"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 24. Februar 2011

10,000 lao động Việt Nam kẹt ở Libya


Hà Tường Cát & Khôi Nguyên/Người Việt



Có thể nhờ Trung Quốc sơ tán bằng máy bay quân sự


LIBYA
- Có khoảng 10,000 người Việt Nam ở Libya, hầu hết là công nhân, thường được gọi là “lao động xuất khẩu,” làm việc trong ngành xây dựng, cho đến nay chưa biết sẽ rời khỏi quốc gia đang trong tình thế hết sức bất ổn này hay không, và nếu có thì bằng phương tiện gì.

Di tản toàn bộ, 'nếu cần'

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt về vấn đề này, chiều Thứ Tư, Phó Phòng Thông Tin Tuyên Truyền của Cục Quản Lý Lao Ðộng Ngoài Nước, thuộc Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, cho biết: “Hiện đã có các phương án trình chính phủ, nhưng phải đợi cấp trên chọn phương án nào tối ưu nhất.”


Bà này, yêu cầu không nêu tên, nói thêm rằng, chủ trương của phía Việt Nam là sẽ đưa toàn bộ người lao động về nước khi cần.


Trước tin tức nói rằng, Việt Nam sẽ nhờ Trung Quốc di tản lao động Việt Nam theo các lao động Trung Quốc, bà phó phòng Thông Tin cho biết: “Không chỉ Trung Quốc, mà Việt Nam sẽ phối hợp với nhiều quốc gia khác có người lao động tại Lybia như Thổ Nhĩ Kỳ, Áo, Brazil ra khỏi Libya để đến các nước láng giềng.”


Sự kiện này được công khai nêu ra lần đầu tiên trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại Giao Việt Nam ở Hà Nội ngày Thứ Ba, 22 tháng 2. Khi được hỏi: “Việt Nam có phản ứng như thế nào trước tình hình ở Libya và đã có những biện pháp gì để bảo vệ công dân của nước mình tại đây,” phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga trả lời: “Chúng tôi quan tâm với những diễn biến hiện nay ở Libya và hy vọng là tình hình sớm ổn định.”


Người nước ngòai chờ đợi tại phi cảng Tripoli để rời khỏi Libya.
Bà Nga cũng cho biết, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã chỉ thị cho tòa đại sứ ở Tripoli theo dõi chặt chẽ biến chuyển và liên hệ với các cơ quan thẩm quyền để có những biện pháp thích đáng bảo vệ an toàn cho công nhân và công dân Việt Nam tại Libya.

Ba quốc gia Ðông Nam Á có nhiều công nhân làm việc tại Libya là Philippines (30,000), Thái Lan (23,000), Việt Nam (10,000). Cả ba đều chưa đề ra kế hoạch gì cụ thể cho tình trạng của những người này, mà lý do chính là không sẵn sàng phương tiện. Vì vậy cho đến nay mới chỉ có những lời khuyến cáo “không nên ra đường, tránh những nơi xảy ra lộn xộn, và chờ đợi được giải quyết.”


Khoảng 1.7 triệu công dân thuộc 20 nước ngoài, sống và làm việc ở Libya, nhiều nhất là Ai Cập ước lượng chừng 1.5 triệu. Ðã và đang có một số dân Ai Cập, Tunisia rời khỏi Libya bằng đường bộ qua biên giới. Những nước khác bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Tây Phương đều đã có kế hoạch đưa máy bay và tàu đến di tản kiều dân của họ.


“Chúng tôi thông tin về trong nước để những cơ quan có trách nhiệm làm việc với các công ty đưa lao động sang bên này, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ chi tiết cho gia đình về tình hình Libya và cách xử lý của Việt Nam,” ông Ðào Duy Tiến, đại sứ Việt Nam ở Libya, nói với phóng viên BBC. Ông cũng cho hay: “Hiện chưa có tin người Việt nào thiệt mạng hay bị thương.” Cũng theo BBC, Cục Quản Lý Lao Ðộng Ngoài Nước thuộc bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội đã có cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để bàn cách đối phó nếu như tình hình tiếp tục bất ổn. Hiện nay cơ quan quản lý lao động đã đã ra quyết định tạm thời ngưng đưa người đã hoàn tất thủ tục sang thị trường Libya.



Di tản 'theo Trung Quốc'



Trang mạng của báo Người Lao Ðộng ở Hà Nội cho biết khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam có lao động đưa sang làm việc ở Libya, bao gồm những doanh nghiệp lớn như Vinaconexmec, Airseco, Sona, TTLC, ông Nguyễn Xuân Vui, tổng giám đốc Airseco nói rằng: “Bên cạnh thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các đối tác, chủ sử dụng lao động, trong việc bảo đảm an toàn, quyền lợi và phối hợp giải quyết rủi ro nếu có cho người lao động.”


Dân Thổ Nhĩ Kỳ di tản từ Libya đến cảng Mamaris,bờ biển Địa Trung Hải.( Hình: STR/AFP/Getty Images)
Phần đông lao động Việt Nam sang Libya làm trong lãnh vực xây dựng trong đó có cả các thợ điện, tài xế xe nâng, máy xúc, đốc công, kỹ sư, y tá, bác sĩ và thông dịch viên. Mức lương cơ bản từ US$220/tháng với lao động phổ thông cho tới US$1,000 với cấp kỹ sư. Theo công ty Sovilaco nếu chịu làm thêm giờ thu nhập bình quân của họ khoảng US$400/tháng tới US$1,500/tháng tùy theo hạng.

Cũng theo báo Người Lao Ðộng, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Libya từ năm 2007, hiện nay có khoảng 10,000 người trong đó 5,242 mới sang trong năm 2010. Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội đã coi Libya là một thị trường điểm để mỗi năm sẽ đưa 5,000 đến 7,000 người sang đây làm việc. Tuy nhiên với tình thế hiện nay kế hoạch đưa 7,000 người đi trong năm nay đã tạm ngưng và có lẽ khó thực hiện được.


Theo lời ông Vui: “Airseco cập nhật tin tức thường xuyên, có thể nói là hàng giờ với chủ xây dựng là một tập đoàn Trung Quốc ở Libya.” Ông cho hay hai điều lo ngại chính là phương án sơ tán công nhân khi cần thiết và bảo đảm lương thực thực phẩm dự trữ cho họ. Về lương thực chủ xây dựng đã mang từ Trung Quốc qua để cung cấp cho công nhân hiện đang trú trong một nhà nghỉ và không đi làm.


Mô tả kế hoạch sơ tán, ông Vui nói: “Về di chuyển thì hai bên đã thỏa thuận là nếu hai thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc đồng ý cho lệnh sơ tán toàn bộ công nhân về nước thì Trung Quốc sẽ mang máy bay quân sự sang chở cả công nhân Trung Quốc và công nhân Việt Nam đi. Có thể đưa về Trung Quốc rồi từ đó về Việt Nam. Cũng có thể chở bằng tàu qua Ðịa Trung Hải đến Hy Lạp rồi từ đó về Việt Nam.”


Trung Quốc có 30,000 người làm việc ở Libya. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Ba đã xác nhận là có “một số công dân Trung Quốc bị thương trong biến động và cơ sở kinh doanh, tài sản, của một số doanh nghiệp Trung Quốc bị phá hoại.” Trang mạng Sina.com cho hay: “Một số tay súng không rõ danh tính đã vào khu xây cất tại thành phố Ðông Bắc Libya là Ajdabiya vào tối Chủ Nhật và cướp phá máy móc, đồ đạc.” Ðây là cơ sở của công ty Huafeng có khoảng 1,000 người Trung Quốc và những công nhân này bị nhóm vũ trang đuổi ra. Không rõ trong số này có công nhân Việt Nam hay không vì người nước ngoài có thể khó phân biệt ai là người Hoa, ai là người Việt. Tuy thế, Trung Quốc chưa ra lệnh di tản công dân của họ khỏi Libya nhưng đã sẵn sàng đưa tàu đến ngoài khơi và chuẩn bị các máy bay vận tải.


Bản tin thông tấn xã Reuters hôm Thứ Tư nói rằng tất cả mọi quốc gia có công dân ở Libya đang gấp rút tiến hành di tản người của mình về nước. Thổ Nhĩ Kỳ có 25,000 người đã tổ chức chiến dịch di tản lớn nhất trong lịch sử nước họ bằng chiến hạm và máy bay vận tải quân sự cũng như dân sự. 21 chính phủ quốc gia khác đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trợ lực, theo lời Bộ Trưởng Ngoại Giao Ahmet Davutoglu.


Công ty xây dựng TAV của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya nói rằng đã liên hệ với các đối tác để giải quyết việc đưa 3,000 công nhân Thái Lan và Việt Nam làm việc cho họ ra khỏi Libya. Những tàu dân sự của Hy Lạp cũng đã đến bờ biển Libya để chở khoảng 15,000 dân Trung Quốc và Âu Châu về đảo Crete giữa Ðịa Trung Hải trước khi hồi hương bằng các phương tiện khác. Nhưng trong tình trạng rối loạn có một điều kiện phức tạp nữa là nhiều máy bay đã không xin được phép đáp xuống cũng như cất cánh từ hai phi trường chính ở Libya.