"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 25. Februar 2011

HỌC LÀM NGƯỜI

Vũ Thế Long
 
Thuở nhỏ, khi tôi mới bắt đầu biết đọc, một trong những bài học đầu tiên mà tôi còn nhớ đến già là bài kể về một bác thợ cầu. Chuyện kể:"trong một đêm lạnh buốt, chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa. Bác thợ già rảo cẳng về nhà lòng hân hoan mong sớm gặp vợ con đang chờ trong gian nhà ấm cúng bên lò sưởi hồng đón mừng năm mới. Chợt nhớ lại trên đọan cầu mà bác sửa chữa ban chiều, có một chiếc bù loong chưa được kiểm tra. Bác thấy trong lòng áy náy nên vội vàng chạy như bay trở lại và leo ngay ra đoạn có thanh tà vẹt ấy để kiểm tra. Quả tình chiếc bù loong đã bị lỏng mà chưa được siết lại. 

Đêm lạnh buốt, gió rít từng cơn, treo mình giữa nhịp cầu, bác lấy hết sức siết cho thật chặt. Làm xong công việc, đúng lúc ấy đòan tàu chở đông khách cũng vừa tới đầu cầu. Nhìn hành khách trên cầu hân hoan trên dường về quê ăn tết, Bác thấy trong lòng thư thái. Lòng nghĩ: nếu như chiếc bù loong ấy rời ra, hẳn là đòan tàu có thể lao thẳng xuống sông. Vừa lúc ấy, tiếng chuông nhà thờ vang lên báo hiệu giao thừa đã đến…”

Trong nhà, Bố tôi luôn dạy cho các con tính ngăn nắp, tiết kiệm và cẩn thận trong mọi công việc. Dao kéo, kìm búa dùng xong phải để vào đúng chỗ. Ra khỏi phòng phải tắt đèn, đóng cửa. Xe đạp phải bơm căng lốp, kiểm tra phanh trước khi dắt ra phố…Từ những việc nho nhỏ cỏn con ấy nó tạo cho con người nếp sống có nề có nếp và cái tinh thần trách nhiệm.

Thời ấy, ở trường tôi chẳng có môn học nào đựoc gọi là môn “Giáo dục công dân” như bây giờ nhưng từ những bài học như vậy mà cả thế hệ tôi lớn lên hầu như ai cũng có được cái ý thức trách nhiệm với cuộc sống, trách nhiệm với công việc, gia đình cộng đồng và và Tổ Quốc.
*
* *
Bẵng đi một thời, cái câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” bị người ta phê phán là cổ hủ. Vị giáo sư Động vật học thầy tôi có nói câu “Dạy người cũng như dạy thú”, tuy chỉ có ý giảng cho học trò rằng muốn dạy con thú làm trò, đôi khi người ta cũng phải tạo ra cho chúng những tập tính bằng roi vọt. Thử hỏi không có cái roi thì làm sao có thể dạy dược sư tử? Bố mẹ dạy con đôi khi cũng phải có hình phạt … Ấy vậy mà người ta đã phê phán câu nói của thầy tôi là “có vấn đề”. Người ta chỉ tin một cách mù quáng ở cái ý thức tự giác trời cho của con người và những khái niệm mơ hồ không chỉ trẻ con mà người lớn cũng không hiểu nổi, không để ý đến sự răn đe, rèn dạy. Vị giáo sư, nhà sư phạm lỗi lạc muốn nêu lại cái câu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng bị lên án cùng với Thầy tôi. 

Hồi ấy, có một ông thầy dạy lớp 4 trường tôi là một thầy dạy giỏi và lớp ông bao giờ cũng đứng đầu trường về thành tích học tập, kỉ luật bỗng bị một phụ huynh kiện về tội trót tát học trò hư hỗn. Người ta mở tòa án ngay trong sân trường và ông giáo ấy bị sa thải dầu rằng thầy còn rất trẻ.
Tưởng rằng cứ dạy đạo dức, dạy môn giáo dục công dân, có Đội, có Đòan là đâu sẽ vào đấy nào ngờ đạo đức trong nhà trường chẳng hiểu sao nó cứ ngày càng phú qúy giật lùi. Thời chúng tôi đi học làm gì có chuyện trò kéo bè kéo đảng đánh nhau, đâm nhau đến chết. Làm gì có chuyện trò đánh thầy, trai gái mới nứt mắt đã rủ nhau đi nhà nghỉ đú đởn thậm chí đến con giết bố giết mẹ, cháu giết bà chỉ để cướp chút tiền chơi game, ăn chơi trác táng như bây giờ. Hết cải cách này đến cải cách khác và rồi cái khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” lại được phục hồi và kẻ to đùng ở mọi trường học nhưng căn bệnh trầm kha về trồng người vẫn không thể nào dừng lại mặc dầu đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”…
*
* *
Xuân này, bao chuyện đau lòng xảy ra. Nào là lái xe ngổ ngáo chen lấn gây gổ trên cầu làm ùn tắc, gác cầu, lái tàu hỏa cẩu thả, gây ra cái chết thê thảm của bao hành khách. Rồi lại chuyện lơ là bỏ việc để cả một con tàu chìm ngòai biển khơi làm chết bao sinh mạng du khách, một thảm họa cho ngành du lịch của cả nước trong khi người ta chỉ tốn công sức tiền bạc hô hào bình chọn sao cho Vịnh Hạ Long là diểm du lịch nhất hòan cầu . 

Qua những sự việc đau lòng ấy, khi người ta phỏng vấn quan chức quản lí Vịnh Hạ Long, có vị lại nói rằng “tại lái tàu còn trẻ quá” nên gây ra tai nạn…và muôn vàn kiểu giải thích khác nhau.(*)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng chỉ vì anh thuyền trưởng lái tàu mới 22 tuổi nên ít kinh nghiệm. Theo pháp luật thì ai có đủ sức khỏe, đủ tuổi, đủ trình độ theo luật quy định thì có quyền điều khiển mọi phương tiện, kể cả điều khiển cả con tàu vũ trụ hay mọi máy móc khí cụ khổng lồ khác. Không phải cứ người già thì mới được lái, lái giỏi. 

Vấn đề ở đây là ở chỗ cái tinh thần trách nhiệm, cái ý thức nghề nghiệp, cái đạo đức con người thì phải có học, có rèn mới có được. Giỏi tay nghề đến mấy mà không có đạo đức thì cũng hỏng bét. Vừa ngu vừa dốt lại vô đạo đức mà lại giao điều hành thì chỉ có dìm con tàu xuống đáy biển mà thôi.

Hà Nội 23-2-2011

(*) Trích trả lời của phóng viên Viên Khánh phỏng vấn ông Ngô Văn Hùng trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long trên RFA tối 22-2-2011.