"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 25. Oktober 2010

Một nhà báo. Một ông Tổng giám đốc từng bóp cổ chết thiếu nữ 16 tuổi. Và đường dây tham nhũng chằng chịt


Danlambao – Từ năm 2005 nhà báo Nghiêm Thị Hằng của Báo Nông nghiệp Việt Nam (NNVN) viết loạt bài phản ánh những dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty ICC. Những bài viết của chị đã hé lộ đường dây tham nhũng mà ICC là một mắc xích được “bảo kê” bởi một số người có chức có quyền. Điển hình là ông Phó Chánh thanh tra TP Hà Nội, sau 3 năm với 2 lần thanh tra, đã ký 2 công văn gian để lừa UBND TP Hà Nội lẫn Văn phòng Chính phủ, nhằm bảo vệ ICC, làm thất thoát trên 500 tỷ đồng cho ngân sách quốc gia.



Nhà báo Nghiêm Thị Hằng
Những phóng sự điều tra của nhà báo Nghiêm Thị Hằng và nhiều phóng viên khác đã hé mở cho thấy một số cơ quan nhà nước tại Hà Nội đã bao che cho Công ty ICC và biến 6.720m2 đất của Nhà nước tại số 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh thành tài sản của Công ty tư nhân ICC.

Sự việc không dừng lại chỉ ở 6.72m2 đất. Trong tiến trình điều tra, các phóng viên đã vướng bức màn “Công ty ICC là của Tổng cục II Bộ Quốc phòng” dù sau đó Tổng cục II đã đưa ra Công văn 151 khẳng định: “Ông Hoàng Kim Đồng, tổng giám đốc ICC, không phải là người của Tổng cục II”. Ông Đồng khoác vỏ là người của Tổng cục II để xin dự án nữa và chẳng ai dám điều tra ICC cũng như ông Đồng. Dù ông Đồng có phải là người của TCII hay không, điều này cũng hé lộ cho thấy sự làm mưa làm gió của TCII trong thế giới làm ăn.

Đường dây tham nhũng cũng không chỉ loanh quanh mảnh đất 1000 năm Thăng Long. Một cán bộ của ICC còn xác nhận trong một bữa tiệc tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Kim Đồng đã đưa cho ông Trần Minh Duân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa một phong bì. Phong bì có những tờ giấy “bôi trơn” hay không thì chỉ có hai ông này biết. Chỉ biết rằng sau đó thì quan Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi ký Quyết định số 1414 ngày 20/5/2004 giao dự án 28,38 ha tại Hòn Rớ II cho Công ty ICC của Hoàng Kim Đồng.

Đến giờ thì đồng chí Duân lẫn đồng chí Chi vẫn kín như phong bì. Đồng chí Đồng thì khăng khăng trước tòa rằng phòng bì ấy không có … Đồng. Chỉ có đựng thuốc… hôi người. Người tham dự cười phiên tòa cười nghiêng ngữa.

Ông Hoàng Kim Đồng là ai?

Từ năm 2001 đến nay, Đồng là thủ phạm lừa đảo nhiều vụ vụ gian dối giấy tờ, chữ ký, khai man năng lực tài chính, chuyên môn, mượn danh TCII và các DN có uy tín làm vỏ bọc chạy xin dự án đất đai. Theo xác nhận của thượng tá Bùi Văn Hà – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm thì ông Hoàng Kim Đồng đã có hành vi gian lận khai khống vốn tự có, cổ đông ma, giả mạo chữ ký, mượn danh của Tổng Công ty Ứng dụng công nghệ mới – du lịch (Newtatco) để xin dự án đất đai cho dự án xây dựng trụ sở làm việc và nhà ở cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội.

Ngược thời gian, theo trích lục bản án hình sự 147/HS2 của TAQS Quân khu 7 cho thấy là vào ngày 13-11-1982, TTAQS Quân khu 7 đã xử phạt Hoàng Kim Đồng 10 năm tù giam về các tội “Đào ngũ, giết người cướp của”. Bản án ghi rõ “Đồng bóp cổ giết chết em Bùi Thị Phương Lan 16 tuổi quê ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, vào trưa ngày 13-3-1980”.

Thế nhưng PC15 Công an Hà Nội lại có Văn bản 137 xác nhận “ông Hoàng Kim Đồng không có tiền án” trái với “Bản án số 147/HS2 do TAQS Quân khu 7 xử ông Đồng như đã nói ở trên. Tại sao?

Từ những bao che của thanh tra Hà Nội, liên hệ hay khoác vỏ TC2, tiền án theo TTAQS hay “không tiền án” theo PC15 Công an Hà Nội, ông Đồng và mắc xích của đường dây tham nhũng lại quay ngược tố nhà báo Nghiêm Thị Hằng và Báo NNVN tội thông tin sai lạc.

Ngày 5.3.2008 vụ việc được đưa vụ ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. TAND quận Hoàn Kiếm, đã tuyên báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng phải đăng cải chính, xin lỗi Công ty ICC và Tổng Giám đốc công ty ICC ông Hoàng Kim Đồng và bồi thường cho nguyên đơn là 180.280.000đ. Không đồng ý với quyết định này PV Nghiêm Thị Hằng và báo NNVN kháng án.
Đường dây tham nhũng và những mắc xích lại thêm phức tạp khi TAND TP Hà Nội, đã cử thẩm phán Nguyễn Thị Kim Dung làm chủ tọa phiên tòa kháng án. Bà Dung lại là người nhà của ông Hoàng Kim Đồng. Bị phát hiện và phản đối, TAND TP bị buộc phải chấp nhận thay thẩm phán.

Chưa hết, sở dĩ từ phiên sơ thẩm đến phiên phúc thẩm kéo dài 31 tháng là vì khi chuyển hồ sơ có đến 25 tập tài liệu và bút lục bị… mất!. LS Nguyễn Hồng Bách, giám đốc Văn phòng Luật sư Nguyễn Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng tại tòa, đặt câu hỏi: “Đây là hồ sơ một vụ án, nó được lưu tại tòa, được bảo vệ theo một quy định rất nghiêm ngặt và cẩn mật, chứ không phải một cái cặp giấy lộn. Chúng tôi là luật sư, muốn sao chép hồ sơ phải có đơn, và phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Khi sao chép, thư ký tòa ngồi bên cạnh, giám sát, so sánh việc sao chép đối với từng bút lục. Vậy thì vì sao chừng ấy bút lục lại có thể mọc cánh mà bay khỏi hồ sơ được? Ai đã làm việc này? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?“.  Hỏi mãi nhưng HĐXX phiên tòa phúc thẩm quyết định làm thinh. Hỏi thêm lý do về một bút lục số 775 với tổng cộng 104 tài liệu bị “tự rút” ra vì ICC cho rằng “không cần thiết”. HĐXX vẫn làm thinh.  Phải chăng cơ quan tố tụng có ý định làm sai lệch hồ sơ vụ án? Phải chăng đường dây tham nhũng đã len lỏi vào pháp đình?

Câu hỏi chưa có trả lời thì khi phiên tòa phúc thẩm chuẩn bị khai mạc vào ngày 21/10/2010 tại TANDTP Hà Nội, do thẩm phán Trần Thị Phương Nga làm chủ tọa, thư ký tòa  lại tuyên bố cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong phòng xử. Một phiên tòa công khai nhưng lại muốn bịt mắt bịt tai. Tại sao thế ? Bị các nhà báo phản ứng gay gắt, thư ký tòa đổ cho Chánh văn phòng Tòa án. Bị chất vấn, ông Chánh văn phòng yêu cầu các nhà báo “phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới được ghi hình, ghi âm, chụp ảnh”. Cuối cùng với những phản đối gay gắt của các nhà báo thì mới cho phép chụp một vài kiểu ảnh nhưng vẫn cấm ghi âm. Tại sao phải sợ sự minh bạch đến thế ?

Luật sư Trần Đình Triển – Văn phòng LS Vì Dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã nhận định đây là một kỳ án và cho rằng trong vụ án này toà cấp sơ thẩm đã có nhiều vi phạm tố tụng. Luật sư Triển cho rằng đối tượng chính trong thông tin trên là UBND TP Hà Nội, nếu cho rằng bài báo trên Báo NNVN thông tin sai, thì phải là UBND TP Hà Nội khởi kiện tờ báo, chứ không phải là Cty ICC. Đường dây tham nhũng lại phức tạp hơn với con bài UBND TP Hà Nội!

Cuối cùng, trong phiên tòa phúc thẩm, cả 2 luật sư Trần Đình Triển và Phạm Hồng Hải – luật sư biện hộ cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã đề nghị tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, vì có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Đề nghị này vẫn còn bị treo lơ lững.

Vụ doanh nghiệp kiện Báo NNVN thế là vẫn chưa có hồi kết cho đến 14 giờ ngày 26/10/2010, HĐXX sẽ tuyên án. Tuy nhiên…

Đường dây tham nhũng và mắc xích ICC cùng với ông tổng giám đốc mang tiền án bóp cổ chết cô gái 16 tuổi vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Những cú điện thoại, những trao đổi ngầm đã và đang liên tục xảy ra bởi nhiều quan to mặt lớn trong mớ bùi nhùi tham nhũng này.

Nhà báo Nghiêm Thị Hằng, người phanh phui những sai trái, vi phạm pháp luật lại trở thành người đứng sau vành móng ngựa.

Trong khi đó lãnh đạo đảng vẫn đăng đàn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng và gắn vài huân chương cho một số chiến sĩ tích cực chống tham nhũng. Chụp hình. Đăng báo.

Dân Làm Báo xin gửi đến các bạn một vài bài báo liên quan đến mớ bùi nhùi của các quan to và sự bất công đối một nhà báo này, cũng như nhiều đường dẫn để các bạn tham khảo thêm.

*

“Cả 7 bài báo của NNVN đều nói lên sự thật”

Ngày 21/10/2010, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ  Cty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Dự án Quốc tế (Cty ICC) kiện báo NNVN và NB Nghiêm Thị Hằng được mở tại TAND TP.Hà Nội, do thẩm phán Trần Thị Phương Nga làm chủ tọa.


 
Dù phiên tòa là công khai, nhưng tác giả bức ảnh này vẫn bị mời ra sau khi chụp
Dù phiên tòa chưa khai mạc nhưng đã khiến người dự khán bất bình khi thư ký tòa tuyên bố cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong phòng xử. Bị các nhà báo phản ứng gay gắt, thư ký tòa đổ cho Chánh văn phòng Tòa án. Chúng tôi đến gặp ông Chánh văn phòng, ông yêu cầu các nhà báo “phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới được ghi hình, ghi âm, chụp ảnh”.

Bởi vậy, chỉ có nhà báo Đào Phi Khanh (báo Người cao tuổi) được ông Chánh văn phòng cho phép chụp ảnh nhưng cấm ghi hình, ghi âm. Không chấp nhận, nhà báo này đã lên thẳng phòng Chánh án để đấu tranh. Cuối cùng, các nhà báo mới được phép chụp một vài kiểu ảnh nhưng vẫn bị cấm ghi âm, ghi hình. Chưa hết, để có bàn, ghế ngồi tham dự phiên tòa, thư ký tòa còn đề nghị các luật sư (phía bị đơn) tự khênh bàn, ghế mà ngồi!

 
Giấy mời dự phiên tòa với bút phê:”không ghi âm, ghi hình”
Có thể nói, phiên tòa “nóng” ngay từ khi mở đầu, sau khi chủ tọa đã tóm tắt nội dung và phán quyết của án sơ thẩm. Bằng lập luận rất chặt chẽ, đầy sức thuyết phục, Luật sư – Tiến sĩ Luật Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho báo NNVN, đã chỉ rõ những vi phạm tố tụng của HĐXX phiên tòa sơ thẩm, như cùng với báo NNVN, thời gian đó tất cả có 7 tờ báo đã đăng loạt bài về sai phạm của Cty ICC nhưng tòa sơ thẩm đã cố ý không đưa các cơ quan đó vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, dù báo NNVN cũng như luật sư đã yêu cầu.

Một số tài liệu do luật sư cung cấp đã không được HĐXX xem xét đến. Luật sư đã chứng minh: “Việc không đưa khu đất số 2 – 4 Đội Nhân ra đấu giá đã khiến cho Nhà nước mất đi một khoản thu rất lớn. Và ông khẳng định: “Báo NNVN đã bảo vệ hàng trăm tỷ đồng tài sản cho Nhà nước”.

Trước tòa, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã khiến người dự khán và những đồng nghiệp tham dự phiên tòa phải khâm phục về thái độ kiên cường của chị để bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải và sự thật.

Tất cả những cáo buộc, lập luận của nguyên đơn đều bị chị bác bỏ khi trình tòa những chứng cứ, những văn bản mà không ai có thể phủ nhận được. Bác bỏ cáo buộc của nguyên đơn cho là mình viết sai là ICC mượn danh của Tổng Cty DETETOUR để xin đất, lừa UBNDTP Hà Nội khi xin đất số 2 – 4 Đội Nhân để “xây nhà cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội”.

Chị đã chứng minh bằng những tài liệu: Quyết định thành lập DETETOUR không có Cty ICC là thành viên, ICC không có liên doanh, liên kết gì với DETETOUR nhưng ông Hoàng Kim Đồng, tổng giám đốc Cty ICC, đã dùng giấy giới thiệu của doanh nghiệp này để xin đất. Và chị đặt câu hỏi: “ICC là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, tại sao khi đi xin đất, ICC không dùng giấy giới thiệu của mình mà lại phải dùng giấy giới thiệu của DETETOUR?

Hòa bình đã được lập lại trên miền Bắc từ năm 1954, và đến năm 1975 thì đất nước thống nhất. Từ đó đến nay, chẳng lẽ Nhà nước không lo được nhà cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội mà phải chờ đến tận bây giờ để nhờ một doanh nghiệp tư nhân không có năng lực tài chính như ICC mới xây nổi nhà? Vả lại, xin đất từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn không xây nổi nhà, thế thì 8 năm qua những đồng chí ấy ở đâu? Yêu cầu ông Hoàng Kim Đồng trình tòa giấy ủy quyền của cơ quan nào đã ủy quyền cho ông đứng ra xin đất để “xây nhà cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội”.
Hay khi chứng minh rằng mình và báo NNVN đã đúng khi kết luận rằng “con số mỗi năm nộp ngân sách 35 tỷ đồng mà ICC đưa ra là giả mạo”, chị đã trình tòa kết luận của Thanh tra Cục thuế Hà Nội: chẳng những ICC chẳng nộp được cho ngân sách được đồng nào mà còn nợ tiền đất, bị phạt tới hơn một trăm triệu đồng.

Tại phiên tòa, LS Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho báo NNVN, sau khi phân tích những yêu cầu và cáo buộc của nguyên đơn, đã khẳng định: “Cả 7 bài báo của NNVN đều nói lên sự thật, thông tin trên báo trung thực, có căn cứ. Báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng không làm ảnh hưởng gì đến lợi ích của ICC, nhà báo Nghiêm Thị Hằng không xâm phạm đời tư của ông Hoàng Kim Đồng”.

Cuối cùng cả 2 luật sư này đều đề nghị tòa đình chỉ giải quyết vụ kiện, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, vì có dấu hiệu của một vụ án hình sự.

Chúng tôi sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin cho bạn đọc ngay khi có kết quả của phiên phúc thẩm này.

CHÍ TUYÊN
*

Hà Nội có hay không đường dây bao che cho ICC tham nhũng?

18/11/2009
Qua gần 5 năm, trên 3.000 ngày kiên tâm, điều tra theo đơn thư tố giác của công dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam và nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã phát hiện 5 vụ việc có liên quan đến sai phạm của Công ty cổ phần đầu tư dự án quốc tế (ICC) và ông Hoàng Kim Đồng. Điển hình là vụ một số cơ quan Hà Nội bao che cho việc giao 6.720m2 đất cho Công ty ICC, không đấu giá quyền sử dụng, gây thất thoát cho ngân sách thành phố trên 500 tỷ đồng.

1. Biến 6.720m2 đất của Nhà nước thành tài sản của Công ty tư nhân ICC? 

Trong thời gian qua, từ năm 2005-2009, Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng với một số toà soạn báo khác, đã điều tra, phát hiện và đăng tải loạt bài viết liên quan đến hồ sơ giao đất của UBND TP Hà Nội Công ty ICC, tại số 2-4 Đội Nhân (Ba Đình, Hà Nội) và một số dự án có liên quan như Hòn Rớ II (Khánh Hoà)… Nội dung loạt bài điều tra này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đề nghị UBND thành phố, xem xét lại hai dự án cấp đất cho Công ty ICC tại số 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh, đề nghị phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng 6.720m2 đất tại hai dự án này, theo Quyết định 63, Quyết định 91 của UBND TP Hà Nội ban hành và Luật Đất đai năm 2003, thu về cho ngân sách trên 500 tỷ đồng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước.

Cùng điều tra theo đơn tố cáo của công dân, ngày 3-4-2006, C15 cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an, đã gửi tới UBND TP Hà Nội Văn bản 686, thông báo một số sai phạm của Công ty ICC và Giám đốc Hoàng Kim Đồng. Ngày 14-4-2006, UBND thành phố đã ra Văn bản 1533, đình chỉ việc thực hiện quyết định cấp đất tại số 2-4 Đội Nhân cho Công ty ICC (theo thông báo của C15). Ngày 26-7-2006, UBND tỉnh Khánh Hoà ra Quyết định 1317, huỷ bỏ Quyết định 28,38 ha đất giao cho Công ty ICC tại dự án Hòn Rớ II (Khánh Hoà).

Đáng ra những thông tin từ Báo Nông nghiệp Việt Nam, các toà soạn khác và C15 Bộ Công an, phát hiện những sai phạm của Công ty ICC và Giám đốc Hoàng Kim Đồng, phải được UBND thành phố xử lý nghiêm minh trong việc giao 6.720m2 đất dự án tại số 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh. Thế nhưng, Thanh tra thành phố được UBND giao thanh tra vụ việc này, sau 3 năm với 2 lần thanh tra, lại ra 2 kết luận số 1420 ngày 8-12-2005 và 1431 ngày 23-8-2007, báo cáo không trung thực với UBND thành phố “Giao đất cho Công ty ICC không phải đấu giá quyền sử dụng đất”. Kết luận này của Thanh tra Hà Nội, đã bảo vệ quyền lợi cho Công ty ICC, làm thất thoát trên 500 tỷ đồng cho ngân sách.

Về vụ việc UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty ICC trái Luật Đất đai, ngày 18-6-2008 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4014 giao cho UBND thành phố giải quyết. Thực hiện chỉ đạo này, ngày 8-9-2008 UBND thành phố ra Văn bản 1003 giao cho Thanh tra. Ngày 30-9-2008 Thanh tra thành phố có Công văn 617 báo cáo sai sự thực với UBND thành phố đã giải quyết đơn tố cáo. Căn cứ vào Công văn 617 không trung thực của Thanh tra, UBND thành phố có Văn bản 3137 ngày 17-11-2008 báo cáo với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng “Việc giao đất cho Công ty ICC là đúng”. Vụ việc bị phát giác, ngày 9-7-2009 UBND thành phố có Văn bản 6461 giao cho Thanh tra tổ chức đối thoại với công dân theo đơn khiếu nại ngày 27-11-2008. Thanh tra Hà Nội không tổ chức đối thoại với công dân nhưng lại ra Công văn số 1611 báo cáo không trung thực với UBND thành phố. Theo đề nghị của Thanh tra, “kể từ nay không tiếp nhận đơn khiếu nại và tố cáo có liên quan đến việc giao đất tại số 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh cho Công ty ICC”.

2. Vụ giao 6.720m2 đất cho Công ty ICC “nửa ra ánh sáng – nửa chìm bóng đêm”

Ngày 3-4-2006, C15 Bộ Công an gửi tới UBND thành phố Văn bản 686 thông báo những sai phạm của Công ty ICC và Tổng giám đốc Công ty này là Hoàng Kim Đồng.

Để được giao dự án, ICC đã man khai năng lực kinh doanh gấp nhiều lần, tại Văn bản 58 ngày 3-5-2004 gửi UBND thành phố.

Theo điều tra của C15, chữ ký tại Văn bản 58 ngày 3-5-2004 và Văn bản 181 ngày 10-12-2004 gửi UBND thành phố và Sở Tài nguyên môi trường. ICC đã giả mạo chữ ký.

Công ty ICC dùng danh nghĩa DETETOUR (nay là NEWTATCO) để liên hệ dự án đất tại số 2-4 Đội Nhân. Nhân thân Tổng giám đốc Hoàng Kim Đồng, những năm 1977, 1990 bị Công an Hà Nội, Công an Hoàn kiếm bắt vì tội trộm cắp và cưỡng đoạt tài sản công dân. Năm 1980 đào ngũ cướp của giết người, bị TAQS Quân khu 7 xử 10 năm tù giam.

C15 kết luận, qua quá trình điều tra “Phát hiện khả năng tài chính và năng lực kinh doanh của Công ty ICC kém nhưng Công ty vẫn báo cáo UBND thành phố giao cho thực hiện dự án với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng. Để xin đất triển khai dự án này, Công ty ICC và ông Hoàng Kim Đồng có những biểu hiện gian dối như nêu trên, sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc triển khai dự án. Đề nghị UBND thành phố xem xét lại việc cấp đất cho Công ty ICC tại số 2-4 Đội Nhân. Kết quả xử lý đề nghị UBND thành phố thông báo cho C15”.

Nhờ những kết luận có tính bao che của Thanh tra Hà Nội, nên ICC mới dám tố cáo Văn bản 686 của C15 Bộ Công an, là sai phạm, bóp méo sự thực, làm thiệt hại đến Công ty này. Để làm rõ những nội dung ICC tố cáo, C15 Bộ Công an đã mời ICC đến làm trong 3 ngày 11 đến 13-10-2006. Công ty này đã không lý giải được vốn cổ đông, năng lực kinh doanh, chữ ký giả mạo và việc dùng giấy giới thiệu của DETETOUR để liên hệ đất dự án tại số 2-4 Đội Nhân. ICC hứa 16 giờ ngày 13-10 sẽ cung cấp bằng văn bản các nội dung giải trình và chứng cứ cho C15, nhưng “biệt tăm” từ bấy tới nay.

Ngay khi điều tra các phóng viên đã vướng bức màn “Công ty ICC là của Tổng cục II Bộ Quốc phòng”. Ngày 18-10-2005, Tổng cục II có Công văn 151 khẳng định: “Ông Hoàng Kim Đồng không phải là người của Tổng cục II”. Đây là mấu chốt của vụ việc. Nếu chúng tôi không làm rõ, thì ICC và ông Đồng còn khoác vỏ là “người của Tổng cục II, xin không biết bao nhiêu dự án nữa và chẳng ai dám điều tra về Công ty ICC cũng như ông Đồng. Phóng viên Nghiêm Thị Hằng cho biết: Khi chúng tôi làm việc với Tổng công ty NEWTATCO, Tổng công ty này có Công văn số 151 ngày 31-8-2005 xác nhận: “Ông Hoàng Kim Đồng và Công ty ICC không phải là người và đơn vị trực thuộc của NEWTATCO. Cho đến thời điểm này Tổng công ty chúng tôi không ký một hợp đồng nào với Công ty ICC để triển khai dự án trọng điểm của Tổng công ty”. Lúc này thì vỏ mượn danh Tổng công ty NEWTATCO của ICC lại bị xé toang.

Mượn danh, mượn tiếng, ICC còn mượn cả “cổ đông góp vốn ma”. ở thời điểm Công ty ICC đăng ký vốn cổ đông 34 tỷ đồng thì có tới 30,5 tỷ đồng được xác nhận là vốn “ma”. Để che giấu nhân thân của ông Tổng giám đốc Hoàng Kim Đồng, ICC mượn cớ có đơn hỏi PC27 Công an Hà Nội để được PC27 trả lời: “Đã tra cứu tàng thư đối với Hoàng Kim Đồng, đến thời điểm này – Không có tiền án”. Điều này trái ngược với trích lục bản án hình sự 147/HS2 của TAQS Quân khu 7. Ngày 13-11-1982 TTAQS Quân khu 7 xử phạt Hoàng Kim Đồng 10 năm tù giam về các tội “Đào ngũ, giết người cướp của”. Còn bản án thì ghi rõ “Đồng bóp cổ giết chết em Bùi Thị Phương Lan 16 tuổi quê ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, vào trưa ngày 13-3-1980”, khiến ông Đồng hết đường chối cãi…

Cùng điều tra việc giao đất tại số 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh theo đơn tố cáo của công dân, có Thanh tra Hà Nội, C15 Bộ Công an và Báo Nông nghiệp VIệt Nam, nhưng chỉ có Thanh tra Hà Nội là kiên định bảo vệ “Việc giao đất cho ICC là đúng”, còn C15 Bộ Công an, Báo NNVN lại cùng nhìn và chỉ ra những sai phạm của Công ty ICC và Giám đốc Công ty này là ông Hoàng Kim Đồng.

Sự không nhìn thấy gì của Thanh tra Hà Nội, trong vụ việc giao 6.720m2 đất cho Công ty ICC, không thể nói khác là đã “bao che” cho Công ty này.

3. Hé lộ đường dây bao che cho tham nhũng trong vụ chuyển giao 6.720m2 đất trái pháp luật cho Công ty ICC
Ngày 5-6-2008, PC15 Công an thành phố có Văn bản 264, báo cáo với Văn phòng UBND thành phố giải quyết trả lời đơn của ông Đặng Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương – 172 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, tố giác hành vi sai phạm của ông Hoàng Kim Đồng, Tổng giám đốc Công ty ICC, do Văn phòng UBND thành phố chuyển đến công an theo Phiếu chuyển 12982. Văn bản 264 “Đã xác minh việc giao đất cho Công ty ICC tại 317 Trường Chinh ngày 29-12-2004, đây là hợp đồng liên doanh liên kết giữa Công ty lương thực Hà Nội và Công ty ICC nên không phải đấu giá quyền sử dụng đất”. “Ông Hoàng Kim Đồng và ICC không có dấu hiệu vi phạm hình sự”. Ông Vinh cho biết: “Tôi không có đơn gửi PC15 Công an Hà Nội theo địa chỉ 172 Xuân Diệu và cho đến nay tôi chưa bao giờ được làm việc với cán bộ PC15, cũng như không biết gì về Văn bản 264 được gọi là trả lời đơn tố giác và gửi cho tôi”.

Theo Công văn số 38 ngày 27-10-2004 của Phòng ĐKKD Sở Kế hoạch Đầu tư, thì Công ty TNHH Đại Dương có địa chỉ tại số nhà 52 Nguyễn Chí Thanh phường Láng Thượng, quận Đống Đa từ ngày 4-10-2004 theo giấy ĐKKD thay đổi lần thứ 6. Vậy ai đã mạo danh ông Vinh vào thời điểm năm 2008, có đơn từ 172 Xuân Diệu quận Tây Hồ, gửi đến PC15 công an TP nhằm mục đích gì?

Văn bản 264 của PC15 Công an có 4 nội dung được xác minh (đều nhằm chạy tội cho Công ty ICC và ông Hoàng Kim Đồng). Việc giao đất ở số 2-4 Đội Nhân, PC15 nêu “Theo kết luận của Thanh tra thành phố, giao đất tại thời điểm đó… không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất”. Quan trọng nhất trong Văn bản 264, điều mà ICC mong muốn, PC15 kết luận: “Ông Hoàng Kim Đồng và Công ty ICC không có dấu hiệu vi phạm hình sự”. Đây là cấp giấy đảm bảo về tư cách pháp nhân cho Côn ty ICC và ông Đồng có con dấu đỏ của Công an Hà Nội để ICC tiếp tục “tung hoành”. Tiếc thay, những nội dung PC15 kỳ công giải quyết, lại phục vụ cho đơn mạo danh?

Hai kết luận của Thanh tra thành phố có nội dung kiên định bảo vệ “Việc giao đất cho Công ty ICC tại 2-4 Đội Nhân không phải đấu giá”, kết luận của Thanh tra còn nêu rõ Văn bản 58 của Công ty ICC giả mạo chữ ký của ông Nguyễn Tuấn Dũng. Vậy mà văn bản này Thanh tra vẫn công nhận đủ tư cách pháp nhân theo đúng pháp luật để UBND thành phố lấy đó làm căn cứ ra Quyết định 1832 giao đất cho Công ty ICC ngày 25-8-2004?

Không chỉ PC15 Công an Hà Nội bị tố giác trả lời (đơn mạo danh) để phục vụ ICC, ngay đến cả UBND thành phố Hà Nội cũng bị khiếu nại ra Quyết định 5000 để giải quyết theo “đơn tố cáo ma”. Quá tin ở “đôi mắt thanh tra” sau 3 năm 2 lần thanh tra, nên UBND thành phố ra quyết định 5000 ngày 14-12-2007 giải quyết đơn thư của các hộ dân ở ngõ 2 Đội Nhân và Công ty Đại Dương. Như vậy, PC 15 Công an Hà Nội ban hành Văn bản 264 trả lời đơn thư mạo danh, Thanh tra TP Hà Nội bao che cho sai phạm biến đất công thành tài sản riêng của Công ty ICC, UBND TP Hà Nội ra Quyết định 5000 giải quyết “đơn tố cáo ma”, đã hé lộ đường dây bao che cho tham nhũng trong vụ chuyển giao 6.720m2 đất trái pháp luật cho Công ty ICC!

Đến thời điểm này hai dự án UBND thành phố giao đất cho Công ty ICC tại 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh từ 5-7 năm, vẫn bỏ hoang, hiện ICC đang cho các cá nhân và tổ chức thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ. Trong khi đó hàng trăm lao động ngành lương thực phải mất việc vì mất đất cho dự án.

4. 6720m2 “đất vàng” giao cho Công ty ICC đã 5-7 năm, vẫn bỏ hoang, bao giờ được UBND TP Hà Nội thu hồi? 

Vì sao PC15 Công an Hà Nội lại có Văn bản 137 xác nhận “ông Hoàng Kim Đồng không có tiền án” trái với “Bản án số 147/HS2 do TAQS Quân khu 7 xử ông Đồng 10 năm tù giam về tội đào ngũ, cướp của giết người”? Vì sao PC15 Công an Hà Nội lại có Công văn 264 trả lời theo đơn thư mạo danh ông Đặng Quang Vinh ở 172 Xuân Diệu – Tây Hồ, để chuyển tải 4 nội dung bảo vệ Công ty ICC? Vì sao hai kết luận của Thanh tra Hà Nội lại trái với thông tin của C15 Bộ Công an tại Văn bản 686 thông báo những sai phạm của Công ty ICC và Giám đốc Công ty này là Hoàng Kim Đồng gửi đến UBND TP Hà Nội? Vì sao suốt những năm 2005-2006, nhiều báo chí trong nước đề cập đến những sai phạm của Công ty ICC, tháng 7-2006, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ra quyết định thu hồi 28,38 ha đất tại dự án Hòn Rớ II giao cho Công ty này thì chỉ riêng Thanh tra và UBND TP Hà Nội là chưa nhìn ra “bộ mặt thật của ICC và ông Đồng”, để ngày 23-8-2007 vẫn cố tình kết luận “Giao đất cho Công ty ICC là đúng”. Cùng điều tra việc giao đất tại số 2-4 Đội Nhân và 317 Trường Chinh theo đơn tố cáo của công dân, có Thanh tra Hà Nội, C15 Bộ Công an và Báo Nông nghiệp Việt Nam; nhưng chỉ có Thanh tra Hà Nội là kiên định bảo vệ “Việc giao đất cho ICC là đúng”, còn C15 Bộ Công an, Báo NNVN lại cùng nhìn và chỉ ra những sai phạm của Công ty ICC và Giám đốc Công ty này là ông Hoàng Kim Đồng.

Sự không nhìn thấy gì của Thanh tra Hà Nội, trong vụ việc giao 6.720m2 đất cho Công ty ICC, không thể nói khác là đã “bao che” cho Công ty này.

Đường dây bao che cho tham nhũng trong vụ việc giao 6.720m2 đất cho Công ty ICC đã hé mở. Vậy bao giờ thì UBND thành phố thu hồi đất của hai dự án giao cho Công ty ICC đã từ 5-7 năm nay vẫn bỏ hoang? Đề nghị cơ quan Thanh tra của Chính phủ, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an, sớm điều tra để xử lý nghiêm minh đường dây bao che cho tham nhũng trong vụ việc này.

Nhóm phóng viên thực hiện
*

25 bút lục biến mất, ai chịu trách nhiệm?

Trần Ninh Thụy (24/10/2010) – Ngày 22/10/2010, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng lại đứng lên bảo vệ lẽ phải và chân lý.

Nhiều chuyện nực cười


Quang cảnh phiên toà
Trả lời cáo buộc của phía Cty ICC cho rằng mình không có vốn khống, cổ đông ma; báo NNVN phải cải chính, xin lỗi do đã đăng sai chi tiết đó, làm ảnh hưởng đến uy tín của ICC. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã trình tòa những kết quả điều tra của mình, và chị đã làm người dự khán phải bật cười khi đưa ra chứng cứ: Bà Phan Thị Thanh Vân, vợ của Tổng giám đốc ICC Hoàng Kim Đồng, đã thế chấp cả… vườn hoa Nghĩa Tân lấy 16 tỷ đồng khống góp vào ICC.

Chẳng là, trong phần vốn đóng góp của các cổ đông của ICC có ghi bà Vân thế chấp biệt thự đơn II ở làng quốc tế Thăng Long, trị giá 16 tỷ đồng. Nhưng khi phóng viên báo NNVN đến địa chỉ này thì đó chính là vườn hoa Nghĩa Tân. Số vốn khống 16 tỷ đó sau được “chuyển nhượng” cho ông Hoàng Kim Đồng, rồi đến lượt mình, ông Đồng lại “chuyển nhượng” cho người khác.

Bằng nhiều bằng chứng khác nữa, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã chứng minh được rằng 30,55 tỷ đồng/34 tỷ đồng vốn của ICC là vốn khống. Còn cổ đông “ma”, trong danh sách cổ đông của ICC có ghi ông Phan Quốc Việt góp vốn 1,25 tỷ đồng. Nhưng khi PV báo NNVN tìm đến địa chỉ của ông Phan Quốc Việt, thì mới hay đó là một…con nghiện, trước đây làm nghề cắt tóc, đã bỏ nhà đi từ lâu, vợ ông Việt cho biết, với hoàn cảnh gia đình như vậy, thì không thể nào có số tiền 1,25 tỷ để góp vốn cho ICC.

Về bài báo viết về dự án Hòn Rớ II ở Khánh Hòa. Trả lời cáo buộc của nguyên đơn về việc báo NNVN đã đăng sai sự thực về chuyện ICC đã “bôi trơn” lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để được giao đất tại dự án này. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng bác bỏ: Câu hỏi chủ một doanh nghiệp tư nhân khác đã “bôi trơn” hàng tỷ đồng, vậy Hoàng Kim Đồng đã “bôi trơn” bao nhiêu để được giao đất tại dự án Hòn Rớ II chỉ là một câu hỏi nghiệp vụ chứ hoàn toàn không phải là câu khẳng định.

Nhà báo có quyền đặt những câu hỏi như vậy, còn việc xác minh có việc “bôi trơn” hay không, là thuộc thẩm quyền của cơ quan khác. Nếu qua xác minh, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản trả lời báo, thì NNVN sẵn sàng đăng văn bản đó, nhưng từ đó đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hề có văn bản trả lời, vì vậy câu hỏi vẫn treo đó.

Tuy nhiên, nhà báo Nghiêm Thị Hằng cũng công bố một biên bản xác minh, trong đó một cán bộ của ICC đã nói rõ, trong một bữa tiệc tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Kim Đồng đã đưa cho ông Trần Minh Duân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, một phong bì. Tuy không khẳng định rằng phong bì đó đựng gì nhưng câu hỏi trên của báo NNVN là hoàn toàn hợp lý. Ông Hoàng Kim Đồng cũng khiến nhiều người dự khán phải nhếch mép khi thanh minh rằng đó là cái phong bì đựng thuốc… hôi người. Chuyện “thuốc” đựng trong phong bì, đưa tại một bữa tiệc, có lẽ là chuyện hy hữu trên đất nước ta từ thời “mở cửa” đến nay, và có lẽ chỉ có ông Hoàng Kim Đồng mới đủ sức nghĩ ra được “sáng kiến” này.

Về số tiền mà ICC đòi báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng phải bồi thường, tổng cộng trên 24 tỷ, trong đó có việc do báo NNVN đăng sai, nên một doanh nghiệp đã không góp vốn vào ICC nữa, khiến ICC không có tiền để nộp tiền sử dụng đất, thời điểm đó là 8 tỷ đồng. Năm sau, số tiền đó tăng lên 28 tỷ, chênh lệch 20 tỷ, số chênh lệch đó báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng phải trả.

Người dự khán bàng hoàng khi nhà báo Nghiêm Thị Hằng đưa ra chứng cứ: trước sau, ICC vẫn chỉ phải nộp 8 tỷ tiền sử dụng đất, không có chuyện chênh lệch 20 tỷ. Con số 20 tỷ mà ông Hoàng Kim Đồng đưa ra là một sự bịa đặt, vu khống trắng trợn, chẳng khác gì một hành vi cưỡng đoạt…

Bút lục biến bất, chuyện như đùa

Việc 25 bút lục biến mất khỏi hồ sơ vụ kiện được các luật sư nêu lên một cách gay gắt, đòi phải được làm sáng tỏ.

LS Nguyễn Hồng Bách, giám đốc Văn phòng Luật sư Nguyễn Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng tại tòa, đặt câu hỏi: “Đây là hồ sơ một vụ án, nó được lưu tại tòa, được bảo vệ theo một quy định rất nghiêm ngặt và cẩn mật, chứ không phải một cái cặp giấy lộn. Chúng tôi là luật sư, muốn sao chép hồ sơ phải có đơn, và phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Khi sao chép, thư ký tòa ngồi bên cạnh, giám sát, so sánh việc sao chép đối với từng bút lục. Vậy thì vì sao chừng ấy bút lục lại có thể mọc cánh mà bay khỏi hồ sơ được? Ai đã làm việc này? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?”.

Rất tiếc, HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã không trả lời, không tập trung làm sáng tỏ việc này. Về nguyên tắc xét xử thì hồ sơ mỗi vụ án đều phải được xem xét một cách toàn diện. Mất 25 bút lục, nghĩa là việc xem xét không còn toàn diện được nữa. Vậy tòa sẽ xử như thế nào, tuyên như thế nào trên cơ sở một hồ sơ không đầy đủ như thế? (xin lưu ý rằng chính ông Hoàng Kim Đồng đang kiện phía bị đơn rằng đã không nghiên cứu đầy đủ hồ sơ, tài liệu nên viết sai).

Theo nhà báo Nghiêm Thị Hằng thì tòa cấp sơ thẩm còn một vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng nữa, đó là việc ngày 20/10/2010, trước ngày mở phiên tòa 1 ngày, khi chị lên làm việc tại TAND TP Hà Nội, thì mới hay trong hồ sơ vụ kiện có một bản giải trình của ICC đề ngày 27/10/2008 (mang số bút lục 1462), trong bản giải trình đó, ICC cho rằng bút lục số 775, gồm 10 nhóm, tổng cộng 104 tài liệu, phía ICC cho rằng “không cần thiết” nên đã rút ra.

Thật kỳ lạ, muốn rút tài liệu ra khỏi hồ sơ thì phải có đơn. Vậy đơn của ICC đâu? Ai là người đồng ý cho rút? Và nếu rút toàn bộ 104 tài liệu trong bút lục 775 đó, là những tài liệu chứng minh cho đơn khởi kiện bổ sung của ICC, thì coi như không còn nội dung khởi kiện nữa. Rất tiếc, HĐXX cấp phúc thẩm cũng không xem xét việc này.

14 giờ ngày 26/10/2010, HĐXX sẽ tuyên án. Kết quả phiên tòa ra sao, chúng tôi sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc.