Nước Mỹ đang trải qua giai đoạn bối rối về cả đối nội lẫn đối ngoại.
Bên trong, Đảng Cộng Hoà và Đảng Dân Chủ đang tìm cách hạ nhau qua đạo luật ngân sách. Ngày 19.2.2011, Hạ viện với sự kiểm soát của Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu cắt giảm 61 tỷ USD chi tiêu của liên bang đến cuối tháng 9/2011 trong tổng số ngân sách 3 ngàn 7 tỷ USD mà Tổng thống Obama đề nghị. Lập tức, Thượng viện do Đảng Dân Chủ nắm đa số đã bác bỏ việc cắt giảm này, còn Tổng Thống Obama dọa phủ quyết. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell thuộc Đảng Dân Chủ cho rằng thà làm sụp đổ chính phủ hơn là nhượng bộ việc cắt giảm ngân sách. Thượng Nghị Sĩ John Boehner thuộc Đảng Cộng Hòa phản pháo rằng đảng này đang “giải phóng nền kinh tế Mỹ khỏi mức chi tiêu quá tầm kiểm soát”.
Trong khi đó bên ngoài, Toà Bạch Ốc đang bấn xúc xích về các cuộc “cách mạng hoa lài” đang nổi lên ở Trung Đông và Bắc Phi, vì nó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Hoa Kỳ. Nếu không được lèo lái một khéo léo, các cuộc “cách mạng” này, dù ở Ai Cập, Yemen, Libya hay Bahrain..., bị nhóm Hồi Giáo quá khích chiếm đoạt, đưa giáo quyền ra lãnh đạo thế quyền, thì đó là một thảm hoạ.
VƯỚT RA KHỎI TẦM KIỂM SOÁT?
Với Ai Cập, Hoa Kỳ đã chuẩn bị thay thế Tổng Thống Mubarak từ năm 2008, vì Mubarak đã quá già và bệnh hoạn, không còn điều khiển đất nước được. Trong những năm cuối, gần như Mubarak không còn quan tâm gì đến các khuyến cáo của Mỹ.
Tài liệu được Wikileaks tiết lộ cho thấy một số giới trẻ đã được huấn luyện tại chỗ hay đưa qua Mỹ huấn luyện để khởi động một chiến dịch nỗi dậy chống Tổng Thống Mubarak. Có nhiều dầu hiệu cho thấy một số tướng lãnh trong quân đội Ai Cập cũng đã được tuyển chọn để thay thế Mubarak và lãnh đạo chính quyền mới gióng như Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu của VNCH.
Khi cuộc “cách mạng hoa lài” được phát động tại Ai Cập, ngày 1.2.2011 Tổng Thống Obama đã công khai khuyến khích. Ông nói với những người biểu tình: "Nhân dân Ai Cập và các bạn thanh niên Ai Cập, chúng tôi đã nghe được tiếng nói của các bạn, nguyện vọng của các bạn."
Nhưng việc tiến hành một cuộc bầu cử để đưa những người của Mỹ lên không phải là chuyện dễ dàng. Ông Barry Rubin, giám đốc về Nghiên Cứu Toàn Cầu, cho biết một cuộc thăm dò cho thấy có 59% người Ai Cập muốn thiết lập một chế độ Hồi Giáo, chỉ có 27% muốn canh tân đất nước. Còn Hội Huynh Đệ Hồi Giáo, một hội có thế lực nhất hiện nay trong khối A Rập, nói rõ họ không chấp nhận những người có dính líu đến Mubarak, tức các tướng lãnh của chế độ Mubarak mà Mỹ chuẩn bị để đưa lên. Chưa biết Mỹ sẽ xào bài như thế nào.
Ở đảo quốc Bahrain, nơi đặt căn cứ Đệ Ngũ Hạm Đội của Mỹ, chính quyền nước này đã lưu ý Hoa Kỳ từ lâu rằng nhóm Shiite được Iran yểm trợ sẽ nổi dậy để đòi hỏi các quyền lợi của họ. Một giáo sĩ cao cấp Iran đã từng coi Bahrain như tỉnh thứ 14 của Iran. Nhưng Hoa Kỳ nói không có dấu hiệu nào cho thấy có sự can thiệp của Iran. Nay thì nhóm Shiite đa số đang đứng lên đòi các quyền của họ. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đã không tiên liệu đầy đủ những gì sẽ xẩy ra ở Bahrain.
Khi “cách mạng” qua tới Yemen hay Libya, Mỹ đành bó tay.
NHÌN VỀ ĐẤT NƯỚC LIBYA
Libya là một quốc gia tại Bắc Phi, có biên giới phía bắc giáp Địa Trung Hải, đông giáp Ai Cập, đông nam giáp Sudan, nam giáp Tchad và Niger, tây giáp Algérie và Tunisia.
Libya có diện tích 1.759.540 kilômét vuông, là nước rộng thứ tư ở Phi Châu và thứ 17 trên thế giới, nhưng sa mạc bao phủ hầu gần như toàn bộ vùng đông và nam Libya. Đây là một trong những địa điểm khô cằn nhất trên thế giới.
Dân số Libya chỉ khoảng 5,6 triệu dân, 90% dân số sống trên một vùng chưa tới 10% lãnh thổ, đa số dọc theo bờ biển. 97% là các tín đồ Hồi giáo và hầu hết đều theo giáo phái Sunni.
NHÂN VẬT GADDAFI
Muammar Abu Minyar al-Gaddafi sinh ngày 7.6.1942 tại Bedouin. Ông lớn lên tại vùng sa mạc Sirte và học tiểu học ở trường dạy kinh Koran rồi vào trường dự bị Sebha ở Fezzan từ năm 1956 đến năm 1961. Ông có tám con, bảy người là con trai. Con trai lớn nhất là Muhammad al-Gaddafi.
Gamal Abdel Nasser, tổng thống nước Ai Cập, được Gaddafi coi như thần tượng. Ông và một số bạn hữu đã quyết định thành lập nhóm “chiến binh cách mạng” để đấu tranh và tiến tới nắm chính quyền. Năm 1961, Gaddafi bị trục xuất khỏi Sebha vì các hoạt động chính trị. Năm 1963, ông vào Học Viện Hàn Lâm Quân Sự (Military Academy) ở Benghazi và tốt nghiệp với cấp bậc trung úy rồi phục vụ tại căn cứ của Cục Truyền Tin (Signal Corps) ở Gariunis. Ông cũng đã học ở University of Benghazi và tốt nghiệp với bằng sử học. Năm 1965, ông được gởi đi thụ huấn tại Staff College của Quân đội Anh, trở về năm 1966 và được thăng lên đại úy.
Ngày 1.9.1969, một nhóm sĩ quan quân đội nhỏ do Gaddafi lãnh đạo đã tổ chức một cuộc đảo chính không đổ máu lật đổ Vua Idris I lúc đó đang trị bệnh ở Hy Lạp. Nhóm này tuyên bố huỷ bỏ chế độ quân chủ và thành lập Cộng Hoà Libya Ả Rập (Libyan Arab Republic) được lãnh đạo bởi “Hội Đồng Lãnh Đạo Cách Mạng” do Gaddafi làm Tổng Bí Thư. Tuy nhiên, Gaddafi không muốn nhận cấp tướng mà chỉ thăng cho ông từ cấp đại úy lên đại tá. Từ đó, cái tên Đại Tá Gaddafi dính liền với cuộc đời ông.
Ông trục xuất hết người ngoại quốc, quốc hữu hóa tất cả tài sản của họ và tuyên bố thành lập "Chủ nghĩa xã hội Hồi giáo". Nhưng ông không theo chủ nghĩa xã hội của Liên Sô mà sáng chế một chế độ xã hội chủ nghĩa riêng của Libya. Chủ nghĩa này dựa trên thế quyền hơn là giáo quyền và được mô tả trong một tập sách gọi là “Sách Xanh”.
Năm 1977, ông đổi từ chế độ cộng hoà qua một chế độ mới mà ông gọi là "JAMAHIRIYA". Đây là một thành ngữ của tiếng A Rập, được dịch ra tiếng Anh là "state of the masses", tức “nhà nước của đại chúng”. Đứng đầu “nhà nước đại chúng” là Đại hội Nhân dân do Gaddafi làm Tổng Thư Ký.
Gaddafi quyết định dùng bạo lực để loại bỏ tất cả những thành phần chống đối ở trong cũng như ngoài nước. Tháng 4 năm 1980, Ủy Ban Lãnh Đạo Cách Mạng đã gởi các đội ám sát của Libya ra ngoại quốc để giết những người đối lập. Được biết đã có 8 người bị ám sát, trong đó có 5 người ở Ý.
CON CHÓ ĐIÊN CỦA TRUNG ĐÔNG
Gióng như Nasser, ông chủ trương thống nhất tất cả các nước A Rập lại và thành lập một quốc gia A Rập. Năm 1972, ông đề nghị thành lập một "Liên bang các nước Cộng hoà A Rập" gồm ba nước Libya, Ai Cập và Syria, nhưng bất thành. Năm 1974, ông ký với Tunisia một hiệp ước sát nhập hai nước lại thành một nước, nhưng không thi hành được.
Cũng như Cộng Sản trước đây, ông chống lại các quốc gia Tây phương và cổ vỏ “phong trào giải phóng” tại các nước Hồi Giáo, đặc biệt là tại Tây Phi, nhất là ở Sierra Leone và Liberia. Ông ủng hộ các lực lượng chống chính phủ tại Châu Phi hạ Sahara và kêu gọi các nước Hồi Giáo thành lập “một nhà nước Hồi Giáo Saharan”, tức một nước Hồi Giáo thuộc vùng sa mạc Sahara.
Năm 1973, ông tranh cãi với nước Chad ở phía nam và đem quân chiếm Dải Aouzou. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1987 mới ngưng bắn. Cuối cùng, Libya phải trả lại Dải Aouzou cho Chad theo phán quyết ngày 13.2.1994 của Tòa Án Quốc Tế.
Gaddafi đã liên kết với Ai Cập để ủng hộ phong trào Palestine và chống lại Israel, nhưng khi Ai Cập ký hiệp ước hoà bình với Israel, ông đi theo Liên Sô và nhận máy bay siêu âm Mig-25 của Liên Sô.
Đặc biệt, Gaddafi chủ trương đưa khủng bố đến các nước Tây phương, chẳng hạn như cung cấp tài chính cho "Phong trào Tháng 9 Đen" gây ra vụ thảm sát tại Olympics ở Munich vào mùa hè năm 1972, vụ đánh bom vũ trường Berlin năm 1986 làm thiệt mạng 3 người và làm bị thương hơn 200 người, vụ bắt cóc một số bộ trưởng dầu mỏ A Rập Saudi và Iran sau đó thả ra, v.v. Tổng Thống Reagan đã gọi Gaddafi là "Con chó điên của Trung Đông". Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã thi hành lệnh cấm vận đối Libya kể từ năm 1982 và Hoa Kỳ đã có các biện pháp mạnh đối với Libya.
Thế nhưng, ngày 21.12.1988 hai người Libya đã đặt bom trên chiếc Boeing 747 trong chuyến bay 103 của Pan Am khiến chiếc máy bay này nổ tung trên bầu trời Lockerbie, Scotland. Toàn thể 259 hành khách cùng phi hành đoàn và 11 người dưới đất đã thiệt mạng khi phi cơ đâm xuống thị trấn Lockerbie, trong đó có đến 189 người là công dân Mỹ. Với sự trung gian của tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 1997 và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, năm 1999 Gaddafi đã đồng ý giao nghi can của vụ đặt chất nổ này cho Hà Lan để xét xử theo luật Scotland. Sau khi Abdelbaset Ali Mohmed Al Megrahi bị kết án, Libya đồng ý trả cho các nạn nhân một khoản bồi thường lên tới 2.7 tỷ USD.
QUAY TRỞ LẠI 180 ĐỘ
Kinh nghiệm cho Gaddafi thấy rằng chống lại Mỹ và các quốc gia Tây phương chỉ đưa Libya đi vào ngỏ cụt, nên ông đã quay 180 về phía Tây phương. Russell Shortt, một cố vấn về phát triển kinh tế, cho rằng các biện pháp chế tài đã làm tê liệt Libya và giá dầu bị hạ xuống liên tiếp đã thúc buộc Gaddafi phải thiết lập quan hệ mới với Tây phương. Tháng 9 năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã huỷ bỏ lệnh cấm vận đối với Libya và tháng 12 năm 2003 Libya thông báo sẽ từ bỏ các chương trình sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, bình thường hóa quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Bước đi đầu tiên của Libya là xin gia nhập WTO và tư nhân hoá công việc kinh doanh để tạo nền tảng cho một quá trình chuyển tiếp tới một nền kinh tế thị trường. Thời thủ tướng Shukri Ghanem được coi là giai đoạn bùng nổ thương mại. Nhiều ngành công nghiệp do chính phủ quản lý thời trước đã được tư nhân hoá. Nhiều hoạt động kinh doanh đã được mở rộng, trong đó có việc biến chế các sản phẩm của dầu lửa, sản xuất sắt thép và nhôm thay vì chỉ chế biến nông sản như trước. Một số công ty dầu lửa quốc tế như Shell và Exxon Mobil đã quay lại Libya.
Kinh tế Libya phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn thu từ dầu khí, số thu này chiếm gần 1/4 GDP và toàn bộ ngành xuất khẩu. Libya có thể sản xuất 1.600.000 barrels mỗi ngày. Với dân số nhỏ bé nhưng lại có nguồn thu lớn khiến GDP tính theo đầu người của Libya lên đến 12.500 USD, cao nhất Châu Phi, và cho phép nước này cung cấp cho người dân một hệ thống an sinh xã hội cao và rộng rãi đáng kinh ngạc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và giáo dục. Mức nghèo ở Libya được coi là thấp.
Libya có 1,7 triệu học sinh và sinh viên, trong đó có hơn 270.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học. Giáo dục ở Libya được miễn phí và mọi người bị bắt buộc học cho đến cấp hai. Tỷ lệ dân số biết đọc và biết viết đạt tới 82,6%, cao nhất vùng Bắc Phi.
Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Libya hiện nay được coi là đã chín muồi để hiện đại hóa và thu hút đầu tư ngoại quốc. Lối phát triển này thường được gọi là “Libya Style” (Kiểu Libya).
CHUYỆN PHẢI ĐẾN ĐÃ ĐẾN
Nhiều phân tích gia tin rằng Libya khó thoát khỏi cơn biến loạn vì nằm trong vùng địa chấn của Tunisia và Ai Cập và có nhiều yếu tố làm mồi cho những cuộc nổi dậy. Chuyện đó đang xẩy đến.
Tên “Cuộc Cách Mạng Hoa Lài” (Jasmine Revolution) là do Zied El Hani, một blogger và là ký giả của tờ Essahafa ở Tunisia đặt cho cuộc nổi dậy lật đổ Tổng Thống Ben Ali ở Tunisia vì hoa lài là quốc hoa của Tunisia (Tunisia's national flower).
Trong hơn thập kỷ vừa qua, kể từ khi cuộc cách mạng ở Czech năm 1989, một cuộc cách mạng bất bạo động, không đổ máu, được các nhà tranh đấu đặt cho cái tên là “Cuộc Cách Mạng Nhung” (Velvet Revolution), các cuộc cách mạng bất bạo đông tiếp theo thường được đặt bằng tên một loài hoa hay những màu sắc như “Cuộc Cách Mạng Hồng” (Rose Revolution) ở Georgia, “Cuộc Cách Mạng Cam” (Orange Revolution) ở Ukraine, “Cuộc Cách Mạng Xanh” (Green Revolution) ở Iran. v.v. Cuộc cách mạng ở Tunisia khi đến Libya không còn là “Cuộc Cách Mạng Hoa Lài” nữa!
Ngày 16.2.2011, hàng trăm người biểu tình tại thành phố Benghazi của Libya đã đụng độ với cảnh sát và các ủng hộ viên chính phủ. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Libya với dân số khoảng 670.000 người. Các cuộc biểu tình đã nổi lên sau khi Luật sư Fathi Terbil thuộc Hội Gia Đình Hồi Giáo Châu Phi, một nhân vật đấu tranh nổi tiếng đã bị bắt. Luật sư này đã được thả ra nhưng các cuộc biểu tình vẫn được tiếp tục. Họ phản đối về tình trạng thất nghiệp, giá sinh hoạt tăng cao, tham nhũng và lối cai trị độc đoán, v.v. Mặc dầu chính quyền đàn áp thẳng tay, các cuộc biểu tình vẫn càng ngày càng gia tăng.
Hôm 21.2.2011, Đại Tá Gaddafi xuất hiện trên truyền hình quốc gia Libya tuyên bố:
"Tôi hài lòng vì đã nói trước thanh niên ở Quảng trường Xanh tối nay. Tôi muốn nói rõ với họ rằng tôi đang ở Tripoli chứ không phải Venezuela. Đừng có tin những kênh nước ngoài, chúng chỉ là những con chó thôi".
Tổng Thống Gaddafi đã xuất hiện sau khi có tin ông đã bỏ trốn qua Venezuela. Lúc đó lực lượng an ninh và người biểu tình đã đụng độ nhau đêm thứ hai tại thủ đô Tripoli. Các nhân chứng nhìn thấy máy bay chiến đấu và trực thăng bắn vào những người biểu tình trong thành phố. Quân đội Libya lên tiếng khẳng định họ sẽ quét sạch những phần tử chống chính phủ.
Hiện nay chưa ai biết chính xác số người chết và bị thương là bao nhiêu. Trong vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989, theo báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có hơn 4000 người chết, trên 40.000 người bị thương.
RỒI SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Kể từ ngày “cởi mở”, một số tổ chức đối lập đã xuất hiện ở Libya cũng như ngoại quốc, chẳng hạn như Hội Gia Đình Hồi Giáo Châu Phi, Hội Nghị Quốc Gia Của Đối Lập Libya, Mặt Trận Quốc Gia vì Sự Cứu Rỗi Libya, Ủy Ban Hành Động Quốc Gia Libya tại Châu Âu, Liên Đoàn Nhân Quyền Libya, v.v. Fathi Eljahmi là một nhân vật đối lập nổi bật, đã bị bỏ tù từ năm 2002 vì kêu gọi tăng cường dân chủ hoá tại Libya. Kẻ thù của Gaddafi dĩ nhiên là rất nhiều. Tháng 10 năm 1993, Gaddafi bị một số quân nhân Libya ám sát nhưng thoát nạn. Ngày 14.7.1996, những cuộc nổi loạn đẫm máu đã xảy ra sau một trận bóng đá tại Tripoli do con trai của Gaddafi tổ chức... Những sự kiện này cho thấy sự chống đối Gaddafi đã lên cao. Nhiều nhân vật hợp tác với Gaddafi thấy Gaddafi đang đi vào đường cùng, đã tìm cách chạy trước.
Vấn đề được đặt ra là nếu chế độ Gaddafi sụp đổ, chuyện gì sẽ xẩy ra ở Libya?
Đa số các tổ chức Hồi Giáo đều muốn thiết lập những chính quyền Hồi Giáo mạnh. Tổ chức Huynh Đệ Hôi Giáo, một tổ chức có thế lực nhất trong khối A Rập hiện nay, đã đưa cao khẩu hiệu: "Hồi Giáo là giải pháp” (Islam is the solution).
Ngay Gaddafi, sau khi đã bắt tay với Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương, vẫn còn nuôi tham vọng xây dựng một thế lực Hồi Giáo mạnh. Tháng 2 năm 2009, khi vừa được bầu làm Chủ Tịch Liên Minh Châu Phi tại Ethiopia, Gaddafi đã phát biểu: "Tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng các quốc gia có chủ quyền của chúng ta sẽ làm việc để thành lập Hợp Chúng Quốc Châu Phi."
Tháng 9 năm 2009, tại một cuộc họp thượng đỉnh Nam Mỹ và Châu Phi tại Isla Margarita ở Venezuela, Gaddafi cùng với Tổng Thống Hugo Chávez đã kêu gọi thành lập một “mặt trận chống đế quốc" trên khắp Châu Phi và Mỹ Châu Latin. Gaddafi đề nghị thành lập một “Tổ Chức Hiệp Ước Nam Đại Tây Dương” để đối đầu với NATO. Ông nói: "Các cường quốc thế giới muốn tiếp tục giữ quyền lực của họ. Bây giờ chúng ta phải chiến đấu để xây dựng quyền lực của riêng chúng ta."
Tâm trạng và chủ trương này xuất phát từ mặc cảm về sự yếu kém của Hồi Giáo. Mặc dầu số tín đồ Hồi Giáo trên thế giới năm 1998 được ước lượng khoảng 1.678.442.000, nhưng về chính trị, kinh tế, văn hóa và phát triển, các nước Hồi Giáo vẫn quá yếu kém nếu so với các nước Tây phương vốn theo tinh thần Thiên Chúa Giáo. Vì thế, các nước và các tổ chức Hồi Giáo luôn tìm cách củng cố sức mạnh của họ, nhưng không thành công vì các lý do chính sau đây:
1.- Chủ trương của Hồi Giáo quá lỗi thời, không còn phù hợp với thế giới văn minh ngày nay. Luật Shariah là một thí dụ điển hình. Việc lẫn lộn giữa giáo quyền và thế quyền và lòng cuồng tín tôn giáo đã gây trở ngại rất lớn cho việc hoà nhập với thế giới và phát triển.
2.- Dù tín điều, mục tiêu và tham vọng gióng nhau, các tổ chức Hồi Giáo không ngồi lại với nhau được vì những tranh chấp về quyền lực.
3.- Khối Hồi Giáo đã duy trì một nền văn hóa và cuộc sống quá thấp, không theo kịp nền văn minh mới của thế giới.
4.- Hồi Giáo không có khả năng thay đổi, trái lại luôn có những sự chống đối thay đổi. Do đó, Hồi Giáo không thể thích ứng với các biến chuyển của thời đại. Đây là một trở ngại lớn nhất.
Nếu chế độ Gaddafi sụp đổ và được thay thế bằng một chế độ “dân chủ Hồi Giáo” theo kiểu Afghanistan hay Iraq mà Mỹ sắp để lại thì đó là một đại họa.
Ngày 22.2.2011
Lữ Giang