Xuân Yến
Khi bỏ đi một bào thai của chính mình, có nghĩa là mình đã tước đi quyền được sống và hiện hữu của một sinh linh, một sinh mạng. Tôi hiểu rất rõ điều này. Và tôi còn hiểu nhiều hơn về cái sự tàn nhẫn của một người phụ nữ được tạo hóa ban cho cái thiên chức làm Mẹ lại nỡ bỏ đi chính giọt máu của mình, nỡ giết chính đứa con của mình…Đau lắm! Đau vô cùng! Không phải đau vì da thịt mình bị mổ xẻ bằng dao kéo, mà đau vì cảm giác tội lỗi với mầm sống do chính mình tạo nên, rồi lại nhẫn tâm hủy hoại nó. Chỉ nghĩ đến đây thôi, là tất cả các mạch máu cùng những tế bào trong cơ thể như muốn đông cứng, cơ hồ có một áp lực vô hình nào đó đang bóp ngẹt con người tôi, ngạt thở…
- Vậy là có thai rồi, nhưng còn rất nhỏ, chỉ mới được vài ngày tuổi thôi. Sao biết mà đi khám vậy?
Thắc mắc này của bác sỹ là rất chính đáng, bởi tôi đi khám thai khi đồng hồ sinh học phụ nữ trong tôi quay chưa hết một vòng kinh. Nhưng vì quá nhạy cảm với cơ thể của mình, tôi linh tính có một điều gì khang khác…Vị bác sỹ lạnh lùng nói từng nhát một, câu hỏi cụt ngủn, không đầu, không đít làm tôi cảm thấy khó chịu. Và bản tính chanh chua, bốp chát của tôi trỗi dậy, tuôn ra một câu trả lời rất đỗi tương xứng với cái câu hỏi nhát gừng kia:
- Tự nhiên thấy trong người không được bình thường thì đi khám, chứ sao!!!
- Giờ sao? Bỏ hả? Bác sỹ lại hỏi tiếp.
“Trời đất! Sao bà này lại biết được ý định của mình vậy hả Trời?”. Tôi im lặng và ngạc nhiên với câu hỏi ấy. Phải chăng thái độ sợ hãi của tôi đã nói cho mọi người biết được ý định của mình? Phải chăng tôi chỉ đi khám thai một mình mà chẳng có một ai đi cùng nên họ nghĩ tôi đang mang một cái thai hoang? Phải chăng trông tôi còn quá non trẻ so với cái tuổi đã rất xứng đáng được làm Mẹ nên họ nghĩ mình đã trót lầm lỡ với ai? Bao nhiêu câu hỏi cứ tuôn ồ ạt trong óc, không thể tự trả lời được. Người cứ ngồi đần ra, chẳng biết trả lời như thế nào cả. Giá như gặp được một bác sỹ nhẹ nhàng và hòa nhã, thì chắc tôi sẽ không ngại nói với bác sỹ rằng tôi là gái đã có Chồng hẳn hoi, nhưng vì một vài lý do rất riêng tư nên đành phải khước từ bào thai này. Tôi sẽ khẳng định với bác sỹ là tôi không muốn giữ lại đứa con trong bụng. Nhưng ngặt một nỗi, cái thái độ của vị bác sỹ kia làm tôi thấy tức tối và tổn thương đến lòng tự trọng của bản thân ghê gớm. Những cái liếc nhìn sắc lẻm và đầy khinh miệt của bác sỹ dành cho tôi làm tôi cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề. Một người hay bị tổn thương như tôi không cho phép bất cứ ai có thái độ xem thường và miệt thị mình nếu như mình không làm gì động chạm đến người ta. Vậy là tôi không thể mở miệng trả lời câu hỏi ngắn gọn của bác sỹ được. Tôi không thể trả lời rằng tôi muốn bỏ thai. Như vậy chẳng khác nào mình đã trao tặng thêm cho vị Bác Sỹ này cơ hội xem thường và khinh khi mình. Không thể như thế được, dù rằng khi mọi sự đã xong, thì tôi và bà ấy sẽ chẳng còn lý do gì để gặp lại nhau. Nhưng dù chỉ trong một thoáng chốc bị người khác xem thường như vậy, tôi cũng không thể nào chịu được. Không thể nào chấp nhận được. Vậy là cái sỹ diện trong con người tôi đã thay mặt tôi trả lời:
- Không bỏ, Bác Sỹ cho thuốc dưỡng thai đi!
Cầm toa thuốc dưỡng thai ra về, tôi không hiểu mình đang như thế nào và phải sống ra sao trong những ngày tháng tiếp theo. Tôi không muốn có con với người đàn ông đã làm mình tổn thương trầm trọng. Tôi không muốn sinh con cho người đàn ông mà tôi đang hết sức xem thường . Tôi không muốn con tôi có một tố chất nào giống người đàn ông ấy. Tôi chỉ muốn đưa đơn ra Tòa Án. Tôi chỉ muốn ly hôn càng sớm càng tốt. Tôi chỉ muốn thoát khỏi cái chức Vợ xoàng xĩnh đối với một nghệ sỹ khá nổi tiếng như anh. Nhưng giờ đây,khi trở về nhà với bào thai trong bụng, là khi tôi phải chấp nhận một cuộc sống khép mình, không được thương yêu, không được nuông chìu như những “bà bầu” khác. Vì tôi thật sự chẳng cần những điều ấy từ một người mà tôi đã thấy không còn niềm tin yêu. Và nếu cưu mang đứa con này, thì liệu rằng tôi có đạt được một cuộc sống đơn thân tự do như mình hằng mong muốn? Chắc chắn là không. Mà thay vào đó, phải là sự cam phận, phải đối mặt với cái cảnh tay bế, tay bồng… Tự nhiên đầu óc quay cuồng, chông chênh tột độ…
…Đã đến giờ khai tiệc. Khách được mời chủ yếu là những bạn bè thân thuộc. Chủ nhân của buổi tiệc lẫm đẫm chạy quanh kháng phòng trong bộ đầm trắng như một nàng công chúa nhỏ. Những chiếc bong bóng cứ bồng bềnh, cứ lăn dần ra xa hơn để cô nhóc phải chạy theo giữ lại. Tiếng cười giòn tan của cô con gái làm tôi hạnh phúc muốn trào nước mắt. Mọi người trong buổi tiệc ai cũng cười đùa xôn xao. Sau những phép tắc xã giao cần thiết, tôi lui về một góc bàn tiệc, lặng lẽ ngồi nhìn con của mình đùa giởn với những quả bóng tròn đủ màu sắc. Vậy là con tôi cũng đã được tròn một tuổi. Vậy là tôi đã thực sự làm Mẹ được một năm rồi. Bao nhiêu vui buồn trong hành trình làm Mẹ đều được tôi dần dần nếm trãi. Nỗi cơ cực đến hao gầy thân xác luôn bám theo tôi trong từng phút giây con tôi khôn lớn. Nhưng bù lại, tôi luôn cảm thấy một nỗi sung sướng đến tột cùng khi con mình biết bò, biết lật! Ánh mắt tôi luôn rực sáng lên niềm hạnh phúc mỗi khi dõi theo những bước đi chập chững của con. Tôi cười mãn nguyện khi con đã biết dỗi, biết hờn. Tôi hồ hởi dang rộng vòng tay đón con vào lòng mỗi khi con chạy đến khoe một điều gì đó với Mẹ. Tôi như được bồng bềnh trên mây khi con nũng nịu gọi “mama…”. Tất cả những đau thương mà tôi từng phải ghánh chịu trong đời đều được xóa sạch chỉ bằng một nụ cười tinh khôi của nàng công chúa nhỏ…Tôi gọi đó là một phép màu, một phép màu thực thụ của cuộc đời tôi…
Đôi khi tạo hóa muốn ban cho ta một phép màu, thì trước tiên sẽ là một phép thử, một phép thử không khoang nhượng giữa những sự lựa chọn sống còn cho một quyết định quan trọng nào đó trong cuộc đời. Có thể ta phải khóc thương sầu muộn cho một quyết định nông nổi dại khờ. Có thể ta sẽ tiếc nuối vì con đường mình đã chọn. Nhưng cũng có thể ta sẽ hoàn toàn mãn nguyện vì những điều mình đã nương theo. Tôi không đủ can đảm để vượt qua được cái phép thử khắc nghiệt kia, nhưng tôi có được may mắn để có thể lách qua được cái bẫy vô hình mà cuộc đời này đã giăng sẵn, để giờ đây và mãi mãi sau này, tôi luôn có được niềm hạnh phúc vô biên , niềm hạnh phúc được làm Mẹ của một người phụ nữ rất đỗi bình thường- là Tôi.