"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 24. Februar 2011

Não trạng…rùa

Ngọc Dũng (Tamnin.net) Trong nhiều lần nổi lên mặt nước, ý ta cũng muốn chuyển cho cộng đồng thông điệp: Chữa bệnh cho ta không quan trọng bằng chữa bệnh… rùa trong não trạng một số cơ quan quản lý nhà nước hiện nay…

Điều mọi người mong mỏi lúc này là phải làm ngay cái gì đó để cứu Cụ Rùa. Tuy nhiên cho đến giờ, các cơ quan chức năng và nhà khoa học lại vẫn sa đà vào hội thảo, loay hoay tranh cãi bất tận về các phương án cứu Cụ Rùa để rồi cuối cùng chẳng làm gì cả. Ngày mai, 25/2/2011, UBND TP Hà Nội lại họp về vấn đề bức xúc nói trên. Hy vọng tình hình sẽ khá hơn…
Cứu Cụ Rùa : Còn hội thảo mãi đến bao giờ ? (Ảnh: Vnexpress)
Phóng viên (PV): Thưa Cụ, sáng và trưa hôm qua (23/2/2011), Cụ lại nổi lên Hồ Gươm. Thời gian gần đây, Cụ liên  tục nổi lên mặt nước (đến ngày này trong tháng 2, cụ nổi 18 lần, trước đó trong tháng 1, cụ nổi 14 lần). Càng ngày tần suất nổi của Cụ  càng nhiều hơn, phải chăng có điềm gì Cụ cần báo cho con cháu?
 
Cụ Rùa (CR): Chẳng qua là nước Hồ Gươm ô nhiễm, bốc mùi quá ta không thở được, cộng thêm các vết thương trên long thể  ngày càng lở loét, lan rộng và nhức nhối… khiến ta không chịu không thấu mà nổi lên đó thôi, chẳng có điềm gì đâu. Ờ …ờ…nếu có thì đó là điềm: Nếu tình hình không được cải thiện cấp bách thì ta sẽ chết..non mất thôi.
 
PV: Xin Cụ yên tâm, mọi người đang hội thảo bàn cách để chữa trị cho Cụ và xử lý ô nhiễm môi trường nước Hồ Gươm đó ạ.
 
CR: Ta biết và ta nóng lòng cập nhật tất cả những thông tin đó với sự quan tâm sâu sắc. Công luận đã báo động cách đây lâu rồi rồi về tình trạng khó ở của ta và ô nhiễm trầm trọng nước Hồ Gươm, thế mà mãi đến ngày 15/2, Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội mới tổ chức một cuộc hội thảo về bàn cách cứu Cụ Rùa (tức là ta đấy). Hội thảo này hoành tráng lắm, hội tụ đủ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên có mỗi việc đưa ta lên cạn để chữa trị vết thương hay cứ để ta dưới nước thì hội thảo này đã chia làm hai phe tranh cãi om xòm, không thống nhất được. Kết quả là cho tới nay UBND TP Hà Nội vẫn chưa “quyết” được giải pháp nào. Có một điều hài hước là tại hội thảo ngày 15/2, một chuyên gia khả kính đã đưa ra giải pháp chữa vết thương và nấm cho ta bằng cách rắc thức ăn có trộn lẫn kháng sinh thảo dược, đặc biệt là bột Tam Thất  xuống Hồ Gươm. Trời đất, Hồ Gươm mênh mông như vậy, biết ta ở đâu mà rắc. Mà rắc đại xuống hồ thì biết bao nhiêu tấn thức ăn cho vừa, chưa kể thức ăn này còn góp phần gây ô nhiễm thêm nước nữa. Rồi thay vì bàn biện pháp chữa trị cho ta thì hội thảo lại sa đà vào việc tranh luận giới tính của ta và Hồ Gươm có bao nhiêu cụ rùa ? Điều này khiến ta ngạc nhiên: Bao nhiêu giáo sư tiến sĩ, bao nhiêu “kinh phí nhà nước” đổ vào nghiên cứu về ta và Hồ Gươm, thế mà một điều đơn giản như vậy cũng không thể xác định được ?  Thậm chí trong hội thảo, khi được hỏi thức ăn của rùa là gì thì nhiều người lắc đầu không biết (?) Thật tào lao hết chỗ nói. 
 
PV: Thưa cụ công luận đang đặt nhiều hy vọng vào việc UBND TP Hà nội ban hành quyết định số 807/QĐ-UBND, ngày 17/2/2011, về việc thành lập Ban chỉ đạo Khẩn cấp bảo vệ rùa hồ Gươm (Ban chỉ đạo có 9 thành viên và do ông Phó chủ tịch UBND TP Hà nội làm trưởng Ban).
 
CR: Ta cũng hy vọng rằng tình hình sẽ thay đổi nhanh hơn khi hiện hữu Ban chỉ đạo này. Thực tế nhiêu khê lắm! Ngày 21 tháng 2 vừa qua UBND TP Hà Nội lại họp về việc xác định phương án đưa ta lên khu vực Tháp rùa nằm giữa Hồ Gươm để chữa trị bệnh. Nhưng đến đây lại nảy sinh vấn đề làm sao để “tóm” được ta thì mọi người chưa lại chưa đưa ra được biện pháp nào khả thi nên cuộc họp lại rơi vào bế tắc. Ngày mai (25/2) UBND TP Hà nội có thể sẽ lại họp để bàn về vấn đề này nhưng có đưa ra được giải pháp nào để cứu ta không thì chính ta cũng hoài nghi lắm! Sự lúng túng, không chuyên nghiệp trước sự việc của ta và Hồ Gươm thêm một lần nữa cho thấy việc ứng phó với các biến cố xã hội của các cơ quan chức năng hiện nay rõ ràng còn nhiều bất cập như thế nào.
 
PV: Xin Cụ cho vài lời khuyên ạ.
 
CR: Ta giờ đang thập tử nhất sinh trên giường bệnh, thế mà các nhà quản lý, các cơ quan chức năng, các chuyên gia ngồi quanh cứ mải miết hội nghị, hội thảo bàn luận chữa trị ta như thế nào để rồi cuối cùng chẳng ai làm gì cả. Ta tâm đắc với thông điệp mà báo Tầm Nhìn đã đưa ra: Đừng đứng trên bờ nói suông nữa mà hãy lội ngay xuống Hồ Gươm để cứu Cụ Rùa.
Vấn đề đơn giản và cấp bách là hãy đưa ngay ta lên bờ để chữa bệnh. Trong khi đó cần phải triển khai không chậm trễ các giải pháp đồng bộ về cải tạo môi trường nước Hồ Gươm. Ồ có lẽ… hai cái này có lẽ cần phải hội thảo thêm!
 
Trong nhiều lần nổi lên mặt nước, ý ta cũng muốn chuyển cho cộng đồng thông điệp: Chữa bệnh cho ta không quan trọng bằng chữa bệnh… rùa trong não trạng một số cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
 
Ngọc Dũng