Việt Hà, phóng viên RFA
2010-10-28 - Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy mất cân đối tỷ lệ giới tính khi sinh nghiêm trọng ở Việt Nam.
Ảnh hưởng lớn đến xã hội
Các chuyên gia dân số Liên Hiệp Quốc cho rằng sự mất cân đối này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ có ảnh hưởng lớn đến xã hội Việt Nam sau này.
Bản báo cáo mới đây của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc vừa công bố tháng này cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức 110,6 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Đây là tỷ lệ được các chuyên gia về dân số quốc tế coi là mất cân bằng nghiêm trọng và cần phải có những can thiệp để điều chỉnh kịp thời.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ giữa trẻ trai và trẻ gái ở mức từ 104 đến 106 trên 100 thì được coi là bình thường.
Việc lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam đã thể hiện rõ ràng ngay ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, mặc dù tỷ lệ này cao hơn rất nhiều ở các lần sinh tiếp theo.
TS Christophe Guilmoto
Theo báo cáo này, tỷ lệ giữa trẻ trai và gái ở Việt Nam đặc biệt mất cân bằng ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh tiêu biểu là Hưng Yên, Hải Dương, và Bắc Ninh. Đặc biệt ở Hưng Yên, tỷ lệ này là 130.7 trẻ trai trên 100 trẻ gái.
Nhưng điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo lần này chính là tỷ lệ này tăng đều đặn từ lần sinh thứ nhất đến lần sinh thứ ba. Tỷ lệ này ở lần sinh thứ nhất là 110, lần thứ hai giảm đi một chút là 109, và ở lần thứ ba là 115. Tiến sĩ Christophe Guilmoto, tác giả bản báo cáo cho biết: “việc lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam đã thể hiện rõ ràng ngay ở lần sinh thứ nhất và thứ hai, mặc dù tỷ lệ này cao hơn rất nhiều ở các lần sinh tiếp theo. Tại các nước khác, tỷ lệ này thể hiện thường rõ ràng hơn ở lần sinh thứ hai và thứ ba cho thấy sự phân biệt giới tính.”
Các chuyên gia giải thích sự thay đổi tỷ lệ này giữa các lần sinh là do các cặp vợ chồng đã lựa chọn giới tính trước khi sinh trong các lần mang thai. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với công nghệ siêu âm cho phép các cặp vợ chồng có thể biết được giới tính của trẻ từ rất sớm và có thể quyết định nạo phá thai.
Việc lựa chọn giới tính khi sinh ở Việt Nam được cho là bắt nguồn từ quan niệm trọng nam khinh nữ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề Xã hội giải thích:
“Vì Việt Nam bị ảnh hưởng của nho giáo, thế kỷ thứ 15 Việt Nam lấy nho giáo làm quốc giáo, mà nho giáo là trọng nam khinh nữ, nho giáo là phải có con nối dõi tông đường. Theo quan niệm của nho giáo, một trong những trọng tội nhất là tội bất hiếu lớn nhất là tội không có con trai nối dõi tông đường. Người ta quan niệm như vậy. Tất nhiên đó là thế kỷ thứ 15, bây giờ thì cái ảnh hưởng của nó đã giảm rất nhiều, nhưng vẫn còn ảnh hưởng. Nhưng văn hóa chỉ là một phần thôi, phần thứ hai nữa là về lý do kinh tế. Một đất nước nông nghiệp thì phần lớn cha mẹ không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội, khi về hưu người ta phải dựa vào con, mà người ta cũng không có tích lũy. Mà theo truyền thống văn hóa là chỉ có con trai ở với bố mẹ thôi chứ con gái đi lấy chồng. Còn yếu tố nữa là thờ cúng tổ tiên. chỉ có con trai mới thờ cúng, con gái đi về nhà chồng rồi, nên người ta cũng cần cái đó nữa.”
Anh Nguyễn Văn Cường, một người dân hiện đang sống ở Hà nội, cho biết bố mẹ anh lúc nào cũng muốn có cháu trai để đảm bảo có người nối dõi. Thêm vào đó là tâm lý cho rằng con trai thì được việc hơn con gái. Anh nói:
“Ông bà cũng thích cháu trai, vì đó là tâm lý người già. Đó là truyền thống từ ngày xưa của dân tộc từ thời phong kiến để lại. Tâm lý dòng tộc, trong gia đình theo dòng tộc thì phải là người đàn ông chứ không thể là phụ nữ được. Trong dòng tộc, người đàn ông là chính, đàn ông là trưởng họ chứ ko phải phụ nữ. Trong gia đình, trong dòng tộc mà có việc thì bao giờ con trai cũng phải đứng ra gánh vác đầu tiên.”
3 triệu đàn ông sẽ không có vợ
Nạn mại dâm cũng khó hạn chế được vì một số người nam giới, một số lớn không lấy được vợ mà người ta vẫn có nhu cầu tình dục chẳng hạn thì người ta phải đi vào nơi mại dâm thôi.
TS Nguyễn Đình Cử
Mặc dù chính phủ Việt Nam đã chính thức cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh, nhưng trên thực tế việc các cặp vợ chồng đi siêu âm và quyết định nạo phá thai tại các phòng khám tư vẫn rất phổ biến. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cho biết:
“Bây giờ người ta siêu âm, phát hiện sớm giới tính thai nhi, người ta nạo phá thai an toàn. Nếu giới tính không theo nguyện vọng của cha mẹ thì người ta nạo đi. Đúng là luật thì cấm rồi, nghiêm cấm siêu âm phát hiện giới tính thai nhi. Thế nhưng rất khó mà biết được ai siêu âm để phát hiện giới tính thai nhi, còn ai siêu âm để phát hiện các bệnh dị tật bẩm sinh.”
Ông Bruce Campbel, đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết: “sự mất cân bằng giới tính khi sinh tăng lên nhanh chóng trong vòng 5 năm qua đã thu hút sự chú ý của quốc tế và nẩy sinh những quan ngại.” Ông nói sự mất cân bằng này nếu vẫn tiếp tục sẽ khiến cho một số rất đông thanh niên Việt Nam không thể tìm được vợ trong tương lai. Chính Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nói hồi tháng năm năm ngoái là nếu sự mất cân đối về giới tính khi sinh vẫn tiếp tục, thì đến năm 2030, sẽ có khoảng 3 triệu đàn ông Việt Nam không thể tìm được vợ.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cho biết thêm về những hậu quả mà xã hội Việt nam sẽ phải gánh chịu nếu mức mất cân đối này không được thay đổi kịp thời:
Một tiệm internet cafe ở Hải Phòng hôm 27/04/2010. RFA PHOTO / Tyler Chapman.
Một tiệm internet cafe ở Hải Phòng hôm 27/04/2010. RFA PHOTO / Tyler Chapman.
“Hậu quả đương nhiên là với chế độ một vợ một chồng thì sẽ có một bộ phận nam giới không lấy được vợ. Cái thứ hai nữa là ngay ở Hải phòng có xã là công dân định kiện chủ tịch xã vì con người ta không lấy được vợ. Câu chuyện thứ 3 là khi mà ở vành đai ở các nước hiếm phụ nữ thì nảy sinh tình trạng mua bán phụ nữ, bắt cóc trẻ em gái cũng đã diễn ra. Thứ 4 là nạn mại dâm cũng khó hạn chế được vì một số người nam giới, một số lớn không lấy được vợ mà người ta vẫn có nhu cầu tình dục chẳng hạn thì người ta phải đi vào nơi mại dâm thôi.”
Dựa vào các kết quả của nghiên cứu lần này, Tiến sĩ Guilmoto đã đưa ra một số những dự báo trong vài chục năm tới tại Việt Nam. Theo đó, ở kịch bản xấu nhất là không có sự can thiệp của chính phủ, mức độ mất cân đối vẫn tiếp diễn, thì tỷ lệ này sẽ tăng lên ở mức 115 vào năm 2015 và sẽ giữ ở mức như vậy. Còn trong kịch bản lạc quan hơn, tức là có sự can thiệp của nhà nước, thì tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 115 từ nay cho đến năm 2020 rồi sau đó giảm xuống còn 105 vào năm 2030, tức là mức bình thường của thế giới.
Hiện chính phủ Việt Nam cũng đã có kế hoạch để đối phó với vấn đề này. Tổng cục Dân số và Kế hạch hóa Gia đình đang thực hiện chương trình thí điểm để thay đổi tỷ lệ này ở 20 tỉnh. Tỷ lệ giới tính khi sinh cũng được coi là một trong những trọng tâm được đề cập trọng chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe Sinh sản từ năm 2011 đến 2020.