía cạnh xã hội và cộng đồng của luân lý (số 164). Công ích khác biệt với nhưng không đối nghịch với lợi ích riêng của mỗi cá nhân. Thông thường, lợi ích của bạn và lợi ích của tôi gặp nhau nơi công ích.
Một xã hội muốn và có ý phục vụ con người ở mọi cấp độ là một xã hội phải lấy công ích – tức ích lợi hết mọi người và của con người toàn diện – làm mục tiêu tiên quyết của mình. Con người không thể tìm được sự phát triển mỹ mãn nơi chính bản thân, nếu bỏ qua sự kiện là con người hiện hữu ‘với’ người khác và ‘vì’ người khác (số 165).
Công ích có liên quan tới mọi thành phần trong xã hội, không ai được miễn cộng tác vào việc thực hiện và phát huy công ích, tùy theo khả năng của mỗi người (số 167). Trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân, mà còn là trách nhiệm của Nhà Nước, vì công ích là lý do khiến quyền hành chính trị tồn tại (số 168). Để bảo đảm công ích, chính phủ có nghĩa vụ đặc biệt là làm hài hoà các quyền lợi khác nhau của các thành phần xã hội với các đòi hỏi của công lý (số 169).
5. Mục tiêu phổ quát của của cải.
Ngay đầu Kinh Thánh, chúng ta đọc được lời nầy: « ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’ và ‘Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi’ » (St 1, 28-29). Như vậy, nguồn cội sau hết của mọi điều tốt lành là chính Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng cả trái đất lẫn con người, và đã trao trái đất cho con người để con người dùng lao động mà thống trị nó và hưởng dùng hoa trái của nó. Thiên Chúa ban trái đất cho toàn thể nhân loại để nuôi sống mọi người trong nhân loại, không loại trừ người nào mà cũng không ưu đãi ai. Đây chính là nền tảng của mục tiêu phổ quát được gán cho các của cải trên trái đất. Vì mang lại nhiều hoa trái và có khả năng thoả mãn các nhu cầu của con người, nên trái đất chính là quà tặng đầu tiên Chúa ban cho để bảo tồn sự sống con người. Con người không thể làm gì mà không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người và cũng là điều kiện căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết để con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác, và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành (số 171).
Công Đồng Vatican II cũng đã nhắc lại điều đó rằng: « Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và mọi vật trên đó là để mọi người và mọi dân tộc sử dụng, vì thế của cải trần gian phải tràn đầy đồng đều trong tay mọi người, theo luật công bằng, là một luật đi liền với bác ái » (Vui Mừng và Hy Vọng số 69). Định luật này phải được ưu tiên trên mọi quyền hạn khác, bất cứ là quyền nào, kể cả quyền tự do buôn bán. Các quyền khác không những không được cản trở mà trái lại phải giúp định luật này thể hiện dễ dàng, và bổn phận xã hội quan trọng và cấp bách nhất là phải qui hướng các quyền nói trên về cùng đích tiên khởi của chúng (Phát triển các dân tộc, Populorum Progressio, số 22).
Quyền sử dụng của cải trên trái đất là quyền dựa trên nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải. Mỗi người phải đạt được mức an sinh cần thiết để có thể phát triển trọn vẹn. Quyền dùng chung của cải là ‘nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ trật tự đạo đức và xã hội’ và là ‘nguyên tắc điển hình của giáo huấn xã hội Công giáo’. Chính vì lý do này, Giáo hội thấy mình có nghĩa vụ phải xác định bản chất và đặc tính của nguyên tắc này. Trước hết, đó là một quyền tự nhiên, được khắc ghi trong bản tính con người chứ không chỉ là một quyền thiết định có liên quan với hoàn cảnh xã hội hay thay đổi (số 172).
Quyền tư hữu (hay quyền sở hữu) là quyền do con người có khả năng thống trị trái đất và biến phần trái đất mà mình đã thu được nhờ lao động và tận dụng khả năng trí tuệ để ‘bảo đảm cho mình có một không gian hết sức cần thiết để thực hiện sự độc lập cho cá nhân và gia đình, có thể coi đó là sự nối dài tự do,… thúc giục con người thi hành trách nhiệm, và là một trong những điều kiện để có được sự tự do dân sự’. Tư hữu chính là một yếu tố căn bản làm nên chính sách kinh tế và xã hội thực sự dân chủ; đó cũng là một bảo đảm để có một trật tự xã hội đúng đắn (số 176).
Kitô giáo chưa bao giờ công nhận quyền tư hữu là quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm, ngược lại, phải hiểu quyền này trong khuôn khổ rộng lớn hơn là quyền của hết mọi người được sử dụng tài nguyên của toàn vũ trụ: quyền tư hữu phải lệ thuộc quyền sử dụng chung, lệ thuộc thực tế sau đây: ‘của cải là nhằm phục vụ hết mọi người’. Nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải là một cách khẳng định chủ quyền vĩnh viễn và trọn vẹn của Thiên Chúa trên mọi thực tại và yêu cầu phải luôn đặt của cải phục vụ sự phát triển toàn diện con người và toàn thể nhân loại (số 177). Ngoài ra, Học thuyết Xã hội Công giáo còn kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào, và quy chiếu rõ ràng mối quan hệ tất yếu giữa tư hữu với công ích (số 178). Lòng yêu thương người nghèo chắc chắn ‘không thể đi đôi với sự yêu thích các của cải cách thái quá hay sử dụng của cải một cách ích kỷ’ (x. Gc 5,1-6) (số 183).
6. Nguyên tắc Bổ trợ.
Các quyết định của xã hội phải đưa ra ở mức thấp nhất có thể, nghĩa là ở mức gần nhất đối với những ai chịu ảnh hưởng của quyết định. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả (số 185).
Bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của ‘triết học xã hội’. ‘Thật sai lầm khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của họ để trao cho cộng đồng; cũng thật là bất công và tai hại, làm xáo trộn trật tự đúng đắn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ’. Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải giúp đỡ – tức hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn (số 186).
Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Nguyên tắc này chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của Nhà Nước trong guồng máy công cộng (số 187).
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ‘nhấn mạnh các giới hạn cần thiết đối với việc can thiệp của nhà nước và nhấn mạnh bản chất công cụ của nhà nước, vì cá nhân, gia đình và xã hội đã có trước nhà nước, và vì nhà nước tồn tại là để bảo vệ các quyền của họ chứ không phải để áp bức họ’ (Centesimus Annus số 11).
7. Nguyên tắc Liên đới.
Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn (số 192). Đây là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý (số 193). Sự liên đới có những mối tương quan mật thiết với công ích, với mục tiêu phổ quát của của cải, với bình đẳng giữa con người và với hoà bình (số 194).