Thư ngỏ kính gửi Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh
Kính thưa Cha Pascal quý mến,
Lâu nay con rất say mê đọc và nghiền ngẫm các bài viết của Cha liên quan tới đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Con xin phép chia sẻ mối tâm đắc và đồng cảm của con đối với những ưu tư và tâm huyết mà Cha đã và còn đang trải bày trong những bài viết đầy tính xây dựng và hiện thực đối quốc gia, dân tộc và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Từ những bài viết của Cha, tự nhiên trong con toát ra nguồn cảm hứng mãnh liệt thôi thúc mình tiếp nối ý tưởng của Cha để nói lên những cảm nghĩ suy tư của mình. Nhưng rồi tự soi rọi lại mình, con thấy mình chưa đủ tầm vóc để làm công việc muốn làm, thậm chí có thể làm nhẹ đi hay lệch đi ý tưởng thâm sâu của Cha, e rằng mình có thể xúc phạm nghiêm trọng tới ngòi bút của Cha vốn dĩ đã sắc bén và có mãnh lực thu hút phi thường, thuyết phục người đọc, chỉ trừ những ai có tai mà không nghe, hay cố tình không chịu nghe. Thảng hoặc có nghe thì lại diễn dịch theo cái ý chống chữa của họ hay xuất phát từ một tâm địa ganh tị cay cú.
Mặc dầu có những suy nghĩ và trăn trở như trên, hôm nay con vẫn mạo muội xin phép Cha cho con mạnh dạn vượt qua ranh giới mà con đã tự đặt ra cho mình, để tâm sự đôi điều với Cha và với những ai cùng quan tâm tới tiền đồ GHCGVN.
Đọc nhan đề bài viết mới nhất của Cha “Nhìn thấy Chúa hiện diện và hành động” với lời chua sau đó “Suy niệm Tin Mừng Mt 6, 25-34”, con hiểu đây là một bài suy niệm hay một bài giảng hướng dẫn suy niệm Lời Chúa qua Tin Mừng Thánh Mátthêu đoạn 6, câu 25-34.
Ước gì mọi tín hữu Việt Nam lãnh hội bài suy niệm của Cha để đừng dừng lại với những gì là phù phiếm! Đừng dừng lại với dáng vẻ rực rỡ bên ngoài những sắc màu hoa xuân. Trái lại, luôn cảnh giác với BÔNG HOA GIẢ!
Cha đã chỉ ra cho mọi người thấy vô số những cành hoa giả “được bày bán khắp nơi, từ xa trông thật đẹp mắt, nhưng đến gần thì hoá ra là đồ giả.” Từ người công nhân trong các thành phố, đến các bác nông dân ở thôn quê, các ngư dân nổi chìm lênh đênh giữa biển trời mênh mông… là những người nghèo khổ lam lũ, họ mong đem về cho gia đình những cành hoa thật từ lao công của mình hầu giúp cho cuộc sống gia đình họ tươi đẹp hơn, rực rỡ hơn. Tiếc thay! Họ gặp toàn những bông hoa giả đánh lừa họ, báo hại đời họ.
Họ tự an ủi mình bằng cách tìm tới món ăn tinh thần là truyền thông báo chí, một luồng báo chí tự do thông tin nhiều chiều. Nhưng vô phúc thay! Đi đâu họ cũng gặp toàn những báo lề phải đi một chiều, và từ đó“báo chỉ nói những chuyện được phép nói, nên nếu đọc báo để tìm những chuyện muốn biết, cần biết, thì không thấy, đem gói xôi thì mất vệ sinh, cuối cùng nói như nhà văn Nguyễn Khải, chỉ để bán ký. Hoá ra tự do báo chí cũng chỉ là một bông hoa giả.”
Người tín hữu Công giáo không còn tin những gì thuộc về thế gian ở Việt Nam, vì chỗ nào họ cũng đụng phải đồ giả, bông hoa giả. Họ tìm bông hoa thật trong Giáo Hội mình!
Trớ trêu thay! Lại vớ phải “Hoa giả trong đời sống tôn giáo,” như Cha đã chỉ rõ trong bài viết của Cha: “Trong đời sống tôn giáo hôm nay, hoa giả cũng không thiếu, Đại Hội Dân Chúa cách đây không lâu là một ví dụ. Nhìn vào các thành phần tham dự, cũng như cách tổ chức và diễn tiến của Đại Hội, thì đây là một Đại Hội các quan chức nhằm áp đặt lên Dân Chúa một đường lối, một hướng đi, hơn là để cho Dân Chúa có cơ hội gặp nhau, cùng nhau cầu nguyện, suy nghĩ, trao đổi, để tìm cho ra ý Chúa mà thực hiện. Thế thì Đại Hội Dân Chúa cũng là một bông hoa giả.”
Bên cạnh bông hoa giả trong Đại Hội Dân Chúa, con ngờ rằng, cùng với 700 tờ báo như là những bông hoa giả được độc quyền lưu hành trong nước, có một thứ bông hoa giả đang lan tràn khắp các giáo xứ tại Việt Nam và nhiều tín hữu CGVN trong tay đang cầm hoa giả mà cứ tưởng là hoa thật. Những bông hoa ấy vừa giả, lại vừa có tẩm thuốc độc nhằm giết lần giết mòn sức sống tinh thần Kitô giáo trong lòng các Kitô hữu! Mối nguy lớn cho GHCGVN!
Ở đây con xin đề cập tới thứ bông hoa giả mang danh nghĩa “Công Giáo và Dân Tộc”!
Tại Việt Nam, có hai bông hoa giả trong ngành truyền thông tiếm danh “Công Giáo”: báo Người Công Giáo Việt Nam (Hà Nội) và báo Công Giáo và Dân Tộc (Sài Gòn).
Báo Người Công Giáo không đáng bàn tới, bởi vì nó đã bị lột mặt nạ là bông hoa giả trong Công Giáo như tác giả Thiên Sứ tưòng thuật: “Báo Người Công Giáo bị phê phán gay gắt vì báo đạo mà toàn nói chuyện đời. Linh mục Thiện Cẩm nói khi vận động TGM Kiệt viết bài, TGM nói, ‘viết báo ấy cho xấu cả người viết.’” (Thiên Sứ – Cuộc họp của Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam – VietCatholic News, Thứ Năm 28/02/2008).
Vì vậy, người Công giáo miền Bắc chẳng mấy ai thèm đụng tới cái hoa giả tẩm độc ấy.
Còn cái hoa giả tẩm độc mang tên “Công Giáo và Dân Tộc (CGvDT)” thì sao?
Gần đây, Nguyễn Thanh Long, một trong những nhân vật chủ chốt của CGvDT, khoe khoang: “Điều may mắn cho CGvDT, đó là tờ báo có một số lượng khá đông đảo độc giả vừa đồng cảm vừa thủy chung với những chọn lựa và đường hướng của tờ báo. Và đó là yếu tố mang tính quyết định cho sự sống còn đúng nghĩa của tờ báo; là động lực thúc đẩy CGvDT mạnh dạn tiến bước.” (Nguyễn Thanh Long – Mong được Bạn đọc tiếp tục thông cảm và chia sẻ – Tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1782, ngày 5-11-2010, mục Sổ tay hàng tuần, trang 1).
Vấn đề đặt ra là ai là tác nhân làm sinh sản một tầng lớp đông đảo người “đồng cảm và chung thủy” với CGvDT?
Tìm hiểu điều này, con được một số linh mục và tu sĩ cho biết, nếu không có sự tiếp tay của một số linh mục quản xứ qua sự tác động của mấy ông linh mục quốc doanh (trong UBĐKCG) cấp tỉnh thì tờ CGvDT không thể nào xâm nhập “một cách thắng lợi” vào hạ tầng cơ sở Công giáo tại các địa phương trong nước. Nhưng mấy ông quốc doanh “Đoàn két” này dựa vào đâu để thuyết phục các linh mục quản xứ tin vào CGvDT và cổ động con chiên của mình mua dài hạn báo CGvDT?
Không kể cái tên gọi mạo danh “Công Giáo” nhằm làm cho nhiều người Công giáo lầm tưởng rằng tờ báo của đảng đối nghịch với Công giáo ấy là báo Công giáo, tờ CGvDT còn là một địa chỉ “đáng tin cậy” ở đó thường xuyên “có mặt” các Đấng trong GHCGVN, như ĐHY Phạm Minh Mẫn, ĐC Bùi Tuần, ĐC Bùi Văn Đọc, vân vân.
Điển hình, trong bài “Cầu mong một lễ Hiện Xuống Mới” ngày 04-11-2010, chính tờ CGvDT đã khéo léo đưa ĐHY Mẫn ra để làm quảng cáo: “Cụ thể trên Tuần báo CGvDT này, sau bài trả lời phỏng vấn của Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Năm Thánh, dành cho CGvDT hồi tháng 7-2010 về Đại hội Dân Chúa, tờ báo đã mở Chuyên mục “Hướng tới Đại hội Dân Chúa Việt Nam” và đã được đông đảo Bạn đọc liên tục tham gia đóng góp ý kiến về nhiều lãnh vực trong đời sống Giáo hội tại Việt Nam.”
Nhiều người Công Giáo Việt Nam trong đó không ít bậc vị vọng trong giới CGVN lên tiếng kêu gọi “Đã đến lúc phải dẹp bỏ cái gọi là UBĐKCGVN.”
Lời hô hào đầy nhiệt huyết ấy chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Nó hoàn toàn lu mờ trước lời phát biểu của TGM Nguyễn Văn Bình hồi năm 1978 dành cho CGvDT: ‘Tờ báo Công giáo và Dân tộc được ba tuổi, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn trở ngại… Nhưng bây giờ, sau ba năm, tôi thấy tờ báo đã có bộ mặt khá hơn. Chúng ta tất cả phải làm sao cho tờ báo trở thành tờ báo của chúng ta” (CGvDT số ra ngày 9-7-1978).
Dẹp bỏ CGvDT sao được khi nó được các Đấng ca ngợi, cổ vũ, khích lệ, yểm trợ và dung dưỡng!
Dẹp bỏ nó sao được khi nó vẫn tiếp tục len lỏi đi vào tâm hồn người tin hữu Công giáo, gây cho người CGVN ấn tượng coi CgvDT là tiếng của Giáo Hội Công Giáo VN trong khi thực chất của nó là phụng sự Đảng, gieo rắc chủ nghĩa vô thần của Đảng CS vô thần vào đầu óc người dân.
Chỉ khi nào các Đấng cầm đầu GHVN thật sự và dứt khoát chấm dứt sự có mặt, có tên của mình trên tờ CGvDT, và chỉ khi nào các vị chủ chăn địa hương không làm công cụ quảng cáo cho tờ báo ấy nữa, thì mới mong nó ngoắc ngoải… đi vào chỗ chết.
Khi mà CGvDT không còn được linh mục và giáo dân các giáo xứ nuôi dưỡng thì số phận của UBĐKCGVN chắc chắn cũng sẽ theo đó mà được định đoạt.
Bản thân người Công Giáo khó có thể dẹp bỏ cái Ủy ban quốc doanh đó trừ khi chính nó, cái Ủy ban gọi là Đoàn kết mất hiệu nghiệm trong việc luồng sâu vào Công Giáo để tạo chia rẽ, gây tê liệt! Do mất khả năng sinh lãi, trước sau gì cái nhóm “quốc doanh” ấy cũng phá sản, đi vào đào thải, “chủ đầu tư” của nó đương nhiên sẽ khai tử nó thôi! Cơ sở “quốc doanh” nào cũng sẽ có hồi kết thúc huống hồ là quốc doanh Công giáo!
Chúng ta nói nhiều về tứ nhân bang trong Nhóm quốc doanh cá mập (Vương Đình Bích, Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh và Phan Khắc Từ), nay chỉ còn Huỳnh Công Minh tác oai ở Tòa TGM Sài Gòn và Phan Khắc Từ tác quái trên lãnh vực truyền thông (Tổng Biên tập báo CGvDT) cộng với một số “tân quốc doanh” lập trường hàng hai lờ mờ như Nguyễn Tấn Khóa, Nguyễn Công Danh, Thiện Cẩm…, những con bài mang tính giai đoạn, chùm hoa giả kết vội!
Hồ sơ của hai “quốc doanh” Minh-Từ về phía Công giáo đã quá rõ ràng. Huỳnh Công Minh đã từng nhận mình là đảng viên Đảng cộng sản. Phan Khắc Từ ngoài việc làm tay sai cho cộng sản từ trước năm 1975, còn sinh sự vợ con lăng nhăng, ai cũng rõ. Thế mà cả hai quốc doanh trên đây vẫn ung dung hưởng lãi to và lãi dài dài ở cả hai phía – phía Công giáo thì họ vẫn là “cha” thiên hạ, tha hồ tác oai tác quái trong Giáo Hội, còn về phía Đảng Cộng sản thì họ lại là tôi tớ “tận trung với đảng” được tin dùng cho tới hôm nay.
Xin thêm một chút về trường hợp vợ con của “cha” Phan Khắc Từ. (Con không có ý đặt “cha” Phan Khắc Từ ngang hàng Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh đáng kính đâu).
Nhiều tác giả đã nêu lên sự kiện “quốc doanh” Phan Khắc Từ có vợ, có con. Phan Khắc Từ đã công khai làm lễ thôi nôi cho con (như Cha Chân Tín và Gs Nguyễn Ngọc Lan xác nhận). Vương Đình Bích đã từng vạch trần những chuyệm lem nhem của Phan Khắc Từ công khai trên giấy trắng mực đen. Bích viết: “…về những biểu hiện suy thoái đạo đức trong đời tư của người thường trực UB Đoàn Kết, liên quan đến kinh doanh, tiền bạc và tình dục, gây hệ qủa xã hội là hai đứa con. Xét theo giáo luật, đương sự không còn tiêu chuẩn khách quan của luật độc thân để tiếp tục hoạt đông mục vụ và đại diện cho phong trào đoàn kết công giáo với tư cách linh mục của giáo hội” (Thư Lm Vương Đình Bích gửi lên Lãnh đạo TP Sài Gòn ngày 25-12-1997).
Danh tánh vợ của Phan Khắc Từ cũng đã rõ: Ngô Thị Thanh Thủy tức Tư Liễu. Bà vợ này thách thức cả thẩm quyền GHVN “đụng” đến chồng bà như thế nào, ai mà không biết. Chỉ còn lại một điều mà nhiều người thắc mắc là, nếu Phan Khắc Từ có con, thì bao nhiêu con? Con ông ấy tên gì và ở đâu?
Xin thưa: Trong một cuộc gặp gỡ khá bất ngờ với một vị tên là LVM có chân trong cả MTTQVN/TP SàiGòn lẫn UBĐKCG thành phố, vị ấy tiết lộ rằng Phan Khắc Từ có hai con, một gái tên Ngô Phan Khắc Thanh Huyền và một trai tên Ngô Phan Khắc Tuấn. Vị ấy còn cho biết, Phan Khắc Từ đã khéo dàn xếp và chạy chọt cho Ngô Thị Thanh Thủy đưa hai đứa con sang Pháp “du học”. Riêng bà Ngô Thị Thanh Thủy thì đi đi về về giữa Pháp và Việt Nam vì lý do kinh doanh và đang trực tiếp điều hành một số cơ sở mang danh nghĩa “từ thiện xã hội” do Phan Khắc Từ quản lý. Người viết cung cấp tin này với sự dè dặt thường lệ vì chưa có điều kiện phối kiểm. Mong đón nhận những thông tin xác thực.
Một sự lộng hành khác của nhóm “quốc doanh” cũng rất lộ liễu, lẽ nào Vị cầm đầu TGP Sài Gòn không biết?
Không kể những sai phạm nghiêm trọng công khai của những “quốc doanh” đang bao quanh ngài và thao túng Giáo phận, sự lộng hành của nhóm “quốc doanh” nổi cộm ở hành vi trắng trợn đoạt công của người Công giáo tại các giáo xứ hay trong các lãnh vực xã hội, lấy đó làm “thành tich” của tổ chức, làm của lễ dâng lên Đảng hầu được Đảng đoái hoài, “nhìn nhận công lao đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội” trong lòng Giáo Hội Việt Nam.
Trong bất cứ kỳ họp nào của UBCGĐK dù là ở cấp địa phương hay Trung ương, người ta cũng đều đưa ra những bản sơ kết hay tổng kết “phong trào thi đua sống tốt đời đẹp đạo,” có tính cách chung chung như “thực hiện tốt đề án 4 giảm, giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mãi dâm và giảm tai nạn giao thông” hoặc xây dựng quỹ bác ái, cứu trợ xã hội và hỗ trợ các hộ nghèo. Những việc ấy, người Công giáo thực thi đã từ lâu theo tinh thần Phúc Âm, chứ đâu phải vì mục đích thi đua, tranh đua hơn thiệt phù phiếm theo như Đảng CSVN phát động!
Những bằng khen, huy chương và huân chương của đảng CSVN và nhà nước xhcn trao ban cho UBĐKCG và một số ‘quôc doanh gộc” như Nguyễn Thế Vịnh, Võ Thành Trinh, Vương Đình Ái, Vương Đình Bích, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Nguyễn Tấn Khóa, Nguyễn Công Danh, Nguyễn Thế Toàn,… là những chứng minh cụ thể nhất nói lên hành động cướp công hèn hạ của UBĐKCGVN. Người Công giáo chân chính không ai màng tới những món khen thưởng nặc mùi tuyên truyền ấy. Thế nhưng Phan Khắc Từ thì lại rất hãnh diện với cái thứ bông hoa giả rẻ tiền ấy: Ông trang trọng treo tấm huân chương trên tường đằng sau bàn viết của ông tại Nhà Thờ Vườn Xoài, Sài Gòn, như có người đã mô tả.
Riêng những huân chương ban cấp cho một số Đấng bậc trong GHCGVN như ĐC Nguyễn Văn Bình, ĐC Nguyễn Sơn Lâm, ĐC Bùi Tuần, ĐC Nguyễn Văn Sang, theo một số người trong cuộc cho biết thì đều là do UBĐKCG đề bạt, tiến cử và bảo hộ!
Người ta nói, những tấm huân chương này là mầm mống gây chia rẽ trong GHCGVN và cũng nói lên sự bất lực của các Đấng trước sự lộng hành của UBĐKCG.
Cụ thể, ngày 11/01/2005, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi đua của UBĐKCGVN tỉnh Hà Tây, người đại diện của Ủy ban này đã hãnh diện trưng bày thành tích: “Về sinh hoạt tôn giáo, UBĐKCG tỉnh đã tích cực đề xuất cùng các cơ quan hữu trách giải quyết nhiều nhu cầu tôn giáo ở địa phương như vấn đề bổ nhiệm 5 linh mục và thuyên chuyển 9 linh mục trên địa bàn, tạo điều kiện cho 16 chủng sinh đi học ở chủng viện Hà Nội và Sao Biển, 6 ứng sinh được gia nhập Dòng Mến Thánh Giá Sơn Tây…”
Đây là lời thú nhận công khai việc UBĐKCG đã cùng với Đảng CSVN chi phối, kiểm soát và định đoạt việc bổ nhiệm, thuyên chuyển các linh mục, việc xét duyệt danh sách chủng sinh đi học các chủng viện và cả nữ ứng sinh gia nhập tu viện!
Thế thì còn gì nữa thẩm quyền tài phán (jurisdiction) của các Đấng Bản quyền? Còn gì nữa quyền tự do tôn giáo? Trách nhiệm này thuộc về ai nếu không phải là thuộc về các Đấng Chủ Chăn trong nước?
Đến đây, con xin phép ngừng với lời cầu chúc Cha an khỏe để chu toàn sứ mệnh mục vụ Chúa trao phó đồng thời tiếp tục là “bút không tà” trong sứ mạng truyền thông dọn sạch loài cỏ dại và bông hoa giả trong xã hội cũng như trong lòng Giáo Hội Việt Nam.
Trân trọng,
Lê Thiên
(ngày 23/02/2011)